Top 12 Phương pháp giúp con bạn thông minh hơn
Trí tuệ là món quà mà bọn trẻ được thừa hưởng từ cha mẹ hay được hình thành và phát triển từ một môi trường thích hợp? Câu trả lời là cả hai. Trong khi thông ... xem thêm...minh rõ ràng là do nhân tố di truyền, thì nghiên cứu khoa học cũng bắt đầu chỉ ra rằng bằng những cách tiếp cận nhất định, chúng ta cũng góp phần thúc đẩy nhận thức và phát triển trí não của trẻ. Hãy cùng Toplist tìm hiểu các phương pháp giúp trẻ thông minh hơn nhé!
-
Những bài học về âm nhạc
Nghiên cứu cho thấy các bài học về âm nhạc giúp trẻ thông minh hơn nhiều một cách rõ rệt. So sánh những đứa trẻ trong cùng nhóm nghiên cứu, các nhà khoa học nhận ra rằng những đứa bé trong nhóm được dạy âm nhạc có một sự tăng đáng kể trong chỉ số IQ. Mặc dù sức ảnh hưởng của âm nhạc là không đáng kể, nhưng nó đã góp một phần ảnh hưởng tích cực trong việc cải thiện các bài kiểm tra IQ, điểm số trong các cuộc thi thể thao và kết quả học tập ở trường. Thực tế thì các bài học về âm nhạc có ích cho tất cả mọi người: cả người già lẫn trẻ.
Trẻ có đam mê với âm nhạc hoặc biết chơi một loại nhạc cụ thường học giỏi hơn những em khác. Âm nhạc giúp trẻ phát triển IQ cũng như hoàn thiện một số phần của não bộ. Như chúng ta đã biết, âm nhạc, đặc biệt là nhạc cổ điển mang đến nhiều hiệu ứng tốt cho các bà mẹ đang mang bầu và cho cả những thai nhi. Khoa học đã chứng minh rằng, những giai điệu êm ái có tác dụng phát triển trí não cho bé ngay khi vẫn đang nằm trong bụng mẹ.
-
Chơi thể thao
Thể thao là tất cả các loại hình hoạt động thể chất và trò chơi có tính cạnh tranh cải thiện các kỹ năng, năng lực thể chất, rèn luyện trí lực, có tính giải trí cao, đem lại niềm vui, hứng khởi cho trẻ. Với thể thao trẻ chơi mà học, học mà chơi. Vì khi trẻ đam mê một môn học, một môn thể thao nào cũng đáng mừng. Nếu phụ huynh biết định hướng và tạo cơ hội cho trẻ chơi thể thao, trẻ sẽ tự tin, năng động hơn, có nhiều sáng tạo hơn, qua đó góp phần kích hoạt não bộ phát triển toàn diện và trí thông minh sẽ được bộc lộ.
Không chỉ vậy, thể thao còn giúp trẻ có thêm thật nhiều những khoảnh khắc của “nhà vô địch”, là liều thuốc tinh thần kích thích trí sáng tạo, niềm đam mê, tự tin và qua đó giúp trẻ học tốt hơn. Những cậu bé đam mê thể thao có vẻ đáng lo ngại bởi vì chúng dành nhiều thời gian trên sân cỏ hơn là trong thư viện. Nhưng nếu bạn khiến đứa trẻ của mình dành thời gian cho cả hai thì sao? Khi sức khỏe dồi dào sẽ làm tăng nhanh khả năng học hỏi cho trẻ. Sau khi tập thể dục, người bình thường sẽ học từ mới nhanh hơn đến 20%
-
Đừng đọc cho trẻ nghe mà hãy đọc cùng với trẻ
Bạn có một đứa con nhỏ đang học tập đọc ư? Vậy thì, đừng để cho trẻ chỉ nhìn chằm chằm vào những bức ảnh sinh động trong một cuốn sách trong khi bạn thì dành phần đọc hết cho chúng nghe. Hãy khơi gợi cho trẻ chú ý vào từ ngữ. Đọc cùng với các con, chứ không phải đọc hết cho chúng nghe. Nghiên cứu cho thấy điều này giúp hình thành kỹ năng đọc của trẻ: Khi việc đọc sách cùng với trẻ được làm tốt và quan tâm đến sự phát triển kỹ năng đọc đều đặn thì đây là một phương thức hiệu quả thúc đẩy khả năng biết đọc sớm ở trẻ nhỏ, ngay cả với trẻ em khuyết tật.
Tâm lý muốn con cái làm như những gì cha mẹ đã thử và thấy thành công rất phổ biến. Nhiều bậc cha mẹ chỉ muốn hoặc cho con trẻ đọc những gì mà mình nghĩ là bổ ích mà lại quên rằng hầu hết mọi người ở khắp nơi trên thế giới đều thích đọc những thứ mang tính giải trí (thậm chí giật gân) và việc đọc những quyển sách, thông tin bồi bổ kiến thức thường rất thách thức. Chúng ta cần nhìn lại để nhớ rằng những gì mình thích hoặc tin rằng mình giỏi thì bản thân sẽ học hay làm một cách say mê và kết quả thường rất tốt và ngược lại. Con trẻ cũng vậy. Do vậy, chúng ta không bắt ép trẻ đọc hoặc hoặc đọc hết hộ trẻ, mà chỉ có thể khuyến khích, động viên, chỉ dẫn một cách khéo léo để trẻ say mê việc đọc với nhiều loại sách bổ ích hơn.
-
Cho trẻ ngủ đủ giấc
Bộ não của một học sinh lớp 6 sẽ chỉ còn là của một học sinh lớp 4 khi giấc ngủ bị thiếu đi một giờ. Những đứa trẻ tuổi thiếu niên nhận được điểm A nhờ ngủ nhiều hơn trung bình khoảng mười lăm phút so với những đứa trẻ chỉ nhận được điểm B, những đứa trẻ nhận điểm B lại ngủ nhiều hơn trung bình mười lăm phút so với những đứa trẻ nhận điểm C và cứ lùi dần như vậy. Dữ liệu của Wahlstrom là một bản mô phỏng hoàn hảo về các kết quả từ một nghiên cứu trước đó với hơn 3.000 học sinh trường trung học Rhode Island của Brown’s Carskadon. Chắc chắn, đây là mức trung bình nhưng sự đồng nhất của hai nghiên cứu này đã được làm rõ. Trong trường hợp này, mười lăm phút cũng làm nên sự khác biệt quan trọng!
Nghiên cứu đã thu thập thông tin về trẻ ở thời điểm 3, 5 và 7 tuổi và đối chiếu kết quả các bài tập đọc, làm toán và nhận thức không gian với thói quen giấc ngủ của các em. Đi ngủ không đúng giờ rất phổ biến khi trẻ 3 tuổi. Cứ 5 trẻ có 1 trẻ ngủ không đúng giờ. Khi 7 tuổi, hơn nửa số trẻ em tham gia nghiên cứu đi ngủ trong khoảng 19g30 - 20g30. Kết quả là những trẻ không bao giờ đi ngủ đúng giờ có điểm thấp hơn hẳn trong các bài kiểm tra đọc, làm toán và nhận thức về không gian so với các bạn. Ảnh hưởng này còn rõ ràng hơn ở các bé gái và có xu hướng cộng dồn, càng đi ngủ không đúng giờ hoặc trễ giờ điểm càng thấp.
-
Chỉ số IQ không còn giá trị nếu trẻ không có tính kỷ luật tự giác
Dùng tính kỷ luật tự giác để dự đoán ai sẽ là người thành công trong cuộc sống tốt hơn dùng chỉ số IQ. Cuốn sách nổi tiếng Sức mạnh của thói quen của Charles Duhigg có viết: “Tại sao chúng ta lại làm những gì mà chúng ta đang làm trong cuộc sống và công việc?”. Hàng chục nghiên cứu cho thấy sức mạnh ý chí là thói quen chủ chốt quan trọng nhất quyết định thành công của một cá nhân. Những học sinh thể hiện thái độ học tập nghiêm túc và tự giác thường có nhiều khả năng đạt điểm cao hơn so với những học sinh khác cũng như thường được nhận vào các trường uy tín hơn.
Những học sinh này ít bỏ tiết và dành ít thời gian xem truyền hình, thay vào đó là để làm bài tập về nhà. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra: “Những thanh thiếu niên có tính kỷ luật tự giác cao thường vượt trội hơn những đứa cùng trang lứa có tính hấp tấp trên tất cả các thành tích học tập của mọi lĩnh vực. Tính kỷ luật, tự giác đã dự đoán thành tích học tập chính xác một cách bất ngờ hơn là chỉ số IQ. Tính kỷ luật tự giác cũng dự đoán được học sinh nào nên cải thiện điểm số của mình trong quá trình học tập, trong khi chỉ số IQ thì không… Tính kỷ luật tự giác có ảnh hưởng lớn đến thành tích học tập hơn là tài năng trí tuệ“.
-
Học tập là một quá trình chủ động
Baby Einstein (một series video giúp các bé phát triển trí tuệ và hòa nhập với thế giới muôn màu của cuộc sống) và các trò chơi rèn luyện trí não thật sự không hiệu quả. Trên thực tế, có nhiều lý do để tin rằng chúng còn làm cho trẻ ngớ ngẩn hơn. Các sản phẩm này không hiệu quả chút nào. Chúng không tạo ra được ảnh hưởng tích cực đối với việc phát triển từ vựng cho những đứa trẻ từ 17 - 24 tháng. Thực tế thì một số sản phẩm còn gây ra ảnh hưởng xấu. Những đứa trẻ bỏ ra mỗi giờ một ngày để xem một số lượng nhất định các loại DVD và video dành cho trẻ em sẽ hiểu được ít hơn trung bình từ sáu đến tám từ vựng so với những đứa trẻ không xem các loại băng đĩa đó. Học tập thật sự là phải chủ động, chứ không phải thụ động.
Học tập chủ động khuyến khích trẻ trực tiếp tìm tòi, tổng hợp và phân tích thông tin mới thay vì lệ thuộc vào bài giảng của giáo viên. Có nghĩ là học sinh không chỉ đơn thuần tiếp thu kiến thức thông qua lời giảng mà chuyển hóa nó thành sự “hiểu biết” thông qua quá trình tương tác như thuyết trình, làm việc nhóm, hoạt động ngoại khoá... Xây dựng chiến lược học tập là việc lựa chọn, sử dụng các phương pháp và quy trình hướng dẫn đào tạo phù hợp để giúp học sinh tiếp thu và hiểu biết tri thức. Chiến lược học tập tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình học tập chủ động bằng cách dạy học sinh cách học và cách sử dụng những gì họ đã học để giải quyết vấn đề và thành công.
-
Những đứa trẻ hạnh phúc - Những đứa trẻ thành công
Những đứa trẻ cảm thấy hạnh phúc thường có nhiều cơ hội thành công hơn khi trưởng thành. Sống hạnh phúc mang đến cho bạn một lợi thế to lớn trong một thế giới mà nó chú trọng đến việc hoàn thành nhiệm vụ. Thường thì những người hạnh phúc sẽ thành công hơn những người không hạnh phúc cả trong công việc lẫn tình yêu. Họ có những thể hiện tốt hơn, kiếm được việc làm tốt với mức lương cao hơn. Họ dễ có khả năng kết hôn và một khi đã lập gia đình, họ có xu hướng hài lòng với hôn nhân của mình. Và bước đầu tiên để có những đứa trẻ hạnh phúc là gì? Hãy là một người cha, người mẹ thật hạnh phúc đi đã.
Để tập cho con trẻ sống vui mỗi ngày thì các bậc cha mẹ cần chú ý nhiều hơn đến cảm nhận của con mình, lắng nghe và thực hiện theo những bí kíp này để tạo cơ hội cho con mình tiếp cận với hạnh phúc dễ dàng hơn. Các bậc cha mẹ từ trước đến nay đều luôn bị ám ảnh về những thành công trong tương lai của con mình mà vô tình quên mất đi điều con trẻ cần được dạy dỗ không chỉ là sự tự tin, học giỏi, nghe lời, ngoan ngoãn mà còn là hạnh phúc - một trong những nhu cầu cơ bản của con người và sau này nó còn là mục đích tìm kiếm của mỗi người trưởng thành.
-
Bạn bè cùng trang lứa có ảnh hưởng quan trọng
Dựa trên các tiêu chí như thước đo khả năng trí tuệ và một số khía cạnh nhất định về nhân cách thì trẻ em khá giống với cha mẹ của chúng. Tuy nhiên, những đứa trẻ được nhận nuôi lại có kết quả hết sức kỳ lạ. Điểm số của chúng dù thế nào đi nữa cũng không có điểm gì chung với cha mẹ nuôi: những đứa trẻ này không còn có nhiều điểm tương đồng trong tính cách hoặc khả năng trí tuệ như những người nuôi dưỡng chúng: cho chúng ăn, cho chúng mặc, đọc sách cho chúng nghe, dạy dỗ và yêu thương chúng trong 16 năm.
Vậy thì, điều gì có ảnh hưởng lớn đến hành vi của những đứa trẻ? Đó là những đứa bạn cùng trang lứa. Chúng ta thường chỉ nói về áp lực bạn bè với nghĩa là tiêu cực nhưng thường thì nó lại có tác động tích cực hơn chúng ta nghĩ. Sống trong một khu phố với những người hàng xóm thân thiện, học ở những trường có chất lượng và đảm bảo rằng con bạn kết bạn với những đứa trẻ ngoan có thể tạo ra một sự khác biệt rất lớn ở trẻ. Đâu là cách dễ dàng nhất để một sinh viên đại học cải thiện điểm trung bình học tập của mình? Đó là hãy chọn một người bạn cùng phòng thông minh.
-
Tin tưởng trẻ
Tin tưởng con mình thông minh hơn mức trung bình sẽ tạo ra sự khác biệt. Khi giáo viên nói với những đứa trẻ nào đó rằng chúng là những học sinh thông minh, chúng có những biểu hiện tốt hơn ngay cả khi những đứa trẻ được lựa chọn một cách ngẫu nhiên. Bất kỳ ai cũng muốn được động viên. Đối với trẻ con, sự khích lệ của bố mẹ không chỉ tạo tâm lý tích cực mà còn là “tiếng nói nội tâm” để trẻ tự động viên mình, ngay cả khi đã trưởng thành.
Hãy mách nhỏ cho trẻ câu “thần chú” để tự nhắc nhở mình không nản chí trong những tình huống khó khăn, như “Có khó khăn thì con mới phải cần cố gắng!”, “Nếu không thành công, thì hãy thử lại lần nữa và làm tốt hơn!”. Chẳng hạn, khi con bạn đánh sai nhịp một bài nhạc, trẻ có thể tự nhủ “mình làm được mà” để cảm thấy thoải mái tiếp tục cho đến khi đúng nhịp. Ngược lại, nếu nghe toàn những chỉ trích sẽ khiến trẻ tự trách mình và thất vọng hơn.
-
Nuôi con bằng sữa mẹ
Những kết quả nghiên cứu chứng tỏ rằng việc nuôi con bằng sữa mẹ thậm chí chỉ kéo dài vài tuần sau khi sinh cũng có ảnh hưởng rất tốt đến sự phát triển trí tuệ của trẻ. Ở các cháu mà những tuần đầu tiên trong đời chỉ dùng sữa mẹ, thì có mức phát triển trí tuệ cao hơn các cháu bú bình từ 3 đến 5 điểm. Các kết quả được xác định khi các cháu ở lứa tuổi là 7, 11 và 14. Các nhà nghiên cứu cho biết: “Lúc đầu, chúng tôi nghĩ hiệu quả của việc nuôi con bằng sữa mẹ biến mất theo thời gian, nhưng hoá ra không phải vậy. Những theo dõi kết quả học tập của các cháu cho thấy hiệu quả ấy kéo dài suột lứa tuổi học đường”.
Sữa mẹ rất tốt cho trí não của trẻ. Các nghiên cứu gần đây liên tục chỉ ra rằng sữa mẹ đem lại nhiều lợi ích cho trẻ mới lớn. Sữa mẹ giúp ngăn ngừa các nhân tố nguy hiểm và cung cấp những chất dinh dưỡng thiết yếu nhất. Các nhà khoa học Đan Mạch vừa khám phá ra rằng nuôi trẻ bằng sữa mẹ có thể giúp chúng phát triển cả về thể chất và trí tuệ. Nghiên cứu này cũng cho thấy trẻ sơ sinh được bú sữa trong 9 tháng đầu đời thông minh hơn số trẻ chỉ được nuôi bằng sữa mẹ trong vòng 1 tháng hoặc ít hơn. Cho nên nuôi con bằng sữa mẹ là cách tốt nhất để phát triển trí tuệ của trẻ.
-
Chơi các trò chơi mang tính trí tuệ
Khi tham gia vào các trò chơi, trẻ càng sử dụng trí não để phân tích, phán đoán, suy luận thì bộ não của trẻ càng được kích thích, hoạt động hết công suất và tạo ra cảm giác thích thú cho trẻ. Vì vậy, ba mẹ nên tạo cho con không gian chơi trò chơi trí tuệ đúng cách, cho con nhiều cơ hội sử dụng trí óc. Ví dụ, chơi ghép tranh là một cách thú vị để bộ não của bé luôn bận rộn. Bé sẽ có khoảng thời gian tuyệt vời với trò chơi ghép những bức tranh về nhân vật hoạt hình, nhân vật cổ tích hay đồ vật mà chúng yêu thích. Hay trò xếp hình khối cũng là một ý tưởng tuyệt vời giúp bé vận dụng trí não.
Chơi với các hình khối giúp trẻ nhận thức rõ hơn về những thứ như thăng bằng, trọng lượng, không gian và trọng lực. Nó cũng giúp rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề khi bé cố gắng xây dựng cái gì đó hay khi lắp ráp một khối này mà nó không ăn khớp với khối khác. Đây cũng là thời gian tuyệt vời để trẻ rèn luyện khả năng sáng tạo. Các trò chơi như cờ, ô chữ, ô số, câu đố - tất cả đều mang tính chất rèn luyện trí não. Game như Sudoku vừa hấp dẫn lại vừa hình thành lối tư duy, và cách thức đưa ra những quyết định quan trọng trong giải quyết vấn đề. Bạn hãy đặt ra những vấn đề mang tính hóc búa và hãy yêu cầu bọn trẻ giúp bạn giải quyết những vấn đề hóc búa đó. Vừa đưa ra vừa gợi mở, sự kết hợp đó sẽ dần dần khiến cho bọn trẻ hình thành lối tư duy nhận thức và hiển nhiên là chúng sẽ ngày càng thông minh hơn.
-
Kích thích sự tò mò của trẻ
Trí tò mò là thứ nuôi dưỡng hứng thú học hỏi của trẻ, điều này vô cùng hữu ích trong tương lai sau này đối với mỗi đứa trẻ. Cha mẹ thường cảm thấy phiền phức khi phải trả lời hàng tá câu hỏi “ngẫu hứng” của con. Nhưng chúng ta cần hiểu rằng, mọi thứ đều vô cùng mới mẻ và khiến trẻ cực kì hứng thú. Trẻ nhỏ có sự tò mò tự nhiên ngay từ khi mới sinh ra. Từ 8 tháng tuổi, não trẻ đã bắt đầu hình thành rất nhiều câu hỏi. Các hoạt động thể chất giúp khuyến khích tính cách này, và chơi đùa là cách trẻ khám phá về môi trường xung quanh.
Các chuyên gia nói rằng những cha mẹ nào hay đặt ra cho con cái mình những câu hỏi và kích thích sự tò mò của chúng để khám phá những ý tưởng mới thì sẽ dần dạy cho chúng những bài học đáng giá. Học hỏi là điều quan trọng. Hãy ủng hộ những sở thích và niềm đam mê của chúng, bằng cách đặt câu hỏi và dạy chúng những kỹ năng mới. Đồng thời, hãy cho chúng đi du ngoạn để giải đáp những thắc mắc về trí tò mò cũng như sự ham hiểu biết của chúng.