Bài tham khảo số 5
Trong cuộc sống xã hội, nỗi khổ nào cũng có giới hạn, nỗi đau nào rồi cũng qua đi theo thời gian năm tháng. Thế nhưng có những nỗi đau như đọng thành giọt đắng, thấm vào lòng người thật tê tái, xót xa. Và nó được biểu hiện sâu sắc qua lời tâm sự của người phụ nữ bị thiếu vắng tình yêu, đi theo tiếng gọi tình yêu thì bị xã hội lên án, bị cuộc hôn nhân gượng ép trói buộc, cuối cùng phải chết đi trong niềm đau se thắt; trong cơn mê loạn, điên cuồng. Xúy Vân giả dại - một màn chèo dân gian đặc sắc trong vở Kim Nham sẽ đưa ta đi vào một bi kịch đầy nước mắt.
Xúy Vân - ngưừi vợ trẻ cô đơn phải chờ chồng đi theo tiếng gọi “công danh”. Bao năm dài đằng đẵng sự khao khát tình yêu lứa đôi như rực cháy trong tim nàng. Trái tim nàng như giục giã, đòi giọt nước “ái tình” tươi nhuần, tắm mát. Và nàng đã sa vào cuộc phiêu lưu tình ái với Trần Phương - một tay chơi “nhà cự phú lừng miền tỉnh Bắc”. Trần Phương đã xui nàng “giả dại, làm điên” để chồng là Kim Nham phụ bỏ. Nhưng sau đó, Trần Phương đã “quất ngựa truy phong”, để lại cho nàng một vết thương lòng tê tái. Xúy Vân rơi vào tình cảnh “điên điên dại dại” trong khi Kim Nham đang trong buổi tiệc ăn mừng thi đậu, Xúy Vân hiện lên trong đoạn trích với hình ảnh thật thương cảm, một hình hài xơ xác của một mụ điên, giọng cười man dại:
Đau thiết, thiệt oan
Than cùng bà Nguyệt
Đánh cho lề lệt
Chết mệt con đồng
Đầu tiên là lời thống thiết, van xin xuất phát từ đáy lòng đau khổ. Xúy Vân van xin “bà Nguyệt”. Phải chăng nàng cần sự thông cảm, than về tình duyên của số phận mình. Nỗi đau đã ngấm ngầm chà xát tim gan Xúy Vân, nàng xem mình như kẻ bại trận thảm hại trong cuộc chiến tình trường, như một “con đồng” bị tình yêu quất ngã thật đau đớn. Người xem chỉ thấy một Xúy Vân thật tỉnh táo, nhưng đang chìm trong nỗi khổ triền miên, không gian như ngừng trôi, lắng lại. Bỗng Xúy Vân vút lên trong thảng thốt, xé toạc cả không gian:
Bớ đò, bớ đò!
Tôi la đò, đò nỏ có thưa
Tôi càng chờ, càng đợi, càng trưa chuyến đò
Các câu sau không hề có sự liên kết với phần trên. Đây quả là lời “điên” thực sự. Hình ảnh con đò hiện hữu trong đoạn thơ thật ngẫu nhiên. Con đò có nét gì quen thuộc, thường xuất hiện trong các câu ca dao:
Trăm năm đành lỗi hẹn bò
Cây đa bến cũ con đò khác xưa?
ơ đây, con đò như chiếc bóng mờ mờ, nhạt nhạt mà Xúy Vân như lữ khách cô đơn, lạc lõng trên bờ bến cuộc đời phồn tạp. Ta như cảm thấy được sự trớ trêu của số phận Xúy Vân, nàng dường như đang thống thiết gọi Kim Nham, như gọi một phương tiện sang sông, nàng cảm nhận tuổi xuân của mình từng ngày bị bóp chết bởi sự vò võ, ngóng trông:
Bớ các chị nhiêu ơi, bớ các bạn tình ơi!
Cách con sông nên tôi phải lụy đò
Bởi chưng giời tối phải lụy cô bán hàng.
Xúy Vân lại một lần nữa thống thiết vang lên với nỗi đau trong tận cùng sâu thẳm. Lời lẽ như phảng phất lời tự bạch, biện minh. Lời lẽ thật tỉnh táo. Tâm trạng của Xúy Vân rơi vào sự phức tạp không thể lí giải. Chợt điên rồi lại tỉnh. Nàng ví Kim Nham như một con đò, trong đêm tĩnh mịch, tối trời nàng phải “lụy”. Từ “lụy” có gì nằng nặng, có gì xót xa, nuối tiếc. Nuối tiếc cho sự run rủi của phận số, một sợi dây oan nghiệt trói buộc nàng vào cuộc hôn nhân hờ hững. Người đọc như thấy Xúy Vân trên sân khấu với nét mặt ủ ê, với lời nói có sự phảng phất đau buồn:
Chẳng nên gia thất thì về
Ở làm chi nữa chúng chê bạn cười
Tôi chắp tay lạy bạn đừng cười
Lòng tôi không giăng gió, tôi gặp người gió giăng.
Rơi vào tình cảnh tình không lôi thoát, Xúy Vân sợ xã hội lên án vì nàng đã dối lòng khi chung sông với Kim Nham. Xúy Vân “chắp tay lạy bạn” để mong tìm sự thông cảm, sẻ chia. Thật tội nghiệp. Cô để cả trái tim mình trên lòng bàn tay chìa ra khắp cả mọi người để chứng minh cho:
Lòng tôi không giăng gió, tôi gặp người gió giăng.
Xúy Vân giải thích với mọi người rằng chính cô là nạn nhân của Trần Phương, của tình yêu bồng bột. Nếu các đoạn trên, ta tìm được cái lôgíc thì ở đoạn:
Gió giăng thì mặc gió giăng
Đôi ta chỉ quyết đạo hằng với nhau
Đã rời xa cái khung ngôn ngữ. Phải chăng Xúy Vân đã tìm thấy tình yêu thực sự ở Trần Phương dù biết rằng đó là tình yêu bồng bột, sự sôi nổi, sự xúc động nhất thời? Nàng đã chấp nhận tất cả để “quyết đạo hằng” với Trần Phương dù có mang tiếng là “ngoại tình”. Sự mãnh liệt, khát khao tình yêu của Xúy Vân như cơn sóng biển ồ ạt, rì rào và đã dạt dào trong ta một sự thông cảm. Xúy Vân đã tự tin hơn bao giờ hết. Nàng tin với liều thuốc thời gian, và tình yêu của mình, Trần Phương sẽ được cải tạo chín chắn hơn. Có lẽ nhân dân đã tạo ở nàng một mâu người với khát vong tình yêu cháy bỏng, một cô gái có bản lĩnh tự tin, luôn hành động theo bản năng và là người tuân thủ đặc biệt cái “tình yêu thiên tính”. Sự khát khao cuộc sống lứa đôi của Xúy Vân ta đã bắt gặp trong lời tâm sự của người thiếu phụ chờ chồng của Vương Xuân Linh trong bài thơ Khuê oán:
Khuê trung thiếu phụ bất như sầu
Xuân nhật ngưng trang thướng thúy lâu
Hốt tiến mạch đầu dương liễu sắc
Hối giao phu tế mịch phong hầu.
(Trong khuê trung thiếu phụ chẳng biết sầu
Ngày xuân, ngừng trang điểm bước lên lầu xanh biếc
Bỗng thấy, phía trước con đường ruộng có dương liễu xanh
Hối hận sao lại để chồng đi tìm “Sắc phong”).
Thật vậy, Xúy Vân đã đi vào con đường “rối rắm tơ lòng”, nhưng nàng đã chân thành bày tỏ cái “nhịp sóng lòng” với chúng ta, dù bất chợt đó là lời nói trong cơn mê loạn. Trong tận cùng sâu thẳm của lí trí một người điên, nàng vẫn còn nhận ra đích thị giá trị nhân phẩm của mình:
Nghề dại dột... nhưng tài cao vô giá như đã có lần biện minh:
Lòng tôi không giăng gió, tôi gặp người gió giăng.
Tuy bị tình yêu cuốn đi như cơn lốc, nhưng nàng vẫn còn tỉnh táo để nhận ra sự sai trái, đáng lên án của một kẻ “ngoại tình” là:
Phụ Kim Nham, say đắm Trần Phương
Đang trượt dài trong niềm Ưu tư, ở nàng như bộc phát sự tái tê đến không thể chịu được, và nàng đã hát, hát lên cho vơi đi niềm đau, hát cho tan cả đất trời, điệu hát “Con gà rừng” bỗng dưng ngân vảng:
Con gà rừng
Ăn lẫn với công
Đắng cay chẳng chịu được
Láng giềng ai hay?
Bông dắt bông díu
Xa lắc xa líu
Láng giềng ai hay?
Trong lời hát, hai hình ảnh mâu thuẫn giữa “con gà rừng” và “công” tạo ra sự liên tưởng đặc biệt. Một sự cách xa về giống loài, về giá trị đã tạo nên sự “đắng cay”, chua chát. Phải chăng, Xúy Vân đang gợi cho ta số phận một “Xúy Vân” tài cao vô giá lại phải sống chung với “con gà rừng”, chẳng khác nào nàng đã ám chỉ Kim Nham, để rồi sau đó là thống thiết kêu lên “Láng giềng ai hay?”. Câu nói của nàng như một lời nghi vấn, cần sự giải đáp gây nhức nhối trong lòng người. Tiếp theo nàng đưa ra hình ảnh “bông dắt bông díu”, nhưng lại “xa lắc xa líu”, một sự vương víu, mắc míu được nhấn mạnh, có lẽ đó là sợi dây oan nghiệt trói buộc nàng. Một lần nữa, nàng lại tự hỏi: “Láng giềng ai hay?”. Có lẽ lần nói này đã chan hòa nước mắt, nó nghẹn ngào khi niềm cay đắng dâng lên. Trong tình cảnh này, tâm tư Xúy Vân mâu thuẫn gay gắt giữa tình yêu thiên tính và đạo đức xã hội ám ảnh, cái đạo đức Nho giáo “tam tòng tứ đức” dằn vặt. Nàng đau khổ vì đâu? Điên dại vì đâu? Chúng ta được sự giải thích: “Bởi xuân huyên!”. Lời thật đau nhói, xoáy vào tâm can các bậc cha mẹ. Dù sao, Xúy Vân vẫn chỉ trách phận mình đen đủi, phải vấp ngã trong dòng thác lũ cuộc đời. Hai câu tiếp theo bỗng dưng đột biến kì lạ:
Chờ cho bông lúa chín vàng
Để anh đi gặt, để nàng mang cơm.
Xúy Vân vụt hát lên với ước mơ bình dị, được sum vầy êm ấm trong hạnh phúc đời thường, nó phảng phất tính chất đồng quê. Nó như một định hướng về tương lai phía trước. Phải chăng khi quá đau khổ thất vọng, con người chỉ biết ước mơ thôi? Hai câu này gợi cho ta sự liên tưởng đến câu ca dao:
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày, vợ cấy con trâu đi bừa.
Tiếp theo sau, Xúy Vân thực sự “chìm” trong quá khứ. Nàng múa bắt nhện, xe tơ, dệt cửi... Người xem như thấy một Xúy Vân ngây thơ, trong trắng ở thời con gái - thời dệt nhiều hoa mộng nhất của đời người. Một quá khứ tái hiện trở lại. Ta thấy Xúy Vân đáng thương hơn bao giờ hết. Nhưng rồi, nàng lại cười lên với tràng cười ghê rợn, lại khóc tấm tức, và lại tự mỉm cười. Có lẽ nàng đã điên thực sự trong nỗi đau khổ thật của mình. Hình ảnh con nhện giăng tơ gối đầu trên đoạn thơ như sự giao kết, liên lạc giữa hai người: Xúy Vân - Trần Phương:
Ngồi rồi xem nhện xe tơ
Xe năm sợi chỉ đợi chờ tình nhân
Nhác trông lên núi Thiên Thai
Thấy hai con quạ ăn xoài trên cây.
Hình ảnh “hai con quạ ăn xoài” hiện lên thật đẹp, thật khắng khít, khó tách rời nhau. “Núi Thiên Thai” như một thế giới khác, lánh xa cuộc sống phàm tục, nó bồng bềnh, tươi đẹp của cảnh “non bồng nước nhược”. Sau đó, nàng lại liên tưởng đến mình và người yêu:
Đôi ta dắt díu lên đây
Áo giải làm chiếu, chăn quay làm mùng
Đây quả là một ước mơ táo bạo, tách rời cả khuôn phép đạo đức. Xét ở góc độ nào, niềm ước mơ của nàng vẫn chân thành, nó xuất phát từ trái tim yêu, yêu mãnh liệt, cháy bỏng: Nàng quá yêu; nó bộc lộ sâu sắc trong lời than thở:
Tôi thương nhân ngãi
Tôi nhớ nhân tình
Đêm năm canh trằn trọc hòa (cả) năm
Than rằng nhân ngãi cựu hình đi đâu
Nàng thẳng thắn bộc lộ tâm trạng mình - tâm trạng của người con gái dam mê sống, dam mê yêu nhưng bị “tình yêu” trốn chạy, vuột khỏi tầm tay. Xúy Vân lại thêm một nỗi khổ chất chồng: là nạn nhân của mối tình bồng bọt nhất thời. Nàng ví mình như con cá rô bé nhỏ, sa vào “vũng chân trâu”:
Con cả rô nằm vũng chân trâu
Để cho năm bảy cái cần câu châu vào
Nàng bị “cạm bẫy” cuộc đời trói buộc, rồi lại phải nhận bao điều oan trái, đắng cay ập xuống thân phận mỏng manh, như “năm, bảy” cần câu châu vào một con cá rô, mặc cho con cá rô vùng vẫy, lẻ loi, hoảng sợ mà chẳng tìm đâu ra bến đỗ, nơi giải thoát bản thân. Nét tâm lí này như một nếp gấp không thể nào là ủi phẳng phiu được. Càng sống trong thực tại, nàng càng cảm thấy khổ đau, bị cơn sóng lòng dội mạnh. Bỗng dưng, Xúy Vân vận dụng vè nói ngược:
Chuột chạy bờ rào
Muỗi ấp cảnh dơi
Õng Bụt mà bẻ cổ con nai
Cái trứng gà mày tha con quạ lên ngồi trên cây
Cưỡi con gà mà đi đảnh giặc
Câu hát ngược của nàng là sự hòa quyện giữa cái bi và hài. Nàng ẩn giấu cái “bi kịch” đầy nước mắt của mình vào lời hát dân ca để ta có thể cảm nhận “cái tôi” thật sự của nàng qua hình ảnh của một “mụ điên”. Dưới mắt xã hội, kẻ điên như một phần tử bị sa thải khỏi cộng đồng, nhưng Xúy Vân vẫn đề cao giá trị nhân phẩm của mình.
Rồ này ai bán thì mua
Dại này ai thấy không mơ mẩn tình
Lúc thì giả cách làm thinh
Lúc thì giả dại ra hỉnh làm điên
Lúc thì tưởng đến nhân duyên
Cho nên đến nỗi phát điên phát rồ.
Lúc này, Xúy Vân tỉnh táo hơn bao giờ hết. Người xem chỉ thấy một Xúy Vân đáng thương, thân hình tiều tụy, sầu khổ trăm bề. Nỗi tủi khổ như uất nghẹn, tim nàng co thắt, nước mắt bây giờ đã chạy ngược vào tim, cuộc đời giờ đây đối với Xúy Vân chỉ là một vòng tròn oan nghiệt, một con số không vô nghĩa. Trong phút giây này, nàng cảm thấy tủi hổ với Kim Nham và chỉ còn nhắn với Kim Nham vài lời trong niềm chua chát:
Phong thư này nhắn gửi Kim Nham
Anh ở đâu cho chóng mà về
Nghe lời tôi lập một đàn thề
Nghe thời chớ, không nghe để gái này tự vẫn
Màn chèo khép lại trong dư âm của tiếng khóc thì thầm, trong tiếng cười gờn gợn của Xúy Vân, để lại trong mỗi chúng ta một sự chua xót, nén tiếng thở dài. Màn chèo kết hợp hài hòa, tinh vi trong điệu bộ, cử chỉ, nhạc điệu và âm hưởng. Màn chèo với cách diễn tả thật độc đáo tâm trạng của cô gái quá khổ đau trong tình trường. Xúy Vân hiện lên trong suốt màn chèo với một Xúy Vân đáng thương hơn đáng trách. Nàng đã hành động “Phụ Kim Nham say đắm Trần Phương" là vì nàng hành động theo bản năng, theo tiếng gọi tình yêu để vươn tới tình yêu thiên tính. Xét góc độ bên ngoài thì đây là hành động phi đạo đức, đáng lên án, nhưng càng đi sâu vào cái khổ, cái bấn loạn, hỗn độn của nội tâm Xúy Vân, thì niềm thông cảm đã lấn át ý tưởng một mực lên án nàng. Màn chèo "Xúy Vân giả dại” trở thành “đứa con phá bĩnh” với người sáng tạo ra nó, nguyên nhân là nhân dân tôn trọng tâm trạng khách quan. Màn chèo còn là tiếng nói phản kháng các cuộc hôn nhân gượng ép, giả dối. Cái chết của Xúy Vân quả là một bi kịch đầy nước mắt. Và phải chăng nhân dân đã muốn nàng phải trả giá cho hành động quá bồng bột, lãng mạn đã đi ngược đạo đức Nho giáo?
Xuyên suốt màn chèo, ta nhận ra biết bao vẻ đẹp của nhân ái và khát vọng tình yêu đã rực cháy như ngọn lửa thiêng không bao giờ tắt trong trái tim người thiếu phụ. Khát vọng tình yêu tự nhiên nên vẻ đẹp với ánh sáng lung linh của thời đại càng đi sâu và hòa quyện tâm hồn vào con người của Xúy Vân, thông cảm cho nàng hơn bao giờ hết. Vở chèo đã góp chung một tiếng nói phản kháng các cuộc hôn nhân giả dối, gượng ép, ủng hộ tình yêu thiên tính. Đồng thời, ta có thể rút ra cho mình một nhận thức về: “Người đàn bà cao quý biết bao! Họ bệnh và dệt nên những hoa hồng của thượng giới trong đời sống phàm tục của chúng ta”.
Chính nhịp sóng lòng về tình yêu của người phụ nữ là những nốt nhạc trầm bổng du dương, tạo nên trong tao đàn văn học dân gian một giai điệu không dứt và mãi xao xuyến, rung động tâm hồn con người qua bao thời đại.