Top 15 Món ăn bổ dưỡng dành cho sản phụ thời kỳ sinh con và cho con bú
Phụ nữ nào cũng phải trải qua thời kỳ mang nặng đẻ đau muôn vàn lo âu, vất vả. Khi sinh con rồi, người mẹ lại phải bước vào thời kỳ cho con bú, không những thế ... xem thêm...người mẹ phải mất ăn, mất ngủ ngày đêm để chăm sóc đứa con của mình. Họ không những cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để bù đắp lại những tiêu hao, mất mát thời kỳ thai nghén và sinh đẻ mà còn phải cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể để tạo ra dòng sữa tốt cho con bú. Hãy tham khảo một số món ăn dành cho sản phụ thời kỳ sinh con và cho con bú sau đây nhé.
-
Cháo gà
Món cháo gà có tác dụng bổ ích, khí huyết, làm mịn hồng tươi da dẻ, đẹp thân hình, giữ không đổ mồ hôi. Nó rất thích hợp cho những sản phụ vừa mới sinh con vì nó có tác dụng làm da bụng thu gọn lại nguyên dạng chứ không rệu rã như khi vừa mới sinh con.
Nguyên liệu:
- Gà trống giò: 01 con.
- Hoàng kỳ sống: 60 gam.
- Gạo tẻ: 150 gam.
- Các gia vị như muối, gừng tươi, mì chính lượng vừa đủ.
Cách làm:
- Gà làm thịt sau đó rửa sạch (không dùng tiết, lòng, phổi gà để nấu cháo), chặt ra từng miếng, cho gan gà cùng với thịt gà vào nồi, đổ vừa nước vào, khi nấu sôi lên thì hớt hết bọt nổi lên trên đi.
- Sau đó đun nhỏ lửa cho chín. Vớt thịt gà và gan gà ra ăn riêng.
- Cho gạo đã vo sẵn vào nước luộc gà cùng với nước hoàng kỳ đã nấu sẵn vào nấu lên thành cháo. Khi cháo chín nhừ cho các gia vị vào khuấy đều để ăn ngày 2 lần sáng và tối.
-
Cháo kê
Món cháo kê cũng là một trong những món ăn rất bổ dưỡng cho sản phụ thời kỳ sinh con và cho con bú. Hàm lượng các chất carotin, vitamin B1, vitamin B2 khá cao, gấp hơn 2 lần lượng có trong gạo tẻ, hàm lượng chất cellulose cũng cao gấp từ 2 -7 lần so với gạo, hàm lượng chất sắt cũng cao gấp đôi. Tuy nhiên chất dinh dưỡng ở trong kê không được toàn diện nên trong suốt thời kỳ cho con bú không nên coi nó là thức ăn chủ yếu, mà phải ăn kết hợp với những món ăn khác nữa để tránh tình trạng thiếu chất dinh dưỡng.
Nguyên liệu:
- Gạo tẻ: 100 gam( rửa sạch để ráo).
- Hạt kê: 50 gam (rửa sạch để giáo).
- Nước: 1,2 lít.
- Dầu mè, muối tiêu, rau mùi.
Cách làm:
- Cho gạo và hạt kê vào nồi. Ngâm gạo và hạt kê trong nồi nước khoảng 1 tiếng. Sau đó đun sôi khoảng 15 phút thì tắt bếp. Đậy vung để khoảng 30 phút hoặc hơn.
- Nấu cháo lại khoảng 10 phút và cho dầu mè, muối tiêu cho vừa ăn. Múc ra bát, cho thêm bằng rau mùi và dùng nóng.
-
Đường đỏ
Đường đỏ có tác dụng giúp cho cơ thể hấp thu tốt chất sắt và canxi. Đây là hai chất rất cần thiết cho sản phụ bồi bổ sức khỏe sau sinh bị mất máu nhiều làm tăng thêm hồng cầu.
Nguyên liệu:
- Nước: 200ml
- Đường đỏ: 3 thìa cafe
Cách dùng:
- Hoà đường đỏ vào nước và thưởng thức. Có thể cho thêm đường tùy khẩu vị.
Lưu ý:
- Bạn cũng chỉ nên ăn đường đỏ từ 7-10 ngày thôi và cũng chỉ ăn với một lượng vừa phải vì trong đường đỏ còn có một lượng tương đối nhiều tạp chất nên khi ăn bạn hãy hòa ra nước, chờ cho tạp chất lắng xuống hoặc đun sôi lại rồi dùng. Như vậy sẽ đảm bảo vệ sinh hơn.
-
Miến đậu xanh
Gọi là miến đậu xanh vì thành phần gồm có tinh bột đậu xanh, nước và muối không có hàn the nên nó khác với miến dong bình thường. Món miến đậu xanh là món ăn rất phổ biến. Đặc điểm của món ăn này là vừa mềm, vừa ngon. Có thể chế biến ra món miến xào, miến gà, miến cua, miến tôm hay món canh miến trứng gà cần có một số lá rau như rau ngót, rau cần tây, nấm, mộc nhĩ... rất thích hợp với sản phụ.
Nguyên liệu:
- Miến đậu xanh.
- Thịt.
- Rau củ.
- Gia vị
Cách làm:
- Ngâm miến trong nước lạnh khoảng 5-10 phút.
- Trụng trong nước sôi 4-6 phút.
- Vớt ra, xả sạch bằng nước rồi để ráo.
- Cho dầu ăn vào chảo đun nóng dầu, sau đó cho thịt và rau tùy ý thích vào xào. Khi các nguyên liệu gần chín thì cho miến vào xào cùng. Bạn nhớ đảo đều tay đến khi sợi miến săn lại, ăn thử thấy sợi miến dai dai và ngấm đủ gia vị thì tắt bếp.
-
Sữa bà bầu, sữa chua và nước
Sữa bà bầu bổ sung hầu hết các dưỡng chất cần thiết cho phụ nữ mang thai, vì vậy bà bầu nên uống kéo dài trong toàn bộ thai kỳ. Sau khi sinh con, nếu như phần sữa này vẫn còn, người mẹ hoàn toàn có thể tiếp tục sử dụng để có nhiều sữa cho con bú.
Sữa chua cung cấp protein, vitamin, canxi và chất khoáng cần thiết cho cả thai nhi và thai phụ. Các lợi khuẩn có trong sữa chua còn giúp cải thiện hệ tiêu hóa, phòng chống táo bón rất hiệu quả.
Nước cần thiết cho tất cả các hoạt động sống của thai phụ, vì vậy hãy chắc chắn mẹ đã uống ít nhất 3 lít nước mỗi ngày. Càng về những tháng cuối của thai kỳ, nhu cầu về nước càng tăng cao. Nếu thiếu nước, người mẹ có thể sinh non.
-
Canh gà ác nấu hạt câu kỷ tử
Câu kỷ tử chứa nhiều betain có lợi cho hệ tiêu hóa, các vitamin B, C làm dịu căng thẳng thần kinh, canxi, sắt, photpho tốt cho xương khớp. Gà ác giàu protein, sắt, vitamin và các yếu tố vi lượng hơn gà thông thường.
Nguyên liệu:
- 1 con gà ác, 20 g hạt câu kỷ tử
- Gia vị: Gừng, muối, bột canh, hạt nêm.
Cách làm:
- Hạt câu kỷ tử rửa qua với nước sôi, sau đó vớt ra để ráo nước.
- Gà ác rửa sạch với nước muối, cho vào nồi ninh với nước dưới lửa nhỏ. Cho thêm các gia vị bột canh, hạt nêm và vài lát gừng. Khi nước sôi dùng thìa hớt bọt.
- Ninh gà được 1 giờ thì cho hạt câu kỷ tử vào nấu thêm 10 phút, nêm nếm lại cho vừa miệng.
-
Canh xương bò hầm đậu đỏ
Xương bò rất giàu canxi, còn đậu đỏ giàu chất xơ tốt cho tiêu hóa, đồng thời bổ sung sắt, vitamin B1, B6 tốt cho hệ thần kinh, giảm stress. Trong đậu đỏ nói riêng và các loại đậu nói chung còn chứa một loại chất hoạt động tương tự như estrogen, giúp tuyến vú phát triển sẵn sàng cho sự tiết sữa. Vì vậy, canh xương bò hầm đậu đỏ là một trong những món ăn lợi sữa cho bà bầu rất điển hình.
Nguyên liệu:
- 500g xương bò, 100 g đậu đỏ
- Gia vị: Rượu trắng/rượu vang, muối, bột canh, hạt tiêu, gừng, hạt nêm.
Cách làm:
- Đậu đỏ vo qua cho sạch, ngâm nước khoảng 4 tiếng để khi nấu đậu sẽ mềm.
- Xương bò luộc qua với nước muối, sau đó vớt ra rửa sạch, để ráo nước.
- Cho xương bò vào ninh với nước dưới lửa nhỏ, nêm thêm các gia vị bột canh, hạt nêm, một chút tiêu, vài lát gừng và 2 thìa cà phê rượu trắng/rượu vang (gừng và rượu để khử mùi gây của xương bò). Chú ý hớt bọt để nước ninh xương được trong.
- Ninh xương bò được 20 phút thì cho phần đậu đỏ đã ngâm vào, ninh tiếp đến khi đậu đỏ chín mềm, nêm nếm lại cho vừa miệng.
-
Canh móng giò nấu sung
Móng giò nổi tiếng là thực phẩm lợi sữa cho mẹ sau sinh. Chúng chứa nhiều chất béo và các chất dinh dưỡng cần thiết giúp sản phụ hồi phục sức khỏe, đồng thời kích thích tuyến sữa hoạt động tích cực. Ăn móng giò giúp sữa đặc hơn nhưng không nên ăn quá nhiều vì có thể gây tắc sữa.
Nguyên liệu:
- 500 g móng giò, 100 g sung còn xanh.
- Gia vị: Muối, bột canh, hạt nêm.
Cách làm:
- Móng giò cắt miếng vừa ăn, luộc qua với nước muối, sau đó rửa sạch, để ráo.
- Cho móng giò vào xào sơ với bột canh, hạt nêm cho thấm gia vị. Cho nước vào nồi ninh móng giò dưới lửa nhỏ.
- Sung rửa sạch, cắt đôi. Khi móng giò đã chín mềm, cho sung vào nấu cho đến khi chín tới. Nêm nếm lại cho vừa miệng.
-
Canh rau ngót nấu thịt bò
Rau ngót rất giàu sắt, tốt cho máu của người mẹ. Từ xa xưa đến nay, rau ngót chưa bao giờ vắng bóng trong danh sách các loại rau lợi sữa cho phụ nữ sau sinh. Lưu ý rau ngót có thể gây sảy thai nên mẹ bầu không ăn món này.
Nguyên liệu:
- 1 bó rau ngót, 200 g thịt bò thái lát.
- Gia vị: Muối, hạt tiêu, gừng, tỏi, bột canh, bột nêm, dầu ăn.
Cách làm:
- Thịt bò rửa sạch với nước muối, ướp với thật ít hạt tiêu, gừng tỏi.
- Rau ngót nhặt lấy lá, rửa sạch với nước muối, vò sơ. Cho rau vào nồi xào với một chút dầu ăn, bột canh, bột nêm, sau đó đổ một lượng nước vừa phải, đun dưới lửa vừa.
- Cho dầu vào chảo đun nóng, rồi đổ thịt bò vào xào với thật ít bột nêm cho đến khi thịt chín tới.
- Khi rau ngót đã sôi được khoảng 5 phút, cho thịt bò vào nồi đun đến khi sôi lại. Nêm nếm một lần nữa cho vừa miệng.
-
Chè mè đen (vừng đen) đường phèn
Mè đen nhuận tràng rất tốt, ngoài ra còn có khả năng lợi sữa đáng nể. Trong hạt mè chứa nhiều chất đạm, dầu, canxi, axit béo omega 3 và omega 6 rất có lợi cho sức khỏe.
Nguyên liệu:
- 100 g mè đen, 50 g bột sắn dây.
- Gia vị: Gừng, đường phèn
Cách làm:
- Mè loại bỏ sạn, hạt lép, vo qua cho bớt bụi bẩn rồi để ráo nước. Rang chín mè dưới chảo đáy dày để mè thơm hơn. Sau đó xay nhuyễn hạt mè bằng máy xay sinh tố.
- Hòa bột sắn dây với nước lọc và đường phèn cho tan đều, sau đó cho vào nồi nấu dưới lửa nhỏ, vừa nấu vừa khuấy đều.
- Trong lúc bột sắn bắt đầu chuyển từ màu đục sang màu trong, nhanh tay đổ mè đen đã xay vào, khuấy đều cho đến khi bột sắn chín hẳn.
- Đập dập nhánh gừng cho vào chè để chè dậy mùi thơm.
-
Cá chép
Người già thường hay khuyên sản phụ nên ăn nhiều cá chép trong thời gian “nằm chỗ”. Vậy ăn các chép có lợi gì? Thịt cá chép có thể trục máu dư, máu dư ở đây chủ yếu là máu đẻ. Do thịt cá chứa nhiều protid, có thể thúc đẩy tử cung co bóp, nâng cao sức co bóp của cơ tử cung. Khi tử cung co bóp, các sợi cơ sẽ co ngắn lại, ép lên mạch máu giúp cho máu đẻ và dịch dính trong âm đạo ra ngoài cơ thể.
Theo Đông y, cá chép tính bình vị ngọt, có lợi cho tiểu tiện, có tác dụng giải độc, có thể điều trị các bệnh xơ gan, bụng trướng, phụ nữ băng huyết, sau khi sinh không có sữa. Dùng một con cá chép tươi khoảng 500g, nấu chín với rượu vang, hoặc mổ cá bỏ nội tạng, sấy khô và ngiền thành bột, dùng hàng ngày với rượu vang để điều trị chứng ứ máu tử cung. Cá chép còn có tác dụng thúc đẩy sự tiết sữa, do vậy sau khi sinh con, người mẹ ăn cá chép là rất hợp lý.
-
Trứng gà
Trứng gà chứa nhiều nguyên tố vi lượng quan trọng như kali, natri, magie, photpho, đặc biệt là nguyên tố sắt cần thiết cho cơ thể, rất tốt cho bà bầu.
Không những thế, trứng gà còn cung cấp một lượng đáng kể protein có giá trị sinh học cao, ngoài ra còn chứa nhiều vitamin A, D, B2, B6, B12, acid folic, cholin, sắt, canxi, phospho, kali, chất béo và nhất là omega-3. Chính vì những giá trị dinh dưỡng như thế mà trứng gà luôn là thực phẩm không thể thiếu trong danh sách món ngon tốt cho bà bầu. Các mẹ nên ăn điều độ trứng gà để giảm hàm lượng cholesterol trong máu, tăng cường trí não, tăng cường khả năng ghi nhớ ở trẻ sau này.Thành phần dinh dưỡng trong trứng gà rất phong phú, cách nấu đơn giản, vừa kinh tế lại vừa thực tế, đồng thời trứng gà chứa nhiều protein được cơ thể người hấp thu, là loại thực phẩm tốt cho người mẹ bồi dưỡng. Trong trứng gà chứa chất thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức não, có thể nhanh làm lành vết thương ở các cơ quan. Người mẹ ăn nhiều trứng gà sẽ có lợi cho việc nuôi con bằng sữa và sự phục hồi công năng của các tổ chức, bé bú sữa mẹ giúp các tế bào não của bé tăng trưởng, giúp bé càng thông minh, khoẻ mạnh. Sau khi ăn trứng gà có thể thúc đẩy lượng sữa tiết ra. Người mẹ mỗi ngày ăn 4 quả trứng là thích hợp, không nên ăn nhiều quá ảnh hưởng đến việc tiêu hóa.
-
Hoa quả
Sau khi sinh con, hàng ngày người mẹ đều có thể ăn hoa quả. Nếu người mẹ bị táo bón, thì mỗi ngày ăn một quả chuối tiêu cũng có tác dụng tốt, theo một số tài liệu, ăn chuối tiêu còn có tác dụng giảm căng thẳng thần kinh. Có những sản phụ sau sinh không muốn ăn, thì việc ăn hoa quả cũng giúp ích cho tiêu hoá.
Quả sơn tra vừa chua vừa ngọt sau khi ăn sẽ làm tăng cảm giác thèm ăn, có lợi cho tiêu hóa, thúc đẩy tử cung co bóp tống máu đẻ ra ngoài. Đồng thời hoa quả bổ sung sự thiếu hụt vitamin trong cơ thể mẹ. Nhưng người mẹ không nên ăn quá nhiều loại hoa quả chua, lạnh, đề phòng chất toan làm hại răng và dạ dày bị kích thích bởi thức ăn lạnh.
-
Ức gà xào măng tây
Thịt gà chứa nhiều protein, vitamin B6, vitamin A, photpho cùng các khoáng chất tốt cho răng, xương và hệ tim mạch. Axit amin tryptophan trong thịt gà còn có khả năng làm giảm căng thẳng thần kinh, giúp người mẹ không bị trầm cảm trong giai đoạn mang thai. Trong khi đó măng tây lại chứa nhiều acid folic giúp bổ máu và hỗ trợ tiết sữa.
Nguyên liệu:
- 10 cây măng tây, 300 g ức gà, 1 củ gừng nhỏ.
- Gia vị: Bột canh, muối, hạt nêm, xì dầu, hạt tiêu, bơ.
Cách làm:
- Ức gà cắt thành miếng vừa ăn, rửa sạch với nước muối, sau đó vớt ra rổ để ráo. Ướp ức gà với gừng băm nhỏ, hạt nêm, muối, tiêu, xì dầu.
- Măng tây nhặt bỏ đoạn già, rửa sạch, cắt đôi. Luộc qua măng tây với chút nước muối, sau đó vớt ra thả ngay vào nước đá để măng giữ được độ giòn.
- Cho bơ vào chảo, sau đó cho thịt gà đã ướp vào xào cho săn lại, đổ ra đĩa.
- Tiếp tục cho bơ vào chảo, xào sơ măng tây cho thấm gia vị (vì trước đó đã luộc với nước muối). Khi thấy măng tây đã vừa chín, đổ phần thịt gà vào trộn đều. Nêm nếm lại cho vừa miệng.
-
Đu đủ xanh nấu canh hoặc đu đủ chín
Khi mang bầu, bà mẹ thường kiêng đu đủ xanh vì một hợp chất trong đu đủ xanh có thể dẫn đến co bóp tử cung và gây sảy thai, sinh non. Tuy nhiên sau khi sinh, chị em hoàn toàn có thể ăn được món ăn này, đây là món ăn lợi sữa và chống táo bón hiệu quả.
Với đu đủ xanh, mẹ có thể hầm với xương hoặc móng giò sẽ cung cấp protein, vitamin A, B, C, D, E và kích thích vị giác cho sản phụ. Tuy nhiên, chị em cũng không cần thiết phải ăn thường xuyên, 1 tuần ăn 3 lần là được. Ngoài hầm móng giò, chị em có thể hầm với xương ống, xương sườn...Còn đu đủ chín chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ chống táo bón cực hiệu quả. Với những chị em đang đối đầu với những cơn táo bón trầm trọng thì bổ sung ngay đu đủ vào thực đơn hàng ngày.