Top 8 Kỉ lục của chùa Bái Đính - Ninh Bình thu hút khách du lịch có thể bạn chưa biết
Chùa Bái Đính là một địa điểm du lịch tâm linh tuyệt vời. Đó là cảm nhận của những du khách đã từng đến với nơi tôn nghiêm, huyền bí mà thanh tịnh này. Có thể ... xem thêm...bạn chưa biết, chùa Bái Đính chính là ngôi chùa sở hữu nhiều kỉ lục quốc gia nhất Việt Nam và được báo giới nhắc đến như là một ngôi chùa lớn với những kỉ lục châu Á và khu vực. Theo bạn, đó là những kỉ lục nào? Hãy cùng Toplist tìm hiểu đáp án trong bài viết dưới đây.
-
Tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á
Chùa Bái Đính nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An thuộc xã Gia Sinh, Huyện Gia Viễn, Tỉnh Ninh Bình. Quần thể chùa Bái Đính bao gồm hai công trình kiến trúc là Bái Đính Tân và Bái Đính Cổ tự. Hiện nay cả hai ngôi chùa vẫn tồn tại và diễn ra các hoạt động tín ngưỡng trên cùng một khuôn viên rộng 1.700 ha. Cách Thành phố Ninh Bình khoảng 18km và cách thủ đô Hà Nội 100km, Chùa Bái Đính đã trở thành trung tâm sinh hoạt và tổ chức các sự kiện văn hóa tâm linh không chỉ của Việt Nam mà còn của cả khu vực châu Á. Có thể kể đến một vài chương trình mang tầm cỡ quốc tế như: Chương trình Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2014 và Hội thảo Phật giáo quốc tế được tổ chức vào năm 2014 hay chương trình Cầu nguyện thế giới hoà bình, cầu nguyện lý tưởng hòa bình của UNESCO trở thành hiện thực được tổ chức năm 2011 đều diễn ra tại đây
Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni tĩnh tọa trên tòa sen và niệm hoa sen ở điện Pháp chủ đang giữ kỉ lục là tượng Phật bằng đồng nguyên chất dát vàng lớn nhất châu Á. Kỉ lục này được xác lập năm 2012. Đây cũng được coi là biểu tượng của ngôi chùa Bái Đính linh thiêng, trầm mặc. Tượng Phật cao 10 m, nặng 100 tấn, bằng đồng dát vàng và được đặt trên bệ cao 1,5 m. Pho tượng được các nghệ nhân đúc đồng thôn Thượng Đồng, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đúc được đỡ bởi khung bê tông cốt thép giả gỗ cao đến nóc gần 30 m; dài 44,7m, rộng 43,3m.
-
Tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á
Tượng Phật Di Lặc là hình tượng quen thuộc trong tín ngưỡng Phật giáo dân gian, là biểu tượng cho sự hoan hỉ, hạnh phúc của con người. Không khó để bắt gặp hình tượng Phật Di Lặc với nụ cười rạng rỡ, thân hình mập mạp và tướng ngồi thoải mái, ung dung tự tại được trưng bày trong các hộ gia đình, trong các chùa chiền, đặc biệt là ở một số địa danh nổi tiếng. Ghé thăm khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính, ngôi chùa được xác nhận lập nhiều kỷ lục nhất châu Á về những pho tượng vô cùng tinh xảo với kích thước “khủng”. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến bức Tượng Phật Di Lặc bằng đồng.
Pho tượng tạo hình Phật Di Lặc bằng đồng nặng 100 tấn an vị trên ngọn đồi của chùa Bái Đính bên ngoài điện Tam Thế là tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á. Mặc dù ở trên cao, nhưng những du khách hành hương đến đây không thể bỏ qua được địa điểm này. Đứng trên cao, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tượng Phật, cầu xin sự an lạc, bình an cho gia đình, thật không gì tĩnh tâm và thư thái đến vậy. Vào ngày hội của chùa, người dân ở tứ phương về thỉnh lễ tại chùa. Nhiều người còn đặt tiền, xoa lên tượng Phật để mang lại may mắn trong chuyến hành hương.
-
Quần thể khu chùa rộng nhất Việt Nam
Nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 2 giờ đi xe máy, chùa Bái Đính tọa lạc trên dải đất linh thiêng "núi gối đầu sông, mây vờn non đỉnh" tại thôn Sinh Dược, Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình. Quần thể chùa Bái Đính có diện tích được xác lập là rộng nhất Việt Nam với 539 ha, bao gồm 27 ha khu chùa Bái Đính cổ, 80 ha khu chùa Bái Đính mới được xây dựng từ năm 2003 và các hạng mục khác như công viên văn hóa, học viện Phật giáo, đường giao thông, bãi đỗ xe, khu hồ Đàm Thị... Đặc biệt, bao bọc quanh chùa là những vòng cung núi đá vôi kì vĩ, nên thơ.
Chùa Bái Đính mới bao gồm các hạng mục kiến trúc tọa lạc trên địa hình từ thấp đến cao, 5 cấp theo đường chính đạo là Tam quan nội, tháp chuông, điện thờ Quan Âm, điện thờ Pháp Chủ và trên cùng là tòa Tam Thế. Nổi bật trong đó là Điện Tam Thế có chiều cao 34m và có diện tích 2370 m2, đặt ba pho tượng phật mỗi pho cao 7,2m, nặng 50 tấn được đúc bằng đồng nguyên khối, được xác nhận là bộ tượng Tam thế băng đồng lớn nhất Việt Nam.
-
Chùa có chuông đồng lớn nhất Việt Nam
Trên đường lên chùa Bái Đính, nằm bên trái hành lang La Hán, du khách sẽ ghé thăm gác chuông. Nơi đây đang sở hữu kỉ lục Đại Hồng Chung lớn nhất Việt Nam (năm 2007). Quả chuông nặng 36 tấn, đường kính 3,45 m; chiều cao 5,40 m dùng trong việc kinh kệ, thờ phụng đặt trong tháp chuông cổ với lối kiến trúc hình bát giác cao 22 m, có 3 tầng mái cong. Trên thân quả chuông có khắc bài Kinh Đại Bi Bát Nhã trong kinh Phật bằng chữ Hán cùng nhiều hoa văn trang trí theo chủ đề Phật giáo.
Tháp chuông trong chùa Bái Đính (Ninh Bình) là nơi lưu giữ chiếc Đại hồng chung và Trống đồng "khủng" lớn nhất Việt Nam hiện nay. Tháp chuông được xây dựng có hình bát giác, cao 3 tầng, có 2 lối cầu thang lên và xuống để tham quan Đại hồng chung và Trống đồng. Nổi bật trong tháp chuông là Đại hồng chung lớn nhất Việt Nam được một nghệ nhân người Huế làm. Chuông được đúc tại Huế sau đó mất nhiều ngày vận chuyển ra chùa Bái Đính đặt vào tháp chuông.
-
Khu chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam
Chùa Bái Đính còn là nơi có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam. Kỉ lục này được xác lập năm 2007. Từ Tam quan, bước 300 bậc đá xuống đến chân núi Bái Đính là giếng ngọc. Giếng hình mặt nguyệt rất rộng, đường kính 30 m, sâu 6 m, nước trong mùa ngọc bích in bóng trời mây. Và điều đặc biệt là giếng không bao giờ cạn nước. Lan can đá chạy tròn miệng giếng trông rất đẹp. Khu đất xung quanh giếng hình vuông, có diện tích 0,6 ha với 4 góc là 4 lầu bát giác, quanh năm cây cỏ xanh tốt, nở hoa. Tương truyền cách đây gần 1000 năm, Thiền Sư Nguyễn Minh Không đã lấy nước để sắc thuốc chữa bệnh cho dân nghèo và cho Thái Tử Dương Hoán.
Xưa kia không ai biết đến, thiền sư Nguyễn Minh Không (người sáng lập chùa Bái Đính) được thần linh báo mộng có nguồn nước quý dưới chân núi gần chùa. Sau đó, ngài đã lấy nước giếng để sắc thuốc chữa bệnh cho dân. Ngày nay, khi chùa Bái Đính cổ và mới được tôn tạo và xây dựng, giếng Ngọc cũng được cho tu sửa lại. Hiện giếng có hình mặt nguyệt, đường kính rộng gần 30m, độ sâu khoảng 6m. Xung quanh miệng giếng được xây bằng đá núi Đính. Khuôn viên quanh giếng được xây dựng hình vuông có diện tích lên đến 6.000m2, bốn góc là 4 lầu bát giác. Cảnh quan xung quanh được trồng cây xanh bóng mát. Để đến được giếng, phải đi qua một cổng đá rất đẹp.
-
Khu chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á
Du khách đến chùa Bái Đính sẽ vô cùng ấn tượng với hai dãy hành lang dài, khép kín dẫn đến các khu chùa trên núi và lối đi xuống. Đó cũng chính là hành lang La Hán dài nhất châu Á. Kỉ lục này được xác lập vào năm 2012. Chiều dài mỗi dãy hành lang khoảng 1.700 m với 250 gian, mỗi gian có kích thước 4,5 m x 4,5 m. Hai dãy hành lang được tạo dựng bằng 10 000 mét khối gỗ và được thực hiện chạm trổ, lắp ghép bởi 100 nghệ nhân và 700 người thợ.
Đầu tiên, chúng ta phải hiểu rằng La Hán là đệ tử của Đức Phật Thích Ca. Trong Phật giáo Tiểu thừa, La Hán là trạng thái cuối cùng của một sinh thể trên con đường giải thoát, đã qua bốn quả vị (tứ quả) là La Hán quả, đạt đến một thành tựu rất cao, tức là tu hành đã đắc đạo, đến sự yên tĩnh vĩnh hằng cõi Niết Bàn, thoát khỏi vòng sinh tử. Trong Phật giáo Đại Thừa, La Hán được thay thế bằng Bồ Tát. Nếu giải thoát cho riêng mình thì Bồ Tát có khả năng cứu giúp những người khác cũng được giải thoát. Vì vậy, theo quan niệm của Phật giáo, các vị La Hán đặt ở chùa Bái Đính là để gần gũi, dìu dắt và giáo hóa chúng sinh.
-
Khu chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam
Chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam được xác lập như chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á... Đây là ngôi chùa lớn nhất và sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam. Trong đó, chùa cũng được xác nhận có nhiều tượng Là hán nhất Việt Nam.
Đi trong dãy hành lang La Hán với tổng chiều dài gần 3 km, du khách sẽ được chiêm ngưỡng với số lượng lớn các pho tượng La Hán. Mỗi dãy hành lang đặt 250 pho tượng La Hán tạc bằng đá nguyên khối, mỗi tượng cao từ 2 đến 2,5 m. Điều đặc biệt thể hiện bàn tay chế tác tài hoa của người thợ đá Ninh Bình chính là mỗi pho tượng có hình dáng và thần thái khác nhau thể hiện triết lý đạo giáo với những cung bậc cảm xúc hỷ, nộ, ái, ố trong đời sống thường nhật của con người. Chính vì vậy, chùa Bái Đính đang giữ kỉ lục là khu chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam.
-
Chùa trồng nhiều cây bồ đề nhất Việt Nam
Chùa Bái Đính là ngôi chùa trồng nhiều bồ đề nhất nước ta từ trước đến nay. Theo các điển tích Phật giáo, cây bồ đề đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật vì Đức Phật đã ngồi thiền định dưới gốc cây bồ đề và từng bước giác ngộ được giáo lý của Phật giáo. Từ đó theo tín ngưỡng, có một nữ tu đã đến cây bồ đề đó chiết cành đem về trồng ở Ấn Độ.
Vì vậy, khi xây chùa Bái Đính, có 100 cây bồ đề thế hệ thứ 3 được chiết từ các cây bồ đề của Ấn Độ đã được đưa về trồng ở nơi đây thể hiện sự linh thiêng của ngôi chùa. Tất cả các cây bồ đề được trồng vào dịp Đại lễ Phật Đản Liên hiệp quốc tại Việt Nam năm 2008 cho đến nay đã lên tới hàng ngàn cây mọc xung quanh chùa.
Tâm Tình 2018-09-18 14:12:16
Bài viết đã được chọn làm video trên kênh youtube của toplist.vn. Cảm ơn tác giả.Tâm Tình 2018-09-18 14:12:02
Bài viết đã được chọn làm video trên kênh youtube của toplist.vn. Cảm ơn tác giả.