Top 7 Việc nên làm nhất giúp người chết mau siêu thoát theo quan điểm Phật Giáo

Phạm Thy 48949 0 Báo lỗi

Làm thế nào để giúp cho những người thân đã mất được sớm siêu thoát là việc vô cùng quan trọng, thể hiện tấm lòng của người sống đối với người đã khuất. Hãy ... xem thêm...

  1. Top 1

    Hộ niệm cho người trước và sau khi lâm chung

    Theo quan điểm Phật giáo, người sắp chết thân thể Tứ đại tan rã rất đau đớn và yếu ớt, nhất định phải có ban trợ niệm hoặc thân quyến ở bên trợ niệm giúp sức cho họ. Tính từ lúc tắt thở đến 8 giờ đồng hồ thì thần thức người chết mới lìa khỏi thân xác, trong thời gian đó họ còn cảm nhận được sự đau đớn nên càng cần thân quyến trợ duyên hộ niệm, bảo vệ không cho ai đụng chạm vào. Quy trình hộ niệm đúng pháp là tối quan trọng lúc này, gia quyến nếu thật sự yêu thương người chết thì cần phải nắm rõ và tiến hành theo các bước sau mới đem lại lợi ích thật sự cho người chết. Nhờ vậy họ mới được sanh vào các cõi lành như Tây Phương Cực Lạc, Trời và Người, đồng thời không bị đọa vào 3 đường ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.


    1) Đặt hình ảnh Phật A Di Đà trước mặt người lâm chung: Khi thấy người sắp lâm chung, người nhà hoặc ban hộ niệm nên lấy ngay hình ảnh của Đức Phật A Di Đà trong trạng thái đứng tiếp dẫn để đối diện với người lâm chung cho họ nhìn thấy rõ ràng rồi bắt đầu tiến hành nghi thức trợ niệm. Đối với người bệnh quá nặng, bị hôn mê không còn khả năng nhìn rõ thì có thể không cần dùng hình Phật mà trực tiếp tiến hành hộ niệm.


    2) Khai thị: Trong quy trình hộ niệm cho người lâm chung thì bước khai thị là quan trọng nhất. Do người chết còn nhiều niệm luyến ái với gia đình, thân quyến, thế gian... nên phải tìm bậc Thiện tri thức đủ đức hạnh, thâm hiểu đạo pháp khai thị, khuyên nhắc người lâm chung không nên sợ chết, giác ngộ vô thường, buông bỏ vạn duyên, cầu sanh Tây Phương. Nếu người đó có ý nguyện muốn về cõi khác như Trời hay Người thì cũng không nên miễn cưỡng, chỉ nên khai thị cho họ hiểu để tự phát tâm, còn lại thì tùy duyên phước và trí tuệ của người lâm chung. Tuy nhiên, công tác hộ niệm vẫn cứ phải tiến hành. Đối với người đã hiểu biết, tin sâu và phát nguyện về cõi Phật thì có thể khai thị ít hơn, chủ yếu là niệm Phật hiệu để trợ lực cho họ.


    3) Tụng kinh Sám hối và quy y cho người lâm chung: Nếu người lâm chung do sanh tiền tạo ác nghiệp tội lỗi nặng nề chưa thể đi được thì nên tụng kinh sám hối trước, thân quyến hoặc người chủ trì hộ niệm đứng ra thay mặt họ đối trước Tam Bảo phát lồ sám hối, tụng kinh Sám Hối như "Từ Bi Thủy Sám", "Lương Hoàng Bảo Sám"... hồi hướng trợ duyên cho họ. Nếu người lâm chung chưa quy y Tam Bảo thì nên quy y trước rồi tiếp tục trợ niệm. Việc này giúp người sắp mất gieo căn lành sâu với Phật pháp, tiêu tội, tăng phước, có lợi ích thiết thực cho nhiều kiếp về sau của họ.


    4) Ban hộ niệm giữ Chánh tâm trì chú Đại Bi kết hợp niệm Phật hiệu từ khoảng 3 đến 8 tiếng đồng hồ: Trong khi hộ niệm, người chủ lễ có thể dùng đạo lực mạnh trì chú Đại Bi để trợ duyên cho người lâm chung tiêu bớt nghiệp tội, hóa giải oan gia, trợ lực quán tưởng. Cùng lúc ấy những người khác thì vây xung quanh nhất tâm to tiếng niệm Phật hiệu liên tục, có thể niệm 4 chữ hay 6 chữ tùy theo ý thích hay thói quen của người lâm chung lúc sinh thời thường sử dụng. Quan trọng nhất là phải thành tâm trợ niệm một cách đều đặn, rõ ràng, suôn sẻ từng tiếng cho người lâm chung nghe được hoặc cùng niệm theo được mới có lợi ích cho họ. Không nên dùng khánh hay mõ để đánh khi niệm Phật vì tạp âm nhiều quá sẽ làm họ dễ bị tán tâm khó chú ý vào câu Phật hiệu hơn.


    5) Thân quyến tĩnh tâm niệm Phật, không khóc lóc, không đụng chạm thân thể người chết: Thần thức của người quá vãng sau khi tắt thở trong vòng khoảng 8 tiếng đồng hồ mới xuất lìa khỏi xác. Lúc này người chết rất đau đớn do thân Tứ đại đang tan rã, gia quyến tuyệt đối không nên lộ vẻ bi ai, buồn thảm, khóc lóc, than thở, kêu réo, hoặc đụng chạm, ôm hay lắc thân thể người chết, để vật lên người chết... sẽ rất trở ngại cho việc vãng sanh, khiến họ khởi tâm luyến ái khó được siêu thoát. Nếu thay áo quần cho người chết thì nên thay trước khi bắt đầu trợ niệm, hoặc phải thật nhẹ nhàng cẩn thận, nếu không thì họ sẽ rất đau đớn, mất hết Chánh niệm mà bị đọa vào ác đạo. Họ hàng, bạn bè tới thăm thì không nên hỏi han hay chúc cho người lâm chung mau lành bệnh, hoặc tụng kinh Cầu An... vì đây đều là việc trở ngại, không có lợi ích chân thật cho người sắp chết. Những người này chỉ nên im lặng cùng niệm Phật với mọi người.


    6) Kiểm tra độ mềm mại và hơi nóng trên thân người chết để biết sinh về cõi nào: Sau khoảng 3 - 8 tiếng liên tục trợ niệm thì có thể thăm dò độ mềm mại và hơi nóng tối hậu của người chết để biết họ được thác sanh về cõi nào theo nghiệp duyên của mình. Tổ sư Ấn Quang dạy, có 6 nơi phát ra hơi nóng cho ta biết người chết sanh về 6 cõi khác nhau, như sau: Đỉnh đầu (về cõi Phật); Trán - Mỏ ác (về cõi Trời); Ngực (về cõi Người); Bụng (về cõi ngạ quỷ); Hai đầu gối (về cõi súc sanh); Hai lòng bàn chân (về cõi địa ngục). Người chủ lễ phải dặn dò không cho đem thi hài đi quá sớm, phải sau 8 tiếng thì bảo đảm hơn. Sau 8 tiếng thì thân quyến mới có thể khóc lóc nếu còn lưu luyến người chết.

    Ban trợ niệm kiểm tra độ mềm mại của thân thể người chết sau 8 tiếng niệm Phật
    Ban trợ niệm kiểm tra độ mềm mại của thân thể người chết sau 8 tiếng niệm Phật
    Gia quyến tụng kinh, sám hối, niệm Phật hỗ trợ cho người lâm chung. Trong 7 phần công đức thì người chết chỉ hưởng được 1 phần, 6 phần còn lại sẽ thuộc về người làm công đức đó.
    Gia quyến tụng kinh, sám hối, niệm Phật hỗ trợ cho người lâm chung. Trong 7 phần công đức thì người chết chỉ hưởng được 1 phần, 6 phần còn lại sẽ thuộc về người làm công đức đó.

  2. Top 2

    Bố thí tài sản, vật dụng yêu thích của người mất, kết hợp cúng dường chùa tháp thờ Phật, tô vẽ đúc tượng Phật Bồ Tát, vì người chết phát nguyện lành

    Tùy theo nghiệp lực của người chết mà sau khi mất có thể ở vào thân Trung Ấm hoặc vãng sanh thẳng về cõi Phật hay cõi Trời, hoặc đọa thẳng vào địa ngục, hoặc phải ở Âm Ty để đối biện về thiện - ác, tội - phước rồi mới được đi đầu thai cõi khác. Cho dù thác sanh vào cõi nào thì theo Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, Đức Phật Thích Ca và Bồ Tát Địa Tạng khuyên hàng thân quyến vẫn nên làm thật nhiều công đức khác để hồi hướng cầu siêu cho người chết được lợi ích. Trong 7 phần công đức thì người chết chỉ hưởng được 1 phần, 6 phần còn lại sẽ thuộc về người làm công đức đó.


    Theo Kinh Địa Tạng, phẩm thứ nhất - "Thần thông trên cung trời Đao Lợi" kể chuyện Ngài Địa Tạng trong thưở kiếp lâu xa về trước là một vị Thánh nữ thuộc dòng Bà La Môn, mẹ của Ngài lúc sinh thời mê tín tà đạo, thường khinh khi ngôi Tam Bảo, sau khi chết thần hồn bị đọa vào địa ngục Vô Gián chịu vô lượng khổ. Thánh nữ biết mẹ mình do tà kiến, không tin Nhân Quả chắc chắn sẽ bị sa đọa vào đường ác, bèn bán hết nhà đất, sắm sửa hương hoa cùng những đồ lễ cúng rồi đem cúng dường tại các chùa tháp thờ Đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương. Nhờ công đức đó, mẹ của Ngài cùng những tội nhân trong ngục Vô Gián trong ngày đó đều được siêu thoát hết cả.


    Phẩm thứ 4 của Kinh Địa Tạng - "Nghiệp cảm của chúng sanh" kể câu chuyện Quang Mục - tiền thân của Bồ Tát Địa Tạng cứu thần hồn người mẹ từ bị đọa địa ngục do ác nghiệp giết hại sinh vật và chê bai mắng nhiếc mà được siêu thoát. Do Ngài được vị A La Hán chỉ dạy nên thành khẩn niệm Phật và vẽ đắp hình tượng Đức Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục, sau lại vì mẹ mà phát đại nguyện cứu độ chúng sanh nên nhờ đó mà mẹ Ngài được thác sanh vào cõi lành, còn được Đức Phật Thanh Tịnh Liên Hoa Mục thọ ký cho vĩnh viễn không còn phải bị đọa vào 3 đường ác nữa, về sau chóng đắc thành Phật quả.


    Phẩm thứ 6 - "Như Lai tán thán" trong Kinh Địa Tạng dạy: nếu người mất có vật dụng gì ưa tiếc hay quý báu, hoặc nhà cửa, ruộng vườn, v.v... thì người thân nên lấy đem cúng dường Tam Bảo, hoặc để tạo hình tượng chư Phật hay Bồ Tát Địa Tạng (hoặc chư Bồ Tát) cùng xây dựng chùa tháp, hoặc sắm đèn dầu thắp cúng, v.v... rồi đối trước Kinh, Tượng Phật lớn tiếng nói lên lời hồi hướng công đức đó từ một ngày đến bảy ngày để giúp người chết được siêu thoát nhanh hơn.

    Bố thí tài sản, vật dụng ưu thích của người mất, cúng dường Tam Bảo cầu siêu cho người chết
    Bố thí tài sản, vật dụng ưu thích của người mất, cúng dường Tam Bảo cầu siêu cho người chết
    Đúc tượng hoặc tô vẽ, ấn tống hình tượng Phật Bồ Tát hồi hướng cầu siêu cho người mất.
    Đúc tượng hoặc tô vẽ, ấn tống hình tượng Phật Bồ Tát hồi hướng cầu siêu cho người mất.
  3. Top 3

    Biên chép, ấn tống hoặc tụng Kinh Địa Tạng, tu tạo phước lành

    Phẩm thứ 6 - "Như Lai tán thán" trong Kinh Địa Tạng dạy: Ngoài việc cúng dường, đúc tượng Phật Bồ Tát, nếu gia quyến của người chết từ một ngày cho đến 7 ngày lớn tiếng đọc tụng Kinh này, hoặc tự mình biên chép Kinh này, hoặc bảo người biên chép, ấn tống thì người mất sẽ được lợi ích lớn. Cho dù lúc sanh tiền người chết đó có tạo tác bao nhiêu ác nghiệp nặng như tội Vô Gián thì cũng được nhờ công đức ấy mà thoát khỏi hẳn ác đạo, sanh vào đâu cũng nhớ rõ biết việc đời trước.


    Lại nữa, mục 'Siêu độ vong linh' của phẩm thứ 6 này cũng dạy: Người chết lâu đời nếu vẫn chưa được siêu thoát sẽ hiện về trong giấc chiêm bao để cầu con cháu hay gia quyến tìm phương cách cứu độ họ siêu thoát. Hàng thân quyến nên đối trước chư Phật Bồ Tát chí tâm tự đọc Kinh này, hoặc thỉnh mời người khác đọc 3 biến (lần) cho đến 7 biến thì người chết lâu đời kia sau khi Kinh này đọc đủ số sẽ được giải thoát, thân quyến khi mơ ngủ sẽ không còn thấy người chết hiện về nữa.


    Phẩm thứ 7 - "Lợi ích cả kẻ còn người mất" trong Kinh Địa Tạng dạy: Nếu gia quyến của người sắp lâm chung biết tụng đọc Tôn Kinh này, tội ác của người đó thảy đều tiêu sạch.

    Biên chép Kinh Địa Tạng hồi hướng công đức cầu siêu cho người chết
    Biên chép Kinh Địa Tạng hồi hướng công đức cầu siêu cho người chết
    Bản Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện do Lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch là bản dịch tốt nhất mà Phật tử nên dùng để đọc tụng, ấn tống
    Bản Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện do Lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch là bản dịch tốt nhất mà Phật tử nên dùng để đọc tụng, ấn tống
  4. Top 4

    Chỉ trợ niệm, không sát sanh, không tế lễ Quỷ Thần, cầu cúng ma quái

    Phẩm thứ 7 và phẩm thứ 8 - "Các vua Diêm La khen ngợi" trong Kinh Địa Tạng đều chỉ rõ lời dạy của Bồ Tát Địa Tạng và Quỷ vương Chủ Mạng rằng: lúc sắp lâm chung thì gia quyến của người đó nên hộ niệm cho người chết, chỉ cần niệm danh hiệu của 1 vị Phật, 1 vị Bồ Tát hay 1 vị Bích Chi Phật cho thấm vào lỗ tai của người chết thì không luận là người chết đó có tội hay không tội đều được siêu thoát, sau khi mạng chung họ sẽ được sanh vào cõi lành. Trợ niệm là việc cực kỳ quan trọng không thể thiếu giúp người lâm chung dễ được siêu thoát. Các bước cơ bản cần thiết cho việc trợ niệm như trên đã nêu.


    Ngoài ra, trong ngày lâm chung, nếu người nhà sát sanh hại vật, không cẩn thận gieo nghiệp chẳng lành, lại cúng tế Quỷ Thần, ma quái thì người chết đó tuyệt chẳng được mảy mún lợi ích gì cả. Ngược lại, người chết kia sẽ càng bị kết thêm tội duyên sâu nặng hơn mà thôi. Nếu khi sống người đó có hành thiện tích đức thì vẫn bị mắc lấy ương lụy mà chậm sanh vào cõi lành. Nếu tội lỗi, nghiệp chướng lúc sanh tiền của họ vốn đã nặng thì họ sẽ càng bị sa đọa vào ác đạo.


    Gia quyến nếu thật sự biết lo cho người chết thì phải nên ghi nhớ những điểm quan trọng này, chớ có phạm phải mà vô tình lấp mất đường siêu thăng của người chết đó.

    Không sát sanh hại mạng động vật. Người chết sẽ không có chút lợi ích nào mà nghiệp tội còn nặng thêm
    Không sát sanh hại mạng động vật. Người chết sẽ không có chút lợi ích nào mà nghiệp tội còn nặng thêm
    Không sát sinh để tế lễ Quỷ Thần, không cầu cúng ma quái. Người chết sẽ không có chút lợi ích nào mà nghiệp tội còn nặng thêm
    Không sát sinh để tế lễ Quỷ Thần, không cầu cúng ma quái. Người chết sẽ không có chút lợi ích nào mà nghiệp tội còn nặng thêm
  5. Top 5

    Cúng đồ chay, cúng trai Tăng, không được ăn đồ chưa dâng cúng, không được lãng phí vật thực

    Phẩm thứ 7 của Kinh Địa Tạng dạy rõ: Khi một người mạng chung, cốt nhục thân quyến của người đó nên làm đồ chay để cúng cho Phật và chư Tăng, thành tâm cầu khẩn để giúp thêm phước lành cho họ. Trong khi đang làm đồ chay thì chớ có đem nước gạo, lá rau, v.v... đổ vãi ra đất, hoặc các thứ đồ ăn chưa dâng cúng cho Phật và chư tăng thì chẳng được ăn trước.


    Nếu ăn trái phép và không tinh sạch kỹ lưỡng thì người chết kia trọn không được mảy phước nào cả. Nếu làm được như pháp thì cả kẻ còn lẫn người mất đều được lợi ích. Nếu biết giữ gìn cho tinh sạch, kỹ lưỡng đem dâng cúng cho Phật cùng Tăng thì trong 7 phần công đức người mất được 1 phần, gia quyến tu tạo công đức đó được lãnh thọ 6 phần.


    Cúng dường trai tăng là gia chủ sắm sanh các lễ vật đúng như pháp, trong sạch và chay tịnh, thành tâm dâng lên cúng dường chư Tăng. Có thể thỉnh chư Tăng về tư gia của bạn để cúng dường hay bạn mang lễ phẩm lên chùa rồi cúng dường chư Tăng ngay tại chùa.



    Ăn chay, cúng chay trong mỗi thất của người chết, không được lãng phí đồ ăn
    Ăn chay, cúng chay trong mỗi thất của người chết, không được lãng phí đồ ăn
    Cúng dường trai tăng hồi hướng cho cha mẹ đã khuất được siêu thăng, không được ăn trước khi chư Tăng thọ thực
    Cúng dường trai tăng hồi hướng cho cha mẹ đã khuất được siêu thăng, không được ăn trước khi chư Tăng thọ thực
  6. Top 6

    Niệm danh hiệu và đắp vẽ, cúng dường hình tượng của Ngài Địa Tạng Bồ Tát

    Phẩm thứ 12 - "Thấy nghe được lợi ích" trong Kinh Địa Tạng dạy rằng: Nếu có kẻ sắp mạng chung mà nghe đặng một tiếng danh hiệu của Ngài Địa Tạng Bồ Tát thoáng qua lỗ tai thôi thì kẻ đó không còn bị đọa vào 3 ác đạo. Cha mẹ và thân quyến của người chết nếu có thể đem của cải, nhà cửa, vật báu, y phục... của người sắp mạng chung đó làm chi phí tô đắp hay họa vẽ hình tượng của Ngài Địa Tạng Bồ Tát thì dù kẻ đó có đủ nghiệp chướng tội báo đáng lẽ phải đọa vào ác đạo, nhưng nhờ công đức này mà được sanh lên cõi Trời, Người hưởng quả vui thù thắng vi diệu, tất cả tội chướng thảy đều được tiêu sạch.


    Lại nữa, nếu trong nhà có người thân mất đã lâu chưa được siêu thoát, chưa rõ đọa vào chốn nào mà người sống có thể tô vẽ hình tượng Ngài Địa Tạng Bồ Tát, hoặc nghe danh hiệu của Ngài, 1 lần chiêm ngưỡng, đảnh lễ hình tượng của Ngài từ 1 ngày cho đến 7 ngày không thối thất tâm ban đầu thì quyến thuộc sớm khuất kia dù cho có ác nghiệp đáng bị đọa trong ác đạo vô số kiếp, nay nhờ công đức này mà liền đặng giải thoát, được sanh lên cõi Trời, Người hưởng quả vui thù thắng vi diệu. Nếu quyến thuộc đó vốn sẵn có phước lành rồi thìn hờ công đức này mà được sanh lên cõi Trời, Người, càng được thêm lớn nghiệp nhân về bậc Thánh, được hưởng vô lượng quả vui.


    Trong Kinh Địa Tạng, Đức Phật Thích Ca dạy rõ rằng công đức, phước báo của việc trì niệm danh hiệu của Ngài Địa Tạng Bồ Tát là vô cùng to lớn, vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn. Việc trì niệm Thánh hiệu của Ngài không chỉ đem lại lợi lạc lớn cho người sắp chết hoặc đã mất như trên đã nêu, mà đối với người sống, hoặc đối với hàng chư Thiên hay chúng sanh trong 3 đường ác đều được thọ nhận vô lượng công đức phước lành, khiến chúng sanh sở cầu như ý và mau thành tựu mọi nguyện lớn, thậm chí chóng thành Phật quả.

    Đại Bi, Đại Nguyện, Đại Từ, Bổn Tôn Địa Tạng Vương Bồ Tát - vị Đại Bồ Tát có nguyện lớn
    Đại Bi, Đại Nguyện, Đại Từ, Bổn Tôn Địa Tạng Vương Bồ Tát - vị Đại Bồ Tát có nguyện lớn "Địa ngục chưa trống, tôi thề không thành Phật!"
    Được tôn xưng là Giáo chủ cõi U Minh, hình ảnh của Đại Bồ Tát·Địa Tạng được mô tả: Tay cầm châu sáng tròn vìn; Hào quang soi khắp ba nghìn đại thiên. Ngài luôn từ bi tiếp dẫn chúng sanh được thoát khỏi 3 đường ác và nhiều hạnh nguyện từ bi khác
    Được tôn xưng là Giáo chủ cõi U Minh, hình ảnh của Đại Bồ Tát·Địa Tạng được mô tả: Tay cầm châu sáng tròn vìn; Hào quang soi khắp ba nghìn đại thiên. Ngài luôn từ bi tiếp dẫn chúng sanh được thoát khỏi 3 đường ác và nhiều hạnh nguyện từ bi khác
  7. Top 7

    Ăn chay, phóng sanh, làm thêm những việc thiện khác

    Người chết rồi dù sanh vào cõi nào thì trong vòng 49 ngày cũng là thời điểm quan trọng then chốt quyết định cho họ được thăng hay đọa. Lúc này, người đã khuất do ở thân Trung Ấm, không còn có thể tự làm những việc thiện để hồi hướng cho chính mình hầu thoát tội báo, chỉ mong chờ thân quyến giúp họ tu tạo phước lành để hồi hướng. Như trên đã nói, họ chỉ nhận được 1 phần công đức nên càng mong mỏi con cháu, cha mẹ, vợ hay chồng... tu thiện để hồi hướng giúp cho.


    Nếu thân quyến của người chết trong vòng 49 ngày sau khi mất có thể ăn chay, lại phóng sanh, tích thêm những việc thiện lành khác để hồi hướng công đức thì người chết sẽ càng mau sanh về cõi lành hoặc được cao đăng Phật quốc. Nếu người chết bị tội đọa vào địa ngục hoặc ngạ quỷ, súc sanh thì cũng nhờ những công đức người nhà hồi hướng mà được sớm siêu thoát khỏi cảnh khổ.


    Ngoài những việc thiết yếu nên làm như trên, tùy theo nhân duyên của từng gia đình mà có thể chọn một số việc thiện thiết thực khác để tu tạo và hồi hướng giúp cho người chết như: cúng 7 thất trong 49 ngày, tụng kinh cầu siêu như Kinh A Di Đà, Kinh Vô Lượng Thọ...; bố thí đồ ăn, thuốc men... từ thiện giúp người nghèo khó, bệnh tật; thường xuyên thay người chết sám hối nghiệp tội; niệm Phật A Di Đà cầu cho người chết cao đăng phẩm vị ở cõi Cực Lạc; ấn tống, biếu tặng gieo duyên các kinh điển Đại Thừa hoặc sách Phật pháp - tác phẩm hay của các cao tăng đại đức để hồi hướng công đức ấy cho người đã khuất, v.v...

    Ăn chay, Phóng sanh, yêu quý sinh mạng động vật, công đức vô lượng hồi hướng giúp cho người chết được siêu thoát
    Ăn chay, Phóng sanh, yêu quý sinh mạng động vật, công đức vô lượng hồi hướng giúp cho người chết được siêu thoát
    Phóng sinh tức là kết duyên lành với chúng sanh. Thấy vật sắp bị giết, bị bắt thì thả mới là phóng sinh chân chính
    Phóng sinh tức là kết duyên lành với chúng sanh. Thấy vật sắp bị giết, bị bắt thì thả mới là phóng sinh chân chính



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy