Chùa Đồng - núi Yên Tử, Quảng Ninh
Chùa Đồng nằm ở đỉnh cao nhất dãy Yên Tử. Đây là ngôi chùa trên đỉnh núi bằng đồng lớn nhất châu Á.
Chùa Đồng tọa lạc trên đỉnh Yên Sơn có độ cao 1.068 m so với mặt nước biển. Xưa kia, người dân coi đỉnh Yên Sơn là núi thiêng, nơi có thể cầu mưa, hô phong hoán vũ. "Đến đỉnh Yên Sơn, đứng cạnh chùa Đồng tôi cảm nhận được sự linh thiêng của Phật pháp, vẻ đẹp của cõi Phật với mây vờn dưới chân, tâm hồn thanh tịnh như gột sạch mọi lo toan của cuộc sống, thoảng hương dịu mát của cỏ cây và mây trời đất Phật. Yên Tử cũng được dân gian ví von là Phật sơn, được tất thảy người dân kính ngưỡng và sùng bái. Non thiêng Yên Tử nổi tiếng nhất chính bởi văn hóa tâm linh cùng các sự tích về Phật giáo, Phật Hoàng Trần Nhân Tông, An Nam Tứ Đại thần khí...Yên Tử trở thành trung tâm Phật giáo Việt Nam kể từ khi vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho vua Trần Anh Tông kế vị. Ngài cởi hoàng bào khoác áo Cà sa, một lòng hướng về non cao tầm đạo.
Chùa Đồng còn có tên gọi khác là Thiên Trúc tự (chùa cõi Tây phương Thiên Trúc). Yên Tử là nơi tu hành của vua Trần Nhân Tông. Chùa Đồng xưa khi Phật Hoàng Trần Nhân Tông tới Yên Tử và sau khi Ngài viên tịch đều chưa có. Vào thế kỷ 17, thời hậu Lê, một bà phi của chúa Trịnh phát tâm công đức khởi dựng chùa, làm bằng khung sắt, mái đồng, quy mô nhỏ như một khám thờ; ngoài ra tượng Phật, chuông, khánh bên trong đều được làm bằng đồng. Đến năm Canh Thân 1740 đời vua Lê Cảnh Hưng, bão lớn làm đổ chùa, chỉ còn lại dấu tích các hố chôn cột trên mỏm đá. Năm 1930, chùa Long Hoa có bà Bùi Thị Mỹ đã tái tạo chùa Đồng bằng bê tông cốt thép trên một hòn đá vuông nhằm trúng vị trí chùa Đồng cũ.
Theo dân gian, chùa Đồng – Yên Tử là nơi con người có thể cầu viện được “sinh lực của vũ trụ” cho mọi mặt của cuộc đời. Dòng sinh lực vũ trụ này như mọi nguồn hạnh phúc chảy xuống mặt đất làm nảy nở sự sống. Dòng tôi chảy của sự thiêng liêng đó chỉ xảy ra ở những mảnh đất hội được những điều kiện nhất định. Chùa Đồng, nơi mà tín đồ, phật tử đặt niềm tin vào sự linh ứng mỗi lần đến thăm viếng để được nhập vào nguồn sinh khí vô biên đó.