Điện Hòn Chén
Điện Hòn Chén tọa lạc trên núi Ngọc Trản, vốn là một điện thờ xưa của người Chăm. Từ thời nước Chăm còn tồn tại, đây là điện thờ nữ thần Poh Nagar - nữ thần được tạo ra bởi bọt biển và mây trời; là nữ thần của biển khơi và mùa màng, được người Chăm tôn thờ. Sau này, khi nước Chăm sụp đổ, nữ thần Poh Nagar cũng dần được Việt hóa, trở thành Thiên Y A Na, hay còn gọi là Thánh Mẫu Chúa Ngọc, là một vị thần được triều đình nhà Nguyễn cho phép dân chúng thờ cúng.
Tương truyền, thời Minh Mạng, vua Minh Mạng có đến ngôi điện này và làm rơi một chiếc chén ngọc. Ngỡ như đã mất, lại xuất hiện một con rùa thần từ dưới nước trả lại chén ngọc cho vua. Bởi vậy nơi đây được gọi là Điện Hòn Chén, được xem là nói chệch đi của "hoàn chén".
Điện Hòn Chén còn gắn liền với tích của vua Đồng Khánh trước khi lên ngôi, mãi chưa được nối ngôi. Thái hậu mẹ của ông đã lên Điện Hòn Chén hỏi xin Thánh Mẫu Chúa Ngọc con trai có lên làm vua được không và nhận được điềm báo là được. Sau này, vua Đồng Khánh lên ngôi đã xây dựng lại các điện khang trang, thường xuyên đến đây cúng bái, giúp Điện Hòn Chén thêm phần nổi tiếng, linh thiêng.
Ngày nay, Điện Hòn Chén thu hút khách du lịch không chỉ vì là khu di tích lịch sử tâm linh mà còn bởi phong cảnh hữu tình, cổ kính, xuyên suốt từ thời đại nước Chăm cổ đến thời vua Nguyễn xa xưa.
Địa chỉ: Làng Hải Cát, Hương Trà, Thừa Thiên Huế