Top 15 Món ăn đặc sản gắn liền với tên của 15 vùng
Có những món ăn ở đâu cũng làm được nhưng hương vị lại không thể giống với nơi gốc và cũng không thể ngon bằng nơi đó - nơi mà món ăn đó được gọi là đặc sản. ... xem thêm...Đấy là một sự khác biệt rất rõ ràng. Bài viết dưới đây, sẽ giới thiệu đến các bạn những món ăn gắn với các địa danh khác nhau. Hãy xem đặc sản của các vùng là món gì bạn nhé.
-
Những món ăn có xuất xứ từ Hà Nội đều ít nhiều thể hiện nét văn hiến của thủ đô ngàn năm tuổi, có khi là tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của con người nơi đây. Bánh cốm cũng vậy, nó mang hình vuông tượng trưng cho đất, màu xanh tượng trưng cho mùa xuân hạnh phúc, nhân dừa đậu xanh ngọt ngào cảm xúc, bánh cốm đã hội tụ rất nhiều ý vị và mong ước cho cuộc sống đủ đầy. Bánh cốm đã trở nên không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, cưới hỏi của người dân Hà thành. Không chỉ có thế, bánh cốm còn được dùng trong nhiều dịp khác, có khi thay bữa sáng, có khi ăn lúc thưởng trà ngắm trăng…
Nét hấp dẫn nhất ở những chiếc bánh cốm là khi đến tay người tiêu dùng vẫn còn thơm nguyên mùi cốm mới. Thưởng thức miếng bánh mà thấy như bao la mùa thu Hà Nội phảng phất đâu đây. Mỗi miếng bánh cốm chứa đủ cái vị dịu ngọt từ ngoài và đậm dần vào trong nhân, cái dẻo thơm của cốm và cái bùi ngọt của đỗ xanh.
Du khách tới Hà Nội đều không thể không thưởng thức món ăn đặc sản này và mua về cho người thân như chút lòng thơm thảo. Cái dư vị ngọt ngào của hương cốm mới được chắt chiu trong miếng bánh thơm dẻo ấy, đã trở thành món quà sang trọng, mang đậm nét Hà Nội đi tới mọi miền đất nước.
-
Nem chua là một món ăn ngon nổi tiếng, là niềm tự hào của người dân xứ Thanh. Nem chua được chế biến rất kỳ công, và trải qua nhiều giai đoạn kỹ lưỡng, từ giai đoạn chọn nguyên liệu cho tới khi nem chua được hoàn thiện và bảo quản nem chua đúng cách. Có như vậy mới tạo ra được nem chua, có hương vị đặc trưng.
Khi thưởng thức nem chua sẽ gặp vị chua thanh của thịt, dai giòn của sợi bì, cay của ớt, thơm của tỏi, chát ngọt của đinh lăng... một hương vị rất riêng mà không phải nem chua nơi nào cũng có như nem chua Thanh Hóa.
-
"Chè xanh thêm chút gừng cay / Cu đơ Hà Tĩnh làm say lòng người". Nước chè xanh đi với kẹo cu đơ, tạo nên một sự kết hợp tuyệt vời. Vị ngọt đậm của mật mía, vị bùi bùi của lạc. Ăn xong miếng kẹo, nhấp một ngụm nước chè tươi, cái mùi vị béo ngọt, thơm cay dìu dịu thấm dần rồi lan tỏa trên đầu lưỡi để lại cảm giác khó quên cho ai đã được một lần nếm thử...
Cái hương vị ngọt ngào của đường mía hòa quyện với chút thơm nồng cay cay của gừng tươi, pha một chút chua nhẹ của chanh cùng với bánh tráng vừng được nướng đúng độ tạo nên hỗn hợp bánh thật giòn tan và ngọt ngào.
-
Mè xửng là một đặc sản mang cốt cách và tâm hồn người Huế đã theo chân những đứa con đi xa xứ trong hàng trăm năm qua. Biểu hiện rõ nhất, đó chính là sự xuất hiện của mè xửng trong đời sống hàng ngày của người Huế: Đám giỗ, đám cưới, đám hỏi, quà tặng ý nghĩa…
Đặc biệt nếu thưởng thức món kẹo vừa dẻo, vừa thơm mùi mè, mùi lạc này kết hợp với vị chát và thanh của trà khi tĩnh tâm đọc sách, đôi lúc ngẫm sự đời, đánh cờ hay trò chuyện với người tri kỉ thì cảm giác sẽ như vượt lên giới trần. Cơ sở sản xuất mè xửng nổi tiếng ở Huế là công ty Thiên Hương, số 20 Chi Lăng - Thành phố Huế
-
Bánh gai là một sản phẩm ẩm thực, du lịch độc đáo của Hải Dương. Hàng năm tại đây đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan làng nghề, thưởng thức món đặc sản nổi tiếng xứ Đông này. Khi ăn bánh, ai cũng sẽ phải ngất ngây với vị ngọt mà thanh, vị ngậy mà không ngán, lại dẻo mịn từ vỏ bánh đến mềm xốp của nhân bánh.
Bánh gai Hải Dương được sử dụng như một món quà quê giản dị mà hương vị thật đậm đà, bánh được dùng làm lễ vật trong lễ, tết, tuần, rằm, cúng giỗ tổ tiên theo phong tục Việt Nam, bánh làm lễ vật trong lễ cưới, hỏi, hoặc dùng làm quà trong hội nghị, liên hoan…Đặc biệt trong giao tiếp thì là một nét đẹp văn hóa ẩm thực của người Xứ Đông. Có cả một làng nghề làm bánh gai lâu đời mà các bạn có thể ghé thăm, đó là thị trấn Ninh Giang, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.
-
Bánh cáy cũng được xem là thức quà quê bình dị với không ít người. Tên gọi của bánh bắt nguồn từ hạt nếp cái hoa vàng đem ngâm, trộn gấc đỏ đồ xôi, rồi ép dẻo, xắt hạt lựu lại đem phơi khô (có màu vàng giống trứng con cáy nên bánh có tên gọi là bánh cáy).
Vùng Thái Bình có nhiều nơi làm bánh cáy nhưng nổi tiếng hơn cả vẫn là loại bánh có xuất xứ từ làng Nguyễn, thuộc xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng. Món bánh quê tuy giản dị nhưng đòi hỏi quy trình chế biến tỉ mỉ, công phu. Hiện, toàn xã có khoảng 300 hộ làm bánh, cho sản lượng 120-150 tấn mỗi tháng.
Bánh cáy thành phẩm đạt chất lượng phải đảm bảo độ ngọt vừa phải, thơm mùi lạc, vừng rang, ngậy vị của mứt bí, độ béo của xôi, dừa và vị cay cay của gừng…Khi cắn miếng bánh, thực khách sẽ cảm nhận được sự hòa quyện hương vị dẻo thơm, ngậy, bùi của những nguyên liệu từ ruộng đồng. Ẩn sau mỗi miếng bánh là cả quá trình làm tỉ mẩn, chất chứa tấm quê chân tình của người dân làng Nguyễn.
-
Chè kho Nam Định là một món ăn dân dã đặc sắc và được chế biến rất công phu. Chỉ bằng những hạt đỗ xanh nhỏ, lòng vàng, tơi bở và lượng đường vừa đủ, qua bàn tay khéo léo của người nấu, ta đã có những đĩa chè ngon. Chè khi nấu càng được quấy kỹ và đều tay thì thành phẩm sẽ càng ngon ngọt và để được lâu hơn.
Chè kho là thứ chè ăn ngọt, dạng khô dẻo, nấu bằng đậu xanh, được bày trên đĩa nhỏ chứ không phải ăn cốc như những món chè bình thường. Món chè dân dã ấy được người dân Nam Định đãi khách trong những ngày lễ tết, hay cúng rằm. Và giờ đây, nó đã trở nên phổ biến trên đất Bắc ngay cả trong những ngày thường nhật. Nhiều thực khách đã biết đến món chè kho Nam Định, còn bạn thì sao?
-
Không giống như dưới xuôi, người ta nấu cơm bằng nồi, niêu thì món cơm trên vùng Tây Bắc này được nấu trong những ống nứa và được người dân nơi đây gọi là món cơm lam. Nghe có vẻ lạ lẫm nhưng cơm lam cũng đơn giản chỉ là gạo nấu chín thành cơm. Tuy nhiên sự khác biệt trong cách nấu này đã tạo ra món cơm cùng cái tên lạ lẫm gắn liền với người con vùng núi đã từ rất lâu đời rồi.
Cơm lam đơn giản chỉ là cách gọi quen thuộc của người dân miền núi với cách nấu cơm bằng ống nứa. Có thể hiểu rằng “lam” là cách dùng ống nứa thay nồi để nấu nhưng lại tạo ra những miếng ăn miếng uống hơn hẳn nấu trong nồi và đặc biệt, đó còn là cách đun nấu rất “nghệ sĩ”, dân dã khác thường mà cũng phong lưu khác thường của người dân miền núi.
-
Thịt trâu gác bếp Hà Giang được biết đến là đặc sản lâu đời của người dân tộc Thái tại Hà Giang. Khi ghé qua miền núi Tây Bắc, có dịp đi thăm vùng núi Hà Giang, các du khách sẽ được tận hưởng sự hấp dẫn của những miếng thịt trâu gác bếp, thịt trâu hun khói Hà Giang được đặt trên các nóc bếp của người dân tộc nơi đây. Đây được coi là nét đặc trưng không hề pha trộn được với những nơi khác và là ấn tượng khó phai của bất kỳ du khách nào khi đến đây.
Đến với Hà Giang, ngồi quây quần bên mâm cơm, lai rai vài miếng thịt trâu vừa lấy từ trên gác bếp xuống, nhấm nháp từng múi thịt thơm lừng, đậm đà còn nguyên mùi khói với vị cay của ớt, vị nồng của mắc khén khiến ai từng đến đây sẽ muốn quay lại lần nữa để thưởng thức món ngon này.
-
Từ khi phát triển về du lịch thì ẩm thực cũng theo đó mà phát triển hơn. Món nướng Sapa những ngày đầu chỉ là những mẹt với ngô nướng, khoai hay sắn nướng tình cờ gặp trên đường nhưng nay chúng được mọc lên nhiều hơn và cũng đa dạng hơn.
Từ những nguyên liệu quen thuộc và sẵn có người dân nơi đây đã tạo nên những món nướng đậm chất Sa Pa. Món thịt cuốn cải mèo hay thịt cuốn nấm nướng, chân gà nướng, cơm lam... đều là những món ăn quen thuộc nơi đây. Bạn chẳng thể nào biết được mùi vị tuyệt vời của chúng nếu như chưa nếm thử một lần.
Mùa đông Sapa với cái lạnh trong từng hơi thở, vào lúc màn đêm bao trùm toàn thị trấn, chắc chẳng có gì tuyệt vời hơn khi ngồi bên bếp lửa hồng và nhâm nhi những món đồ nướng nóng hổi. Một đĩa dạ dày, cá hồi, trứng gà chín, xâu thịt nướng với mùi thơm phưng phức đủ để xua tan cái lạnh tê tái của núi rừng Tây Bắc.
-
Chả gà Tiểu Quan là món ăn nổi tiếng có xuất xứ từ thôn Tiểu Quan, huyện Khoái Châu, Hưng Yên. Chả gà là một món ăn độc đáo, không thể ăn bỗ bã như các món khác mà cần phải nhấm nháp từng chút một để cảm nhận hương vị ngậy, ngọt, béo, thơm, cay của chả.
Để có được món chả gà thơm ngon, thì nguyên liệu làm chả tốt nhất là gà mái tơ, được nuôi thả vườn cho ăn ngô, thóc. Gà sau khi làm sạch thì lọc lấy thịt, chủ yếu là phần lườn và đùi, bỏ hết gân xương, thái miếng nhỏ, rồi cho vào cối đá giã nhuyễn cùng một ít thịt lợn nạc.
Tiếp theo là dùng chày thúc đều với mỡ lợn thái hạt lựu, lòng đỏ trứng gà ta, nước mắm tinh, mì chính, hạt tiêu, hành củ khô băm nhỏ và nước cốt gừng già. Trước khi phết thịt lên phên nướng, người làm chả thường nướng ăn thử để kiểm tra vị mặn nhạt, cay bùi... -
Bánh mỳ cay dường như đã là một món ăn đặc trưng của đất Cảng. Chiếc bánh mỳ siêu nhỏ, giòn tan, kẹp patê và nướng trên lò than nóng hổi, khi ăn chấm với một loại nước chấm đặc trưng chỉ có ở Hải Phòng, đó là Chí Chương. Vị cay lè lưỡi của bánh mỳ cùng vị ba tê thơm lừng không lẫn được với các địa phương khác.
Bánh mỳ cay Hải Phòng bắt đầu nổi lên là một món ngon Hải Phòng từ những năm 80, có xuất xứ trong ngõ Khánh Lạp, gần Hàng Kênh. Cho đến ngày nay, bánh mỳ cay đã trở thành đặc sản Hải Phòng nổi tiếng khắp ngõ ngách đất cảng và thực khách khi thưởng thức sẽ nhớ mãi hương vị của món bánh mỳ lạ miệng, hấp dẫn này.
-
Nếu du khách đến đất cố đô mà chưa ăn món thịt dê thì coi như chưa biết thấu đáo về Ninh Bình. Có rất nhiều món được chế biến từ thịt dê rất hấp dẫn như dê áp chảo, dê nướng, dê quay, dê hấp, tiết canh dê. Món tái dê có thịt ngọt và giòn, ăn với các loại rau thơm như lá đinh lăng, lá mơ, lá sung...vị bùi bùi ngấm vào tận tâm can của người thưởng thức.
Dê tái chanh là món mà nhà hàng nào ở Ninh Bình cũng khuyến khích khách ăn thử bởi nó mang đầy đủ vị ngọt của thịt dê tươi mà không bị chìm xuống bởi các gia vị khác. Bạn đến Ninh Bình, nhất định phải thưởng thức món dê tái chanh này nhé.
-
Ba khía là một loại cua theo cách gọi của người Việt (món ăn này có nguồn gốc từ dân tộc Khmer). Trước khi dùng, ba khía có thể được nêm một số gia vị như đường, ớt, tỏi, bột ngọt, nước chanh để tăng vị ngọt của nó. Người ta xé nhỏ ba khía rồi trộn đều gia vị, để khoảng 15 phút cho gia vị ngấm là ăn được.
Thật là tiếc biết bao khi bạn không được thưởng thức món ba khía đặc sản của Bạc Liêu, Với hương vị đậm đà, thịt ba khía thơm ngon, chắc chắn bạn sẽ nhớ mãi khi một lần thưởng thức.
-
Bánh pía từ lâu đã là một đặc sản không thể bỏ qua khi đến Sóc Trăng. Thưởng thức vài chiếc bánh cùng ngụm trà gừng, buôn đôi ba câu chuyện thêm ấm lòng du khách. Bánh pía có nhiều loại, khác nhau ở nhân bánh như bánh pía nhân sầu riêng, bánh pía nhân khoai môn, nhân trứng muối...
Theo lời kể của người địa phương từ thế kỷ 17, bánh pía đã xuất hiện nơi đây. Là một loại bánh do người Hán di cư mang sang Việt Nam. Tuy nhiên, qua thời gian bánh pía đã được biến tấu, thay đổi theo khẩu vị người Việt và trở thành đặc sản của vùng Nam bộ. Nguyên liệu của món bánh pía cũng chỉ là bột mì, khoai môn, đậu xanh, sầu riêng, lòng đỏ trứng vịt muối, nhưng bánh pía Sóc Trăng có hương vị, cách trình bày riêng, không giống bất kì loại bánh nào khác.
Nguyễn Hoàng Chương 2019-07-26 13:51:43
bài viết được chọn làm video của toplist.vn cảm ơn tác giả