Cháo chân chó
Thịt chó có tác dụng thông mạch, lợi sữa, tiêu viêm, tốt cho những người cơ thể suy nhược, thận dương hư, chính khí suy yếu... Ngoài gạo thì món cháo chân chó thường được hầm chung với lá đinh lăng. Cả 3 thứ này cộng lại vừa có tác dụng bổ tì vị, chống hư tổn, thông mạch, lợi sữa vừa giúp giải độc, tiêu sưng viêm, tăng sức đề kháng, kích thích tử cung co bóp tống đẩy huyết hôi sau sinh.
Nguyên liệu:
- Bàn chân chó đen 1 - 2 cái
- Gạo nếp 100 - 150g
- Lá đinh lăng 20 - 30g
Cách làm:
- Chân chó làm sạch, để ráo nước, đem thui vàng khía theo chiều dọc; lá đinh lăng, gạo nếp đem vo, rửa sạch
- Cho lá đinh lăng vào nồi, đổ 500 - 600ml nước đun sôi nhỏ lửa trong 10 - 15 phút rồi lấy dịch chiết đinh lăng
- Sau khi đun được nước đinh lăng, gạt lấy nước trong bỏ bã, cho gạo và chân chó vào đun nhỏ lửa tới khi chín nhừ, nêm gia vị đủ dùng
- Ăn ấm trong ngày, ăn liên tục tới khi có sữa và thỉnh thoảng ăn nhắc lại
Bài thuốc có tác dụng thanh can, ích vị, khỏe tỳ, cường thận, bồi bổ khí huyết, thông mạch lợi sữa, tiêu viêm... Thích dụng với những bệnh nhân sau sinh khí huyết suy nhược, mất sữa, thiếu sữa, tắc tia sữa, viêm tuyến vú, ăn uống khó tiêu, máu hôi kéo dài... Lá đinh lăng vị nhạt, hơi đắng, tính bình; có tác dụng bổ 5 tạng, giải độc, bổ huyết, tăng sữa, tiêu thực, tiêu sưng viêm. Đồng thời giúp cơ thể phụ nữ tăng sức đề kháng, kích thích tử cung co bóp, tống đẩy huyết hôi sau đẻ... Gạo nếp vị ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ tỳ vị, chống hư tổn, thông mạch, lợi sữa. Ba vị thuốc trên kết hợp với nhau có tác dụng tư bổ can thận, ích tỳ vị, bổ dưỡng huyết, kích thích tăng tiết sữa. Bởi theo y lý y học cổ truyền, đầu vú thuộc can còn bầu vú thuộc vị, nên bài thuốc này công năng chính là bổ vào can và vị, sẽ kích thích khai mở được dòng sữa.