Trống
Trống được ghi chép trong Kinh Kim Quang Minh: “Một hôm ngài Tín Tướng Bồ tát nằm mộng thấy một cái trống lớn bằng vàng. Trống có hào quang sáng như mặt trời. Trong hào quang có rất nhiều các Đức Phật ngồi trên tòa sen lưu ly đặt dưới các gốc cây báu. Chung quanh các Đức Phật đều có trăm ngàn các vị đệ tử ngồi nghe pháp. Bấy giờ có một người giống như giáo sĩ Bà la môn, cầm dùi trống đánh mạnh vào chiếc trống vàng nói trên, tiếng trống vang rền nghe như lời kinh sám hối. Khi đã tỉnh mộng, ngài Tín Tướng Bồ tát liền đem những điều mình được thấy được nghe trong giấc mộng trình lên đức Thế Tôn… “Kinh Lăng nghiêm chép: “A nan! Ngươi hãy nghe tiếng trống mỗi khi dọn cơm xong, và tiếng chuông mỗi khi nhóm chúng trong tịnh xá Kỳ Đà này. Tiếng chuông hoặc tiếng trống trước sau nối tiếp nhau. Vậy theo ý ngươi nghe được các thứ tiếng ấy là vì nó tự bay đến bên tai ngươi, hay tai của ngươi đến nơi những chỗ phát tiếng?”.
Ý nghĩa của trống: Trống có hai loại trống Đại và trống Tiểu, tức trống kinh. Trống đại là loại trống lớn, đánh trong những lúc như trước khi đánh chuông u minh vào đầu đêm và cuối đêm. Tiếng trống là tượng trưng cho chánh pháp, chúng sanh nghe trống chánh pháp thì nghiệp chướng tất tiêu trừ và sẽ được thoát ly luân hồi sanh tử.
Ngoài ra, trong những khi thuyết pháp, khi làm lễ lớn ở điện Phật, cũng đều có dùng đến thứ trống lớn này. Khi thuyết pháp thì đánh 3 hồi để triệu tập thính chúng, còn khi làm các lễ lớn như thỉnh Tam bảo, khai kinh v.v… thì đánh theo thể thức bài Bát nhã hội mà thường gọi là “chuông trống bát nhã”.
Còn trống tiểu là thứ trống nhỏ dùng đánh trong những khi tụng kinh bái sám v.v… nên cũng gọi là “trống kinh”. Cách đánh trống này rất phức tạp, không có một qui luật nhất định, đại khái là chỉ đánh theo nhịp và âm vận trầm bổng của các bài kinh tán mà thôi. Đánh trống này với mục đích là đỡ hơi cho người tán tụng, tiếp đó là giúp cho buổi lễ được tăng phần trang nghiêm long trọng và cũng là một món nhạc khí trong các món nhạc khí cúng dường Tam bảo.