Top 8 Tấm gương làm giàu từ chăn nuôi ở Việt Nam

Khánh Bình Đinh Xuân 896 0 Báo lỗi

Sinh ra và lớn lên ở những miền quê quanh năm sống bằng nghề làm nông, nhưng rất nhiều con người đã phấn đấu vươn lên, làm giàu tại chính mảnh đất quê hương ... xem thêm...

  1. Dám nghĩ, dám làm, anh Triệu A Nhì (1997) người Dao, thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) đã quyết tâm gây dựng mô hình nuôi gà, dê kết hợp trồng cây giống đem lại nguồn thu nhập khoảng 600 triệu đồng/năm. Anh không chỉ là một điển hình làm kinh tế giỏi mà còn là thanh niên trẻ tâm huyết, năng nổ với phong trào đoàn của địa phương.


    Trước khi về quê hương khởi nghiệp, anh Triệu A Nhì đã từng đi làm ăn xa, lăn lộn mưu sinh qua nhiều nghề (lái xe, buôn bán bất động sản, đầu bếp...), nhưng cuộc sống vẫn còn bấp bênh, chưa ổn định. Thế rồi, như một cơ duyên, trong một lần đi tìm nguyên liệu cho bếp ăn, anh gặp một trang trại nuôi gà quy mô lớn, lợi nhuận kinh tế cao. Khi đem so sánh với tiềm năng, thế mạnh của quê hương mình, anh nung nấu quyết tâm theo nghề chăn nuôi.

    Đầu năm 2022, bỏ công việc đầu bếp ở thành phố, anh trở về quê xây dựng trang trại nuôi gà diện tích gần 2.000m2. Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, anh Nhì cho biết, bản thân phải đối mặt với vô vàn khó khăn do chưa có kiến thức và kinh nghiệm. Anh quyết tâm nghiên cứu các tài liệu về kỹ thuật nuôi gà, rồi học hỏi qua các chuyến đi thực tế đến các trang trại chăn nuôi lớn, từ đó áp dụng vào đàn gà nhà mình, đồng thời mạnh dạn tạo dựng mô hình kinh tế mới phù hợp với đặc thù địa phương…

    Nhờ vào sự nỗ lực, cố gắng, cuối cùng ông trời cũng không phụ lòng người, trang trại của anh dần được mở rộng. Từ một trang trại quy mô nhỏ, đến nay gia đình anh nuôi hơn 1.200 con gà thương phẩm, mỗi năm anh xuất chuồng 3 lứa, thu nhập gần 400 triệu đồng. Anh còn kết hợp nuôi dê và trồng gần 3 ha các loại cây giống keo, quế, trà hoa vàng, sâm cau... mang lại nguồn thu nhập gần 200 triệu đồng mỗi năm.

    “Tôi cũng như nhiều thanh niên người Dao ở quê hương giờ muốn tự mình làm chủ cuộc sống chứ không muốn phụ thuộc vào thiên nhiên, vào sự hỗ trợ của chính quyền nữa. Mảnh đất của mình rất thích hợp để phát triển trồng cây rừng và chăn nuôi, chẳng tội gì không tận dụng ưu thế ấy”, anh Nhì chia sẻ.


    Nhắc đến anh Nhì, Phó Bí thư Huyện Đoàn Ba Chẽ Tô Hồng Lai thông tin thêm: “Anh Triệu A Nhì đã trở thành gương sáng để bà con trong bản cùng học, cùng làm. Từ mô hình của anh Nhì, nhiều thanh niên trên địa bàn huyện đã được chia sẻ kinh nghiệm để phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê hương”.

    Anh Triệu A Nhì
    Anh Triệu A Nhì
    Mô hình nuôi gà trang trại của anh Triệu A Nhì
    Mô hình nuôi gà trang trại của anh Triệu A Nhì

  2. Nhờ chăn nuôi gia cầm hiệu quả, gia đình anh Nguyễn Văn Thìn, xóm Làng Trò, xã Phấn Mễ (Phú Lương), Thái Nguyên không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành hộ làm kinh tế giỏi của địa phương. Anh Thìn chia sẻ: "Ở quê có nhiều lao động tìm đến các khu công nghiệp làm công nhân, hoặc về thành phố làm thuê, nhưng tôi quyết định ở lại lập nghiệp bằng việc chăn nuôi gia cầm."


    Mới 36 tuổi, anh Thìn đã sở hữu cơ ngơi bạc tỷ. Từ nhiều năm nay gia đình anh có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Tất cả có được nhờ chăn nuôi gà. Anh Thìn cho biết: Năm 2016, tôi vay mượn thêm tiền của người thân, cùng tiền tích lũy của gia đình để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà. Ban đầu, tôi nuôi 2.000 con gà giống lai chọi và gà ta theo phương pháp bán chăn thả. Gà lớn nhanh, “cơ bắp săn chắc”, nên chỉ 4 tháng sau tôi đã có gà xuất bán. Thương lái trong vùng đến tận nhà bao tiêu toàn bộ sản phẩm và hẹn đặt mua tiếp các lứa gà sau đó.

    Thành công đến ngay ở lứa gà đầu tiên đã khích lệ anh Thìn đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi. Anh tự tin, thấy công việc chăn nuôi gia cầm phù hợp với sở trường của mình. Anh hơn nhiều nông dân khác trong vùng là biết kết hợp kinh nghiệm chăn nuôi truyền thống với khoa học kỹ thuật chăn nuôi hiện đại, nên luôn cầm chắc phần thắng. Anh cũng nhận thấy việc chăn nuôi gia cầm cho đồng vốn quay vòng nhanh, có thể nhìn thấy tiền lãi từng ngày. Bởi vậy, sau mỗi lứa gia cầm được xuất bán, anh đầu tư lại một phần cho mở rộng quy mô chăn nuôi.

    Từ 1.000m2 chuồng trại (năm 2016), anh Thìn đã mở rộng lên thành 5.000m2 (năm 2000); từ 2.000 con gia cầm/lứa (năm 2016) lên 10.000 con gà, gần 5.000 con vịt/lứa (năm 2022); sản lượng gia cầm cũng tăng từ 80 tấn (năm 2020) lên 90 tấn (năm 2021). Theo đó, lợi nhuận hằng năm tăng từ 300 triệu đồng lên 700 triệu đồng (năm 2021). Năm 2022, sản lượng gia cầm của gia đình anh Thìn đạt hơn 100 tấn, lợi nhuận thu được hơn 800 triệu đồng.

    Anh Thìn cho hay: "Chăn nuôi trang trại đã làm thay đổi cuộc sống của gia đình tôi. Chỉ tiếc là mất một thời gian dài tôi cùng các thành viên trong gia đình luôn băn khoăn, tự ti, sợ nuôi nhiều... không ăn hết. Bây giờ, tôi đã vượt được qua chính mình, tư duy chăn nuôi với số lượng lớn là để đàn vật mình nuôi trở thành hàng hóa. Tôi mong trong vùng có nhiều gia đình cùng tham gia chăn nuôi trang trại, từ đó, tạo cơ sở hình thành vùng hàng hóa tập trung, hướng đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gà Làng Trò."

    Anh Nguyễn Văn Thìn phát triển chăn nuôi gà
    Anh Nguyễn Văn Thìn phát triển chăn nuôi gà
    Anh Nguyễn Văn Thìn phát triển chăn nuôi gà
    Anh Nguyễn Văn Thìn phát triển chăn nuôi gà
  3. Hưởng ứng phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” do T.Ư Hội LHPN Việt Nam phát động, Hội LHPN xã Tân Lập (Lạc Sơn) đã có nhiều việc làm, hoạt động thiết thực. Qua đó xuất hiện nhiều tấm gương sáng, tiêu biểu như chị Bùi Thị Hằng, hội viên xóm Trại Sào, xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.


    Chị Hằng chia sẻ: "Khởi nghiệp với rất nhiều khó khăn khi gia đình là hộ nghèo của xã. Năm 2016, tôi tham gia lớp tập huấn chuyển giao KHKT do Hội LHPN tổ chức. Quyết tâm thoát nghèo, tôi bàn với gia đình và mạnh dạn đầu tư mua con giống phát triển chăn nuôi, với 50 con gà, 30 con ngan, 2 con lợn giống. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nên việc chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế thấp. Không nản chí, tôi học hỏi kiến thức chăn nuôi, phát triển kinh tế qua mạng, tài liệu tham khảo, sách, báo, tivi, mạnh dạn đến học hỏi tại các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Năm 2018, được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của Hội phụ nữ, tôi đầu tư sửa chữa chuồng trại, mua con giống, thức ăn để phát triển kinh tế với mô hình nuôi gà thả vườn, nuôi ngan kết hợp nuôi lợn. Đến nay, mô hình phát triển mạnh, mỗi năm nuôi 1.300 con ngan, 5.000 con gà, 120 con lợn thịt. Sản phẩm chăn nuôi đảm bảo chất lượng, tiêu thụ nhanh. Tổng thu nhập đạt trên 488 triệu đồng/năm."

    Nhận thấy mô hình hiệu quả của gia đình chị Hằng, để nhân ra diện rộng nhằm giúp hội viên khó khăn giảm nghèo, vươn lên, Hội LHPN xã tổ chức cho hội viên đến thăm quan, học tập. Chị Hằng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm, cách làm đem lại hiệu quả trong sản xuất. Nhiều chị em làm theo, áp dụng vào chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất đạt hiệu quả tốt. Sau khi học tập mô hình của gia đình chị, 115 hộ phụ nữ trong xã và vùng lân cận đã đăng ký giống, cám, chị sẵn sàng giúp đỡ các hộ chưa có vốn, giống để cùng chăn nuôi. Từ nhu cầu thực tế, chị mua ô tô đến công ty thức ăn chăn nuôi lấy cám về phục vụ chăn nuôi cho gia đình và các hộ với giá thành rẻ hơn.

    Đồng chí Bùi Thị Thùy, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Lập cho biết: "Bên cạnh phát triển kinh tế giỏi, chị Hằng tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của chi hội phụ nữ xóm và Hội LHPN xã; gương mẫu trong các phong trào ở địa phương; gia đình chị liên tục được công nhận gia đình văn hóa. Chị Hằng cũng là một ủy viên BCH chi hội phụ nữ nhiệt tình với công tác Hội, tham gia hiệu quả phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” ở cơ sở. Ngoài ra, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, để hỗ trợ một phần khó khăn cho công dân về cách ly tại xã, gia đình chị đã ủng hộ Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 xã 2 đợt với 5 triệu đồng và 50 hộp khẩu trang; ủng hộ xóm trong Ngày hội đại đoàn kết 1 triệu đồng, thường xuyên ủng hộ các hoạt động từ thiện, nhân đạo do xã, xóm vận động."

    Với cách làm kinh tế của chị Hằng không những làm giàu cho gia đình mà còn là tấm gương sáng để phụ nữ trên địa bàn học và làm theo, dần tạo thành phong trào thi đua sản xuất giỏi, xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình văn hóa. Cá nhân chị Hằng được nhận giấy khen của Chủ tịch UBND xã về mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình giai đoạn 2015 - 2020; giấy khen của BCH Đảng bộ xã đã có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW; giấy khen của Hội LHPN xã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thực hiện phong trào, hoạt động công tác Hội năm 2021…

    Bùi Thị Hằng đầu tư mua con giống phát triển chăn nuôi
    Bùi Thị Hằng đầu tư mua con giống phát triển chăn nuôi
    Bùi Thị Hằng đầu tư mua con giống phát triển chăn nuôi
    Bùi Thị Hằng đầu tư mua con giống phát triển chăn nuôi
  4. Ông Mương Xuân Chính, dân tộc Tày, thôn Bản Đéc, xã Tùng Bá, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) là tấm gương điển hình vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu trên vùng đất khó.

    Trước đây, gia đình ông Chính thuộc diện hộ nghèo của xã, gia đình thường bị thiếu đói khi giáp hạt. Không cam chịu cảnh đói nghèo, ông Chính đã tìm ra hướng đi cho mình là đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tổng hợp, trong đó chủ yếu là phát triển chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa. Nhưng để phát triển chăn nuôi lợn thì phải có vốn đầu tư mua giống, thức ăn và làm chuồng trại nhưng gia đình ông Chính lại thuộc hộ nghèo…Suy nghĩ và quyết tâm, đầu năm 2018, ông Chính nhờ Hội Nông dân xã bảo lãnh để gia đình làm đơn vay ngân hàng Chính sánh xã hội huyện Vị Xuyên 80 triệu đồng. Từ số tiền vay, ông Chính đầu tư mua 10 con lợn giống và 4 con lợn nái giống hết gần 14 triệu đồng, số tiền còn lại ông dùng để đầu tư làm chuồng trại, mua thức ăn và làm vốn để buôn bán thức ăn gia súc.

    Vừa phát triển chăn nuôi, ông Chính vừa tìm tòi, học hỏi kỹ thuật qua sách báo và qua các buổi tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc của Trạm Khuyến nông và Trạm Thú y huyện. Bên cạnh đó, ông còn trực tiếp đi tìm hiểu kinh nghiệm chăn nuôi lợn của các hộ chăn nuôi thành công trên địa bàn.


    Khi được hỏi về kỹ thuật nuôi lợn và thu nhập, ông Chính cho biết: Từ năm 2020 đến nay gia đình thường nuôi lợn theo kiểu gối lứa, bình quân trong một năm gia đình thường xuất bán lợn từ 2- 3 lứa, trung bình từ 20- 25 con/lứa, sau đó sử dụng nguồn giống lợn của gia đình và mua thêm giống của các hộ chăn nuôi tại địa phương. Số tiền thu được từ bán lợn thương phẩm trong một năm khoảng từ 400 – 430 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí như giống, thức ăn, thuốc tiêm phòng…còn lãi khoảng 250 triệu đồng mỗi năm.


    Cũng từ năm 2000, khi đã có tiềm lực về kinh tế, bên cạnh phát triển chăn nuôi lợn theo qui mô trang trại, gia đình ông Chính đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gà thả đồi và đào trên 1.200 m2 mặt nước để nuôi thả cá. Thu nhập từ nuôi gà và cá mỗi năm mang về cho gia đình ông Chính tiền lãi khoảng 130 triệu đồng. Bên cạnh đó, đại lý thức ăn mỗi năm cũng mang về nguồn thu cho gia đình ông 80 triệu đồng tiền lãi.

    Ông Mương Xuân Chính
    Ông Mương Xuân Chính
    Ông Mương Xuân Chính phát triển chăn nuôi
    Ông Mương Xuân Chính phát triển chăn nuôi
  5. Anh Lữ Viết Hùng bản Cú Tá xã Tam Văn là một tấm gương sản xuất giỏi của địa phương với mô hình nuôi lợn nái sinh sản, cung cấp con giống chất lượng cho bà con với mức thu nhập 150 triệu đồng một năm.

    Đến thăm mô hình nuôi lợn nái sinh sản của anh Lữ Viết Hùng, mới thấy hết sự chăm chỉ, chịu khó của anh, trên mảnh đất vườn gần 1.000m2 của gia đình, ngoài chăn nuôi thường xuyên 10 con lợn nái, anh chị còn kết hợp nuôi thêm gà, vịt, và một ao cá rộng trên 300m2, được thiết kế bên dưới các chuồng nuôi lợn, đảm bảo nguồn nước cho việc phun, rửa chuồng trại sạch sẽ.

    Đối với người chăn nuôi thì điều mà ai cũng quan tâm nhất đó là đầu ra cho sản phẩm trên thị trường, song theo anh nếu cứ chăm sóc tốt, đảm bảo con giống phát triển khỏe mạnh, thì không lo đầu ra cho vật nuôi, bởi không chỉ có các thương lái tìm đến mua buôn, mà những người dân trong vùng sẽ tự mách nhau, chính vì thế mà lợn giống của gia đình không đủ cung cấp cho thị trường. Để việc chăn nuôi của gia đình phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại. Đến nay chuồng trại đã được đầu tư xây dựng kiên cố với quy mô rộng rãi, thông thoáng, được chia làm từng khu vực, khu nuôi lợn nái sinh sản, khu nuôi lợn con sau khi tách mẹ, khu nuôi gia súc và khu nuôi gia cầm.

    Anh Hùng cho biết, việc phân khu như vậy vừa đảm bảo cho đàn nuôi được phát triển đồng đều, lại vừa thuận tiện trong việc cho ăn, dọn vệ sinh. Trong quá trình nuôi lợn nái sinh sản, gia đình anh luôn chú trọng phòng chống dịch bệnh cho lợn như dịch tai xanh, dịch tả, thương hàn, tụ huyết trùng, Ecoli…Quan trọng nhất là khâu khử trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và giữ nhiệt độ phù hợp, bên cạnh đó còn phải đặc biệt quan tâm đến chế độ ăn của lợn mẹ và lợn con lúc mới sinh.

    Không chỉ giỏi chăn nuôi, mà anh Lữ Viết Hùng còn là hội viên nông dân rất tích cực của xã Tam Văn. Anh thường xuyên tham gia các phong trào thi đua, sinh hoạt hội, để vừa có dịp học hỏi vừa có dịp chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho những hội viên khác. Bản thân anh cũng rất tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT do xã tổ chức, đồng thời chủ động tham khảo tài liệu trên báo đài và các phương tiện truyền thông, nhằm bổ sung thêm kiến thức cho công việc chăn nuôi của gia đình.

    Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, Tấm gương nông dân Lữ Viết Hùng bản Cú Tá còn có nhiều đóng góp trong việc xây dựng phong trào nuôi lợn nái sinh sản đạt hiệu quả cao tại địa phương. Anh đã giúp đỡ cho nhiều gia đình hội viên nông dân của xã trong diện khó khăn có điều kiện vươn lên trong cuộc sống bằng lợn giống và kinh nghiệm chăn nuôi, để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho quê hương.

    Anh Lữ Viết Hùng đang chăm sóc đàn lợn nái sinh sản
    Anh Lữ Viết Hùng đang chăm sóc đàn lợn nái sinh sản
    Anh Lữ Viết Hùng phát triển chăn nuôi lợn gặt hái nhiều thành công
    Anh Lữ Viết Hùng phát triển chăn nuôi lợn gặt hái nhiều thành công
  6. Những năm gần đây, trên địa bàn xã Gia Phong đã xuất hiện những tấm gương hội viên nông dân vượt khó làm kinh tế giỏi. Trong đó, Hội viên Hội Nông dân có anh Chu Khắc Thành, sinh năm 1988 và chị Phạm Thị Minh Thảo, 1989, ở thôn 4, Lỗi Sơn xã Gia Phong là tấm gương điển hình vươn lên làm kinh tế ở địa phương.

    Cũng như bao gia đình làm nông khác, khi mới lập gia đình vợ chồng anh Chu Khắc Thành và chị Phạm Thị Minh Thảo cũng không có việc gì ngoài làm mấy sào ruộng, nuôi mấy con gà, con lợn để duy trì cuộc sống. Nhưng là người chăm chỉ, chịu khó, vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, vợ chồng anh chị quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.


    Qua khảo sát các điều kiện về thổ nhưỡng, nguồn nước tại phương, năm 2019 gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi ruộng sâu trũng, cấy lúa kém hiệu quả của gia đình và dồn đổi ruộng của các hộ dân cùng vùng có tổng diện tích là 2 mẫu để phát triển mô hình VAC tổng hợp. Mô hình có 3 ao cá với diện tích khoảng 4.000m2, kết hợp chăn nuôi lợn thương phẩm, nuôi ba ba, gia cầm, thuỷ cầm, mở đại lý thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng cây ăn quả trên bờ phục vụ cho gia đình.


    Kể về thời gian đầu khởi nghiệp gia đình còn gặp nhiều khó khăn, do chưa có nhiều vốn đầu tư, chưa có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi. Do đó có những thời điểm gặp nhiều rủi ro về dịch bệnh mà trong đó bản thân gia đình chưa có kiến thức về thú y, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Nhất là đối với đàn lợn, do bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã chết lên đến 100 con với tổng trọng lượng gần 1 tấn, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

    Trước những khó khăn gặp phải trong quá trình chăn nuôi, với nghị lực và quyết tâm vươn lên làm giàu chính đáng, gia đình anh đã tích cực học hỏi kinh nghiệm từ thực tế, qua các kênh thông tin khác nhau để áp dụng phát triển mô hình. Điều quan trọng là gia đình tìm hướng đi đúng, áp dụng phương pháp chăn nuôi gối vụ phù hợp, phát huy tiềm năng thế mạnh tại chính địa phương. Do đó, dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đến nền kinh tế thị trường, thị trường tiêu thụ thực phẩm nhưng mô hình vẫn phát triển hiệu quả.

    Từ mô hình đã cho gia đình anh thu mỗi năm 6 lứa cá, 4 lứa lợn, mỗi năm xuất khoảng 7.500 con gia cầm, thuỷ cầm, xuất trên 200 tấn cám thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, Ba Ba cho thu nhập khoảng 500 triệu/năm đã trừ các khoản chi phí.

    Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế hộ, mô hình phát triển kinh tế của gia đình đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, có điều kiện tốt để nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, tiến bộ. Nhìn ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi và cơ sở chăn nuôi, chúng tôi biết đó là thành quả lao động miệt mài, chăm chỉ của gia đình thời gian qua. Ngoài việc phát triển kinh tế, anh, chị còn là hội viên nông dân, phụ nữ tích cực, nhiệt tình tham gia hoạt động hội, thường xuyên hướng dẫn, chia sẻ với các gia đình hội viên kinh nghiệm chăn nuôi để có hiệu quả kinh tế cao.

    Với những thành tích trong phát triển kinh tế và những đóng góp vào hoạt động Hội, vừa qua tại hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết làm giàu và giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2017-2022, gia đình anh chị được Hội Nông dân huyện khen thưởng là gia đình hội viên nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.

    Mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh chị không chỉ mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình mà còn là động lực để nhiều hội viên nông dân và người dân trong xã học tập và làm theo, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.


    Anh Chu Khắc Thành và chị Phạm Thị Minh Thảo phát triển mô hình VAC tổng hợp
    Anh Chu Khắc Thành và chị Phạm Thị Minh Thảo phát triển mô hình VAC tổng hợp
    Anh Chu Khắc Thành và chị Phạm Thị Minh Thảo phát triển mô hình VAC tổng hợp
    Anh Chu Khắc Thành và chị Phạm Thị Minh Thảo phát triển mô hình VAC tổng hợp
  7. Năm 2014, sau khi xuất ngũ, anh Nông Văn Quang (SN 1990) ở xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp bắt đầu phát triển kinh tế gia đình từ 6 ha đất trồng tiêu cùng 10 con dê bách thảo và 20 con heo. Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi, chủ động áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc vật nuôi nên đàn dê, heo khỏe mạnh, phát triển nhanh về số lượng và chất lượng.


    Đến nay thu nhập mỗi năm của gia đình anh đạt hơn 600 triệu đồng, tạo việc làm thời vụ cho 15 đoàn viên thanh niên trong xã. Năm 2016, anh Quang vinh dự được Trung ương Đoàn tặng giải thưởng Lương Định Của - giải thưởng cao quý dành cho thanh niên có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất - kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.


    Anh Quang chia sẻ: “Xuất ngũ trở về địa phương, tôi luôn suy nghĩ phải phát triển kinh tế từ chính mảnh đất đã nuôi mình lớn lên. Vì vậy, tôi khởi nghiệp từ trồng tiêu, nuôi dê và heo. Làm kinh tế từ nông nghiệp thì phải chịu khó học hỏi, cập nhật kiến thức để chăm sóc cây trồng, vật nuôi phát triển tốt”.

    Chị Đàm Thị Hoài, Phó Bí thư Đoàn xã Tân Tiến cho biết: Bù Đốp có nguồn thức ăn cho gia súc từ các vườn tiêu nên Đoàn xã thường tổ chức cho đoàn viên thanh niên đến học tập mô hình và kinh nghiệm chăn nuôi dê của anh Quang. Từ đó, chúng tôi đã phát triển thành công mô hình nuôi dê thương phẩm, tạo điều kiện nâng cao thu nhập của thanh niên trong xã.

    Anh Nông Văn Quang phát triển chăn nuôi
    Anh Nông Văn Quang phát triển chăn nuôi
    Anh Nông Văn Quang phát triển chăn nuôi
    Anh Nông Văn Quang phát triển chăn nuôi
  8. Chị Đào Thị Bích trước khi đến với nuôi thỏ, gia đình chị làm đủ nghề kết hợp với làm ruộng đời sống gặp không ít khó khăn; qua tìm hiểu thấy nuôi thỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao, có thể áp dụng cho gia đình và địa phương mình, nên gia đình chị quyết chí làm theo mô hình này với mong ước làm giàu.


    Trước năm 2018 chị đã mạnh dạn bàn với gia đình xây dựng chuồng trại 2 tầng với 120 m2đầu tư 60 triệu đồng xây dựng trang trại, mua con giống tổ chức chăn nuôi thử nghiệm 50 con bố mẹ, mỗi tháng trừ chi phí lãi hơn 10 triệu đồng. Thấy hiệu quả của mô hình nuôi thỏ, sau những trăn trở và tìm hiểu qua nhiều nguồn thông tin kết hợp đi thăm quan một số mô hình nuôi thỏ quy mô lớn tại huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà tỉnh Thái Bình và ở tỉnh Bắc Giang. Đầu năm 2019 chị đã mượn 400 m2 đất ruộng của anh em trong gia đình và quyết định mở rộng chăn nuôi với số lượng lớn. Hiện nay gia đình chị phát triển 10 dãy nuôi thỏ, trung bình gia đình chị nuôi 2.000 con thỏ các loại, có thời điểm cao nhất gia đình chị nuôi 4.000 con theo hình thức gối lứa. Mỗi năm gia đình chị nuôi 3 lứa, khi xuất thỏ trọng lượng mỗi con khoảng 2,5 đến 3kg/con. Khi có nguồn vốn gia đình chị xây dựng bể nuôi lươn và thả 1 vạn con cá trê. Bên cạnh đó gia đình chị còn tận dụng phân thỏ để nuôi giun quế bán cho các hộ nuôi lươn đồng thời tạo môi trường sạch cho thỏ phát triển. Năm 2022 gia đình chị Bích có doanh thu 500 triệu đồng. Chị Bích cho biết: Để nuôi thỏ đạt hiệu quả thì gia đình tự tìm nguồn giống, lai tạo tốt. Để nó khỏi mùi hôi chúng tôi còn nuôi giun quế để nó giảm mùi hôi, chuồng rất sạch, tận dụng chúng tôi còn nuôi cá, nuôi lươn và còn bán để kiếm thêm thu nhập. Nuôi thỏ rất dễ nuôi, hiệu quả cao, nên là chúng tôi chọn nuôi thỏ. Một năm thu nhập khoảng 300 triệu để cho kinh tế ổn định.


    Mô hình của gia đình chị Bích đã trở thành điạ chỉ tin cậy để các hộ chăn nuôi trao đổi, học tập kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi thỏ. Chia sẻ về kỹ thuật nuôi thỏ chị Bích cho biết thêm thỏ dễ nuôi và ít bị bệnh nhưng một khi đã bệnh thì chết rất nhanh. Thức ăn cho thỏ cũng rất đơn giản, nên các hộ gia đình nuôi có thể tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như rau, củ, quả, ngoài các loại rau xanh, còn có tinh bột, thức ăn hỗn hợp sản xuất cho thỏ. Thỏ con sau sinh 30 ngày sẽ được tách mẹ, đó là thời điểm thỏ con dễ mắc bệnh đường ruột nên người chăn nuôi phải chú ý đảm bảo thức ăn thật sạch sẽ và liều lượng phải vừa đủ. Đặc biệt là chú ý quan sát quá trình sinh trưởng của thỏ để tiêm vắc-xin phòng các bệnh đường ruột, nấm, ghẻ. Ngoài ra, chuồng trại cần phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Nói về người hội viên của mình chị Phạm Thị Hồng - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Đông Động cho biết: Chị Đào Thị Bích là hội viên phụ nữ chi hội thôn Xuân Đài, bản thân chị là người phụ nữ dám nghĩ dám làm, dám đầu tư, đến nay mô hình của gia đình chị đã và đang cho thu nhập ổn định. Bên cạnh đó chị còn tích cực tham gia các hoạt động của chi hội, chị thường xuyên chia sẻ kỹ thuật chăn nuôi cho hội viên để cùng phát triển. Chị là tấm gương để hội chúng tôi nhân ra diện rộng.


    Bằng sự nỗ lực, ý chí quyết tâm làm giàu của bản thân và gia đình đã giúp chị Bích thành công trong con đường lập nghiệp trên chính mảnh ruộng quê hương. Không chỉ làm kinh tế giỏi, gia đình chị Bích còn gương mẫu thực hiện tốt chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, luôn tích cực, đi đầu trong thực hiện các phong trào ở địa phương. Gia đình chị Bích nhiều năm liên tục được công nhận là gia đình văn hóa, được bình xét là hộ phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

    Chị Đào Thị Bích chăn nuôi thỏ
    Chị Đào Thị Bích chăn nuôi thỏ
    Chị Đào Thị Bích chăn nuôi thỏ
    Chị Đào Thị Bích chăn nuôi thỏ




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy