Bánh răng bừa
Bánh răng bừa có nguồn gốc từ làng Trung Lập, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Khi xưa, vua Lê Hoàn đích thân xuống đồng cày ruộng trong Lễ Hội đầu năm. Và bánh răng bừa chính là một trong những đặc sản tiến vua thời xưa được yêu thích nhất. Người dân nơi đây đã chắt lọc, chọn lựa những hạt gạo ngon nhất để làm nên những chiếc bánh với hương vị riêng dâng lên vua. Bánh răng bừa có nơi gọi là bánh tẻ hoặc bánh lá. Tuy nhiên, người Thanh Hóa lại gọi cái tên đặc biệt như thế. Bởi hình dạng chiếc bánh trông rất giống cái răng bừa, một công cụ lao động của người dân nơi đây. Món bánh truyền thống đặc biệt này được làm vào các ngày rằm, giỗ, tết Nguyên Đán hay những khi nhà có công việc. Hiện nay, bạn cũng có thể dễ dàng thưởng thức chúng bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, món bánh này ăn ngon nhất là vào ngày Đông. Khi những chiếc bánh còn nóng hổi, dậy mùi thơm của hành mỡ, mềm ngon, vừa miệng.
Nguyên liệu tạo nên bánh răng bừa bao gồm gạo tẻ dẻo, ngon, thịt lợn ba chỉ hoặc nạc vai, hành khô, mộc nhĩ, lá dong loại nhỏ hoặc lá chuối xé nhỏ. Gia vị bột ngọt dầu ăn, tiêu bắc, muối, nước mắm ngon, nấm hương… Gạo để làm bánh lá răng bừa được tuyển chọn từ những hạt gạo tẻ dẻo và ngon nhất. Gạo tẻ sau khi vo, ngâm trong nước lạnh khoảng 2 - 3 giờ thì đem xay thành bột. Thường thì người ta sẽ xay cùng với nước bằng một chiếc cối xay bột thủ công để cho bột dẻo và mịn hơn. Còn nếu xay bột khô bằng máy thì bạn phải căn pha nước sao cho vừa đủ. Sau đó, bột bánh được đặt lên bếp nấu, dùng tay khuấy đều, liên tục để bột không bị vón cục cũng không quá chín. Cho đến khi nồi bột gạo đặc sệt thì bắc ra ngoài để gói bánh. Sau khi gói xong, những chiếc bánh lá chỉ to bằng ngón tay trỏ được xếp ngay ngắn vào nồi, sau đó đổ nước đun sôi, luộc chín. Khi chín, mùi thơm của thịt ba chỉ, mộc nhĩ, hạt tiêu hòa cùng mùi bột gạo sẽ tỏa ra ngào ngạt. Chấm với một chút nước mắm nguyên chất đúng là ngon khó cưỡng.