Top 10 Món ăn đặc sản của dân tộc Tày
Cuộc sống của người Tày thường gắn bó với thiên nhiên, do đó, nguồn lương thực, thực phẩm chính của người Tày là những sản phẩm thu được từ hoạt động sản xuất ... xem thêm...ở vùng. Cùng Toplist khám phá các món ăn đặc sản của người dân tộc Tày nhé!
-
Bánh gio
Một món ăn đậm chất quê, mộc mạc mà chứa đựng biết bao tình cảm nồng ấm. Một loại bánh được làm từ những nguyên liệu hết sức bình dị, dễ làm mà ngon đến đặc biệt. Bánh gio, thứ bánh dân dã đã trở thành đặc sản ẩm thực của người Tày.
Bánh gio (bánh tro), tên gọi theo tiếng Tày là “ Pẻng tấu”, loại bánh được làm vào các dịp lễ tết, được đem cúng đất trời, tổ tiên. Đây là loại bánh truyền thống, không thể thiếu trong các nghi lễ của dân tộc Tày. Cái tên bánh gio xuất phát từ chính nguyên liệu làm bánh, đó là tro mịn. Tro được sử dụng để ngâm gạo làm bánh và dùng làm nước luộc bánh. Bà con người Tày lấy củi cây tầm gửi, cây sấu, rơm nếp... đốt thành tro, vò mịn, rồi đem lọc lắng lấy nước tro màu vàng nâu. Đem nước tro ngâm gạo trong vài tiếng cho tới khi hạt gạo mềm, bở, vò sát hai ngón tay vào hạt gạo, hạt vỡ vụn ra. Gạo làm bánh tro là gạo nếp nguyên chất, không pha gạo tẻ. Sau khi ngâm thì vớt ra, xả lại với nước sạch, để ráo. Lá gói bánh là lá dong rừng, chọn lá to, bánh tẻ, tước hết gân lá, đem luộc qua, lau khô.
Giai đoạn gói bánh đòi hỏi sự khéo léo của người phụ nữ Tày. Gạo để ráo nước, pha thêm chút muối rồi được gói vào lá dong, tỉ mỉ nén chặt và tản gạo thật đều cho bánh gọn và đẹp mắt. Gạo phải nằm gọn trong lòng chiếc lá, xong quấn lá, bẻ mép hai đầu cho khít rồi lấy lạt mềm buộc lại, không được buộc quá chặt nhưng cũng không được buộc lỏng. Bánh gói xong, đem luộc tầm 5, 6 tiếng là nhừ. Nước luộc bánh là nước tro pha loãng, luộc bánh bằng củi cây rừng để được đồ rền ngon nhất.
Bánh tro ngon hay không, nhìn vào đã nhận biết được. Khi bóc bánh, cả chiếc bánh ánh lên màu hổ phách trong suốt, tựa như một khối ngọc, ấy là bánh ngon. Khi ăn, chấm bánh vào mật mía rồi thưởng thức. Bánh có vị ngọt thanh, mát, pha chút nồng ngái của nước tro, ăn thấy lạ miệng mà không chán ngấy. Ấy mới biết sự khéo léo trong việc chế biến các món ăn của người Tày như thế nào, không cầu kì, tỉ mỉ như người Thái, nhưng hương vị luôn toát lên nét đặc trưng của dân tộc mình cũng như của các sản vật núi rừng phía Bắc.
-
Thịt trâu khô
Thịt trâu gác bếp là đặc sản thường thấy trong các bữa ăn của người dân tộc Tày, tỉnh Tuyên Quang. Thịt trâu khô không chỉ là món ngon mang đậm hương vị vùng cao, nét văn hóa miền sơn cước mà còn là món ăn quen thuộc của người dân nơi đây, món quà của du khách khi ghé thăm Tuyên Quang.
Thịt trâu gác bếp được nhiều du khác lựa chọn để làm quà, đó là miếng thịt trâu khô thơm lừng được tẩm ướp nhiều loại gia vị thiên nhiên. Thịt trâu vùng núi Tuyên Quang từ lâu đã nổi tiếng là ngon thịt, thơm, sạch, người ta nuôi trâu không chỉ để cày kéo mà còn dùng trong tế lễ, tết, đặc biệt là các sản phẩm từ sừng trâu, da trâu và không thể thiếu thịt trâu.
Mùi thịt trâu thơm ngon, đậm đà, đặc biệt là dậy mùi nếu dùng chung với rượu Ngô men lá Na Hang. Hương vị đặc trưng của món ăn này không lẫn vào đâu được đó là vị khói bếp than hòa quyện với mắc khén, lá rừng. Rất nhiều người thắc mắc tại sao thịt trâu đem gác bếp là đặc sản Tây Bắc mà vùng đồng bằng không làm thử. Câu trả lời là chỉ có trâu ở vùng Tây Bắc mởi được chăn thả tự nhiên, leo đèo, đồi nên thịt thường săn chắc, có vị đặc trưng và dai.
Chính vị cay cay, ngọt, đậm và lạ trên từng thớ thịt khiến thịt trâu khô thành đặc sản, ai ăn một lần sẽ khó quên. Có thể nói đây là món ăn rất nổi tiếng ở Tây Bắc, một sản phẩm mà khi nhắc đến đánh thức tất cả các cơ quan cảm giác.
-
Cơm lam
Khi cái lạnh của tiết trời Đông tới đó là lúc báo hiệu cho một mùa xuân lại về, ai ai cũng nô nức đón mùa xuân mới, mùa của bao điều ước vọng. Ngoài sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho mùa xuân đầm ấm đón tết cổ uyền của dân tộc thì ẩm thực cũng đặc biệt quan trọng nào là thịt Trâu khô, Bò khô, Lạc sườn, Xôi, bánh trưng... cùng với đó còn có món Cơm lam - là món ăn đặc sắc ưa thích của đồng bào dân tộc Tày. Đối với đồng bào Tày không chỉ ngày tết mà mùa cơm lam đã bắt đầu từ tháng 9, tháng 10 Âm lịch.
Cơm lam không chỉ là món ăn cổ truyền, mà còn là món ăn ưa thích gắn với văn hoá tộc người, với sự sống, và theo tín ngưỡng dân gian gắn với mỗi vòng đời của con người. Đây là món ăn đậm hương rừng, được chế biến rất công phu, thuận theo nguyên lý âm dương ngũ hành. Gạo được nấu trong ống tre (Mộc), với thứ nước trong chính ống tre hoặc từ nước suối nguồn (Thủy), bằng ngọn lửa nhỏ (Hỏa), trên mặt đất nơi núi rừng hoang dã (Thổ)...Nguyên liệu chủ yếu gồm: Gạo nếp , ống tre non, cho nước vào ống và tiến hành đun một chu trình rất đơn giản, gạo để nấu cơm là gạo nương, rất thơm ngon và dẻo đem ngâm, vo sạch, rắc ít muối và nước gừng trộn đều, rồi đổ vào ống tre đã có sẵn nước. Không nén chặt, mà để cách miệng ống vài centimét, khi gạo chín nở sẽ tự bít đầy ống. Nếu ống ít nước, có thể thêm nước suối nguồn sâm sấp gạo. Sau đó, đem nút miệng ống lại bằng lá dong hay lá chuối khô. Đốt lửa dựng các ống quanh bên lửa, có thể nướng ống cơm lam bằng than củi, than tre hoặc rơm khơ ôt giờ, khi cơm sủi thỉnh thoảng nhấc ra dằi ống xuống đất để gạo dồn xuống phía dưới cho đến khi cơm chín là khâu quan trọng nhất.
Hương thơm, vị bùi của cơm dẻo, vị cay của gừng, vị ngọt của nước ống tre, vị thanh thanh lá chuối, mùi của khói bếp lửa thật quyến rũ. Cơm lam có thể ăn ngay hoặc để cả tuần mà vẫn mềm, ngon mà không bị hỏng, và có thể ăn cùng với nhiều thức ăn khác, từ khâu chế biến đến thành sản phẩm diễn ra rất đơn giản, từ lâu nó đã trở thành nét văn hóa về ẩm thực tại nơi đây, tuy nhiên để trở thành sản phẩm có hiệu quả cao thì cần phải phát huy giữ gìn để trở thành thương hiệu ẩm thực của núi rừng đông bắc. Na Hang – Tuyên Quang nơi núi rừng đông bắc của đồng bào dân tộc tày ai đã đến nơi đây vào những ngày lễ tết và lễ hội ngoài du lịch, du khách cũng nên thưởng thức món Cơm lam cùng văn hóa ẩm thực của người dân nơi đây...
-
Bánh chuối
Bánh chuối của người tày không chỉ là dịp để những người con thể hiện tấm lòng thơm thảo đến đấng sinh thành của mình. Mà còn để tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam. Khác với những dân tộc khác là ngồi thiền trà, ăn chay. Thì dân tộc Tày lại làm những mẻ bánh chuối thơm ngon dâng cúng Tổ tiên. Để thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với những bậc sinh thành. Và cầu nguyện những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Để làm bánh chuối, sức hấp dẫn được thể hiện qua những bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ. Làm một mẻ bánh thơm ngon. Giữ được hương vị nguyên vẹn của chuối mà sao cho kịp Rằm tháng Bảy. Người Tày phải chuẩn bị trước vài tháng. Bánh chuối được gói thành cặp, sử dụng lá chuối khô để bọc. Nhìn những chiếc bánh được gói tỉ mỉ, gọn gàng có thể thấy sự khéo léo, đảm đang của các bà, các cô. Để làm một cặp bánh chuối phải trải qua những công đoạn khá cầu kỳ.
Từ nguyên liệu rất gần gũi, khi làm bánh phải chuẩn bị lá chuối phơi khô để gói bánh và gạo nếp ngon. Gần ngày Rằm tháng Bảy mọi nhà sẽ cùng làm bánh, cả bản Tày thơm nức mùi chuối. Làm bánh chuối phải chọn chuối Tây, chuối chín đem bóc vỏ rồi phơi khô. Ở những nơi khác thì đem phơi nắng còn người Tày ba Phương lại tận dụng gác bếp để làm khô chuối. Công đoạn này rất quan trọng quyết định mẻ bánh ngon hay không. Bếp lửa phải hun đều thường xuyên thì chuối mới khô và không bị mốc.
Bánh có màu nâu nhạt, vị ngọt nhẹ, thơm. Đây là sản phẩm không thể thiếu trong mâm lễ cúng tổ tiên của dân tộc Tày Văn Bàn dịp ngày rằm. Bánh ăn ngon, không ngấy, lại để được lâu hơn những loại bánh khác. Nên khi khách đến chơi, người Tày vẫn thường biếu về làm quà. Mặc dù ngày nay, trên mâm cỗ cúng rằm của người Tày ở Văn Bàn đã xuất hiện nhiều loại bánh mới. Nhưng những cặp bánh chuối cổ truyền vẫn là món ăn quý. Không thể thiếu mà con cháu dâng cúng tổ tiên để thể hiện sự kính trọng, hiếu thảo. Trở thành nét ẩm thực đặc sắc của người dân nơi đây.
-
Xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc (còn gọi là cơm đen cơm đỏ) là món ăn quan trọng không thể thiếu của đồng bào dân tộc Tày trong dịp lễ, Tết. Xôi có 5 màu sắc chính là trắng, đỏ, xanh, tím, vàng. Món ăn thơm ngon, người lao động sáng tạo trong cách sử dụng nguyên liệu tự nhiên, có sẵn tại địa phương để tạo màu.
Màu trắng là màu tự nhiên của gạo, màu tím từ cây cơm đen, màu đỏ từ cây cơm đỏ, màu vàng từ nghệ, màu xanh làm từ cây cơm đen, một loại tro. Cơm đen, cơm đỏ là những loại cây rừng có lá hình bầu dục, màu xanh, thân tròn, Trên mặt lá cây cơm đen có hình bán nguyệt màu trắng. Người Tày hái hai loại cây này, rửa sạch, nấu chín, lọc lấy phần nước, ngâm với gạo để có được gạo màu tím, đỏ. Người dân lấy 2 - 3 củ nghệ tươi đem giã cho nhỏ mịn, lọc nước để ngâm gạo tạo thành màu vàng. Màu xanh lam có cách làm cầu kỳ hơn vì người Tày phải giã nhỏ cây cơm đen, trộn với tro cây vừng hoặc tro rơm nếp, sau đó lọc nước, ngâm với gạo để tạo màu xanh lam lạ mắt.
Sau 5 - 6 tiếng ngâm, gạo chuyển màu, người nội trợ vớt gạo ra cho vào chõ đồ chín. Chõ đồ xôi cao thành và làm bằng gỗ. Đồ xôi bằng chõ gỗ giúp gạo chín đều, không bị nhão ở đáy, khi chõ xôi lên hơi, mùi thơm tỏa ra là xôi chín.
Bà Phạm Thị Thu Bồn, dân tộc Tày, Yên Bái cho biết, mỗi màu sắc có ý nghĩa riêng, tượng trưng cho ước mơ về hạnh phúc, khát vọng ngàn đời no đủ, mong ước mưa thuận gió hòa để mùa màng tốt tươi. Màu đỏ là biểu tượng của lửa, của sự no ấm nhiệt huyết; màu vàng đại diện cho cây lúa, loại hoa màu, ngũ cốc, màu tím đại diện cho đất đai trù phú; màu trắng mang ý nghĩa tình yêu thủy chung, son sắt; màu xanh lam gắn với áo trang phục truyền thống của người Tày. Vào vụ lúa mùa, mỗi gia đình người Tày đều dành riêng một mảnh ruộng cấy nếp nương để Tết nấu xôi, làm bánh chưng. Nếp nương tròn hạt, thơm, hạt xôi mọng, dẻo, ngọt thơm hương vị đặc trưng vùng núi cao. Món xôi ngũ sắc của người Tày ngon hơn khi thưởng thức với cá nướng hoặc thịt nướng. -
Thịt lợn quay
Món thịt lợn quay: là món ăn nổi tiếng của người Tày Văn Lãng (Lạng Sơn). Để làm món này, đồng bào thường chọn giống lợn ta xương nhỏ, thịt chắc và nạc nhiều, có trọng lượng từ 20 kg đến 30 kg. Lợn sẽ được quay chín bằng lửa đượm của than hoa, quay đều tay khoảng 3 tiếng cho chín đều. Khi lớp da ngoài khô, người ta lấy hỗn hợp mật ong pha giấm quết lên trên cho da lợn vàng rộm và giòn thơm…
Tuỳ vào quy mô của sự kiện người ta sẽ quay những con lợn với trọng lượng khác nhau: Các dịp tết Thanh minh (3/3 âm lịch), So loọc (6-6 âm lịch), Slíp slí (14-7 âm lịch), thường thì 5-6 gia đình sẽ cùng nhau đụng 1 con lợn khoảng từ 40-50kg móc hàm; trong lễ cưới người ta thường quay 3-4 con lợn, mỗi con nặng từ 70-80kg, thậm chí có gia đình quay lợn nặng hơn tạ.
Thịt lợn quay khi ăn sẽ được chấm với thứ nước được lấy ra từ trong bụng của lợn với vị ngọt đậm đà, béo ngậy, dậy mùi thơm của lá và quả mắc mật. -
Bánh dày
Thông thường, bánh dày thường có nhân đỗ, lạc. Bột làm bánh dày thường là bột nghiền, nhưng người phụ nữ Tày lại làm bánh dày nhân vừng đen rất công phu và tỉ mỉ. Họ chọn gạo làm bánh phải là loại gạo nếp nương, hạt đều đem đãi sạch rồi cho vào đõ gỗ để xôi lên chừng 30 phút. Sau đó, khi những hạt gạo nếp vừa chín đều, dẻo, phụ nữ Tày cho vào cối sạch để giã nhuyễn.
Thời gian giã nhuyễn cũng phải mất gần 1 giờ đồng hồ. Công đoạn giã bánh đòi hỏi người phụ nữ Tày phải có sức khỏe, kiên nhẫn. Nhịp giã bánh phải đều tay. Những người phụ nữ Tày trong một gia đình thường giúp nhau giã bánh dày. Để có nhân vừng đen làm bánh dày, người phụ nữ Tày phải tra vừng trên nương từ tháng 3, 4 hàng năm và đến tận tháng 7, tháng 8 mới cho thu hoạch. Sau khi thu hoạch, đem cất vào bình để dự trữ làm bánh dày. Hạt vừng đem rang trên lửa nhỏ, luôn phải đảo cho vừng vừa chín mà không cháy. Khi vừng chín, tỏa ra mùi thơm nhẹ thì bắt đầu mang giã nhỏ. Thế nhưng bánh dày có nhân thơm ngon không chỉ bởi hạt vừng mà còn bởi một nguyên liệu không thể thiếu đó chính là mật mía. Người phụ nữ Tày không trộn vừng đen với nước đường đã nấu để làm nhân bánh, bởi như thế nhân bánh sẽ mất đi mùi thơm mà dùng mật mía để hòa với vừng đen. Mía được dóc vỏ, đem ép lấy nước sau đó đem nấu cho đến khi quánh và sánh lại. Mật mía cũng được phụ nữ Tày dự trữ cẩn thận. Lá chuối để gói bánh được lấy từ trên rừng sau đó đem hơ qua lửa cho lá chuối mềm, dai.
Trong lễ cưới hỏi, dựng vợ gả chồng, bánh dày nhân vừng đen cũng là lễ vật không thể thiếu của nhà trai. Vì bánh dày nhân vừng đen trong lễ cưới thể hiện ước vọng về một hạnh phúc vẹn tròn, viên mãn. Người mẹ chồng cũng muốn gửi gắm tới con dâu về sự khéo léo trong gia đình thông qua những chiếc bánh dày nhân vừng đen dẻo thơm.
Bánh dày nhân vừng đen giờ còn là một loại ẩm thực độc đáo của người Tày được giới thiệu với khách du lịch. Ở nhiều nơi, do không có nhiều thời gian nên bánh dày nhân vừng đen cũng được “biến tấu” đi ít nhiều, chẳng hạn như không còn giã bằng tay mà giã bằng máy, vừng đen được trộn với nước đường đã nấu sánh lại để làm nhân. Tuy nhiên, cách làm bánh dày truyền thống của người phụ nữ Tày xưa kia vẫn mang lại những chiếc bánh dẻo thơm nhất, không lẫn với bất kỳ loại nào.
-
Bánh Cooc Mò
Nhắc đến ẩm thực, những loại bánh nổi tiếng của người dân tộc Tày thì không thể bỏ qua món bánh coóc mò. Coóc mò là tên một loại bánh truyền thống nổi tiếng của dân tộc Tày. Trong tiếng Tày, mò có nghĩa là sừng bò, hình dáng bánh có hình chóp nhọn như chiếc sừng bò.
Theo truyền thống, trong thôi nôi của trẻ em, bất kể mùa nào người Tày cũng làm bánh Coóc mò. Những chiếc bánh nhỏ xinh được đặt tận tay trẻ cùng lời chúc hay ăn chóng lớn, mạnh khỏe và ngoan ngoãn. Ngày nay, bánh Coóc mò được bà con người Tày, Nùng làm quanh năm và bánh được bày bán tại các chợ phiên. Ở một số nơi, sau mỗi vụ thu hoạch, bà con lại làm bánh coóc mò để mừng mùa lúa mới, đồng thời làm quà khen thưởng cho những đứa nhỏ ngoan, vâng lời cha mẹ.
Bánh coóc mò do bà con dân tộc Tày, Nùng làm ra với nguyên liệu chính là gạo nếp và một ít lạc, ít muối. Bà con thường chọn loại gạo nếp ngon nhất là nếp cái hoa vàng hạt tròn đều, trắng, được trồng trên nương để làm bánh, nên hương vị của bánh thơm ngon và dẻo.
Bánh được gói bằng lá chuối hoặc lá dong, không nhân. Để làm được những chiếc bánh xinh xắn, thơm ngon bà con phải tiến hành nhiều công đoạn, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. Gạo nếp phải được vo với nước lã nhiều lần cho đến khi nước vo gạo trong suốt. Nước phải lấy từ các khe suối trên núi. Sau đó tiếp tục ngâm thêm vài giờ cho nếp mềm sau đó đem gạo trộn với lạc sống đã giã nhỏ và thêm một chút muối cho vừa ăn. Công đoạn chẻ lạt và buộc lạt thoạt nhìn tuy đơn giản nhưng lại là khâu quan trọng nhất, quyết định chất lượng của chiếc bánh. Lạt được làm từ cây thân giang hoặc cây mỡ, chẻ làm sao cho lạt nhỏ đều, mềm, dai để khi gói không làm rách lá bánh.Thưởng thức bánh Cooc mò để thấy được vị dẻo, thơm ngon của nếp mới, quyện trong vị bùi bùi của lá cơm lông, béo ngậy của thịt lợn. Tuy bánh không có nhân nhưng nhai kỹ thực khách sẽ cảm nhận được vị thơm, béo, dẻo ẩn chứa trong từng hạt nếp. Người ưa ngọt có thể ăn bánh cooc mò kèm mật ong hay đường kính.
-
Khâu nhục
Trong các ngày lễ, tết, tiệc cưới hỏi, tân gia, lễ mừng thọ, cầu an, thôi nôi…, mâm cỗ của đồng bào Tày, Nùng bao giờ cũng đủ các món luộc, kho, rán, xào, tần, hấp… làm từ thịt gà, thịt heo. Có thể thêm món này bớt món kia nhưng có một món không thể thiếu, đó là món khau nhục.
Món này làm bằng thịt ba chỉ heo xếp trên bát lùm lùm như quả đồi nên gọi là khau nhục (theo tiếng địa phương khau là đồi, nhục là thịt). Còn có tên gọi khác là nằm khau (nằm: chín nhừ, khau: đồi). Dù có nhiều cách giải thích khác nhau nhưng hiểu đơn giản đó là món thịt heo nấu nhừ.
Khi nếm thử sẽ thấy thịt ngầy ngậy, mềm nhừ. Khoai vừa bột vừa dẻo. Hai vị này quyện với nhau thật đậm đà. Lại thêm cái giòn lựt sựt của củ cải khô, thầu soi thái nhỏ, cái bùi bùi bở bở của hạt tương đen. Vừa thơm vừa ngậy, béo mà không mỡ, nhừ mà không nát. Gắp thêm miếng nữa, nhấp một chút rượu đưa cay, mâm cỗ càng thêm phần rôm rả.
Làm khau nhục thật cầu kỳ, công phu nên nhiều người gọi vui món này là món “khổ nhọc”. Tuy thế, món khau nhục đã góp cho mâm cỗ ngày hiếu hỉ, lễ, tết của đồng bào thêm hương vị, thể hiện sự hiếu khách của gia chủ. -
Xôi trứng kiến
Mỗi một vùng miền, một dân tộc sẽ có một nét đặc trưng văn hóa ẩm thực riêng, và ngươi Tày tại Mù Căng Chải cũng vậy, họ có những món ăn vô cùng độc đáo đã tạo nên bản sắc rất riêng. Và một trong đó không thể bỏ qua món “xôi trứng kiến” - đặc sản của người Tày tại Mù Căng Chải.
Xôi trứng kiến được làm từ thành phần chính là gạo nếp nương và trứng của kiến đen ở trong rừng. Thêm vào đó là các gia vị làm nên mùi hương thơm lừng hòa quyện trong từng hạt xôi mềm dẻo là củ kiệu phi thơm với mỡ gà, và được gói trong lá chuối ngự.Trứng kiến chỉ có vào những ngày cuối xuân, khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4 âm lịch, khi thời tiết mưa ẩm là điều kiện thích hợp cho các loài kiến sinh sôi, nảy nở.
Không phải trứng của loài kiến nào cũng có thể ăn được, người ta thường chọn trứng của loài kiến đen to làm tổ trên các cây cao trong rừng sâu, bởi vì chỉ có trứng của loài kiến này mới đủ to, đủ thơm và đủ ngọt bùi để kích thích vị giác của các thực khách khó tính nhất.
Để có thể lấy được trứng kiến người dân nơi đây sẽ sử dụng câu liêm hoặc một cành cây dài chọc thủng tổ kiến xuống và cho vào sàng, dưới sàng sẽ đặt một chiếc thúng. Sau đó, cắt tổ kiến thành từng mảng nhỏ và đập nhẹ cho trứng kiến rơi qua sàng xuống thúng. Để tách kiến ra khỏi sàng người ta dùng những lá cây hoặc cành cây để kiến bám vào. Bao giờ đầy kiến bám đầy vào thì lấy cành cây hoặc lá cây vứt đi và tiếp tục làm như thế 4-5 lần sàng và tổ sẽ hết sạch kiến. Khi đã lấy được trứng kiến, mang về bạn sẽ phải lọc thật nhẹ nhàng để loại bỏ hết các tạp chất, sau đó sẽ ngâm vào nước ấm sạch và quấy nhẹ để rửa trứng và để ráo nước. Sau khi được làm sạch, trứng kiến được tẩm ướp gia vị rồi được xào cùng củ kiệu đã được phi với mỡ gà cho thật thơm, vừa chín tới và dậy mùi thơm hấp dẫn. Lúc này trứng kiến được đặt trong lá chuối và cho vào chõ xôi đã đồ, mùi thơm của trứng kiến kết hợp cùng với mùi thơm của xôi, vị béo ngậy nức mũi.Món xôi trứng kiến còn là một món ăn không thể thiếu được trong lễ hội của người Tày, đặc biệt là trong dịp tết Hàn Thực ngày mùng 3 tháng 3 Âm lịch hàng năm, người dân tộc Tày đều thổi xôi trứng kiến hoặc bánh trứng kiến để cúng tế Thành Hoàng làng.