Bài soạn "Sử dụng yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh" số 4
I. Tìm hiểu yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh
Câu 1 trang 24 SGK Ngữ văn 9 tập 1:
Đọc văn bản "Cây chuối trong đời sống Việt Nam" trang 24, 25 SGK Ngữ văn 9 tập 1.
Câu 2 trang 25 SGK Ngữ văn 9 tập 1: Suy nghĩ và thực hiện các yêu cầu sau:
a. Giải thích nhan đề văn bản
b) Tìm những câu trong bài thuyết minh về đặc điểm tiêu biểu của cây chuối.
c) Chỉ ra những câu văn có yếu tố miêu tả về cây chuối và cho biết tác dụng của yếu tố miêu tả đó.
d) Theo yêu cầu chung của văn bản thuyết minh, bài này có thể bổ sung những gì? Em hãy cho biết thêm công dụng của thân cây chuối, lá chuối (tươi và khô), nõn chuối, bắp chuối,…
Trả lời:
a. Nhan đề văn bản “Cây chuối trong đời sống Việt Nam” giúp người đọc hiểu được bài văn muốn nói đến cây chuối trong đời sống của dân tộc Việt Nam, nói đến vị trí, vai trò của cây chuối trong đời sống người Việt Nam, đặc biệt là người nông dân Việt Nam.
b. Những câu trong văn bản thuyết minh về đặc điểm của cây chuối:
- Đoạn 1: Thuyết minh về đặc điểm phân bố, sinh trưởng, phát triển của cây chuối: Đi khắp Việt Nam... đến núi rừng
- Đoạn 2: Thuyết minh về lợi ích của cây chuối: Người phụ nữ nào... đến hoa quả.
- Đoạn 3: Thuyết minh về các loại chuối và công dụng của nó:
+ chuối chín để ăn
+ chuối xanh để chế biến thức ăn.+ chuối để thờ cúng
Các câu thuyết minh có vai trò cung cấp tri thức về cây chuối trong đời sống người Việt Nam.
c. Các câu miêu tả trong văn bản:
- Miêu tả hình dáng cây chuối: ... những cây chuối thân mềm vươn lên như những trụ cột nhẵn bóng, tỏa ra vòm tán lá xanh mướt che rợp từ vườn tược đến núi rừng.
- Miêu tả về đặc điểm chuối trứng cuốc: ... không phải là quả tròn như trứng cuốc mà khi chín vỏ chuối có những vệt lốm đốm như vỏ trứng cuốc...
- Miêu tả về công dụng của chuối xanh: có vị chát, để sống cắt lát ăn cặp với thịt lợn luộc chấm tôm chua khiến miếng thịt ngon gấp bội phần...
* Tác dụng của yếu tố miêu tả: giúp người đọc hình dung rõ hơn về cây chuối trong đời sống người Việt Nam.
d. Theo yêu cầu chung của văn bản thuyết minh, văn bản này có thể bổ sung thêm phần thuyết minh về việc phân loại chuối (chuối tây, chuối hột, chuối tiêu, chuối ngự, chuối rừng...); thuyết minh về thân chuối, lá chuối, nõn chuối, hoa chuối, gốc chuối, củ chuối...
* Bổ sung công dụng các phần của cây chuối:
- Thân cây chuối: thái ghém làm rau sống ăn rất mát, có tác dụng giải nhiệt, làm phao tập bơi, kết nhiều thân cây chuối thành bè vượt sông...
- Lá chuối tươi để gói bánh chưng, bánh nếp, bánh cốm,...; lá chuối khô dùng để lót ổ cho gia súc, gói bánh gai, làm chất đốt...- Nõn chuối dùng để ăn sống...
- Hoa chuối thái thành sợi nhỏ để ăn sống, làm nộm và chế biến rất nhiều các món ăn khác.
Ghi nhớ:
Để thuyết minh cho cụ thể, sinh động, hấp dẫn, bài thuyết minh có thể kết hợp sử dụng yếu tố miêu tả. Yếu tố miêu tả có tác dụng làm cho đối tượng được thuyết minh được nổi bật, gây ấn tượng.
II. Luyện tập:
Câu 1 trang 26 SGK Ngữ văn 9 tập 1: Bổ sung yếu tố miêu tả vào các chi tiết thuyết minh sau:
– Thân cây chuối có hình dáng…
– Lá chuối tươi…
– Lá chuối khô…
– Nõn chuối…
– Bắp chuối…
– Quả chuối…
Trả lời:
Bổ sung các yếu tố miêu tả vào các chi tiết thuyết minh:
- Thân cây chuối có hình dáng thẳng, tròn như một cái cột trụ mọng nước.
- Lá chuối tươi xanh rờn cong cong dưới ánh trăng, thỉnh thoảng lại vẫy lên phần phật như mời gọi ai đó trong đêm khuya thanh vắng.
- Lá chuối khô màu nâu, thuở xa xưa thường dùng để lót ổ nằm vừa mềm mại, vừa ấm áp.
- Nõn chuối màu xanh non cuốn tròn như một bức thư còn phong kín đang đợi gió mở ra.
- Bắp chuối màu phơn phớt hồng đung đưa trong gió chiều nom giống một cái búp lửa của thiên nhiên kì diệu.
- Quả chuối chín vàng vừa bắt mắt, vừa dậy lên một mùi thơm ngọt ngào quyến rũ.
Câu 2 trang 26 SGK Ngữ văn 9 tập 1: Chỉ ra yếu tố miêu tả trong đoạn văn sau:
Một lần đến thăm Trường cao đẳng Mỹ Thuật công nghiệp Hà Nội, Bác Hồ gợi ý nên phát triển đồ sứ dân tộc. Bác nói người Việt thường dùng chén chứ không dùng tách. Tách là loại chén uống nước của Tây, nó có tai. Chén của ta không có tai. Khi mời ai uống trà thì bưng hai tay mà mời. Bác vừa cười vừa làm động tác. Có uống cũng nâng hai tay xoa xoa rồi mới uống, mà uống rất nóng. Đấy, dân tộc đấy. Bác nói tiếp, cái chén còn rất tiện lợi, do không có tai nên khi xếp chồng rất gọn, không vướng, khi rửa cũng dễ sạch.
(Theo Phạm Côn Sơn, Làng nghề truyền thống Việt Nam).
Trả lời:
– Yếu tố miêu tả trong đoạn văn trên là: “Tách là loại chén uống nước của Tây, nó có tai. Chén của ta không có tai. Khi mời ai uống trà thì bưng hai tay mà mời. Bác vừa cười vừa làm động tác. Có uống cũng nâng hai tay xoa xoa rồi mới uống.”
– Những yếu tố miêu tả này làm nổi bật hình ảnh loại chén (đối tượng được thuyết minh) và hình ảnh của Bác Hồ.
Câu 3 trang 26, 27, 28 SGK Ngữ văn 9 tập 1: Đọc văn bản: "Trò chơi ngày xuân" trang 26, 27, 28 SGK Ngữ văn 9 tập 1 và chỉ ra những câu miêu tả ở trong đó.
Trả lời:
Các yếu tố miêu tả có trong văn bản “Trò chơi ngày xuân”:
- Qua sông Hồng, sông Đuống, ngược lên phía bắc là đến với vùng Kinh Bắc cổ kính, quê hương của các làn điệu quan họ mượt mà.
- Lân được trang trí công phu, râu ngũ sắc, lông mày bạc, mắt lộ to, thân mình có các họa tiết đẹp.
- Múa lân rất sôi động với động tác khỏe khoắn, bài bản: lân chào ra mắt, lân chúc phúc, leo cột... Bên cạnh có ông Địa vui nhộn chạy quanh.
- Kéo co thu hút nhiều người, tạo không khí hào hứng, sôi động, rèn luyện sức khỏe, tính kỉ luật, ý thức tập thể ở mỗi người.
- Bàn cờ là sân bãi rộng, mỗi phe có 16 người mặc đồng phục đỏ hoặc xanh, cầm trên tay hay đeo trước ngực biển kí hiệu quân cờ.
- Hai tướng (tướng ông, tướng bà) của hai bên đều mặc trang phục thời xưa lộng lẫy có cờ đuôi nheo đeo chéo sau lưng và được che lọng.
- Với khoảng thời gian nhất định trong điều kiện không bình thường, người thi phải vo gạo, nhóm bếp, giữ lửa đến khi cơm chín ngon mà không bị cháy, khê.
- Sau hiệu lệnh, những con thuyền lao vun vút trong tiếng hò reo cổ vũ và chiêng, trống rộn rã đôi bờ sông.