Top 8 Đất nước hòa bình nhất thế giới
Hiện nay, tình hình bạo động, bất ổn chính trị, khủng bố, bạo lực đang trở thành một vấn đề nóng bỏng trên thế giới. Trong chúng ta, chắc hẳn ai cũng muốn sống ... xem thêm...hoặc du lịch đến những đất nước hòa bình, không có chiến tranh, bạo lực, nguy hiểm. Vậy đâu là đất nước hòa bình nhất thế giới? Hằng năm, Học viện kinh tế và hòa bình đều đưa ra chỉ số hòa bình toàn cầu (GPI) để đánh giá mức độ hòa bình của 162 quốc gia khác nhau. Chỉ số này dựa trên nhiều yếu tố như mức độ bạo lực, quan hệ với các nước láng giềng, mức độ tham gia vào chiến tranh, đóng góp vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc... Chỉ số GPI càng thấp thì chứng tỏ nước đó càng hòa bình. Hãy cùng điểm qua top những quốc gia hòa bình nhất thế giới nhé!
-
Iceland
Iceland là một quốc đảo thuộc khu vực châu Âu theo thể chế cộng hòa đại nghị. Iceland nằm giáp vòng Cực Bắc nên có khí hậu rất lạnh giá. Tuy nhiên đất nước này lại nằm trên vành đai núi lửa Đại Tây Dương, nên có rất nhiều núi lửa, suối nước nóng và nguồn địa nhiệt khổng lồ. Iceland cũng có rất nhiều sông băng. Nhờ có dòng hải lưu Gulf Stream chảy gần bên, khí hậu Iceland được ôn hòa hơn đôi chút. Iceland còn được gọi với biệt danh là "Vùng đất lửa và băng".
Lịch sử của Iceland bắt đầu vào năm 874, khi 1 thuyền trưởng người Na Uy tên là Ingólfur Arnarson đến định cư ở hòn đảo này. Trong thế kỷ tiếp theo, người Na Uy và người Celt đã đến sinh sống tại Iceland. Đất nước này là một phần của Na Uy và Đan Mạch từ 1262-1944.
Sau khi giành được độc lập, nền kinh tế quốc gia này đã phát triển mạnh mẽ, cùng với hệ thống phúc lợi xã hội vào hàng tốt nhất thế giới. Đất nước này xếp thứ 5 thế giới về thu nhập bình quân đầu người, và thứ nhất thế giới về chỉ số phát triển con người (HDI). Với nền kinh tế thị trường, Iceland có các ngành dịch vụ, tài chính rất phát triển. Do có nhiều quang cảnh thiên nhiên độc đáo, Iceland đang ngày càng thu hút khách du lịch quốc tế. Iceland là một thành viên của các tổ chức như Liên hiệp quốc, NATO, EFTA, EEA, OECD nhưng không tham gia Liên minh châu Âu.
-
New Zealand
New Zealand là một đảo quốc tại khu vực tây nam của Thái Bình Dương. Trên phương diện địa lý, New Zealand bao gồm hai đại lục chính là đảo Bắc và đảo Nam, cùng khoảng 600 đảo nhỏ.
New Zealand nằm cách khoảng 2000 km về phía đông của Úc qua biển Tasman và cách khoảng 1.000 km về phía nam của Nouvelle-Calédonie, Fiji, và Tonga. Vì vị trí cách biệt, New Zealand nằm trong số những vùng đất cuối cùng có con người đến định cư. Trong thời gian cô lập kéo dài này, New Zealand duy trì một nền sinh thái đa dạng với nhiều loài đặc hữu của các nhóm động vật, nấm, thực vật. Địa hình đa dạng của đất nước và các đỉnh núi sắc bén như dãy núi Alps ở phía Nam được hình thành từ quá trình tạo núi và các vụ phun trào núi lửa.Thủ đô của New Zealand là Wellington, còn thành phố đông cư dân nhất là Auckland.
Người Polynesia định cư tại New Zealand vào năm 1250–1300 và phát triển văn hóa Maori đặc trưng. Năm 1642, nhà thám hiểm Abel Tasman là người châu Âu đầu tiên tìm thấy New Zealand.[7] Đến năm 1840, người đại diện cho Hoàng gia Vương quốc Anh và Maori ký kết Hiệp định Waitangi, tuyên bố chủ quyền của Đế quốc Anh trên đảo.
New Zealand trở thành một thuộc địa của Đế quốc Anh vào năm 1841 và một Cộng đồng tự trị trong Đế quốc Anh vào năm 1907. New Zealand dành độc lập vào năm 1947, nhưng nguyên thủ quốc gia vẫn sẽ là Quốc vương Anh (Nữ hoàng Elizabeth II). Ngày nay, phần lớn dân số 4,8 triệu của New Zealand có huyết thống châu Âu; người Maori bản địa là dân tộc thiểu số đông dân cư nhất, tiếp đến là người châu Á và người các đảo Thái Bình Dương. Các ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh và ngôn ngữ ký hiệu New Zealand, trong đó tiếng Anh chiếm ưu thế. Ngành xuất khẩu len từng chi phối kinh tế New Zealand, song hiện nay xuất khẩu các sản phẩm bơ sữa, thịt, và rượu vang, cùng với du lịch gia tăng tầm quan trọng.
Là một quốc gia phát triển với mức thu nhập cao, New Zealand xếp hạng cao trên thế giới về nhiều phương diện như chất lượng cuộc sống, y tế, giáo dục, tự do dân sự và tự do kinh tế. GDP bình quân đầu người của New Zealand năm 2019 vượt qua Anh, Pháp và Nhật. New Zealand là quốc gia ít tham nhũng nhất trên thế giới năm 2019 (báo cáo của tổ chức Minh Bạch Quốc tế TI), được tổ chức The Legatum Institute gọi là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất toàn cầu trong nhiều năm liền, xếp thứ 2 trong số những quốc gia bình yên và an toàn nhất, chỉ số phát triển con người (HDI) rất cao, xếp hạng thứ 13 trên toàn cầu năm 2019.
Ngoài ra, chỉ số phát triển xã hội (SPI) xếp thứ 7 trên toàn cầu (2019) và là quốc gia thuận lợi nhất để kinh doanh nhất thế giới năm 2020 (theo báo cáo của Doing Business 2020). New Zealand là một thành viên của Liên Hiệp Quốc, Khối Thịnh vượng chung Anh, ANZUS, OECD, Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương và APEC.
-
Bồ Đào Nha
Bồ Đào Nha là một quốc gia nằm ở phía Tây Nam của khu vực châu Âu, trên bán đảo Iberia, cực Tây của châu Âu lục địa. Bồ Đào Nha giáp với Đại Tây Dương ở phía Tây và phía Nam, giáp Tây Ban Nha ở phía Đông và phía Bắc. Các quần đảo Açores và Madeira ở ngoài khơi Đại Tây Dương cũng thuộc quyền quản lý của Bồ Đào Nha.
Trên lãnh thổ Bồ Đào Nha ngày nay, con người đã có mặt từ thời tiền sử. Các dân tộc cổ đại như người Gallaeci, Lusitania, Celt, Cynete, Phoenicia, Carthage, La Mã cổ đại và những dân tộc German như Suevi, Buri, và Visigoth đã để lại ít nhiều ảnh hưởng đến lịch sử lãnh thổ Bồ Đào Nha ngày nay. Lãnh thổ Bồ Đào Nha lúc đó được sáp nhập vào Đế quốc La Mã thành tỉnh Lusitania. Văn hóa La Mã để lại dấu ấn sâu đậm, nhất là về mặt ngôn ngữ: tiếng Bồ Đào Nha gốc từ tiếng Latinh của người La Mã. Vào thế kỷ thứ V, sau khi Đế quốc La Mã sụp đổ, những bộ tộc German tràn vào xâm chiếm. Sang đầu thế kỷ thứ VIII, người Moor theo đạo Hồi giáo từ Bắc Phi mở cuộc chinh phục Lusitania, chiếm được gần hết bán đảo Iberia, thu phục các tiểu vương quốc German theo đạo Thiên Chúa về một mối.
Những thế kỷ kế tiếp, dân đạo Thiên Chúa cố đánh đuổi người Hồi giáo trong cuộc "Tái chinh phục". Bá quốc Bồ Đào Nha được thành lập và là một phần của Vương quốc Galicia. Vì vương quốc được thành lập, công nhận năm 1143 và có biên giới ổn định năm 1249, Bồ Đào Nha tự nhận là quốc gia dân tộc lâu đời nhất ở châu Âu.
Trong suốt thế kỷ XV và XVI, nhờ thám hiểm hàng hải, Bồ Đào Nha đã thành lập một Đế quốc thực dân quy mô toàn cầu bao gồm những thuộc địa ở châu Phi, châu Á và Nam Mỹ, trở thành một trong những nền kinh tế, chính trị và quân sự hùng mạnh nhất trên thế giới. Năm 1580, Bồ Đào Nha liên minh với Tây Ban Nha tạo thành Liên minh Iberia. Tuy nhiên vào năm 1640, Bồ Đào Nha cũng cố lại chủ quyền và độc lập trong cuộc Chiến tranh phục hồi Bồ Đào Nha, dẫn đến một triều đại mới được thành lập và trở về tình trạng chia tách của hai vương triều và đế quốc.
Năm 1755, một trận động đất mạnh đã xảy ra ở Lisboa gây thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng, người và của cải, sau đó Bồ Đào Nha lần lượt bị Tây Ban Nha và Pháp xâm lược, rồi tiếp tục để mất thuộc địa lớn nhất là Brasil, dẫn đến sự mất ổn định về chính trị, quân sự và tiềm năng kinh tế cũng như sự giảm sút sức mạnh toàn cầu trong suốt thế kỷ XIX. Năm 1910, chế độ quân chủ bị lật đổ, nền cộng hòa được thành lập và sau đó là chế độ độc tài.
Với cuộc Chiến tranh Thực dân Bồ Đào Nha và cuộc đảo chính Cách mạng Hoa cẩm chướng vào năm 1974, nền độc tài bị lật đổ ở Lisboa và Bồ Đào Nha trao trả những thuộc địa hải ngoại cuối cùng (Angola và Mozambique). Việc trao trả Ma Cao cho Trung Quốc vào năm 1999 đánh dấu sự kết thúc một đế quốc thực dân tồn tại lâu nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, Đế quốc Bồ Đào Nha đã để lại nhiều di sản cũng như tầm ảnh hưởng sâu rộng về văn hoá, kiến trúc và ngôn ngữ trên toàn cầu, với trên 250 triệu người nói tiếng Bồ Đào Nha hiện nay.
Nhà nước Bồ Đào Nha hiện đại sở hữu một nền kinh tế tiên tiến với mức thu nhập bình quân đầu người, chỉ số phát triển con người (HDI) và tiêu chuẩn sinh hoạt rất cao. Đây là quốc gia có Chỉ số hòa bình toàn cầu cao thứ 3 trên thế giới vào năm 2016 và là một trong 13 quốc gia bền vững nhất vào năm 2017. Bồ Đào Nha duy trì hình thức chính phủ Cộng hoà bán tổng thống nhất thể, là thành viên sáng lập của NATO, Cộng đồng các quốc gia nói tiếng Bồ Đào Nha và nhiều tổ chức quốc tế khác như Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Khu vực đồng euro, và OECD,...
-
Áo
Áo là một quốc gia không giáp biển nằm tại Trung Âu. Quốc gia này tiếp giáp với Cộng hòa Séc và Đức về phía bắc, Hungary và Slovakia về phía đông, Slovenia và Ý về phía nam, và Thụy Sĩ và Liechtenstein về phía tây. Lãnh thổ của Áo có diện tích 83.879 km2 (32.386 dặm vuông Anh). Địa hình Áo có rất nhiều núi, nằm trong dãy Anpơ; chỉ 32% của quốc gia nằm dưới 500 m (1.640 ft), và điểm cao nhất là 3.798 m (12.461 ft).
Phần lớn dân số nói phương ngữ Bavaria của tiếng Đức làm tiếng bản địa, và tiếng Đức trong dạng tiêu chuẩn là ngôn ngữ chính thức của quốc gia này. Các ngôn ngữ chính thức khác là tiếng Hungaria, tiếng Burgenland Croatia và tiếng Slovenia. Tên gọi của nước Áo trong tiếng Việt bắt nguồn từ tiếng Trung. Tên tiếng Anh của Áo là Austria. Bằng tiếng Trung, Austria phiên âm thành "Ào dì lì" (theo pinyin), chữ Hán viết là "奧地利" (Áo Địa Lợi). Tên gọi "Áo" trong tiếng Việt là gọi tắt của "Áo Địa Lợi".[5] Tên tiếng Đức của Áo là Österreich, có nghĩa là "Đông Quốc" (Öster - East - "Đông", reich - Realm - "Quốc").
Tên tiếng Anh của nước Áo (Austria) dễ gây nhầm lẫn với quốc hiệu của nước Úc (Australia). Do vậy ở Áo có một câu khá phổ biến mà người dân hay nói với du khách là "No kangaroos in Austria" (Không có chuột túi ở Áo). Khoảng 60% nước Áo là đồi núi, gồm một phần của núi Alpen về phía đông. Ở Oberösterreich và Niederösterreich là vùng núi Böhmen chạy dài đến Cộng hoà Séc và Bayern (Đức), ở biên giới phía đông là núi Karpaten. Ngọn núi cao nhất ở Áo là Grossglockner (còn gọi là Großglockner, cao 3.797 m) ở Hohe Tauern. Các đồng bằng lớn nằm về phía đông dọc theo sông Danube, trước hết là vùng Aplenvorland và lưu vực Viên cũng như phía nam vùng Steiermark.
Khí hậu khô dần đi từ tây sang đông và trở thành khí hậu lục địa ở các vùng phía đông và đông nam nước Áo. Mùa đông với nhiều tuyết đã đem lại cho ngành du lịch thêm một mùa thứ hai. Thời gian có ánh nắng mặt trời lâu hơn ở miền bắc nước Đức từ 10 đến 20 phần trăm.
Núi cao nhất của Áo là Großglockner (3.798 m) trong vùng núi Hohe Tauern thuộc dãy núi Anpơ, tiếp theo sau đấy là Wildspitze với 3.774 m và Weißkugel (3.738 m). Địa thế núi non có tầm quan trọng lớn trong du lịch. Áo có rất nhiều vùng du lịch cho các môn thể thao mùa đông và trong mùa hè là cho các môn thể thao như leo núi. -
Đan mạch
Vương quốc Đan Mạch là một quốc gia ở Bắc Âu có dân số chỉ 5,7 triệu người. Đan Mạch là một trong những nước có chế độ quân chủ tiếp nối lâu đời nhất trên thế giới. Nữ hoàng Margrethe là người tiếp nối truyền thống từ thời Viking cách đây hơn 1000 năm.
Đan Mạch sản sinh ra nhiều họa sĩ, nhà văn và thi sĩ nổi tiếng thế giới. Họ lấy cảm hứng từ thiên nhiên và văn hóa của đất nước này. Một trong số đó là Hans Christian Andersen, tác giả những truyện cổ tích như “Nàng tiên cá”, “Vịt con xấu xí”, “Chim họa mi” và vô số truyện khác. Khi đến với đất nước Đan Mạch, bạn có thể thấy được di sản nghệ thuật phong phú, lịch sử hào hùng cùng thiên nhiên hùng vĩ và phong phú khắp mọi nơi, ăn sâu vào nếp sống người dân.
Đan Mạch xếp thứ hạng rất cao trong bảng đánh giá về năng suất quốc gia và người dân Đan Mạch có mức sống rất cao. Đất nước này nổi tiếng có hệ thống phúc lợi xã hội rất tốt và liên tục được xếp là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới trong các nghiên cứu về sự hạnh phúc liên quốc gia.
Đan Mạch đã chứng minh rằng tăng trưởng kinh tế và xây dựng xã hội xanh có thể song song tồn tại. Đất nước này có truyền thống lâu đời về bảo vệ môi trường bền vững, năng lượng tái sử dụng và sạch, cũng như có chính sách khí hậu tiên tiến. Tất cả điều này giúp Đan Mạch trở thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực trên. Tuy nhiên, Đan Mạch vẫn liên tục hành động để hướng tới mục tiêu khí hậu toàn cầu và cải thiện sự bền vững của xã hội Đan Mạch. -
Cộng hòa Séc
Về mặt địa lý, Cộng hòa Séc nằm ở khu vực Trung Âu còn theo phân loại của Liên Hiệp Quốc thì nước này thuộc khu vực Đông Âu. Về mặt lịch sử và văn hóa, Cộng hòa Séc được xem là có liên hệ gần gũi hơn với các nước Đông Âu, đặc biệt là trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Diện tích của Cộng hòa Séc tương đối nhỏ, xếp hàng thứ 115 thế giới Tổng diện tích của nước này là 78.886 km², trong đó phần đất chiếm 77.276 km² và phần nước chiếm 1.590 km². Do bị bao quanh bởi các quốc gia khác nên Cộng hòa Séc không giáp biển. Nước này có chung đường biên giới 1.881 km với các nước Đức về phía tây, Ba Lan về phía đông bắc, Slovakia về phía đông nam và Áo về phía nam.
Về mặt lịch sử, lãnh thổ Cộng hòa Séc có thể chia làm 3 vùng lịch sử: Bohemia, Moravia và Silesia. Lưu ý rằng Silesia chỉ có một phần nhỏ lãnh thổ ở Cộng hòa Séc. Địa hình nước này có thể chia thành 2 miền chính: Bohemia ở phía tây và Moravia ở phía đông. Địa hình Bohemia có cấu trúc như một bồn địa, gồm những đồng bằng rộng và cao nguyên được bao bọc xung quanh bởi những dãy núi thấp.
Những dãy núi chính bao quanh Bohemia gồm dãy Karkonosze và dãy Sudeten. Đỉnh núi Snezka tại Bohemia và ngọn núi cao nhất Cộng hòa Séc (1602 m). Trong khi địa hình Bohemia khá bằng phẳng thì ngược lại, địa hình Moravia lại chủ yếu là đồi núi. Cộng hòa Séc cũng là nơi bắt nguồn của nhiều con sông lớn tại châu Âu như sông Elbe, sông Vltava ở xứ Bohemia và sông Morava ở xứ Moravia. Các con sông của nước này chảy vào các biển khác nhau như: biển Bắc, biển Baltic và biển Đen.
Về khoáng sản, Cộng hòa Séc có một số tài nguyên như than đá, than chì, cao lanh, đất sét, gỗ xây dựng...
Khí hậu: Cộng hòa Séc nằm trong khu vực khí hậu ôn hòa. Do nằm sâu trong lục địa và không còn chịu các tác động của biển nên Cộng hòa Séc có khí hậu ôn đới lục địa, một trong những nguyên nhân gây ra sự chênh lệch lớn giữa thời tiết mùa hạ và mùa đông tại nước này. Sự đa dạng của địa hình cũng góp phần làm nên sự phức tạp của các kiểu khí hậu khác nhau tại Cộng hòa Séc.
Nhìn chung trên toàn lãnh thổ Cộng hòa Séc, khí hậu về mùa đông thường khá lạnh nhưng cũng không đến nỗi quá khắc nghiệt. Nhiệt độ trung bình thấp nhất tại nước này vào tháng 1, tháng lạnh nhất trong năm là -5,4 °C. Tuyết thường rơi nhiều hơn tại những vùng núi cao nhưng tan nhanh tại các vùng thấp của Cộng hòa Séc khiến cho mùa đông ở nước này tương đối ẩm. Khi mùa đông kết thúc, băng tuyết tan chảy nhanh làm mực nước các con sông dâng cao và thỉnh thoảng có thể gây ra những trận lũ lớn. Mùa hè tại Cộng hòa Séc thường ấm áp. Nhiệt độ trung bình cao nhất vào tháng 7, tháng nóng nhất tại Cộng hòa Séc là 23,3 °C.
-
Slovenia
Slovenia là một quốc gia thuộc khu vực Nam Âu. Slovenia giáp với Ý về phía tây, giáp với Áo về phía bắc, giáp với Hungary về phía đông bắc, giáp với Croatia về phía đông và phía nam. Ngoài ra Slovenia còn tiếp giáp với biển Adriatic về phía tây nam. Thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của Slovenia là Ljubljana. Slovenia là một quốc gia có diện tích tương đối nhỏ và ít dân. Theo số liệu tháng 7 năm 2007, dân số Slovenia là 2.009.245 người.
Slovenia tọa lạc tại Trung và Đông Nam Âu và giáp với Địa Trung Hải. Lãnh thổ kéo dài từ vĩ độ 45° đến 47° B, kinh độ từ 13° đến 17° Đ. Kinh tuyến 15° Đ tương ứng với đường chia đôi đất nước theo hướng đông-tây.[9] Điểm trung tâm của đất nước có tọa độ 46°07'11,8" B và 14°48'55,2" Đ,[10] nằm tại điểm dân cư Slivna của khu tự quản Litija. Đỉnh cao nhất của Slovenia là Triglav (2.864 m hoặc 9.396 ft); độ cao trung bình của nước này là 557 m (1.827 ft).
Bốn vùng địa lý lớn tại châu Âu gặp nhau tại Slovenia: dãy Alps (Anpơ), dãy Dinarides, the bồn địa Pannonia, và Địa Trung Hải. Dãy Alps—bao gồm Alps Julius, Alps Kamnik-Savinja và dãy Karavanke, cũng như khối núi Pohorje-chiếm phần lớn Bắc Slovenia, và vùng dọc biên giới với Áo. Bờ biến Adriatic của Slovenia kéo dài chừng 47 km (29 dặm).
Hơn một nửa nước này (10.124 km2 hoặc 3.909 dặm vuông Anh) phủ rừng. Điều này làm Slovenia trở thành quốc gia nhiều rừng thứ ba châu Âu, sau Phần Lan và Thụy Điển, chủ yếu là rừng cử, lãnh sam-cử và cử-sồi. Tàn dư của rừng nguyên thủy vẫn còn có thể được tìm thấy, lớn nhất là ở vùng Kočevje. Thảo nguyên chiếm 5.593 km2 (2.159 dặm vuông Anh), đồng và vườn chiếm 954 km2 (368 dặm vuông Anh). -
Canada
Canada là quốc gia có diện tích lớn thứ hai trên thế giới, và nằm ở cực bắc của Bắc Mỹ. Lãnh thổ Canada gồm 10 tỉnh bang và 3 vùng lãnh thổ liên bang, trải dài từ Đại Tây Dương ở phía đông sang Thái Bình Dương ở phía tây, và giáp Bắc Băng Dương ở phía bắc. Canada giáp với Hoa Kỳ lục địa ở phía nam, giáp với tiểu bang Alaska của Hoa Kỳ ở phía tây bắc. Ở phía đông bắc của Canada là đảo Greenland thuộc Vương quốc Đan Mạch. Ở ngoài khơi phía nam đảo Newfoundland của Canada có quần đảo Saint-Pierre và Miquelon thuộc Pháp. Biên giới chung của Canada với Hoa Kỳ về phía nam và phía tây bắc là đường biên giới dài nhất thế giới.
Nhiều dân tộc Thổ dân cư trú tại lãnh thổ nay là Canada trong hàng thiên niên kỷ. Bắt đầu từ cuối thế kỷ XV, người Anh và người Pháp thành lập các thuộc địa trên vùng duyên hải Đại Tây Dương của khu vực. Sau các xung đột khác nhau, Anh Quốc giành được rồi để mất nhiều lãnh thổ tại Bắc Mỹ, và đến cuối thế kỷ XVIII thì còn lại lãnh thổ chủ yếu thuộc Canada ngày nay. Căn cứ theo Đạo luật Bắc Mỹ thuộc Anh vào ngày 1 tháng 7 năm 1867, ba thuộc địa hợp thành thuộc địa liên bang tự trị Canada. Sau đó thuộc địa tự trị dần sáp nhập thêm các tỉnh và lãnh thổ. Năm 1931, theo Quy chế Westminster 1931, Anh Quốc trao cho Canada tình trạng độc lập hoàn toàn trên hầu hết các vấn đề. Các quan hệ cuối cùng giữa hai bên bị đoạn tuyệt vào năm 1982 theo Đạo luật Canada 1982.
Canada là một nền dân chủ đại nghị liên bang và một quốc gia quân chủ lập hiến, Nữ hoàng Elizabeth II là nguyên thủ quốc gia. Canada là một thành viên của Khối thịnh vượng chung Anh. Canada là quốc gia song ngữ chính thức (tiếng Anh và tiếng Pháp) tại cấp liên bang. Do tiếp nhận người nhập cư quy mô lớn từ nhiều quốc gia, Canada là một trong các quốc gia đa dạng sắc tộc và đa nguyên văn hóa nhất trên thế giới, với dân số xấp xỉ 35 triệu người vào tháng 12 năm 2012. Canada có nền kinh tế rất phát triển và đứng vào nhóm hàng đầu thế giới, kinh tế Canada dựa chủ yếu vào nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú và hệ thống thương mại phát triển cao. Canada có quan hệ lâu dài và phức tạp với Hoa Kỳ, mối quan hệ này có tác động đáng kể đến kinh tế và văn hóa của quốc gia.
Canada là một quốc gia phát triển và nằm trong số các quốc gia giàu có nhất trên thế giới, với thu nhập bình quân đầu người cao thứ tám toàn cầu, và chỉ số phát triển con người cao thứ 11. Canada được xếp vào hàng cao nhất trong các so sánh quốc tế về giáo dục, độ minh bạch của chính phủ, tự do dân sự, chất lượng sinh hoạt, và tự do kinh tế. Canada tham gia vào nhiều tổ chức quốc tế và liên chính phủ về kinh tế: G8, G20, Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Canada là một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trung Thành Nguyễn 2019-04-13 10:59:13
Bài viết được chọn làm video cho kênh youtube của Toplist. Thanks tác giả