Top 10 Món ăn hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến Bến Tre

CamGiang Vo 1167 0 Báo lỗi

Bến Tre là thiên đường của xứ dừa, nổi tiếng với những cảnh đẹp du lịch thú vị, hấp dẫn du khách thập phương trong và ngoài nước tìm đến tham quan, nghỉ dưỡng. ... xem thêm...

  1. Cơm dừa là một món ăn độc đáo của “xứ dừa” Bến Tre. Cơm dừa tuy mang nét dân dã, bình dị, đậm chất thôn quê nhưng để có được món cơm dừa ngon thì các công đoạn từ lựa chọn nguyên liệu đến chế biến đòi hỏi một sự tỉ mỉ, cầu kỳ nhất định. Nguyên liệu chính của món cơm dừa chính là dừa và gạo. Trái dừa để nấu cơm dừa phải dùng loại dừa xiêm thì cơm ra mới có vị ngọt thanh. Còn gạo, người ta thường dùng gạo trắng Hậu Giang, hạt to tròn trắng mọng.


    Để nấu cơm dừa, đầu tiên người nấu sẽ cắt phần đầu của quả dừa, lấy hết nước ra ngoài. Trái dừa lúc này sẽ đóng vai trò như một chiếc nồi để nấu cơm, phần cắt trên đầu chính là nắp nồi. Gạo trắng sau khi vo sạch sẽ được cho vào quả dừa. Nước nấu cơm thay vì dùng nước lọc bình thường thì sẽ được thay bằng nước dừa vừa mới lấy ra từ quả dừa xiêm trước đó. Người nấu sẽ không để trực tiếp trái dừa trên lửa mà cho vào một nồi to, đem chưng cách thủy. Một số nơi thường cho thêm cà rốt, khoai tây, nấm thái hạt lựa, đậu cove, hạt sen... vào để tăng thêm hương vị cho cơm.

    Cơm dừa ăn ngon nhất là khi vừa chín. Bởi để lâu cơm sẽ bị thấm dầu dừa nên hạt cơm không còn trắng nữa mà chuyển sang vàng nhạt. Theo người dân địa phương chia sẻ, cơm dừa đặc sản Bến Tre ăn “đúng điệu” là dùng cùng với món tôm rang nước cốt dừa. Tôm rang có thể dùng tôm lóng, tôm bầu hay tôm càng xanh... nhưng ngon nhất vẫn là tôm đất đánh bắt từ sông.

    Thưởng thức cơm dừa, du khách sẽ cảm nhận được vị béo ngọt rất thanh. Bởi trong quá trình chưng cách thuỷ, hạt cơm đã được thấm trọn phần nước dừa tươi và đặc biệt là cái béo ngậy của lớp cơm dừa bao bọc. Còn tôm rang thì giòn giòn, mặn mặn nhưng trong vị mặn đậm đà cũng lại có vị ngọt và béo của nước dừa. Từng hạt cơm trắng quyện cùng thịt tôm mang đến một hương vị thật khó tả, khiến bất kỳ ai lần đầu thưởng thức đều không thể quên.

    Cơm dừa Bến Tre
    Cơm dừa Bến Tre
    Cơm dừa Bến Tre
    Cơm dừa Bến Tre

  2. Về xứ dừa Bến Tre hỏi món cá bống kho nước dừa không ai là không biết. Bởi đây là món ngon đặc trưng trong văn hóa ẩm thức của người dân Bến Tre nói riêng và người dân miền Tây nói chung. Cá bống Bến Tre nặng mùi sông nước, làm món gì cũng đều hấp dẫn nhưng ngon nhất là kho nước dừa. Người ta thường dùng cá bống trứng kho nước dừa thay cho những loại cá bống khác vì như thế mới cho vị đúng điệu của món kho. Bống trứng là một loài cá nước ngọt, hình dáng nhỏ, con to nhất chỉ bằng ngón tay. Tuy nhỏ con nhưng trong bụng mỗi con đều chứa một bầu trứng căng tròn, vàng hượm.

    Cá bống trứng thường có vào tháng 6 đến tháng 9 âm lịch, xuất hiện trên các sông rạch ở miền quê Bến Tre. Sau những buổi đơm cá bống về, người dân địa phương bắt đầu “xắn tay” làm nồi cá bống kho nước dừa ăn lúc cá còn tươi. Thịt cá và trứng cá bống đều thơm ngon, kho cùng nước dừa càng cho vị đậm đà, ngọt dịu. Về Bến Tre mà không thưởng thức món cá bống kho nước dừa quả là một thiếu sót.

    Cá bống kho nước dừa tuy là món ăn dân dã nhưng cũng được xem là một trong những đặc sản Bến Tre nức tiếng, được du khách gần xa biết đến. Muốn có một đĩa cá bống kho nước dừa ngon, trước hết phải chọn được mớ cá tươi đem về làm sạch. Người ta thường làm sạch vẩy cá bằng cách chà sát trong chiếc rổ tre hoặc dùng tro trấu, hay dùng lá sả để làm sạch nhớt cá. Nếu cá nhỏ quá có thể để nguyên đầu, bỏ ruột và chỉ giữ lại trứng.

    Cá bống trứng làm sạch đem ướp chút ớt, sả, muối, đường, hạt nêm… rồi bắc lửa lên kho. Nên kho trong nồi đất, đun lửa nhỏ cho gia vị thấm đều trong từng miếng cá. Khi cá vừa chín tới thì cho nước cốt dừa đã lược sẵn cho vào, đợi đến khi nước cốt dừa thấm đều, thịt cá săn lại cho thêm tiêu, hành lá vào rồi tắt bếp. Cá bống kho nước dừa thơm lừng, thịt cá săn chắc, màu đẹp mà không cần dùng đến nước hàng (hay còn gọi là đường thắng, nước màu, nước kho), đặc biệt không còn mùi tanh của cá, ăn ngon miệng.


    Cá bống kho nước dừa có vị béo, thơm ngon độc đáo, hấp dẫn nhất là nước cá cho vị đậm đà, thích hợp để chấm các loại rau luộc, rau sống... Món cá kho đặc biệt này ăn kèm với rau sống trong vườn cùng chén cơm gạo mới trắng tinh, nóng hổi thì ngon hết ý. Mùi vị ngọt lành của cá đồng tươi hòa quyện với vị béo ngậy của nước cốt dừa, mùi cay nồng của tiêu, ớt sẽ kích thích vị giác, khiến thực khách càng ăn càng cảm thấy ngon miệng.

    Cá Bống kho nước dừa
    Cá Bống kho nước dừa
    Cá Bống kho nước dừa
  3. Nhắc đến miền quê Bến Tre Việt Nam là người ta nghĩ ngay đến miên quê thanh bình với món kẹo dừa ngon tuyệt vời. Không chỉ thế nơi đây còn có một món ăn đặc sản mà không phải lúc nào cũng có và không phải ai cũng dám thưởng thức đó là món "đuông dừa Bến Tre”.

    Đuông dừa ở Bến Tre ngày xưa là một trong những món ăn dân dã và rất giàu chất dinh dưỡng. Người ta có thể tìm những con đuông dừa này tại trong các cây dừa. Cứ vào mùa sinh sản, đuông thường chọn những cây dừa sung sức để khoét ngọn vào sinh trứng. Trứng nở ra ấu trùng, sau đó phát triển và ăn củ hủ dừa để sinh tồn. Ngày nay, đuông dừa ngày nay đã trở thành một trong những món ăn quý nhất của dân sành ẩm thực.


    Các món ăn được chế biến từ Đuông dừa được ưa chuộng như: đuông lăn chiên bột, đuông nướng, thậm chí là ăn sống… Đặc biệt với món Đuông dừa chiên bột giòn và rất béo thường được ăn kèm với rau sống. Tuy nhìn hình dáng bên ngoài có lẽ nhiều người không mấy hứng thú với món ăn này tuy nhiên với những người biết thưởng thức, những người sành ăn thực sự, thì món ăn này được xếp vào “món ngon hấp dẫn”.


    Tuy là loài vật có hại vì cây dừa nào bị con đuông đục khoét thân đều sẽ bị chết nhưng đuông dừa là nguồn nguyên liệu để chế biến nên nhiều món ăn ngon, lạ miệng. Đuông dừa ăn ngon béo bổ, vượt hẳn các sơn hào hải vị khác. Có thể nói, đuông dừa là một món ăn ngon được liệt vào “siêu hạng” trong nét văn hóa ẩm thực của người dân Bến Tre nói riêng và miền Tây nói chung.

    Ngoài đuông dừa khá phổ biến, ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ còn có hai loại đuông khác khá hiếm là đuông chà là (sống trên cây chà là) và đuông đủng đỉnh (sống trên cây đủng đỉnh). Theo kinh nghiệm của những dân xứ này, đuông đủng đỉnh ngon nhất là nấu cháo, riêng đuông chà là, chỉ có khi nướng thì người ăn mới cảm nhận hết hương vị thơm ngon của món ăn này mang lại. Dù thưởng thức loại đuông nào nhưng ngon nhất vẫn là đuông dừa Bến Tre. Có cơ hội về miền Tây sông nước du khách nhớ thử đặc sản Bến Tre – Đuông dừa.

    Đuông dừa
    Đuông dừa
    Đuông dừa
    Đuông dừa
  4. Bánh xèo là món bánh ngon phổ biến của người dân ba miền Bắc, Trung và Nam. Mỗi vùng đều có cách chế biến bánh xèo khác nhau từ nguyên liệu, kích cỡ bánh cho đến cách pha nước chấm, mang đặc trưng rất riêng của từng địa phương. Với người dân Nam Bộ, bánh xèo không đơn giản được làm từ thịt ba rọi hay tép bạc mà còn kết hợp với con ốc gạo tạo ra hương vị đặc trưng, mang đậm dấu ấn miền Tây sông nước. Nếu như ở Đồng Tháp nổi tiếng với bánh xèo Cao Lãnh thì Bến Tre lại hấp dẫn du khách với bánh xèo ốc gạo.


    Bánh xèo ốc gạo là món ăn dân dã ưa thích của người dân cồn Phú Đa (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), đặc biệt là vào dịp tết Đoan Ngọ (tức ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch). Trong hành trình tham quan du lịch Bến Tre, nếu có dịp ghé thăm Chợ Lách, du khách không thể bỏ qua món bánh xèo nhân ốc gạo nổi tiếng.


    Du lịch miền Tây về Bến Tre mà không thưởng thức bánh xèo ốc gạo quả là một thiếu sót. Bánh xèo ốc gạo thơm ngon, giòn rụm, là món bánh ngon ai đã một lần nếm thử sẽ khó quên được mùi vị. Để làm bánh xèo ốc gạo thì nguyên liệu quan trọng nhất chính là ốc gạo. Trước khi mang ốc đi luộc, người ta thường cho ốc vào thau nước vo gạo ngâm cùng ớt trái đập giập để ốc nhả sạch hết bả nhờn. Ốc gạo luộc chín vớt ra tô, dùng tăm tre hoặc kim để lấy phần thịt ốc ra. Sau đó, lấy ốc gạo xào sơ qua với hành tây và hẹ thái mỏng, nêm nếm gia vị cho vừa ăn ta được phần nhân bánh xèo thơm ngon.


    Để món bánh xèo ốc gạo ngon, ngoài nhân bánh, vỏ bánh cũng là một thành phần quan trọng. Đầu tiên phải trộn bột làm bánh xèo với nước cốt dừa, trứng, bột nghệ và hành lá thái mỏng. Công đoạn tráng bánh xèo khá đơn giản nhưng đòi hỏi người làm phải khéo léo và tỉ mỉ để bánh tròn, mép bánh không bị rách. Đổ một ít bột bánh xèo vào chảo, dát thật mỏng, sau đó cho nhân ốc gạo vào rồi cuộn lại, chiên giòn hai mặt bánh. Thêm củ sắn (củ đậu) xắt sợi và giá để tăng vị ngọt cho bánh, giúp người ăn không bị ngấy. Ốc gạo, thịt trắng đục, béo thơm được rải đều trong lòng bánh. Bánh chín, gấp bánh làm đôi và xúc ra đĩa. Bánh ăn cùng nước mắm chanh tỏi ớt và các loại rau sống như cải bẹ xanh, xà lách, đọt bằng lăng, đọt bứa, rau thơm, dưa leo…Bánh xèo ốc gạo là món ăn ngon du khách nên thử qua khi có dịp du lịch Bến Tre. Du khách có thể dễ dàng tìm thấy các quán bánh xèo ven đường hoặc trong các khu du lịch sinh thái. Mâm bánh xèo ốc gạo dọn ra với đầy đủ rau, nước chấm, hấp dẫn thực khách. Khi thưởng thức, đặt rau sống vào lòng bàn tay, gắp miếng bánh xèo có lẫn thịt ốc gạo rồi cuốn lại chấm vào chén nước mắm chanh, tỏi ớt cho vào miệng nhai chầm chậm. Vị ngọt, giòn của thịt ốc hòa lẫn vị béo, thơm của bột gạo tạo thành một món ăn thật hấp dẫn.

    Bánh xèo ốc gạo
    Bánh xèo ốc gạo
    Bánh xèo ốc gạo
    Bánh xèo ốc gạo
  5. Bến Tre là xứ nổi tiếng với dừa nhưng cũng nổi tiếng với những chú chuột dừa béo múp. Chuột sinh sống nên cây dừa, hút hết chất béo ngậy từ các trái dừa tươi.


    Chuột dừa có hình dạng giống như chuột đồng, nhưng có bộ răng sắc nhọn hơn. Vì thế thịt chuột dừa cũng thơm ngon và béo bùi và rắn chắc hơn. Hiện nay, chuột dừa trở thành món đặc sản của các quán ăn, nhà hàng thành phố. Tại các chợ huyện, chuột đồng được bán với giá từ 50.000 - 70.000 đồng/kg nhưng vào các nhà hàng, quán ăn lớn chúng có giá từ 150.000 - 200.000 đồng/kg.


    Ngày nay, món chuột dừa đã trở thành đặc sản, cho nên người ta cũng nâng tầm chuột dừa lên ở một mức độ khác, bớt dân dã đi và có phần cầu kỳ trong chế biến để có thể đưa chuột dừa vào danh sách các món hạng sang ở quán ăn, nhà hàng. Chuột dừa được chế biến thành nhiều món như nướng, hấp, nấu cà ri… Tuy vậy những người sành ăn lại bình chọn cho món là thịt chuột dừa hấp trong nồi cơm là ngon nhất. Chuột được làm sạch, khi nấu cơm, lót một miếng lá chuối lên nồi cơm, rồi để chuột lên trên. Khi cơm chín cũng là lúc chuột chín. Thịt chuột dừa trắng phau và có một mùi thơm đặc biệt. Lấy chuột ra xé chấm với muối tiêu ớt và rau răm thì không thể chê được.

    Thịt chuột dừa làm sạch, để ráo nước (nên chọn con to, mập để có nhiều thịt). Bắt nồi cơm lên bếp lửa than, đợi khi cơm vừa chắt nước xong, lấy lá chuối sạch lót lên trên mặt cơm, rồi để thịt chuột dừa vào đậy nắp nồi lại. Cơm chín thì đồng thời thịt chuột cũng chín tới và bốc mùi thơm; đem thịt chuột ra xé phay trộn với rau răm, chấm với muối tiêu, muối ớt vắt chanh, không thua gì thịt gà tơ thả vườn.

    Chuột dừa Bến Tre
    Chuột dừa Bến Tre
    Chuột dừa Bến Tre
  6. Bến Tre xứ sở có nhiều món ăn ngon từ con nước lớn,nước ròng trong đó phải kể đến đó là món canh chua cá linh bông so đũa món ăn vô cùng dân dã, đơn giản thơm ngon có trong bữa cơm thường ngày của người dân Bến Tre.Không biết có phải một mối lương duyên hay không mà cứ đúng dịp nước lên, cá linh về thì bông so đũa lại trổ bông cứ thế món canh chua bông sôi đũa ra đời, trở thành món ăn đặc sản của người dân.



    Nước lên là thời điểm cá linh to, béo và thịt của nó nhiều mỡ, ăn mềm và ngọt. Cá linh có thể đem chế biến thành nhiều món ăn ngon như làm mắm, kho mặn, kho mắm với cà tím, chiên giòn hay kẹp vỉ nướng, đặc biệt là dùng để nấu canh chua với bông so đũa và chỉ có vào mùa duy nhất trong năm.



    Khi nấu người ta thường chọn những con cá linh to, bóp hết mật ở ngang bụng, rửa sạch để nguyên con cho ráo. Bông so đũa mua về ngắt bỏ nhụy bên trong và rửa nhẹ nhàng để bông không bị dập sau đó để ráo nước. Chuẩn bị sẵn các loại gia vị như: rau thơm xắt nhỏ, ớt, đường, muối hoặc nước mắm, me (hoặc dấm), rau ngò.Đun nước sôi và dầm me, khi nước sôi thì bỏ cá linh vào nồi rồi đậy nắp lại. Đun nhỏ lửa để cá không bị nát, khi nước sôi trở lại thì cho các loại gia vị đã chuẩn bi sẵn vào nồi. Đợi một lát thì cho bông so đũa vào, đảo nhẹ để bông không nhừ và cho bông ngập nước. Sau khi canh chín thì nêm lại gia vị cho vừa ăn.


    Thịt cá linh rất mềm, thơm, béo, nước dùng chua chua ngọt ngọt rất vừa miệng hòa quyện với vị cay cay của muối ớt, vị mặn mặn của nước mắm và hương thơm ngát của bông so đũa sẽ khiến bạn muốn ngừng mà không được.Nếu một lần đến với xứ dừa, đặc biệt là vào mùa nước nổi chắc chắn không nên bỏ lỡ cơ hội nếm thử hương vị này.

    Canh chua cá linh bông so đũa
    Canh chua cá linh bông so đũa
    Canh chua cá linh bông so đũa
  7. Đến với xứ sở của những cây dừa, khắp các đường quê ngõ xóm bạn đều có thể bắp gặp hình bóng của những thân cây dừa cao vút năng trịu, tỏa bóng mát.Có lẽ vì vậy mà các món ăn ở đây đều cho thêm dừa để tăng hương vị. Tuy nhiên, món đặc sản không phải lúc nào cũng có dịp để được thưởng thức vì có một số món thường chỉ dùng để đãi khách quý như gỏi củ hũ dừa. Món ăn được gọi "xa xỉ" của người dân Bến Tre bởi muốn chế biến, người ta phải đốn một cây dừa để lấy phần non trắng muốt bên trên thân cây.


    Nguyên liệu cho món gỏi củ hũ dừa tôm thịt gồm có: củ hũ dừa, tôm sú, thịt ba chỉ, rau răm, đậu phộng rang, hành tím phi, cà rốt, nước cốt chanh, đường, nước mắm, tỏi, ớt. Củ hũ dừa bào thành miếng dài nhỏ vừa ăn, đem ngâm trong nước lạnh có pha một ít nước cốt chanh để củ hũ dừa luôn giữ được màu trắng sau đó trộn nguyên liệu thịt, tôm,...thêm gia vị, đường, tạo thành món gỏi hấp dẫn, đậm đà hương vị.


    Gỏi củ hủ dừa chinh phục người ăn bởi vị ngon ngọt tự nhiên, lạ miệng của củ hủ dừa, vị giòn tươi của hành tây, cà rốt cùng tôm thịt béo bùi hòa trong nước trộn chua cay mặn ngọt. Không chỉ thơm ngon hấp dẫn mà hình thức còn rất bắt mắt.

    Gỏi củ hũ dừa
    Gỏi củ hũ dừa
    Gỏi củ hũ dừa
    Gỏi củ hũ dừa
  8. Bánh phồng Sơn Đốc (hay còn có tên khác là bánh phồng chuồi) là một loại bánh phồng, có xuất xứ từ xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Bánh phồng có hương vị đặc trưng của nước cốt dừa đậm đặc hòa quyện hương vị thơm ngon, giòn ngọt đã làm biết bao nhiêu thực khách đắm say.



    Để có chiếc bánh phồng chất lượng thì khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng. Nếp dùng làm bánh ngon nhất thiết phải là loại nếp đặc trưng của Bến Tre – gạo nếp sáp (gạo có hương vị tự nhiên, thơm nhiều, dẻo dính). Và, dừa dùng để lấy nước cốt làm bánh chỉ chọn loại dừa mới khô. Gạo nếp mua về đem ngâm vài tiếng đồng hồ để nếp mềm, sau đó vo sạch mang hấp cách thủy cho nếp chín. Nếp vừa chín tới cho vào cối giã nhuyễn cùng nước cốt dừa, đường, nêm nếm sao cho vừa ăn. Ngày nay, người ta thường sử dụng máy thay cho cối giã. Bánh phồng ngon hay không tùy thuộc người trở bột, phải trở đều, nhanh và liên tục thì bột mới nhuyễn, bánh khi nướng mới nở và xốp. Sau khi bột được trộn đều và nhuyễn thì bắt đầu khâu cán bánh. Khi cán bánh, người bọc bột phải bóc đều cho từng viên bột có khối đều nhau, phải thật khéo léo để bánh tròn đều và mỏng. Bánh cán xong sẽ được phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Phơi bánh phồng cũng là một sự kỳ công và tỉ mỉ, phụ thuộc vào thời tiết rất nhiều, nếu được nắng bánh phồng phơi khoảng nửa ngày đã khô.

    Bánh phồng Sơn Đốc
    Bánh phồng Sơn Đốc
    Bánh phồng Sơn Đốc
    Bánh phồng Sơn Đốc
  9. Bì cuốn Bến Tre một món ăn đặc sản lạ miệng của người dân xứ dừa. Tuy chẳng liên quan gì tới dừa, nhưng Bì cuốn lại có một sức hút đặc biệt, trở thành món ăn quen thuộc của người dân, được nhiều thực khách yêu thích


    Đặc sản này gồm các nguyên liệu vô cùng đơn giản, mộc mạc, gồm bún tàu sợi nhỏ, các loại rau, thịt ba rọi và da heo.Phần da heo chính là thành phần tạo nên tên gọi cho món ăn. Da heo ngon để cuốn thường là da đùi heo có độ mềm và không quá dai. Để chế biến nguyên liệu cần được làm sạch, luộc chín thái mỏng dạng sợi dài vừa ăn. Thịt ba gọi cắt thành miếng ốp gia vị, khìa cùng nước dừa để dậy mùi thơm. Khi nước dừa trở nên sánh lại và hơi vàng, thì lấy thịt ra, cắt sợi nhỏ.Trước khi cuốn, bún được ngâm rồi xào sơ qua. Các loại rau cải xà lách, rau húng, hẹ cũng được rửa sạch, để ráo nước và xắt sợi nhuyễn. Điều làm nên sự đặc biệt trong món ăn đó là Thính. Thính được làm từ hạt gạo rang vàng, sau đó giã nhỏ, trộn cùng gia vị, thịt, da heo,... Để món ăn ngon nhất cần có một chén nước mắm chua ngọt, hương vị này sẽ khiến bạn khó lòng quên

    Bì cuốn
    Bì cuốn
    Bì cuốn
  10. Bánh canh bột xắt là món ăn đặc sản vô cùng nổi tiếng ở Bến Tre, món ăn đã có từ lâu đời. Sở dĩ món ăn này có tên là bánh canh bột xắt vì sợi bánh canh được xắt bằng tay. Để làm ra món bánh canh đúng điệu thì bắt buộc phải chọn loại gạo khô, không quá dẻo. Bột phải được xây bằng tay, rồi bồng thêm một lần cho thật ráo mới nhồi.



    Kì thật để làm thành công món bánh bột xắt phải trải qua nhiều công đoạn công phu.Đầu tiên phải vo sạch gạo rồi đem ngâm mềm; sau đó xay thành bột nước rồi cho vào túi vải để ráo nước. Tiếp đó sẽ bóp bột rồi rưới nước sôi lên để nhào thành thứ bột sú; rồi mới cán sợi, xắt thành từng miếng nhỏ, sợi nhỏ. Công đoạn này cần đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhanh nhẹn và đòi hỏi công phu nhất nên người dân ở đây đặt tên cho món ăn này. Để cho ra hương vị lạ miệng, độc đáo khác hẳn nhiều vùng miền kthì khi nấu phải bắt buộc dùng thịt vịt, huyết vịt, nếp dẻo



    Nếu có dịp đến Bến Tre thì bạn hãy một lần thưởng thức món bánh canh bột xắt ở xứ dừa.Chắc chắn hương vị của món sẽ khiến thực khách khó lòng mà quên được. Sợi bánh canh dai dai, dẻo dẻo mang vị ngọt tự nhiên từ bột gạo, hòa quyện cùng nước dùng đậm đà, thơm ngon từ thịt vịt.


    Bánh canh bột xắt
    Bánh canh bột xắt
    Bánh canh bột xắt



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy