Rượu cần
Rượu cần là một thức uống đặc biệt, luôn hiện diện trong đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc Gia Lai và trở thành một nét văn hóa của người dân nơi đây.
Nguyên liệu để làm nên một ché rượu cần ngon:
- Men rượu: được làm từ các loại lá rừng có tinh dầu.
- Cái rượu: được ủ từ các loại ngũ cốc phổ biến như bắp, mì, gạo nếp, gạo tẻ.
Sau khi chuẩn bị nguyên liệu xong xuôi, tất cả sẽ được bỏ vào ché ủ, khoảng 100 ngày có thể đem ra và dùng được, song ủ càng lâu rượu càng ngon và quý. Nghe qua có vẻ đơn giản, nhưng đây thực ra là cả một quá trình công phu và tỉ mỉ, bởi chỉ cần lơ đễnh một chút là sẽ làm ra những ché rượu bị nhạt, chua hoặc cay mà làm mất đi cái vị đặc trưng của rượu.
Để làm ra một ché rượu cần đã khó, thưởng thức nó cũng không hề đơn giản, ẩn chứa cả một nét văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây. Uống rượu cần không dùng li như uống rượu thường mà phải uống bằng cần làm từ tre, hoặc trúc dài khoảng 1 mét được đục rỗng hai đầu, tất cả mọi người ngồi xung quanh ché rượu và cùng uống chung 1 cần duy nhất. Theo tục lệ, chủ nhà sẽ là người mở ché rượu và cầu khấn Giàng (Ông Trời theo cách gọi của người Tây Nguyên) mong sức khỏe và may mắn cho khách, sau đó mới trao cần cho các vị khách. Uống rượu cần còn thể hiện tinh thần và sức mạnh đoàn kết.
Có lẽ, khi thưởng thức rượu cần phải ở trong không gian mang bản sắc của đồng bào dân tộc Gia Lai như: Nhà Rông hay không gian lễ hội, cùng nhau nhảy múa bên ánh lửa bập bùng mới có thể cảm nhận hết được vị ngon của rượu.