Bài văn phân tích tác phẩm "Cố hương" của Lỗ Tấn số 7

Cố hương là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của Lỗ Tấn viết về đề tài nông thôn. Từng chữ từng câu đều phảng phất tình quê vơi đầy, sâu nặng. Qua kỉ niệm tuổi thơ, tác giả bộc lộ nỗi buồn thương trước những đổi thay của con người, cảnh quê - đồng thời cũng thể hiện niềm tin vào ngày mai tươi sáng. Sống lại trước mắt nhân vật “tôi” là hình ảnh quê hương quá khứ và hiện tại.


Về quê, lòng “tôi” bồi hồi xúc động. Thông thường về quê, ai cũng vui, còn với "tôi” thì có khác. Nhìn quê hương, lòng se lại, “tôi” tự hỏi: “phải chăng đây là làng cũ thân yêu?”, về quê để bán nhà, giao đất, gặp cảnh nghèo, nên nỗi buồn càng tăng thêm. Quê hương trong nhiều trang viết thường gắn với tổ tiên. Lỗ Tấn đi theo hướng khác – ông tập trung thế hiện kí ức tuổi thơ. Đó là tình bạn với Nhuận Thổ.


Nhờ bạn mà tôi biết bao điều lạ, Nhuận Thổ bày cho tôi cách làm bẫy chim, nhận diện các loại sò và công việc của người canh dưa. Nhuận Thổ mở ra trong “tôi” một cảnh quê đẹp như cổ tích “vầng trăng tròn treo lửng lơ trên nền trời xanh, bên dưới là một bãi cát… bát ngát màu xanh rờn…”. Nói về quê, trước hết là nói đến những con người. Đó là mẹ thân yêu. “Tôi” vừa bước vào nhà, mẹ đã dang tay chạy ra.


Mừng rỡ nhưng trong mẹ vẫn ẩn chứa một nỗi buồn - buồn về cảnh nhà, vì tưởng nhớ người đã khuất, nhất là sắp phải đi xa. Tuy vậy mẹ vẫn hiền hậu, chăm sóc “tôi”, ân cần căn dặn “tôi” đi thăm hàng xóm. Nhờ mẹ, “tôi” nhớ đến Nhuận Thổ và được gặp lại bạn cũ. Thấy kẻ ăn người ở, mẹ niềm nở thân tình, đồng cảm với cảnh đời của một nông dân nghèo có sáu con. Nhân hậu, thương yêu là điểm nổi bật của mẹ.


Quê hương cũng là tình bạn tuổi thơ. Nhuận Thổ và “tôi” chỉ gặp nhau trong một tháng giêng, vậy mà suốt đời, “tôi” không sao quên được. Sau 30 năm, hình ảnh Nhuận Thổ thuở lên mười vẫn hiện lên rõ nét “khuôn mặt tròn trĩnh, nước da bánh mật, đầu đôi mũ lông chiên bé tí tẹo, cổ đeo vòng bạc sáng loáng”. Nhuận Thổ bẽn lẽn với tất cả – trừ “tôi”. Hai đứa trẻ thành thật với nhau, Nhuận Thổ thú thật những điều chưa bao giờ nhìn thấy.


Còn với tôi, bẫy chim, canh dưa, vỏ sò, vỏ ốc còn hấp dẫn hơn cả cổ tích. Qua nhân vật Nhuận Thể, Lỗ Tấn khẳng định: Không có tuổi thơ thì không có quê hương. Tình bạn làm cho tình quê không phai nhạt. Mẹ nhắc đến Nhuận Thổ, “tôi tìm ra được quê hương tôi đẹp ở chỗ nào”. Nhuận Thể thời ấu thơ là hình ảnh quê hương quá khứ tươi đẹp. Đó là một phần “Cố hương”. Ngược lại, Nhuận Thổ hiện tại là nỗi đau của quê hương.


Thời gian tàn phá con người, tàn phá quê hương vốn đã nghèo đói. Xã hội cũ đã hủy hoại cả ngoại hình và tâm hồn con người. Từ chỗ cường tráng, dẻo dai như thần đồng cổ tích, Nhuận Thổ thành người co ro cúm rúm, đôi bàn tay thô kệch nặng nề, nứt nẻ như vỏ cây thông. Gặp lại “tôi”, Nhuận Thổ vừa hớn hở vừa thê lương, mấp máy đôi môi mãi mới nói được hai tiếng “Bẩm ông”. Lễ giáo phong kiến làm “chết” tình bạn tuổi thơ, tạo ra giữa họ một bức tường ngàn cách. Nhuận Thổ thành pho tượng đá vô cảm, vô hồn.


Song hành với Nhuận Thổ là chị Hai Dương - nàng Tây Thi đậu phụ. Trước đây, nhân vật này từng làm say đắm bao người… Thế mà bây giờ thành trơ trẽn xấu xí - Lúc thì tiện tay giật đôi tất giắt vào lưng quần, khi thì tự thưởng cho mình bằng cách lấy cái cẩu khí sát, rồi chạy biến…


Hình ảnh cháu Hoàng và Thủy Sinh làm cho ta lo lắng, không biết rồi tành bạn của hai đứa trẻ sẽ ra sao? Qua chuyến về quê, trước sự biến đổi của Nhuận Thổ và nơi chôn rau cắt rốn, tác giả lên án chế độ phong kiến; từ đó nêu vấn đề quyền sống, hạnh phúc trên còn đường đi tới tương lai.


Hình ảnh con đường xuất hiện ở cuối truyện để lại nhiều ấn tượng. Trên mặt đất vốn không có đường. Chân lí ấy đơn giản quá! Vậy mà có ai phát biểu thành lời đâu. Chẳng biết con đường mưu sinh, con đường tình nghĩa, con đường khổ ải, hạnh phúc… hình thành từ bao giờ? Trong Cố hương có đến chín lần hình ảnh con đường xuất hiện.


Đó là con đường sống đưa “tôi” trở về cố hương, đối mặt với thực tế, quay về với dĩ vãng kỉ niệm êm đềm tươi đẹp; đó là con đường mưu sinh của những người dân quê nghèo nàn, mê muội như Nhuận Thổ; đó là con đường mưu sinh, con đường công danh của tôi… Nhưng ở cuối tác phẩm, từ con đường thực, con đường hiện hữu, con đường đời, tác giả khát vọng về con đường ngày mai cho thế hệ trẻ.


Như vậy “con đường” không chỉ là không gian hiện thực mà còn là không gian tâm tưởng, không gian khái quát. Con đường là nhịp cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa con người với con người, giữa cái cũ và cái mới, giữa cái ác với cái thiện; có con đường khổ đau, có con đường hạnh phúc, tương lai, con đường khát vọng. Không gian “con đường” trong tâm tưởng của nhà văn mở ra rộng đến vô cùng.


Lỗ Tấn thường nói: “Người ta có quyền buồn nhưng không được bi quan”. Cố hương là một minh chứng cho tâm hồn khỏe khoắn, lạc quan chan chứa niềm tin và hi vọng sâu sắc của nhà tư tưởng, nhà văn Lỗ Tấn, người con Ưu tú của dân tộc Trung Hoa.


Thông qua việc tường thuật chuyến về quê lần cuối cùng của “tôi”, thông qua những rung cảm của “tôi” trước sự thay đổi ghê gớm của làng quê, đặc biệt là của Nhuận Thổ, tác giả lên án tội ác của chế độ thực dân phong kiến và từ đó đặt vấn đề con đường đi của người dân, của toàn xã hội để mọi người cùng suy ngẫm. Đọc tác phẩm, ta trân trọng biết bao tình yêu quê hương tha thiết và nỗi niềm băn khoăn về con đường giải phóng người lao động của tác giả Lỗ Tấn.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy