Top 10 Kỹ năng cần thiết nhất để trở thành người dẫn chương trình
Dẫn chương trình (MC) là một nghề khá hấp dẫn đối với mọi người, đặc biệt là với giới trẻ không chỉ bởi mức thu nhập tốt mà nó còn giúp bạn tự tin, vui vẻ và ... xem thêm...hoạt ngôn hơn. Bạn muốn trở thành người dẫn chương trình nhưng không biết cách làm sao để đạt được ước mơ đó? Hãy cùng Toplist tìm hiểu qua bài viết hữu ích dưới đây nhé!
-
Xác định mục đích rõ ràng
Dù làm bất cứ nghề gì bạn cũng phải xác định rõ mục đích khi làm công việc đó thì mới yêu thích và gắn bó lâu dài được và nghề MC cũng không phải một ngoại lệ. Bạn muốn làm MC với mục đích gì? Bạn muốn tự tin hơn khi giao tiếp với mọi người, để có thể dễ dàng trình bày một vấn đề nào đó và có thể tạo lập nhiều mối quan hệ hơn hay để có một giọng nói truyền cảm, ấm áp và thu hút người nghe.
Nghề MC sẽ tôi luyện cho bạn có giọng nói tuyệt vời, đúng chuẩn và tạo thiện cảm với mọi người. Từ đó, mọi người sẽ biết đến bạn nhiều hơn do môi trường làm việc sẽ có rất nhiều người tham gia và khi bạn là một MC thì sẽ thật nổi bật, gây sự chú ý đến mọi người. Vì vậy, nếu có cơ hội hoặc bị ép buộc phải làm MC trong dịp nào đó thì đừng ngần ngại và hãy nhận lời.
-
Con đường bạn sẽ chọn khi làm người dẫn chương trình
Bạn hãy xác định mình muốn trở thành người dẫn chương trình như thế nào: MC truyền hình, MC sự kiện hay MC hội chợ, đám cưới. Với mỗi loại hình MC lại có một phong cách riêng:
- MC truyền hình dẫn các chương trình chính luận, bản tin, phóng sự... với phong cách trang trọng, nghiêm túc nhưng vẫn rất gần gũi.
- MC sự kiện thường dẫn trong lễ khai trương, ra mắt sản phẩm mới... thể hiện sự tưng bừng, hoạt náo.
- MC hội chợ, đám cưới cần sôi nổi, vui vẻ và một chút hóm hỉnh nữa nhé.
-
Giọng nói của người dẫn chương trình
Như chúng ta đã biết "Nhất thanh, nhì sắc" bạn phải có một giọng nói hay, truyền cảm thì mới có thể trở thành một người dẫn chương trình thành công. Trước tiên, bạn cần sửa những lỗi trong cách phát âm, tròn vành rõ chữ, không nói điệu đà hay giọng địa phương.
Sau đó, bạn cần nâng cao kỹ năng khi nói: cách lấy hơi, nhả chữ và giữ hơi cho những câu dẫn dài và quan trọng bạn phải nói bằng giọng bụng chứ không phải giọng cổ nhé. Như vậy, giọng nói mới có nội lực và truyền cảm. Mỗi chương trình khác nhau cần có một giọng điệu khác nhau để thể hiện nội dung và ý nghĩa của chương trình đó.
-
Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ hình thể
Ngoài truyền cảm trong giọng nói thì biểu đạt hình thể là một kỹ năng không thể thiếu của người dẫn chương trình giỏi và thu hút mọi người. Bạn cần biểu cảm ở khuôn mặt theo từng nội dung mà kịch bản bạn đang dẫn, nó thể hiện qua nét mặt, ánh mắt, nụ cười, hay đơn giản chỉ là cái nhíu mày... Động tác tay chân cần phù hợp, không nên vung tay vung chân để gây sự chú ý mà chỉ cần sử dụng động tác tay khi muốn khán giả chú ý vào thông tin quan trọng, đặc biệt.
Ngôn ngữ hình thể phải phù hợp với từng loại hình dẫn và từng nội dung của chương trình. Và dù có làm gì đi nữa thì hãy thể hiện sự chân thành của bạn vì khán giả rất tinh ý và thông minh khi nhận ra bạn chỉ diễn bên ngoài mà không có sự sâu sắc, chân thành bên trong.
-
Kỹ năng phỏng vấn và xử lý tình huống
Khi giao lưu với khán giả, khách mời bạn phải sử dụng nhiều đến kỹ năng này để tạo không khí thú vị và không gian mở cho chương trình, đưa ra câu hỏi giao lưu cần ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu. Khi xảy ra tình huống bất ngờ, MC cần bình tĩnh giải quyết vấn đề một cách linh hoạt, tránh vỡ kịch bản và cắt lời khéo léo khi khách mời hoặc khán giả trả lời sai hướng hoặc lan man.
Đôi khi, cần đưa thêm yếu tố hài hước, dí dỏm vào cuộc trò chuyện để tạo không khí thoải mái dễ chịu. Điều đó sẽ giúp bạn trở nên thông minh và duyên dáng trong mắt khán giả hơn.
-
Biên tập kịch bản và lời dẫn
Đây là một trong những kỹ năng không thể thiếu của người dẫn chương trình bởi kịch bản có nhiều sai sót hoặc lời dẫn khô khan sẽ làm mất đi sự hấp dẫn của chương trình và làm khán giả khó chịu.
MC cần biên tập kịch bản sao cho diễn đạt phải phù hợp, văn phòng logic và câu chữ đúng nghĩa, đồng thời kết cấu chương trình phải đảm bảo yếu tố thời gian và đầy đủ nội dung.
-
Kỹ năng cuốn hút khán giả
Người dẫn chương trình phải biết cách giữ khán giả ở lại với mình. Nếu phong cách dẫn nhàm chán sẽ làm khán giả bỏ về hoặc chuyển kênh khác. Bạn cần tạo không khí sôi nổi, vui tươi và hoạt náo khán giả với những chương trình mang tính giải trí như: ca nhạc, gameshow,...
Bạn nhớ chú ý tương tác với khán giả bằng ánh mắt, nụ cười hoặc ngữ điệu của giọng nói, hình thể... Đôi khi bạn cần lắng nghe, để ý đến phản ứng của khán giả theo chiều hướng nào để điều chỉnh phù hợp và "kéo" khán giả ở lại với chương trình.
-
Thực hành dẫn chương trình nhiều lần trước gương
Bạn cần làm đi làm lại, làm đi làm lại nhiều lần với kịch bản chương trình của bạn đến khi bạn nắm rõ được nội dung và chủ động được với lời dẫn của mình. Khi tập dẫn trước gương bạn hãy nhìn vào một điểm cố định (bạn có thể đánh dấu bằng một chấm nhỏ trên gương vừa tầm mắt của mình) hoặc nhìn vào mắt của chính bạn.
Như vậy, khi dẫn bạn sẽ có ánh mắt giao cảm, dễ gần và không bị liếc ngang dọc vì khi bạn liếc mắt lung tung nhìn sẽ rất gian đấy. Thêm nữa, bạn có thể tập dẫn cùng những người bạn của mình hoặc người thân trong gia đình cũng khá hiệu quả đấy. Họ có thể góp ý và sửa cho bạn những thiếu sót trong quá trình dẫn thử.
-
Kỹ năng trang điểm và lựa chọn trang phục phù hợp với chương trình
Bạn đừng nghĩ rằng điều này đơn giản nhé. Ngược lại, nó khá phức tạp và cần đến sự tinh tế của mỗi người. Nếu có chuyên viên trang điểm cho MC thì rất tiện lợi nhưng nếu phải tự mình trang điểm thì bạn sẽ phải học cách trang điểm sao cho phù hợp với ánh sáng, không gian và nội dung của chương trình đó. Chọn trang phục cần màu sắc tươi sáng, thích hợp hơn cả là những gam màu nóng và nên tránh màu xanh da trời hoặc áo, váy kẻ sọc khi dẫn trong trường quay phải ki hình nhé. Ngoài ra, trang phục đó phải phù hợp với ý nghĩa của chương trình bạn sẽ dẫn.
Ví dụ: Bạn không thể mặc một bộ đầm dạ hội quyến rũ, sexy để dẫn chương trình cho lễ tri ân, tưởng nhớ. Đối với trang sức hoặc phụ kiện phải phù hợp với nội dung và thông điệp của chương trình. Khi bạn dẫn chương trình về nông nghiệp, nông dân bạn không thể đeo một bộ trang sức lấp lánh, sang trọng và rườm rà nhìn sẽ rất phản cảm.
-
Đừng biến bản thân thành một chiếc máy nói
Người dẫn chương trình phải là một người biết chọn lọc và có sự sáng tạo chứ không phải là một chiếc loa phát ra âm thanh, bạn cần làm chủ mọi lời nói và hành động của mình.
Nói dài nói dai thành ra nói dại, đừng lặp lại hoặc quá lan man vào một vấn đề và khi đó có thể bạn sẽ đi không đúng trọng tâm. Cũng không nên quá công thức, dập khuôn sẽ làm lời dẫn trở nên khô khan, cứng nhắc và không hấp dẫn khán giả.