Chùa Quỳnh Lâm - núi Tiên Du, Quảng Ninh
Chùa Quỳnh Lâm được xây dựng vào thời vua Lý Thần Tông (1127 - 1138) bởi Quốc sư Nguyễn Minh Không.
Ngay sau khi lập nên ngôi chùa, ngài đã cho đúc một pho tượng Phật Di Lặc bằng đồng có kích thước khổng lồ, cao tới 6 trượng (tương đương 20m) để thờ cúng. Để đặt được pho tượng khổng lồ, nhà chùa phải xây một ngôi điện lớn có chiều cao lên tới 7 trượng (khoảng 23,5m).
Sau một thời gian do chiến tranh, loạn lạc, pho tượng Di Lặc bị mất. Sau đó, Thiền sư Pháp Loa cho đúc một pho tượng Di Lặc lớn tương tự và được dát 900 lượng vàng. Tượng được đúc xong từ năm 1327. Năm 1328, nhân dịp vua Trần Minh Tông đến thăm chùa, sư Pháp Loa đã tâu xin cho kéo tượng từ điện lên bảo tọa để dát vàng. Văn Huệ Vương Trần Quang Triều, chủ soái của Bích Ðộng thi xã và người chị ruột, công chúa Thượng Trân, vợ vua Trần Anh Tông đã cúng vào chùa 900 lượng vàng để đúc tượng.
Vào năm 1329, Quỳnh Lâm trở thành Đệ nhất danh lam cổ tích của nước Nam. Đây là trung tâm truyền kinh giảng đạo và đào tạo hàng ngũ sư sãi cho đạo Phật. Nhiều hội lớn có tiếng trong sử sách được tổ chức tại đây như hội "Thiên Phật bảy ngày, bảy đêm" (1325). Tương truyền viện có thể thu nhận tới ba nghìn người một lúc. Năm 1319, Pháp Loa đã kêu gọi tăng nhân và phật tử chích máu in hơn 5.000 quyển kinh Đại Tạng cất giữ ở Quỳnh Lâm viện.
Cùng tháp Báo Thiên (chùa Sùng Khánh, Hà Nội), chuông Quy Ðiền (chùa Một Cột, Hà Nội) và vạc Phổ Minh (chùa Phổ Minh, Nam Ðịnh), tượng Phật Di Lặc chùa Quỳnh Lâm được mệnh danh - là bốn vật kim khí đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng, được xếp vào nhóm quốc bảo “An Nam tứ đại khí” của người Việt ở thế kỷ thứ XII. Trong đó, tượng Phật Di Lặc, chùa Quỳnh Lâm đứng vị trí đầu.