Triệu Thị Trinh
Triệu Thị Trinh (bà Triệu) là một là một trong những vị anh hùng dân tộc trong lịch sử Việt Nam và là một nữ tướng được các sử gia trên thế giới ca ngợi. Năm 248, khi mới 20 tuổi, Bà Triệu đã tụ tập được hơn ngàn tráng sĩ và dựng cờ khởi nghĩa chống lại ách đô hộ tàn ác của nhà Đông Ngô. Bà đã thuyết phục được anh trai là Triệu Quốc Đạt tham gia cuộc khởi nghĩa bởi câu nói để đời "Em chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, quét sạch bờ cõi cứu dân ra khỏi vòng nô lệ, chớ không muốn cúi đầu khom lưng làm tì thiếp cho người ta..." Khi ra trận, Bà Triệu mặc áo giáp vàng, đi guốc ngà, cài trâm vàng, cưỡi voi, cầm song kiếm, dáng vẻ oai phong lẫm liệt, ai cũng phải nể sợ. Khởi nghĩa Bà Triệu dành được thắng lợi trong thời gian đầu trước khi nhà Đông Ngô cử Lục Dận đem 8000 quân chi viện. Với sự chênh lệch về lực lượng quá lớn, cuộc khởi nghĩa thất bại. Bà Triệu chống giữ được vài tháng thì tuẫn tiết trên núi Tùng vì không muốn rơi vào tay giặc, khi đó bà mới chỉ 23 tuổi. Khởi nghĩa Bà Triệu thất bại, nhưng hình ảnh người con gái kiên trinh bất khuất, người nữ anh hùng dân tộc siêu việt quyết "giành lại giang san, cởi ách nô lệ" muôn thuở không mờ trong tâm trí phụ nữ và dân tộc Việt Nam.
Bà Triệu sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (8 tháng 11 năm 226) tại miền núi Quan Yên (hay Quân Yên), quận Cửu Chân, nay thuộc làng Quan Yên (hay còn gọi là Yên Thôn), xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Từ nhỏ, bà sớm tỏ ra có chí khí hơn người. Khi cha bà hỏi về chí hướng mai sau, tuy còn ít tuổi, bà đã rằn rỏi thưa: “Lớn lên con sẽ đi đánh giặc như bà Trưng Trắc, Trưng Nhị”. Cha mẹ đều mất sớm, Bà Triệu đến ở với anh là Triệu Quốc Đạt, một hào trưởng ở Quan Yên. Lớn lên, bà là người có sức mạnh, giỏi võ nghệ, lại có chí lớn. Đến năm 19 tuổi gặp phải người chị dâu (vợ ông Đạt) ác nghiệt, bà giết chị dâu rồi vào ở trong núi Nưa (nay thuộc các thị trấn Nưa huyện Triệu Sơn, xã Mậu Lâm huyện Như Thanh, xã Trung Thành huyện Nông Cống, Thanh Hóa), chiêu mộ được hơn ngàn tráng sĩ. Mùa xuân năm Mậu Thìn (248), thấy quan lại nhà Đông Ngô (Trung Quốc) tàn ác, dân khổ sở, Bà Triệu bèn bàn với anh việc khởi binh chống lại. Lúc đầu, anh bà không tán thành nhưng sau chịu nghe theo ý kiến của em. Từ hai căn cứ núi vùng Nưa và Yên Định, hai anh em bà dẫn quân đánh chiếm huyện trị Tư Phố nằm ở vị trí hữu ngạn sông Mã. Đây là căn cứ quân sự lớn của quan quân nhà Đông Ngô trên đất Cửu Chân. Thừa thắng, lực lượng nghĩa quân chuyển hướng xuống hoạt động ở vùng đồng bằng con sông này.