Hai Bà Trưng
Đầu thế kỉ I, ở huyện Mê Linh (vùng đất thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và Hà Tây ngày nay) có hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị - tuy là phận gái nhưng hai chị em đã nuôi ý định đánh đuổi ngoại xâm để giải phóng đất nước. Sử cũ đều chép rằng, Hai Bà là dòng dõi lạc tướng Mê Linh thời Hùng Vương, là hai người phụ nữ đảm lược, giỏi giang đã tập kết được các lực lượng của hai miền đất quan trọng nhất của non sông lúc bấy giờ. Sau khi Thi Sách (chồng của Trưng Trắc) bị giết hại, Hai Bà Trưng đã làm lễ tế cờ khởi nghĩa:
Một xin rửa sạch quốc thù
Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kẻo oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này.
Nguyên nhân trả thù chồng chỉ là một phần, phần lớn chính là tinh thần yêu nước, muốn giải phóng và khôi phục nền độc lập cho đất nước, chống áp bức, thống trị, nô dịch, đồng hóa của nhà Hán. Khí thế ngất trời của nghĩa quân làm quân thù khiếp đảm. Dân Mê Linh phá tung cổng thành, đạp bằng dinh lũy của quân thống trị, đốt cháy tan hoang thành quách của chúng. Chỉ trong một thời gian ngắn, Hai Bà Trưng đã quét sạch giặc thù ra khỏi bờ cõi và được tôn làm vua, đứng đầu đất nước độc lập trong 3 năm (từ năm 40 đến năm 43).
Sau trận đánh lớn ở Lãng Bạc, Trưng Vương thu quân về Cẩm Khê (QuốcOai bây giờ). Bọn Mã Viện lại kéo đại quân tới và trận quyết chiến lại nổ ra,máu chảy đỏ sông Hồng, sông Đáy. Quyết bảo vệ đất nước và cuộc sống tự do của mình, quyết không làm thân trâu ngựa, Hai Bà đã chiến đấu đến phút cuối cùng và gieo mình xuống dòng sông quê hương tự vẫn. Thời gian làm vua tuy không dài nhưng Hai Bà đã khắc ghi vào lịch sử và tâm thức của người Việt tấm gương anh hùng và trung nghĩa làm vẻ vang cho nữ giới và dân tộc Việt Nam.