Top 7 Tập thơ tiêu biểu của nhà thơ Tố Hữu
Tố Hữu là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Chặng đường thơ của Tố Hữu là chặng đường lịch sử của cả một dân tộc. Ông được coi ... xem thêm...là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam. Cùng Toplist điểm qua những tập thơ tiêu biểu nhất của nhà thơ Tố Hữu nhé!
-
Tập thơ "Từ ấy"
Từ ấy là tập thơ đầu lòng của Tố Hữu. Tập thơ mười năm: 1937 – 1946. Mười năm thơ của mười năm hoạt động cách mạng”.
Như vậy thời điểm người chiến sĩ Tố Hữu đến với cách mạng cũng là thời điểm người thi sĩ Tố Hữu đến với thơ. Bài thơ đầu tiên của tập thơ Từ ấy, cũng tức là bài đầu tiên trong sự nghiệp thi ca của Tố Hữu – bài Mồ côi, đăng trên báo Dân – được viết khi tác giả của nó đã đi vào con đường hoạt động cách mạng ở thành phố Huế quê hương.
Đây là chỗ khác nhau cơ bản giữa Tố Hữu với những nhà thơ mới, như Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Anh Thơ (đã học hoặc đã đọc thêm trong chương trình Ngữ văn lớp 11) hay Thế Lữ, Vũ Đình Liên, Tế Hanh (đã học trong chương trình Ngữ văn lớp 8), những thanh niên gặp thơ từ khá lâu trước khi thực sự gặp gỡ và hoà vào phong trào đấu tranh cách mạng. Từ ấy gồm 72 bài thơ, chia thành 3 phần:- "Máu lửa" gồm 29 bài, là thơ của thời kì Mặt trận Dân chủ, tập trung vào những vấn đề lớn của thời đại như chống phát xít, phong kiến, đòi hoà bình, cơm áo, vấn đề sống của con người và cách mạng giải phóng dân tộc.
- "Xiềng xích" gồm 29 bài, được viết trong tù, thể hiện nỗi đau, ý chí và khí phách của người chiến sĩ cách mạng trong chốn lao tù.
- "Giải phóng" gồm 14 bài, viết từ lúc vượt ngục đến một năm sau ngày độc lập, chủ yếu ngợi ca lí tưởng, quyết tâm đánh đuổi giặc, cứu nước và niềm vui chiến thắng.
Từ ấy đã trở thành một trong những thành tựu của văn học cách mạng Việt Nam. Tố Hữu đã kết hợp được giữa nghệ thuật và cách mạng, giữa người chiến sĩ và thi sĩ, góp phần vào tiến trình đổi mới thi ca hiện đại Việt Nam. Có thể coi tập thơ là bài ca hùng tráng của những người hiểu rằng chiến đấu là con đường duy nhất để giành được độc lập, tự do, sung sướng, vì thế, sẵn sàng dâng hiến cuộc đời cho “trường đấu tranh”, không sợ gian khổ, không sợ chết. Là tiếng hát tràn ngập niềm tin tưởng, lạc quan của người biết rằng chiến thắng cuối cùng nhất định sẽ thuộc về mình.
-
Tập thơ "Việt Bắc"
Tập thơ "Việt Bắc" được xuất bản lần đầu vào năm 1954, hầu hết trong đó là các bài thơ sáng tác trong những năm kháng chiến chống Pháp. Tập thơ gồm 24 bài (trong đó có 6 bài dịch và 3 bài sáng tác năm 1954) với bài đầu tiên là "Cá nước", sáng tác năm 1947, và kết thúc với bài "Lại về". Nhiều tác giả văn học đã coi tập thơ Việt Bắc là tập hùng ca kháng chiến toàn dân trong tám năm ròng rã chống bọn xâm lăng.
Tập thơ đã phản ánh chân thực con đường chiến đấu gian lao và sự trưởng thành của dân tộc Việt Nam qua những dấu ấn, hình ảnh về cuộc kháng chiến. Tập thơ đánh dấu một bước phát triển của thơ Tố Hữu về giọng điệu, ngôn ngữ. Chất dân tộc đậm đà trong thi liệu bình dị, thể thơ quen thuộc. Tập thơ "Việt Bắc" được tặng giải nhất về thơ của Giải thưởng văn học giai đoạn 1954-1955 của Hội Văn nghệ Việt Nam.
-
Tập thơ "Gió lộng"
Tập thơ "Gió lộng" được Tố Hữu sáng tác trong 6 năm từ 1955 - 1961, viết trong thời kì đất nước đang tập trung vào hai nhiệm vụ quan trọng: xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh chống Mỹ Nguỵ, thống nhất đất nước ở miền Nam. Năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, những kế hoạch 5 năm xây dựng đất nước được triển khai. Tập thơ Gió lộng thể hiện nỗi niềm phấn chấn của người xây dựng đất nước: “Gió lộng đường khơi rộng đất trời”.
Tập thơ Gió Lộng “khai thác những nguồn cảm hứng lớn, cũng là những tình cảm bao trùm trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam đương thời: niềm vui, niềm tự hào, tin tưởng ở công cuộc xây dựng cuộc sống mới xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc, tình cảm với miền Nam và ý chí thống nhất Tổ Quốc, tình cảm quốc tế vô sản rộng mở với các nước anh em”. Bên cạnh đó là sự tin tưởng ở công cuộc xây dựng đời sống mới theo chế độ xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc, tình cảm với miền Nam và quyết tâm thống nhất Tổ quốc.
Tập thơ gồm 25 bài thơ, tiêu biểu như: "Người con gái Việt Nam", "Tiếng chổi tre",... Tập thơ mang đậm cảm hứng lãng mạn cùng khuynh hướng sử thi và thể hiện một cái tôi công dân.
-
Tập thơ "Ra trận"
Ra trận là một tập thơ được đánh giá cao của nhà thơ Tố Hữu. Tập thơ gồm 31 bài, sáng tác trong 10 năm chống Mỹ (1962-1971). Vốn là hồn thơ của yêu thương, nghĩa tình, Tố Hữu ao ước được làm thơ ngợi ca thanh bình. Nhưng khi miền Nam, rồi cả nước, chìm trong nước sôi lửa bỏng thì có thể nào yên, có thể nào khuây…. Tác giả dành phần lớn tâm huyết để ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng, do đó, giọng điệu tập thơ thấm đẫm chất hùng ca.
Thơ Tố Hữu lúc này là khúc ca ra trận, là mệnh lệnh tiến công và lời kêu gọi, cổ vũ hào hùng của cả dân tộc trong cuộc chiến đấu ở cả hai miền Nam, Bắc. Khẳng định ý nghĩa to lớn, cao cả của cuộc kháng chiến chống Mỹ đối với lịch sử dân tộc và thời đại, thơ Tố Hữu cũng thể hiện những suy nghĩ, phát hiện của nhà thơ về dân tộc và con người Việt Nam mà tác giả luôn ngợi ca với niềm tự hào và cảm phục.
Ra trận (1962-1971) cùng Máu và hoa (1972-1977) là hai tập thơ ra đời trong thời kỳ cả nước chiến đấu kiên cường, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Cả hai tập thơ khẳng định phẩm chất con người Việt Nam, đồng thời là khúc ca khải hoàn kết thúc cuộc chiến đấu, Bắc Nam một nhà, non sông liền một dải. -
Tập thơ "Máu và Hoa"
Tập thơ Máu và hoa (NXB Tác phẩm mới, 1977) gồm 13 bài, sáng tác trong 6 năm (1971-1977), có ý nghĩa tổng kết quá trình phát triển của dân tộc, của Cách mạng Việt Nam - một hành trình đầy máu, đầy hoa, năm mươi năm máu đỏ thành hoa.
Máu và Hoa (1972-1977) là chặng đường thơ Tố Hữu trong những năm kháng chiến chống Mỹ quyết liệt và hào hùng của cả dân tộc cho tới ngày toàn thắng. Thơ Tố Hữu lúc này là khúc ca ra trận, là mệnh lệnh tiến công và lời kêu gọi, cổ vũ hào hùng của cả dân tộc trong cuộc chiến đấu ở cả hai miền Nam, Bắc. Khẳng định ý nghĩa to lớn, cao cả của cuộc kháng chiến chống Mỹ đối với lịch sử dân tộc và thời đại, thơ Tố Hữu cũng thể hiện những suy nghĩ, phát hiện mới của nhà thơ về dân tộc và con người Việt Nam mà tác giả luôn ngợi ca với niềm tự hào và cảm phục.
-
Tập thơ "Một tiếng đờn"
Sau Máu và Hoa, ở tuổi ngoài 70 Tố Hữu tiếp tục cho ra mắt tập thơ Một tiếng đờn xuất bản năm 1993 với 72 bài thơ sáng tác trong thời hòa bình vào khoảng hơn mười năm (1978 - 1992). Một tiếng đờn, vẫn Tố Hữu trong tiếng thơ quen thuộc nhằm nhắc nhở con người hướng vào những tình cảm lớn của dân tộc, những mục tiêu cao cả của cách mạng, ông vẫn thủy chung với nguồn đề tài của đời sống cách mạng, của toàn đất nước.
Trước một hiện thực mới mẻ, đã có một tiếng nói mới, một giọng điệu mới nơi Tố Hữu, đó là những dòng tâm tư, trăn trở từ mạch cảm xúc trong thời hoà bình, vì đời thôi lửa cháy, nên xuất hiện những dòng thơ tươi xanh - mang đậm cảm hứng thế sự. Ðề tài thơ phong phú, đa dạng: ngợi ca vẻ đẹp của quê hương, con người; công cuộc xây dựng đất nước đầy phức tạp; tình yêu và số phận con người;... Âm hưởng thơ bớt vang xa (hướng ngoại) mà vọng sâu hơn (hướng nội), đôi khi tưởng chạm tới một điều gì riêng tư của tuổi cuối đời nhìn lại: "Đêm cuối năm riêng một ngọn đèn". Ở tập thơ này, Tố Hữu trở về bút pháp nội tâm, rất gần với thời kỳ "Từ ấy". Có một sự đấu tranh nội tâm rất mạnh:"Mới bảy mươi sao đã gọi là già".
-
Tập thơ "Ta với ta"
Và cũng cùng nguồn cảm hứng trong thời hòa bình đổi mới của đất nước ấy, vào tuổi 80 tác giả khẳng định hồn thơ vẫn rạo rực, thổn thức suy tư của mình trong tập thơ Ta với ta. Đây cũng là tập thơ cuối cùng của Tố Hữu, được sáng tác trong khoảng gần chục năm cuối đời (1993- 2001). Giọng thơ chùng xuống, đầy suy tư, trăn trở về lẽ đời, lòng người, về sự hữu hạn của thời gian là nét nổi bật của thơ Tố Hữu ở tập thơ cuối cùng, trong tư cách con người cá nhân hơn là tư cách người chiến sĩ cách mạng trước đây.
Có thể thấy một cách khái quát trong giai đoạn 1945- 1975, thơ Tố Hữu vẫn luôn trung thành với lý tưởng cộng sản, thơ Tố Hữu tiêu biểu cho khuynh hướng thơ trữ tình chính trị. Thơ có sự thống nhất giữa mục đích tuyên truyền cách mạng và nội dung trữ tình. Xuân Diệu khẳng định "Tố Hữu đã đưa thơ chính trị lên đến trình độ là thơ rất đỗi trữ tình".