Top 5 danh tướng lỗi lạc của Việt Nam được thế giới ghi nhận

  1. Top 1 Ngô Quyền
  2. Top 2 Lý Thường Kiệt
  3. Top 3 Trần Hưng Đạo
  4. Top 4 Quang Trung - Nguyễn Huệ
  5. Top 5 Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Top 5 danh tướng lỗi lạc của Việt Nam được thế giới ghi nhận

Hà Ken 5647 0 Báo lỗi

Sắp đến ngày Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày vinh danh những người bảo vệ hoà bình cho đất nước làm chúng ta lại nhớ đến công lao của những anh hùng dân tộc. ... xem thêm...

  1. Chiến thắng Bạch Đằng đập tan quân Nam Hán đánh dấu đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Bởi vậy, Ngô Quyền được giới sử gia xếp là “vua đứng đầu các vua” của nước Việt.

    Ngô Quyền sinh ra ở châu Đường Lâm. Ông còn được biết đến với tên gọi Tiền Ngô Vương, là vị vua đầu tiên của nhà Ngô trong lịch sử Việt Nam. Năm 937 Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn sát hại, Ngô Quyền đem quân ra đánh. Công Tiễn sợ hãi, cho người sang cầu cứu nhà Nam Hán. Năm 938, Ngô Quyền đem quân ra đánh chiếm thành Đại La, giết chết Kiều Công Tiễn.

    Sau khi nhận lời cầu cứu từ Kiều Công Tiễn, vua Nam Hán là Lưu Cung nhận thấy đây là cơ hội tốt để xâm chiếm nước ta lần nữa và cũng để trả thù cho lần thất bại mấy năm trước. Y bèn sai con trai là Hoằng Tháo (trao tước là Giao Vương) đem quân sang hòng cướp nước ta. Vua Hán đóng quân ở Hải Môn sẵn sàng tiếp ứng cho con trai khi cần.

    Về phía Ngô Quyền, sau khi trừ khử Kiều Công Tiễn, nghe tin đại quân của Hoằng Tháo sắp tấn công bằng đường thủy, ông bèn họp bàn các tướng lĩnh để bày mưu phá giặc. Là người thông minh lại nắm rõ quy luật lên xuống của thủy triều trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền nhận định: “Hoằng Tháo là đứa trẻ từ xa đến, quân lính mệt mỏi, lại nghe Kiều Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng nên mất vía trước rồi. Quân ta sức còn mạnh, địch với quân mỏi mệt tất phá được".

    Sông Bạch Đằng là cửa ngõ giao thông quan trọng phía đông bắc từ biển Đông vào đất Việt. Theo cửa Nam Triệu vào Bạch Đằng, địch có thể ngược lên và tiến đến thành Cổ Loa hoặc thành Đại La hoàn toàn bằng đường sông. Trong khi đó, thủy triều lên từ nửa đêm về sáng, cửa biển rộng mênh mông, nước trải rộng ra hai bên bờ đến hơn 2 km. Đến gần trưa, triều rút mạnh, chảy ra rất nhanh. Như vậy, kế hoạch và việc lựa chọn chiến trường cho trận huyết chiến đã được quyết định là sông Bạch Đằng. Trận đánh chính sẽ diễn ra ở phía trong bãi cọc. Bấy giờ vào cuối năm 938, trời rét, mưa dầm dề nhiều ngày. Quân và dân ta lặn lội mưa rét ngày đêm vận chuyển gỗ, dựng cọc. Hàng nghìn cây gỗ lim, sến, đầu được vạt nhọn và bịt sắt được đem về đây cắm xuống thành những hàng dài chắc chắn, đầu cọc hướng chếch về phía nguồn. Trong khoảng hơn một tháng thì mọi việc hoàn thành. Theo dự kiến, Dương Tam Kha (con của Dương Đình Nghệ) chỉ huy đội quân bên tả ngạn, Ngô Xương Ngập (con trai cả của Ngô Quyền) và Đỗ Cảnh Thạc chỉ huy đội quân bộ bên hữu ngạn, mai phục sẵn, phối hợp thủy quân đánh tạt sườn đội hình quân địch, sẵn sàng diệt nếu địch chạy lên bờ.

    Từ cửa biển ngược lên phía trên không xa, một đạo thủy quân mạnh phục sẵn do chính Ngô Quyền chỉ huy chặn ngay đường tiến lên của địch, chờ khi nước xuống sẽ đánh lại. Trận địa bố trí vừa xong thì binh thuyền Nam Hán kéo đến. Quân ta đợi lúc nước triều cường, đem đội khinh thuyền ra cửa sông khiêu chiến rồi giả thua chạy. Hoằng Tháo quả nhiên mắc mưu, thúc quân chèo thuyền, lũ lượt tiến qua bãi cọc đi sâu vào trong sông. Cầm cự đến lúc triều xuống, rừng cọc gỗ lim nhô đầu nhọn lên mặt nước. Thuyền Nam Hán bị trúng cọc bọc sắt, đua nhau chìm, lật. Bấy giờ, Ngô Quyền mới dốc tổng lực ra đánh. Quân Nam Hán hỗn loạn, mười phần thì chết chìm hoặc bị quân ta giết đến 6, 7 phần. Tướng giặc là Lưu Hoằng Tháo bị giết tại trận.

    Trận đánh chỉ diễn ra trong chưa đầy một ngày, không chỉ phá tan trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo mà còn chôn vùi vĩnh viễn tham vọng xâm chiếm nước ta của nhà Nam Hán. Sách sử chép: “Vua Hán thương khóc, thu nhặt quân còn sót mà rút lui". Ca ngợi chiến công của Ngô Quyền, sử gia Lê Văn Hưu viết: "Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới hợp của đất Việt ta mà phá được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Thao, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám sang nữa. Có thể nói, một cơn giận mà yên dân được, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy".
    Mùa xuân năm 939, Ngô Quyền tự xưng Vương, chọn kinh đô là Cổ Loa, mở ra thời kỳ độc lập và chấm dứt nghìn năm Bắc thuộc. Ông trị vì được 6 năm thì mất.
    Ngô Quyền - vị Vua trí dũng song toàn
    Ngô Quyền - vị Vua trí dũng song toàn

  2. Lý Thường Kiệt là bậc đại danh tướng, là linh hồn của những chiến công lớn nhất lịch sử nước nhà trong thế kỷ thứ XI. Tên tuổi danh tướng Lý Thường Kiệt gắn với chiến thắng của cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ hai của quân dân Đại Việt và bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta.

    Lý Thường Kiệt (1019-1105) tên thật Ngô Tuấn, tự Thường Kiệt. Ông sinh ra trong gia đình danh tướng, cha là Sùng Tiết tướng quân Ngô An Ngữ. Theo Phả hệ họ Ngô Việt Nam, Lý Thường Kiệt là hậu duệ của Thiên Sách vương Ngô Xương Ngập - con trưởng của Ngô Quyền.

    Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Lý Thường Kiệt có công giữ yên biên giới, mở mang bờ cõi cho nước Đại Việt. Lý Thường Kiệt là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đem quân sang Bắc phạt. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Tống năm 1075-1077, Lý Thường Kiệt đóng vai trò vô cùng quan trọng. Ông trực tiếp tổ chức và lãnh đạo quân dân chống lại giặc ngoại xâm. Trong cuộc kháng chiến này, ông bộc lộ rõ tài năng quân sự xuất chúng. Năm 1075, nghe tin nhà Tống ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta, Lý Thường Kiệt bèn tâu với vua Lý Nhân Tông: “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân đánh trước, chặn thế mạnh của giặc”.

    Đến tháng 3/1076, quân nhà Lý triệt hạ ba căn cứ lớn của quân Tống là Ung Châu, Khâm Châu và Liêm Châu, thực hiện kế hoạch phá hủy quân lương, buộc nhà Tống phải hoãn kế hoạch tiến đánh nước ta. Lý Thường Kiệt chủ trương kết hợp hai cách đánh tiến công và phòng thủ nên sau thắng lợi ban đầu, ông ra lệnh rút quân về nước, xây dựng các lớp phòng ngự, sẵn sàng nghênh địch. Lý Thường Kiệt quyết định dựa vào sông núi, các đèo hiểm trở, các sông rộng và sâu để xây dựng tuyến phòng thủ trên đường bộ lẫn đường thủy. Trong đó, phòng thủ sông Như Nguyệt là tuyến chủ lực. Các trận đánh ở đây cũng mang lại thắng lợi toàn cục cho quân dân Đại Việt.

    Tương truyền, trong trận Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt soạn thảo Nam Quốc sơn hà rồi sai người đọc nó vào mỗi đêm. Lời lẽ đanh thép của bài thơ khiến tinh thần quân Tống càng thêm hoảng loạn, nhanh chóng rệu rã. Sau này, Nam Quốc sơn hà được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta.

    Non sông sạch bóng quân thù. Lúc này vua mới 12 tuổi. Lý Thường Kiệt lại tiếp tục gánh trách nhiệm lớn của triều đình trong công cuộc xây dựng đất nước, chăm lo đời sống nhân dân. Ông đã cho tu bổ đê điều, đường sá, đình chùa hư hỏng trong chiến tranh và tiến hành nhiều biện pháp nhằm cải tổ bộ máy hành chính trong toàn quốc.

    Năm 1082, ông thôi chức Tể tướng và được cử về trị nhậm trấn Thanh Hóa. Làm việc ở đây suốt 19 năm trời, đến năm 1101 thì vua Lý Nhân Tông lại mời ông trở lại về triều giữ lại chức Tể tướng. Lúc này ông đã 82 tuổi. Già rồi, nhưng ông vẫn tình nguyện cầm quân đi đánh giặc Lý Giác ở Diễn Châu (năm 1103), dẹp giặc Chiêm Thành quấy nhiễu ở Bố Chính (năm 1104). Ông còn tổ chức lại quân đội, duyệt đổi lại các đơn vị từ cấm binh đến dân quân.

    Tháng 6 năm Ất Dậu (1105), Thái úy Lý Thường Kiệt mất, thọ 86 tuổi. Lý Nhân Tông ban cho ông chức Nhập nội điện đô tri kiểm hiệu thái úy bình chương quân quốc trọng sự, tước Việt quốc công, thực ấp một vạn hộ, cho người em là Lý Thường Hiến được kế phong tước hầu.
    Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt) được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam
    Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt) được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt Nam
  3. Nếu người Trung Hoa thường nhắc về một Gia Cát Khổng Minh trung trinh tiết liệt một đời, “cúc cung tận tụỵ, đến chết mới thôi”, một lòng phò tá nhà Thục Hán thì người Việt cũng có lý do để tự hào với Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn cả đời thờ 3 đời vua Trần (Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông). Ông chính là biểu tượng của trung nghĩa, là người đặt định ra nội hàm của chữ “Trung” trong cổ sử Việt Nam.

    Ông tên thật là Trần Quốc Tuấn (1228 - 1300), là con trai của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu vua Trần Thái Tông, quê làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Hà Nam Ninh (nay thuộc tỉnh Nam Định). Cuộc đời Trần Quốc Tuấn, một trong những tướng soái kiệt xuất trong lịch sử nhân loại, dạy người trẻ ngày nay sống rộng lượng, hợp lẽ phải, không chạy theo lối sống hưởng thụ.
    "Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa được xả thịt, lột da, nuốt gan, uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng".

    Đây có thể coi là một trong những câu nói nổi tiếng nhất của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn – vị tướng soái kiệt xuất bậc nhất trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, nó chưa thể lột tả hết con người bậc đại nhân, đại trí, đại dũng ấy. Sử sách không ghi rõ năm ông trở thành võ quan. Song những đóng góp của ông cho lịch sử nước nhà xứng đáng được người đời truyền tụng khi ông 3 lần lãnh đạo quân dân nhà Trần chiến thắng đội quân hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ.

    Năm 1257, quân Mông Cổ xâm lược nước ta, vua Trần Thái Tông lệnh các tướng đem quân ngăn giữ biên giới phía bắc theo sự tiết chế của Trần Hưng Đạo. Bằng tài cầm quân và dùng người kiệt xuất, ông dẫn dắt binh lính đập tan cuộc tiến công của quân Mông, buộc họ phải rút lui.

    Năm 1285, quân Nguyên Mông ào ạt tấn công xuống phía nam. Quân Trần thất bại, tổn thất nặng nề. Một lần nữa, Trần Quốc Tuấn cho thấy tài năng quân sự khi thi hành kế vườn không nhà trống, rút quân bảo toàn lực lượng trước khi tổng phản công, giành thắng lợi quyết định.

    Ở lần Nguyên Mông xâm lược thứ ba, Hưng Đạo vương nhận định “năm nay đánh giặc nhàn” và dễ dàng dẫn dắt quân dân nhà Trần đánh lui đế quốc hùng mạnh này.

    Sau này, Trần Quốc Tuấn lui về Vạn Kiếp (Hải Dương) ở ẩn nhưng vẫn sẵn sàng hiến kế giữ nước, san sẻ nỗi lo với vua Trần. Ông được coi là một trong tứ bất tử của Việt Nam, cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp được bình chọn là hai trong mười vị tướng soái kiệt xuất thế giới.
    Trần Hưng Đạo - vị tướng kiệt xuất của nhân loại
    Trần Hưng Đạo - vị tướng kiệt xuất của nhân loại
  4. Người anh hùng áo vải đã đánh đổ cả hai tập đoàn thống trị phản động ở Đàng Trong và Đàng Ngoài, người đã lập nên những chiến công hiển hách chống quân xâm lược Xiêm và Mãn Thanh, thực hiện được khát vọng thống nhất đất nước của dân tộc vào cuối thế kỷ thứ 18 đó là Quang Trung - Nguyễn Huệ (1753 – 1792). Đó là một người xuất thân trong một gia đình tầm thường, sống trong ấp Tây Sơn hẻo lánh thuộc tỉnh Qui Nhơn. Trình độ học vấn rất khiêm tốn. Kiến thức quân sự hoàn toàn vắng bóng.

    Gọi Nguyễn Huệ là một Thiên Tướng vì tính phi phàm của ông. Năm 1771 ông mới 18 tuổi nhưng đã chỉ huy một toán quân ô hợp, vũ khí thô sơ và đã biến toán quân ô hợp đó thành một đạo quân thiện chiến và bất bại suốt đời binh nghiệp của ông. Một thanh niên 18 tuổi, nếu không có khả năng và thuật chỉ huy hay lãnh đạo thực sự, thì không thể nào điều khiển đám người ô hợp như vậy dễ dàng để có những thành tích vẻ vang được. Trong hoạt động quân sự, ông chủ động tập trung lực lượng đánh vào những mục tiêu chiến lược trọng yếu nhất và hành động liên tục, bất ngờ, chớp nhoáng, quyết liệt làm cho đối phương không kịp đối phó.

    Nguyễn Huệ còn là nhà chính trị sáng suốt. Từ mục tiêu trước mắt của phong trào nông dân là đánh đổ chế độ áp bức Trịnh - Nguyễn, Nguyễn Huệ đã vươn lên nhận thức được nhiệm vụ dân tộc là thống nhất đất nước và đánh đuổi ngoại xâm.

    Thành công của Nguyễn Huệ về chính trị còn ở việc ông được nhân tài trong nước ủng hộ. Về võ tướng có Trần Quang Diệu, Vũ Văn Dũng, Đặng Tiến Đông, Ngô Văn Sở... Ra Thăng Long, Nguyễn Huệ thu phục được Ngô Thì Nhậm, Phan Huy ích, Nguyễn Thế Lịch, Đoàn Nguyễn Tuấn, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp... là những kẻ sĩ đất Bắc chí có thực tài, biết thời thế. Ở Phú Xuân, Nguyễn Huệ được sự cộng tác hết ḷòng của Trần Văn Kỳ, một bậc danh sĩ nổi tiếng ở đất Đàng Trong, người có công lớn giúp Nguyễn Huệ tổ chức bộ máy cai trị và giới thiệu cho Nguyễn Huệ những nhân tài trong nước.

    Trong 17 năm hoạt động sôi nổi, liên tục, khởi nghĩa Tây Sơn đã thu được nhiều thắng lợi rực rỡ, lập nên những công lao hiển hách:
    • Lật đổ các chính quyền phong kiến phản động Nguyễn - Trịnh - Lê.
    • Xoá bỏ sự chia cắt đất nước, bước đầu lập lại nền thống nhất quốc gia.
    • Đánh tan các cuộc xâm lược của Xiêm, Thanh, bảo vệ được nền độc lập và lãnh thổ của Tổ quốc.
    Có được thắng lợi trên, trước hết là do sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Nỗi bất bình cao độ, ý chí đấu tranh chống áp bức bóc lột và tinh thần yêu nước cao cả đã thôi thúc nhân dân ta vùng lên chống chính quyền phong kiến phản động trong nước và quân xâm lược hung bạo. Tiêu biểu nhất là sự gia nhập nghĩa quân của các tầng lớp nhân dân, các địa phương trong nước. Đây là sức mạnh vô địch lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.

    Trong đó, không thể phủ nhận vai trò lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Quang Trung và bộ chỉ huy nghĩa quân. Quang Trung đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước của nhân dân, ý chí quyết chiến quyết thắng của quân sĩ. Trong cuộc đấu tranh chống các tập đoàn Nguyễn - Trịnh - Lê, các thủ lĩnh Tây Sơn đã có những hoạt động phù hợp với mong muốn của dân nghèo, có những đường lối chiến lược, chiến thuật đấu tranh đúng đắn tập hợp được các tầng lớp xã hội. Trong cuộc kháng chiến chống Xiêm, chống Thanh, Quang Trung đã phát huy lòng dũng cảm của quân lính, nắm vững thời cơ, lợi dụng được nhược điểm của giặc. Từ đó, ông đã chủ động mở những trận quyết chiến nhanh chóng, bất ngờ khiến cho quân địch không kịp đối phó.

    Quang Trung là lãnh tụ nông dân kiệt xuất, là nhà quân sự, chính trị thiên tài. Là anh hùng dân tộc vĩ đại của nhân dân ta trong thế kỉ XVI, góp phần, mở đầu cho việc thống nhất lại đất nước sau hơn 200 năm chia cắt.
    Quang Trung - Nhà quân sự, chính trị, lãnh tụ nông dân kiệt xuất
    Quang Trung - Nhà quân sự, chính trị, lãnh tụ nông dân kiệt xuất
  5. Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/08/1911, ở làng An Xá, xã Lộc Thủy , huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho, con của ông Võ Quang Nghiêm (Võ Nguyên Thân), một nhà nho đức độ và mẹ là bà Nguyễn Thị Kiên.

    Tướng Giáp được coi là vị tướng của nhiều cái nhất.
    • Là vị đại tướng duy nhất trong lịch sử nhân loại không được đào tạo tại bất kỳ trường quân sự nào, không phải trải qua các cấp bậc quân hàm trong quân đội. Ông được phong quân hàm Đại tướng vào ngày 28/5/1948 và trở thành Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam khi 37 tuổi. Sau này, Hồ Chủ tịch giải thích: "Đánh thắng đại tá phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng phong thiếu tướng, thắng trung tướng phong trung tướng, thắng đại tướng phong đại tướng".

    • Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng là vị Tổng tư lệnh quân đội đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam. Sau năm 1975, trước bối cảnh mới, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam giải thể nên cũng không còn chức vụ Tổng tư lệnh.

    • Theo nhà sử học Mỹ Cecil Curay, “Tướng Giáp là vị tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại tiến hành chiến đấu chống kẻ thù từ tình thế vô cùng yếu, thiếu trang bị, thiếu nguồn tài chính, dù mới đầu trong tay chưa có quân, vậy mà liên tiếp đánh bại tàn quân của đế chế Nhật Bản, quân đội Pháp (một đế chế thực dân số 2) và quân đội Mỹ (một trong hai siêu cường thế giới)... Tướng Giáp là chuyên gia hiện hữu vĩ đại nhất về chiến tranh nhân dân..., là một vị tướng hậu cần vĩ đại của mọi thời đại”.

    • Theo GS sử học Lê Văn Lan, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị Thánh tướng duy nhất mà dân tộc Việt Nam đã sản sinh ra trong gần 800 năm, kể từ sau vị Thánh tướng đầu tiên là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

    • Qua đời ở tuổi 103, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng có tuổi thọ cao nhất từng được biết đến trong lịch sử quân sự thế giới. Nhưng đối với nhân dân Việt Nam, ông mãi mãi là một vị tướng bất tử.
    Tướng Giáp - người học trò xuất sắc nhất của chủ tịch Hồ Chí Minh
    Tướng Giáp - người học trò xuất sắc nhất của chủ tịch Hồ Chí Minh



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy