Bài văn phân tích tác phẩm "Rừng xà nu" số 2

Nguyễn Trung Thành là nhà văn sinh ra ở vùng đất Thăng Bình, Quảng Nam, tên khai sinh của ông là Nguyên Ngọc. Sinh ra và lớn lên trong cảnh đất nước lầm than khi phải trải qua hai cuộc kháng chiến lớn của dân tộc, hơn ai hết, ông trân quý và khâm phục những con người hy sinh hết mình cho cách mạng, cho Tổ quốc thân yêu.


Đặc biệt đối với vùng đất Tây Nguyên anh dũng cùng những con người bộc trực, dũng cảm, kiên trung một lòng gắn bó cách mạng được ông ưu ái và dành nhiều niềm thương yêu. Bởi vậy mà bao nhiêu cuộc chiến đấu của nhân dân Tây Nguyên anh hùng đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận để ông viết nên tác phẩm Rừng xà nu đầy thành công, trở thành một kiệt tác gắn bó với tên tuổi của mình.

Rừng xà nu được viết vào những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước oanh liệt. Tác phẩm được in trên tạp chí Văn nghệ giải phóng, trích trong tập “Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc”. Đây là bài ca ca ngợi bản lĩnh, ý chí sắt đá, bất khuất kiên cường của đồng bào Tây Nguyên.

Rừng xà nu quanh làng Xô man được tác giả giới thiệu trong đoạn đầu tác phẩm đầy độc đáo. Một rừng cây luôn "nằm trong tầm đại bác của đồn giặc", bị súng đạn bắn phá liên tục, sự hủy diệt vô cùng tàn bạo của quân giặc trước sức sống của thiên nhiên - " Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào đồi xà nu cạnh con nước lớn". Một cảnh tượng đầy đau thương hiện ra trước mắt, bao nhiêu cây xà nu không cây nào là không bị trúng đạn, cây nào cũng bị vết thương loang lổ, loét mãi ra rồi chết.


Đạn đại bác hung tàn, không nhân nhượng trước vẻ đẹp kiêu hùng thiên nhiên, cây vừa lớn đã bị chặt làm đôi rồi đổ ào. Song, rừng xà nu ấy vẫn không chịu khuất phục, những cây cường tráng nhanh chóng tự chữa lành vết thương. Chúng vẫn tiếp tục sức sống mạnh mẽ của mình để dang rộng vòng tay mà che chở cho ngôi làng thân yêu. Cây nọ tiếp cây kia vẫn sinh sôi nảy nở, sự sống vẫn đâm chồi trước sự tàn phá của quân thù “cạnh một cây xà nu mới ngã gục đã có bốn năm cây con mọc lên".


Cây xà nu tự mình đứng lên, trường tồn và phát triển, dũng cảm hiên ngang trước bom đạn kẻ thù "hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng". Hình ảnh rừng xà nu hiện lên thật đẹp, thật đáng tự hào biết bao. Cây xà nu chính là biểu trưng cho vùng đất Tây Nguyên, là đại diện tiêu biểu cho con người Tây Nguyên, là hình ảnh ẩn dụ cho cốt cách, sức sống của đồng bào Tây Nguyên từ trước đến nay. Trong đau thương vẫn ánh dũng kiên cường, trong áp bức vẫn tràn trề hy vọng, vẫn mang ý chí đấu tranh, nguyện theo gương cách mạng, là sự sống bất diệt của buôn làng Xô man.

Sau hình ảnh xà nu, tác giả tiếp tục tái hiện chân thực cuộc sống và chiến đấu của người dân nơi đây. Họ là những thế hệ giàu lòng yêu nước, có niềm tin lớn lao vào cách mạng, là những gương anh hùng sáng chói với non sông, Tổ quốc. Đó là một Cụ Mết đại diện cho những thế hệ anh hùng đi trước đầy kinh nghiệm, bản lĩnh và giàu lòng yêu nước, luôn hướng cho dân làng những bước đi đúng đắn trong chiến đấu. Là một người nhìn xa, thấu hiểu dân làng, là một chỗ dựa tinh thần không thể thiếu của làng Xôman.


Với cụ "Cán bộ là Đảng. Đảng còn, núi nước này còn". Chân lý “Chúng nó dùng súng, mình phải cầm giáo" của cụ như một lời tuyên ngôn trong cuộc chiến của dân tộc. Đó còn là một Tnú với những phẩm chất anh hùng. Khi còn nhỏ, anh sớm đã giác ngộ cách mạng, phấn đấu để trở thành những người như anh Quyết lãnh đạo cách mạng. Một cậu bé gan góc và đầy dũng cảm, giữa bao chiến trận đầy súng đạn của giặc, cậu bé giao liên vẫn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Khi bị bắt, Tnú vẫn một lòng trung thành dù bị tra tấn đầy ác độc, nhưng vẫn nhất quyết giữ bí mật. Sau khi vượt ngục, những tưởng được hạnh phúc bên vợ con thì giặc tiến vào diệt phong trào nổi dậy, một lần nữa Tnú phải chịu đau thương trước sự tra tấn và khổ đau khi vợ con bị giết mà không làm gì được. Càng trong đau thương, phẩm chất anh hùng càng ngời sáng trong Tnú, càng trong áp bức càng kiên cường đứng lên trả mối thù lớn cho vợ con, cho chính mình và cho dân làng Xô man yêu dấu.


Tiếng thét căm hờn là tiếng căm phẫn, xé lòng giữa cuộc chiến, là tiếng hiệu triệu người người đứng lên giết chết quân thù, bè lũ cướp nước. Bàn tay bị đốt mười ngón nhưng không thiêu rụi được ý chí của người con Tây Nguyên. Cuối cùng, Tnú cũng đã giết chết được thằng Dục, kẻ đã thẳng tay giết người thân của anh, trả mối thù sâu nặng bấy lâu. Tnú tiêu biểu cho thế hệ thanh niên trưởng thành trong cách mạng, tin yêu và đem hết sức mình phục vụ quân giải phóng.


Đó còn là những Dít, bé Heng,... thế hệ tiếp nối bao chiến công cha anh để cùng nhau chung sức đưa thắng lợi đi đến cuối cùng. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, ngày càng trưởng thành, kiên cường chiến đấu xứng đáng với hi sinh của cha anh. Dường như, trong cuộc chiến khốc liệt, con người Tây Nguyên càng khẳng định được chính mình. Trong lầm than, đen tối, họ lại càng kiên dũng, ngời sáng tuyệt vời.


Rừng xà nu và nhân dân làng Xô man như hai mà một, đều chịu nhiều đau thương, đều vươn mình mạnh mẽ. Đó là sức sống bất diệt, là tinh thần bất khuất của con người Tây Nguyên nói chung và dân tộc Việt Nam nói riêng.

Bằng sự kết hợp tài tình giữa khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, Nguyễn Trung Thành không chỉ ngợi ca vẻ đẹp trong nhân cách của người con Tây Nguyên mà qua đó còn đặt ra một vấn đề mang tính thời đại: Để tiêu diệt kẻ thù, bảo vệ tự do cho đất nước trước nhất phải cầm vũ khí đứng lên.

Bài văn phân tích tác phẩm
Bài văn phân tích tác phẩm "Rừng xà nu" số 2
Bài văn phân tích tác phẩm
Bài văn phân tích tác phẩm "Rừng xà nu" số 2

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy