Lưu ý khi điều trị bệnh gút
Theo Bác sĩ Trần Thị Tuyết Nhung - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City thì điều trị có hai phần tương đối quan trọng như nhau, đó là:
- Chế độ dinh dưỡng:
- Tránh thực phẩm chứa nhiều nhân purin: nội tạng động vật (tim, gan, lòng bầu dục); hải sản (tôm, cua, cá hồi, cá mòi); các loại đậu, măng tây, cải bó xôi; thịt đỏ ( trâu, bò, chó); thức ăn chua ( hoa quả chua, đồ muối chua)
- Tránh uống rượu, bia.
- Tránh dùng các thuốc lợi tiểu, corticoid.
- Nên uống nhiều nước: khoảng 2 lít/ngày ( nước khoáng kiềm)
- Nên ăn nhiều rau xanh, cà rốt, bắp cải
- Có thể uống sữa, ăn trứng, ăn thịt trắng ( thịt gia cầm bỏ da)
- Không nên đi giày quá chật
Nhìn chung chế độ ăn hạn chế năng lượng vì bệnh gút hay đi kèm với các bệnh rối loạn chuyển hóa khác.
- Thuốc:
- Các thuốc chống viêm để điều trị cơn cấp và dự phòng cơn cấp: Colchicin hay bị ỉa chảy; các thuốc chống viêm không steroid khác (Voltazen, Piroxicam, Meloxicam, Etoricoxib...) khi không có loét dạ dày hành tá tràng và thận trong với các bệnh nhân có bệnh tim mạch; dùng corticoid đường toàn thân hay tiêm tại khớp phải theo chỉ định của bác sĩ.
- Các thuốc làm giảm acid uric bao gồm: thuốc giảm sản xuất acid uric ( Allopurinol - Zyloric), chú ý thuốc hay gây dị ứng, Febuxostat ít gây dị ứng hơn. Thuốc tăng thải acid uric qua thận ( Probenecid). Các thuốc này chỉ dùng khi bệnh nhân đã hết viêm khớp cấp nhưng nếu đang dùng mà có cơn cấp thì cứ tiếp tục dùng.
Các thuốc làm kiềm hóa máu và nước tiểu, làm tăng thải acid uric như dung dịch Natribicacbonat. - Mục tiêu acid uric < 360μmol/l với Gút không có hạt Tophy và < 300μmol/l với Gút có hạt Tophy.
- Người bệnh thường là khi hết cơn cấp thì tự ngưng điều trị nên acid uric máu tăng cao, bệnh tiến triển dần thành mạn tính để lại những biến chứng nặng nề ở khớp, thận và các cơ quan khác.
Vì vậy để phòng tránh cũng như khống chế bệnh một cách hiệu quả nhất thì người bệnh phải tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý, phải thăm khám thường xuyên, tuân thủ phác đồ điều trị kéo dài.
Khám sức khỏe tổng quát là phương pháp hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe. Khi khám tổng quát, người bệnh sẽ được đánh giá tổng thể các chỉ số cơ thể qua các xét nghiệm, các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, các kỹ thuật thăm dò chức năng,... từ đó giúp tầm soát, phát hiện sớm các bệnh tật.
Khám sức khỏe tổng quát có thể giúp phát hiện sớm bệnh gút qua xét nghiệm acid uric máu. Đây là một xét nghiệm thường quy được thực hiện ở hầu hết các gói khám sức khỏe tổng quát. Dù không phải tất cả những người có acid uric cao trong máu đều bị gout, tuy nhiên nếu nồng độ acid uric trong máu cao và kéo dài thì nguy cơ bệnh gout rất cao. Khi kết quả xét nghiệm acid uric máu cao, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện tiếp các xét nghiệm tiếp theo cùng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang khớp, chụp CT,... để chẩn đoán xác định bệnh.