Top 10 Giai thoại nổi tiếng nhất về đền thờ Kiếp Bạc (Chí Linh – Hải Dương)
Đền thờ Kiếp Bạc (thuộc vùng xã Vạn Kiếp, thị xã Chí Linh, Tỉnh Hải Dương) là một trong những nơi thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn nổi ... xem thêm...tiếng nhất Việt Nam. Đây không chỉ biết đến là doanh trại, nơi đóng quân gắn liền với tên tuổi vị tướng tài ba của dân tộc, mà nó còn hấp dẫn, thu hút khách du lịch gần xa vì những giai thoại, câu chuyện gắn liền với ngôi đền mà cho đến nay, tất cả vẫn còn là bí ẩn.
-
Vị trí đền Kiếp Bạc
Tương truyền vị trí Kiếp Bạc ngày nay là một vùng rừng cây rậm rạp, ít người qua lại. Khi bắt đầu đóng quân ở vùng này, Trần Hưng Đạo cho người dựng doanh trại trong một khu thung lũng lớn. Khi đó, Người có nuôi một chú chó. Chú chó này rất khôn và có nghĩa với chủ. Chính vì vậy, Hưng Đạo Vương lấy làm yêu quý lắm, đi đâu cũng dẫn đi cùng.
Vào một hôm, theo lời kể lại rằng, chú chó đột nhiên mất tích. Tiếc thương con vật thông minh tình nghĩa, Trần Hưng Đạo lệnh cho người đi tìm về. Sau một thời gian tìm kiếm, quân lính báo tin chú chó cùng với 4 chú chó con được tìm thấy vùng bãi sậy cách đó không xa. Nhưng điều kỳ lạ là sau khi binh lính đem cả đàn chó về doanh trại thì chỉ ngay hôm sau, chú chó lại tha bầy con về khu bãi sậy nó. Cứ như vậy ba lần: Hưng Đạo Vương thấy lạ bèn cùng Yết Kiêu (khi đó là cận thần) đến tận nơi xem xét. Ra khu bãi sậy, bằng con mắt tinh tường của một vị tướng tài, Trần Quốc Tuấn nhận thấy ngay đây là khu có thế nhìn sông dựa núi, trước mặt là sông Thương, nhìn thằng Lục Đầu Giang. Thế núi rộng, bao quanh là núi. Xung quanh có Nam Tào, Bắc Đẩu chế ngự hai bên, là nơi bất khả xâm phạm. Nhận thấy đây là vùng hợp với đóng quân hơn bất cứ đâu hết. Trần Quốc Tuấn lập tức ra lệnh dời quân. Và khu bãi sậy đó, ngày nay chính là khu vực chính đền thờ Kiếp Bạc.
-
Cồn Kiếm (Thanh kiếm thần của Trần Hưng Đạo)
Cồn Kiếm thuộc khu di tích Kiếp Bạc (TP Chí Linh) mang nhiều giá trị, ý nghĩa về lịch sử, văn hóa gắn với những giai thoại về Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn.
Khi đến với đền thờ Trần Hưng Đạo, bạn sẽ bắt gặp trước tiên là con sông Thương với một đường đất bồi nổi giữa lòng sông. Tương truyền, khi đánh thắng giặc Mông Nguyên, trong một buổi chiều du ngoạn thuyền trên dòng sông, Trần Quốc Tuấn đã rút gươm mà rằng: “Thanh gươm này đã gắn bó với ta gần cả cuộc đời. Trong suốt cuộc chinh chiến đã dính máu bao giặc Thát, nó đã từng được bôi phân gà sáp với vôi tôi và bồ hóng để chém đầu tên giặc Phạm Nhan nhơ bẩn. Nay ta muốn nhờ nước dòng sông Lục Đầu để gột rửa hết vết nhơ trên đó”. Nói rồi Người thả thanh kiếm xuống dòng sông.
Truyền rằng, sau này chỗ thả thanh gươm nổi lên một bãi bồi dài hình cây kiếm. Dân gian gọi đó là “Thanh kiếm thần của Trần Hưng Đạo”
-
Giếng Mắt Rồng
Giếng được hình thành do mạch nước ngầm của dãy núi Rồng chảy ra. Sự xuất hiện của Giếng Mắt Rồng gắn liền với tướng Yết Kiêu, một gia tướng thạo sông nước của Trần Hưng Đạo.
Truyền thuyết kể lại rằng, khi Trần Hưng Đạo chuyển từ thung trong ra thung ngoài, Yết Kiêu đã phát hiện ra mạch nước ngầm này. Tương truyền, một hôm Trần Hưng Đạo cùng Yết Kiêu đứng ở đại bản doanh Vạn Kiếp quan sát địa thế, núi rừng, chợt Yết Kiêu thấy lấp lánh một vệt sáng, đến gần phát hiện ra vũng nước tròn, sâu, nước trong vắt.
Múc nước uống thấy trong người khoan khoái lạ thường. Trần Hưng Đạo bèn chắp tay vái tạ thần linh đã ban cho nguồn nước quý và lệnh cho quân sĩ khơi thông, mở rộng mạch nước, dùng gạch đá kè thành giếng để giữ nước phục vụ binh sĩ. Quân lính nhà Trần khi uống nước từ giếng như được tiếp thêm sức mạnh mỗi khi ra trận.
Ngày nay, trải qua nhiều cuộc binh chiến loạn lạc, Giếng Mắt Rồng sau nhiều lần bị vùi lấp rồi trùng tu, nay được xây dựng cố định, làm nguồn nước chủ yếu phục vụ hoạt động đền. Du khách thập phương đến đây dâng hương có tục thả tiền lẻ xuống mặt giếng, với mong muốn sẽ luôn gặp điều may mắn, suôn sẻ trong cuộc sống.
-
Về đám tang và “ngôi mộ” của Trần Hưng Đạo
Mặc dù trên khắp đất nước đều có đền thờ nhưng cho đến nay, vấn đề phần mộ của Trần Hưng Đạo nằm ở đâu thì vẫn còn là một bí ẩn. Nhưng trong dân gian thường truyền miệng một câu “sinh Kiếp Bạc thác Trần Thương quê hương Bảo Lộc”. Ba địa danh được nhắc đến là Kiếp Bạc (nay thuộc Chí Linh – Hải Dương), Trần Thương (Lý Nhân – Hà Nam) và Bảo Lộc (Mỹ Lộc – Nam Định). Kiếp Bạc là nơi Trần Hưng Đạo sống chủ yếu trong suốt cuộc đời. Bảo Lộc là ấp phong của cha ngài và tương truyền là nơi ngài sinh ra. Trần Thương là một kho lương thời chống Nguyên và sau khi ngài mất thì dân lập đền thờ trên đó.
Không giống với nhiều vị vua chúa, tướng lĩnh khác, Trần Hưng Đạo không có một lăng mộ cụ thể nào. Lý do khá đặc biệt. Trong những năm tháng lâm bệnh nặng cuối đời, tương truyền Trần Hưng Đạo có căn dặn con cháu rằng “Ta chết tất phải hỏa táng, cho xương vào những ống tròn chôn ở vườn An Lạc rồi trồng cây lại như cũ để người đời sau không biết đâu mà tìm”. Năm Hưng Long thứ 8 (1300), ngày 20 tháng 8 Trần Hưng Đạo qua đời tại nhà riêng ở Vạn Kiếp.
Theo giai thoại, trong đám tang của ông có trên bảy mươi quan tài cùng xuất phát, cùng giờ, đưa tang cùng một lúc và rải khắp vùng Vạn Kiếp. Vợ con ông cũng vì thế mà chia ra khắp các đám tang. Hiện nay cách khu đền chính khoảng 100m về phía nam vẫn có một quả đồi nhỏ, dân gian gọi đó là Viên Lăng (Lăng mộ của Trần Hưng Đạo).
-
Sự tích đôi chân xương voi
Ngày nay khi đến với quần thể di tích đền Kiếp Bạc, khi vào trong nhà trưng bày, du khách sẽ bắt gặp đôi chân xương voi khá lớn, màu trắng ngà, đầu xương rất nhẵn mịn. Tương truyền, đây là đôi chân xương của chú voi yêu quý của Trần Hưng Đạo, được Dã Tượng (một cận thần khác của Trần Hưng Đạo) trực tiếp huấn luyện, đã cùng chinh chiến xông pha trận mạc và cùng Đại Vương lập nhiều chiến công.
Trong một trận chiến, khi rút quân, chú voi cùng Trần Hưng Đạo không may bị sa lầy ở sông Hóa. Dù đã tìm đủ mọi cách, Trần Hưng Đạo vẫn không thể đưa chú voi lên được. Vì việc quân cấp thiết, Đại Vương bất đắc dĩ phải bỏ voi để lên ngựa đi tiếp. Trước khi đi, Người còn rút gươm chỉ xuống dòng sông thề rằng “Trận này không thắng ta quyết không về qua sông này nữa”. Nói rồi phi ngựa đi. Con voi nhìn theo chủ mà ứa nước mắt. Sau này, người ta tìm được đôi chân xương voi ở khu vực sông Hóa, liền đem về dâng lên đền thờ Kiếp Bạc. Tương truyền, du khách đến đây thành tâm cầu nguyện, xoa tay vào đôi chân xương voi thì sẽ được mạnh khỏe, bình an.
-
Đường kéo thuyền của Phi Bồng Đại tướng quân
Cách Kiếp Bạc ngày nay khoảng 2km đi về phía đông nam, nhìn về phía tây sẽ bắt gặp một dãy núi chạy dài đến bến Phả Lại. Trên núi vẫn có hai vạch màu lam chạy dọc theo dãy núi. Dân gian gọi đó là “Đường kéo thuyền của Phi Bồng”. Tương truyền, trong một đêm Trần Hưng Đạo vì lo việc quân gấp mà không có đủ số thuyền cần, Người ngủ thiếp đi. Trong giấc mơ, Người thấy hiện lên một vị thần linh tướng mạo uy nghiêm, áo bào đỏ đến bên. Vị thần đó tự xưng: “Ta là Phi Bồng Đại tướng quân, Biết tướng quân đang lo vì nỗi không đủ thuyền đánh giặc, ngày mai tướng quân đến bến Lục đầu, ta sẽ cho mượn đủ số thuyền đánh giặc”. Sáng sớm hôm sau, quả nhiên quân lính báo chỉ trong một đêm không hiểu sao có rất nhiều thuyền chiến đến neo đậu ở bến Lục Đầu. Nhớ lại giấc mơ đêm trước, Hưng Đạo Vương bèn ra sân vái lạy ba lạy rồi cùng quân tướng bàn mưu, bày kế đánh giặc.
Sau khi đại thắng trở về, Người ra lệnh cho đoàn thuyền về đỗ tại bến Lục Đầu. Người quỳ gối khấn rằng: “Nhờ Thiên Bồng tướng quân giúp thuyền đánh giặc. Nay Quốc Tuấn tôi xin hoàn trả thuyền”. Đêm đó, tương tuyền, mưa to gió lớn, đoàn thuyền tự nhiên biến mất. Sáng hôm sau trên sườn núi xuất hiện hai vệt đất kèo dài. Dân gian cho rằng đó là hai đường kéo thuyền: một đường kéo thuyền đến, và đường kéo thuyền đi mà Thiên Bồng phù tướng quân Trần Quốc Tuấn đánh đuổi quân xâm lược.
-
Sự tích Dược Sơn (núi thuốc)
Tương truyền vào một buổi chiều khi đang đi thăm thú khu vực Vạn Kiếp, Trần Hưng Đạo có gặp một ông lão râu tóc bạc phơ, mắt sáng như sao, đang đi nhanh thoắt về phía núi Nam Tào. Lấy làm lạ, Người bèn đến hỏi chuyện. Ông lão tự xưng là danh y trong vùng, vào rừng hái thuốc về chữa bệnh. Hưng Đạo Vương lấy làm mừng lắm vì từ lâu vốn định tìm một vườn thuốc gần đây để phục vụ binh sĩ. Người hỏi ông lão cặn kẽ về đặc tính, công dụng, chất đất địa phương. Ông lão thưa rằng: “Dược liệu ở núi Rồng có nhiều, đất núi Nam Tào rất hợp với trồng cây thuốc”. Nói rồi xin tặng Đại Vương
một bọc thuốc quý rồi rút lui.Từ khi đó, Trần Hưng Đạo lệnh tướng sĩ thu thập, nghiên cứu trồng cây thuốc ở núi Nam Tào và đặt tên núi là Dược Sơn.
Người đời sau có câu thơ:
"Dược lĩnh hoa thơm cỏ lạ nhường
Biết chăng, chăng biết thuốc thần tiên", là để ca ngợi công lao của Trần Hưng Đạo trong việc xây dựng Dược Sơn này
-
Sự tích Trần Hưng Đạo chém đầu tướng giặc Phạm Nhan
Chuyện kể về cái chết của tướng giặc Nguyên Mông Phạm Nhan luôn là một trong những câu chuyện mang nhiều màu sắc li kỳ nhất trong những câu chuyện về đền Kiếp Bạc. Chuyện kể rằng Phạm Nhan mang hai dòng máu: Mẹ người Việt, bố là người Quảng Đông (Trung Quốc). Nhờ có trong tay một chút y thuật, Phạm Nhan được tiến cử vào cung chữa bệnh và được cử làm người chỉ đường cho quân Nguyên xâm lược Đại Việt.
Tương truyền Phạm Nhan là người có phép thần thông: chặt đầu này có thể biến hóa ra đầu khác, người có thể biến to nhỏ nên không đao kiếm nào chém được, không dây nào trói được hắn. Do đó, khi hắn bị quân ta bắt, Đại Vương đã phải ra lệnh trói hắn bằng chỉ ngũ sắc, chém đầu hắn bằng lưỡi kiếm có bôi phân gà sáp cùng bồ hóng. Trần Quốc Tuấn còn ra lệnh chém hắn thành ba khúc, khúc đầu ném xuống sông, khúc thứ hai ở đất liền, khúc thứ ba đưa lên rừng. Tương truyền, khúc ném xuống sông hóa thành đỉa, lên rừng thành vắt, đất liền biến thành muỗi tiếp tục đi hút máu con người.
-
Từ câu chuyện chém đầu giặc đến sự tích “Bệnh Phạm Nhan”
Lại có câu chuyện, trước khi chết, Phạm Nhan xin được chết ở quê mẹ và xin được ăn một bữa ăn ngon. Những vị tướng chém đầu Phạm Nhan rất tức giận vì đòi hỏi hồ đồ của tên bạo tướng. Một kẻ không còn nhân tính như hăn ban cho cái chết ở quê mẹ xem như đã là nhân từ lắm, hắn còn đòi một bữa ăn ngon. Tức giận, một vị tướng của ta nói: “Cho hăn ăn máu đàn bà đẻ ấy”.
Vì vậy mà sau khi chết, hắn luôn tìm phụ nữ để tác oai tác quái. Truyền thuyết kể về những người đàn bà, nhất là đàn bà mới sinh nở, nếu có việc phải đi qua chỗ đấy sẽ bị “ma” Phạm Nhan bắt mất vía để hút máu, dẫn đến gầy dần gầy mòn cho đến chết. Dân gian gọi đó là “bệnh Phạm Nhan”.
Cũng từ sự tích chém đầu Phạm Nhan, dân gian ta cho rằng ai sớm biết mình mắc bệnh này thì lên đền Kiếp Bạc chữa là khỏi. Cách chữa vô cùng độc đáo: Người nhà của người mắc bệnh mua một chiếu mới lên để đổi lấy chiếu cũ của đền, đem về lén trải lên giường của người bệnh nằm. Có người chưa cần nằm đã khỏi bệnh. Thực hư thì chưa được khoa học kiểm chứng, thế nhưng số người lên đền Kiếp Bạc chữa bệnh rất đông. Cũng từ giai thoại này mà tục “lên đền đổi chiếu” diễn ra rất thường xuyên.
-
Tục xin ấn đền Trần
Ở đền Kiếp Bạc hiện giờ còn 4 ấn bằng đồng. Tương truyền đều có từ khi mới lập đền.
- Ấn thứ nhất hình vuông, kích thước 10*10 cm, có khắc 7 chữ: Trần triều Hưng Đạo Vương chi ấn (ấn của Hưng Đạo Vương triều Trần). Ấn này vua Trần ban cho Hưng Đạo Vương quyền được thay vua phong tướng.
- Ấn thứ hai hình vuông, kích thước 5.5 cm*5.5 cm khắc 4 chữ: Quốc Pháp Đại Vương.
- Ấn thứ ba cũng hình vuông kích thước 4.3 cm * 4.3 cm khắc 4 chữ: Vạn Dược Linh Phù.
- Ấn thứ tư hình chữ nhật, kích thước 5,2 cm * 7,8 cm khắc 6 chữ: Phi Thiên Thần Kiếm Linh Phù.
Nhiều người tin rằng Ấn đền Kiếp Bạc là “bùa” may mắn giúp họ thăng quan tiến chức, cầu tự, cầu tài, trừ tà ma và giúp gia chủ gặp nhiều may mắn.
Ngày nay, lễ hội khai Ấn đã được phục dựng và tổ chức thành công theo đúng nghi lễ cổ xưa. Trên mỗi lá ấn được đóng đủ 4 dấu ấn. Hàng năm, lễ khai Ấn đền Kiếp Bạc được diễn ra trang trọng vào đúng 23 giờ ngày 16-8 theo Âm lịch.