Top 12 Địa điểm nổi tiếng nhất Quảng Nam

Dương Thanh Hà 4565 0 Báo lỗi

Quảng Nam, hay gọi âm địa phương là "Quảng Nôm", là một tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam. Tên gọi Quảng Nam có nghĩa là mở rộng về phương Nam. ... xem thêm...

  1. Phố cổ Hội An là một thành phố nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam, một phố cổ giữ được gần như nguyên vẹn với hơn 1000 di tích kiến trúc từ phố xá, nhà cửa, hội quán, đình, chùa, miếu, nhà thờ tộc, giếng cổ… đến các món ăn truyền thống, tâm hồn của người dân nơi đây. Một lần du lịch Hội An sẽ làm say đắm lòng du khách bởi những nét đẹp trường tồn cùng thời gian, vô cùng mộc mạc, bình dị.

    Phố cổ Hội An là một đô thị cổ kính yên bình nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc tỉnh Quảng Nam. Được hình thành từ thế kỷ 16, đến nay vẫn giữ nguyên hầu hết cảnh quan kiến trúc và phong cách bài trí trong các căn nhà gỗ. Đô thị chỉ cách Đà Nẵng non nửa giờ chạy xe với cự ly 30 km.

    Từ cuối thế kỷ 16, Hội An từng là trung tâm mậu dịch quốc tế trên hành trình thương mại Đông – Tây, là một thương cảng phồn thịnh nhất của xứ Đàng Trong – Việt Nam trong triều đại các chúa Nguyễn bởi thương thuyền từ Nhật Bản, Trung Hoa, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan … thường đến đây để trao đổi, mua bán hàng hóa.

    Khu phố cổ Hội An
    là một điểm du lịch rất nổi tiếng nhờ nét cổ kính, yên bình, nơi đây vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng một quần thể di tích kiến trúc cổ gồm nhiều công trình nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu mạo, giếng, cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ … những con đường phố hẹp chạy ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ. Cảnh quan phố phường Hội An bao quát một màu rêu phong cổ kính như một bức tranh sống động. Sự tồn tại một đô thị như Hội An là trường hợp duy nhất ở Việt Nam và cũng hiếm thấy trên thế giới. Đây được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị.

    Đến Hội An, ngoài cái thú du ngoạn phố cổ để tận hưởng không khí thanh bình tĩnh lặng sau những mái ngói xanh rêu, du khách còn tiếp cận được nhiều nét sinh hoạt độc đáo, đầy bản sắc thân thiện của cư dân. Có nhiều món ăn đầy phong vị bản địa ở đây như bánh bao, bánh vạc, cơm gà… Đặc biệt, cao lầu là món ăn đặc trưng Hội An, có nguồn gốc từ người Hoa nhưng đã Việt hóa với cách chế biến riêng biệt, và dường như chỉ do người Hội An chế biến mới có hương vị thực sự.

    Hội An còn nổi tiếng về hàng vải và quần áo may nhanh. Tại các hiệu may ở đây, du khách chỉ mất khoảng 2 giờ chờ đợi, sẽ có những bộ áo quần thời trang như ý; và nếu không có thời giờ quay lại, du khách chỉ cần vào các website đặt hàng, sẽ nhận được áo quần trong thời gian nhanh nhất.

    Trên hành trình khám phá những vẻ đẹp bất tận của Việt Nam nói chung và các điểm tham quan trong các hành trình du lịch Miền Trung nói riêng không thể thiếu Hội An. Với những giá trị về kiến trúc, văn hóa… đặc sắc của mình Hội An trở thành một trong mười điểm đến hấp dẫn nhất Châu Á.

    Phố cổ Hội An
    Phố cổ Hội An
    Phố cổ Hội An
    Phố cổ Hội An

  2. Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 69 km và cách thành cổ Trà Kiệu khoảng 20 km, là tổ hợp bao gồm nhiều đền đài Chăm Pa, trong một thung lũng đường kính khoảng 2 km, bao quanh bởi đồi núi. Đây từng là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Chăm pa cũng như là lăng mộ của các vị vua Chăm pa hay hoàng thân, quốc thích. Thánh địa Mỹ Sơn được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam. Từ năm 1999, thánh địa Mỹ Sơn đã được UNESCO chọn là một trong các di sản thế giới tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban di sản thế giới theo tiêu chuẩn C (II) như là một ví dụ điển hình về trao đổi văn hoá và theo tiêu chuẩn C (III) như là bằng chứng duy nhất của nền văn minh châu Á đã biến mất.


    Mỹ Sơn có lẽ được bắt đầu xây dựng vào thế kỷ 4. Trong nhiều thế kỷ, thánh địa này được bổ sung thêm các ngọn tháp lớn nhỏ và đã trở thành khu di tích chính của văn hóa Chămpa tại Việt Nam. Ngoài chức năng hành lễ, giúp các vương triều tiếp cận với các thánh thần, Mỹ Sơn còn là trung tâm văn hóa và tín ngưỡng của các triều đại Chămpa và là nơi chôn cất các vị vua, thầy tu nhiều quyền lực.


    Dựa trên các tấm bia văn tự khác, người ta biết nơi đây đã từng có một đền thờ đầu tiên được làm bằng gỗ vào thế kỷ 4. Hơn 2 thế kỷ sau đó, ngôi đền bị thiêu hủy trong một trận hỏa hoạn lớn. Vào đầu thế kỷ 7, vua Sambhuvarman (Phạm Phạn Chi) (trị vì từ năm 577 đến năm 629) đã dùng gạch để xây dựng lại ngôi đền còn tồn tại đến ngày nay (có lẽ sau khi dời đô từ Khu Lật về Trà Kiệu). Các triều vua sau đó tiếp tục tu sửa lại các đền tháp cũ và xây dựng các đền tháp mới để thờ các vị thần. Gạch là vật liệu tốt để lưu giữ ký ức của một dân tộc kỳ bí và kỹ thuật xây dựng tháp của người Chàm cho tới nay vẫn còn là một điều bí ẩn. Người ta vẫn chưa tìm ra lời giải đáp thích hợp về chất liệu gắn kết, phương thức nung gạch và xây dựng.


    Những ngọn tháp và lăng mộ có niên đại từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 14, nhưng các kết quả khai quật cho thấy các vua Chăm đã được chôn cất ở đây từ thế kỷ 4. Tổng số công trình kiến trúc là trên 70 chiếc. Thánh địa Mỹ Sơn có thể là trung tâm tôn giáo và văn hóa của nhà nước Chăm pa khi thủ đô của quốc gia này là Trà Kiệu hay Đồng Dương.

    Tại thánh địa Mỹ Sơn có một đền xây dựng bằng đá, nó cũng là đền đá duy nhất của các di tích Chăm. Văn bia tại Mỹ Sơn cho biết, đền này được trùng tu lần cuối cùng bằng đá vào năm 1234. Ngày nay, ngôi đền này đã bị sập (có lẽ do bom Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, vì ngay sát tháp là một hố bom sâu hoắm vẫn dấu tích) nhưng hệ móng của nó cho thấy nó cao trên 30 m và đây là ngôi đền cao nhất của thánh địa này. Các tài liệu thu thập được xung quanh khu đền này cho thấy nhiều khả năng đây là vị trí của ngôi đền đầu tiên vào thế kỷ 4.


    Với hơn 70 công trình kiến trúc bằng gạch đá, được xây dựng từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 13, Mỹ Sơn trở thành trung tâm kiến trúc quan trọng nhất của Vương quốc Champa. Những đền thờ chính ở Mỹ Sơn thờ một bộ Linga hoặc hình tượng của thần Siva - Đấng bảo hộ của các dòng vua Chămpa. Vị thần được tôn thờ ở Mỹ Sơn là Bhadrésvara, là vị vua đã sáng lập dòng vua đầu tiên của vùng Amaravati vào cuối thế kỷ 4 kết hợp với tên thần Siva, trở thành tín ngưỡng chính thờ thần - vua và tổ tiên hoàng tộc.

    Mặc dù thời gian cùng chiến tranh đã biến nhiều khu tháp thành phế tích nhưng những hiện vật điêu khắc, kiến trúc còn lại cho đến ngày nay vẫn còn để lại những phong cách giai đoạn lịch sử mỹ thuật dân tộc Chăm, những kiệt tác đánh dấu một thời huy hoàng của văn hóa - kiến trúc Chăm Pa cũng như của Đông Nam Á.

    Thánh địa Mỹ Sơn
    Thánh địa Mỹ Sơn
    Thánh địa Mỹ Sơn
    Thánh địa Mỹ Sơn
  3. Di tích Trà Kiệu, làng Trà Kiệu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Cách thành phố Ðà Nẵng khoảng 45 km về phía tây nam, di tích nằm trên một dải đồng bằng, là cửa của một thung lũng rộng hình tam giác, các ngọn núi: Chóp Xôi, Núi Chúa, Núi Ðất... nối liền nhau tạo nên hai bức tường thành tự nhiên bảo vệ hai cạnh phía tây bắc và tây nam của thung lũng. Trong thung lũng, làng mạc đông đúc dân cư, ruộng đồng tươi tốt. Vượt qua một dãy núi thấp phía tây nam là đến thung lũng Mỹ Sơn, thánh địa nổi tiếng của Vương quốc Champa.


    Các học giả Pháp C.Paris và C.Lemire bắt đầu chú ý nghiên cứu và sưu tầm những tác phẩm điêu khắc tại Trà Kiệu từ những năm cuối thế kỷ XIX. L.Finot và H.Parmentier đã khảo sát dấu vết tường thành và các kiến trúc từ những năm đầu thế kỷ XX. Năm 1927 - 1928, J.Y.Claeys đã tổ chức khai quật với quy mô khá lớn. Toàn bộ nền móng của các nhóm tháp phía bắc trong thành nội đã được phát hiện, cùng với hàng chục điểm thám sát khác trong thành. Nhiều tác phẩm điêu khắc quý giá đã được tìm thấy. Với kết quả khai quật đó, J.Y.Claeys chứng minh được thành Trà Kiệu chính là kinh đô Simhapura của vương quốc Champa (được xây dựng từ khoảng cuối thế kỷ IV dưới triều vua Bhadravaman). Ðây là trung tâm chính trị quan trọng của vương quốc Champa trong nhiều thế kỷ. Ðến đầu thế kỷ XI, khi vùng đất phía bắc bị đe dọa, người Chăm phải rời kinh đô vào vùng Vijaya.


    Phần lớn những tác phẩm điêu khắc được phát hiện vào những năm đầu thế kỷ XX (hình thành nên phong cách Trà Kiệu nổi tiếng từ giữa đến cuối thế kỷ X) được trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Champa tại Ðà Nẵng, gồm nhiều tượng thờ, đài thờ, các vật trang trí kiến trúc... Trong đó phải kể đến đài thờ Linga-Yoni mà phần đế đài thờ được chạm trổ 4 mặt, nội dung 4 cảnh chạm liên quan đến đạo Visnu và đài thờ vũ nữ Trà Kiệu. Ngoài tượng người, tượng động vật đóng vai trò quan trọng trong nghệ thuật Champa gồm chim thần Garuda, Naga, Voi, Sư tử... được bố trí hài hòa trong tổng thể kiến trúc.Từ năm 1985 đến năm 1990, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tiếp tục thám sát và khai quật tại Trà Kiệu. Kết quả cho thấy ngoài gạch ngói của những công trình kiến trúc Champa, trong di tích còn có nhiều đồ gốm dân dụng, đồ tế lễ của những người Chăm cổ, trong đó có nhiều mảnh gốm giống như gốm Sa Huỳnh và những chiếc vỏ hình quả trứng. Từ năm 1992 đến nay, di tích Trà Kiệu đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của các nhà khảo cổ Anh, Nhật, Việt Nam.

    Trà Kiệu
    Trà Kiệu
    Trà Kiệu
    Trà Kiệu
  4. Di tích Khương Mỹ thuộc xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, gần Quốc lộ 1A, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 75km về phía Tây - Nam. Bao gồm 3 tháp liên hoàn nằm kề nhau, được xây dựng khoảng đầu thế kỷ X. Tại đây đã phát hiện nhiều tác phẩm điêu khắc (hiện được trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Champa Đà Nẵng) và nhiều chum vại có niên đại khoảng vài trăm năm. Di tích tháp Chăm Khương Mỹ thuộc thôn 4, xã Tam Xuân I, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam được xây dựng vào cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X bao gồm ba tháp: tháp Bắc, tháp Giữa và tháp Nam và được công nhận là di tích quốc gia vào năm 1989.


    Ba tháp được xếp theo trục Bắc - Nam, một kiểu tháp Chăm truyền thống với mặt bằng gần vuông, cửa ra vào ở hướng đông, mái tháp gồm 3 tầng, tầng trên là hình ảnh thu nhỏ của tầng dưới, trên cùng có chóp tháp bằng sa thạch.

    Tháp Bắc
    là tháp nhỏ nhất trong nhóm, có một cửa ra vào và 5 cửa giả (1 cửa ở phía Tây, ở tường phía Bắc và Nam mỗi bên có 2 cửa). Tiền sảnh tháp bị sụp đổ một phần. Vòm cuốn trên các cửa uốn hình vòng cung, trang trí hoa văn thảo mộc cách điệu, đầu lá uốn cong xoắn xít, lá xếp thành nhiều tầng, thu nhỏ dần lên trên, tâm của vòm cuốn là một tổ hợp cành lá uốn thành dạng lá đề. Trên mỗi mặt tường có 5 trụ ốp tường, dọc các trụ ốp tường trang trí hoa văn thảo mộc cuộn thành những chữ S nối tiếp nhau, xen kẽ với các mảng tường trang trí hình thoi nối tiếp nhau từ chân đến đỉnh tường.

    Tháp Giữa
    lớn hơn tháp Bắc, được bảo tồn tương đối tốt. Cũng có một cửa ra vào và 5 cửa giả như tháp Bắc. Vòm cuốn trên cửa được tách làm 2 tầng, cấu tạo bởi các lớp hoa văn thảo mộc cách điệu, uốn cong ở đầu mút, lá có rãnh sâu, trên đỉnh của mỗi vòm cuốn là một tổ hợp cành lá uốn thành hình lá đề. Phần chân và đỉnh của các trụ đỡ vòm cuốn chạm 2 tầng hoa sen cách điệu. Trên mỗi mặt tường có 5 trụ ốp tường, chạm trổ hoa văn thảo mộc cuộn thành những chữ S nối tiếp nhau.

    Tháp Nam
    là tháp lớn nhất trong nhóm, được bảo tồn tương đối tốt, cấu trúc gần như 2 tháp kia, nhưng trên mỗi mặt tường chỉ có 4 trụ ốp tường. Hoa văn trang trí trên các trụ ốp tường và các mảng tường là các dải hoa văn thảo mộc cuộn thành những chữ S nối tiếp nhau, xen kẽ với hoa văn hình thoi. Theo Ph. Stern, tại Khương Mỹ, lần đầu tiên trong kiến trúc Chăm-pa xuất hiện một số mô tuýp trong nghệ thuật kiến trúc Khmer: kiểu cành lá uốn cong vểnh lên ở đầu mút, lá có rãnh sâu. Các hình thoi nối tiếp nhau được tạo thành bởi đường chéo và các đóa hoa cách điệu. Đó là kiểu hoa văn đặc trưng của nghệ thuật Khmer cuối thế kỷ IX - đầu thế kỷ X.


    Các cửa giả của các tầng tháp đều trang trí với những hình lá đề có chi tiết với những cành lá cách điệu hình ngọn lửa. Một số tác phẩm điêu khắc bằng chất liệu đất nung gắn vào thân tháp có hình chim thần Garuda, rắn Naga, người cưỡi voi, người cưỡi ngựa, các chiến sĩ bay...

    Nhóm Tháp Khương Mỹ
    Nhóm Tháp Khương Mỹ
    Nhóm Tháp Khương Mỹ
    Nhóm Tháp Khương Mỹ
  5. Hòn Kẽm Đá Dừng là thắng cảnh nổi tiếng của cả vùng Tây Quế Sơn, thuộc xứ Quảng Nam - là địa điểm du lịch thu hút du khách bật nhất của Quảng Nam. Danh thắng Hòn Kẽm Đá Dừng được ưa thích bởi nét hoang sơ và gắn liền với câu ca:

    "Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng.
    Thương cha nhớ mẹ quá chừng, bậu ơi.
    Thương cha nhớ mẹ thì về.
    Nhược bằng thương cảnh nhớ quê thì đừng..."

    Nằm ở thượng nguồn sông Thu Bồn, Hòn Kẽm Đá Dừng như dòng sông trôi hiền hòa, miệt mài, len lỏi giữa hai dãy núi với những vách đá sừng sững oai nghiêm, hình thù kỳ dị, liêu xiêu, cây dại ken dày, khỉ sống thành đàn, chiều chiều ra sông tắm nắng, tạo nên cảnh quan thơ mộng và trữ tình.


    Sự cuốn hút của Hòn Kẽm Đá Dừng không chỉ thể hiện bởi cảnh quan sông núi hữu tình mà còn là những ruộng bắp trải dài theo những bãi cát bồi triền sông. Nếu may mắn đi vào trời nắng đẹp và bất ngờ có những cơn mưa núi, bạn có thể thấy được cảnh “mưa đuổi”, xa xa về phía núi là những cơn mưa… Bên cạnh đó những dòng chữ cổ Chiêm Thành khắc ghi trên những phiến đá nặng hàng mấy chục tấn, đứng sừng sững soi mình xuống dòng sông Thu Bồn như có một lực hút hấp dẫn du khách.


    Du khách sẽ đi qua miền quê với sông núi hùng vĩ, những bãi dâu, bãi bắp xanh tốt, những vạn đò mua bán tấp nập trên sông. Tận hưởng cái cảm giác yên bình mà không phải nơi nào cũng có, phong thủy hữu tình, con người hòa hợp với thiên nhiên. Về với Hòn Kẽm Đá Dừng, không chỉ về với danh lam thắng cảnh mà du khách còn nghe đâu đây ngân lên những câu thơ ngọt ngào cất lên từ bao thế hệ, là cả cuộc hành hương về với cõi lòng người dân xứ Quảng.


    Hòn kẽm đá Dừng
    Hòn kẽm đá Dừng
    Hòn kẽm đá Dừng
    Hòn kẽm đá Dừng
  6. Cù Lao Chàm là một cụm đảo xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, nằm cách bờ biển Cửa Đại khoảng 15 km. Cù Lao Chàm dù nằm trong khu vực du lịch nổi tiếng với Đà Nẵng - Hội An - Cửa Đại - Thánh địa Mỹ Sơn nhưng vẫn còn nhiều nét hoang sơ. Nơi đây được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2009 và là một điểm du lịch thú vị dành cho nhóm bạn hoặc các cặp đôi.


    Quần đảo Cù Lao Chàm gồm 8 đảo: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô Con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông. Trong đó Hòn Lao là đảo chính, lớn nhất, nơi tập trung dân cư Cù Lao Chàm và là trung tâm của các hoạt động thương mại, du lịch… Những bãi biển với bờ cát dài trắng mịn, làn nước xanh trong đến mức có thể nhìn xuống tận đáy là đặc sản của nơi đây.


    Cù Lao Chàm bao gồm 8 đảo: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô mẹ, Hòn Khô con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông. Dân số trên các hòn đảo này khoảng 3.000 người. Để ra đảo, chỉ mất 20 phút đi tàu cao tốc từ Hội An (giá 120.000 đồng/người) hoặc hơn 1 tiếng đi tàu địa phương (giá 30.000 đồng/người). Bạn có thể mua tour trọn gói đi từ Đà Nẵng trong một ngày khoảng 450.000 đồng/người.


    Những điểm không thể bỏ qua khi tới Cù Lao Chàm như: Bãi Xếp, Di tích Bãi Ông, Bãi Chồng, Bãi Làng, Giếng cổ ở Cù Lao Chàm, Chùa Hải Tạng, Suối Tình, Lặn ngắm san hô, Trải nghiệm câu cá cùng ngư dân trên đảo...


    Hy vọng những thông tin review trên về Cù Lao Chàm sẽ giúp ích cho bạn trong việc lên kế hoạch và chọn lựa địa điểm du lịch cho mùa hè này.

    Cù lao Chàm
    Cù lao Chàm
    Cù lao Chàm
    Cù lao Chàm
  7. Bàng Than - Vũng An Hòa được mệnh danh là một tuyệt tác thiên tạo, tọa lạc tại địa phận huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, Bàng Than - Vũng An Hòa sẽ là địa danh mà du khách khi du lịch Quảng Nam sẽ phải hối tiếc nếu không ghé đến một lần. Nếu bạn đi dọc 4km theo đường bờ biển Tam Hải, bạn sẽ bắt gặp một vùng đất có tên gọi là vũng An Hòa. Hòa Dứa là một hòn đảo nhỏ án ngự lối vào vũng An Hòa. Hòn Dứa vào buổi chiều khá nổi bật với màu đất đỏ bazan rực lửa, hòa cùng sắc xanh lục của thảm thực vật biến nơi đây thành một vùng đất rực rỡ giữa một vùng biển xanh biếc. Tiếp đó, hình ảnh đập vào mắt du khách là những dải đá đen tuyền lấp lánh như than đá dưới cái nắng chứa chan trải dài trên bờ cát, bao quanh mũi An Hoà khoảng 3km và được gọi là Bàng Than (hay Bàn Than).


    Những lớp đá đen được tạo thành từ những lớp phiến thạch trầm tích của biển xếp chồng lên nhau, được nước biển và sóng liên tục xâm thực và cắt gọt để tạo nên những dải đá với hình thù kì dị, lạ mắt và những vân đá kì bí. Đây không khác gì quá trình tạo tác những tuyệt phẩm nghệ thuật của những nghệ nhân kiên nhẫn, chỉ khác là, những nghệ nhân ấy mang tên: thiên nhiên. Trên vùng biển này có rất nhiều những tảng đá màu đen có mặt bằng phẳng, trong ánh nắng mặt trời nó lại lấp lánh đen tuyền như than chứ không bị xám xịt, nên người dân trong làng gọi là biển Bàng Than. Ở đây có nhiều khối đá khổng lồ với hình thù kỳ dị mà độc đáo nhất phải kể đến là Ông Đụn và Bà Che. Ông Đụn là khối đá nằm sát biển và xếp chồng lên nhau tạo thành hình thù kì dị. Bà Che là tảng đá lớn với hình dạng như đầu cá khổng lồ vươn mình lên cao, bao quanh là dập dìu sóng nước.


    Ngoài Ông Đụn, bà Che, Bàng Than còn có nhiều khối đá có hình thù độc và lạ khác như: hình cá voi, thủy quái, hình cá mặt quỷ,… một số khác lại bung xòe như những cột nấm khổng lồ. Những tảng đá kì thú như được mẹ thiên nhiên sắp xếp, đặt để khắp nơi, có những chỗ chồng xếp như những chiếc bánh kép to lớn, lại có chỗ bằng phẳng đón nắng, ánh lên một màu đen tuyền lấp lánh. Nếu dành cả ngày khám phá và rong ruổi, du khách sẽ không biết chán chường là gì với cảnh sắc huyền bí nơi đây.


    Đến với Bàng Than, du khách sẽ không khỏi choáng ngợp trước cảnh sắc thiên tạo vô cùng hùng vĩ. Nếu đã đến với Quảng Nam, du khách đừng quên ghé thăm danh thắng này nhé. Và cũng đừng quên, “khi đến, chỉ để lại dấu chân, khi đi, chỉ mang theo những bức ảnh” nhé. Một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất hiện nay của tỉnh Quảng Nam chính là Bàng Than - vũng An Hòa, thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, cách bờ biển Tam Hải khoảng 4km. Mỗi dải đá đen tuyền lấp lánh như than đá trải dài trên bờ cát, bao quanh mũi An Hoà khoảng 3km, đó là Bàng Than. Từng là lớp đá xếp chồng lên nhau, đó là những phiến thạch có nguồn gốc trầm tích biển.


    Trên mũi An Hòa có hai bãi biển, đó là: Bãi Bấc (ở phía Bắc), và bãi Nồm (ở phía Nam). Trên bãi Nồm có hai mỏm dài nhỏ nhô ra ngoài biển, được nhân dân địa phương gọi là ông Đụn và bà Che, giống như hòn non bộ được thiên nhiên tạo ra để tô điểm cho Bàng Than.

    Bàng Than - vũng An Hòa
    Bàng Than - vũng An Hòa
    Bàng Than - vũng An Hòa
    Bàng Than - vũng An Hòa
  8. Làng bích hoạ Tam Thanh là địa điểm tiếp theo bạn nên ghé thăm khi có dịp đến với Quảng Nam. Làng bích hoạ Tam Thanh tọa lạc ở xã Tam Thanh, Quảng Nam. Khi ghé thăm làng bạn sẽ có cảm giác như lạc vào xứ cổ tích bởi làng chài này được khoác lên mình những tấm áo mới đó chính là những bức tranh đầy màu sắc mô tả cuộc sóng hằng ngày của người dân làng.


    Làng bích hoạ Tam Thanh cũng là ngôi làng bích họa đầu tiên của Việt Nam. Những bức tranh mô tả cuộc sống như cảnh thiên nhiên với các rặng dừa nghiêng bóng xuống dòng Trường Giang, những con thuyền cập bến buổi hoàng hôn trên biển, hay chính những nhân vật trong các ngôi nhà cũ, xuống cấp, là những đứa trẻ hồn nhiên thả diều, đá bóng, những phiên chợ quê ngồi chồm hổm góc làng,.. tất cả hình ảnh này đem đến một cái nhìn chân thực cho những du khách ghé thăm.

    Làng bích hoạ Tam Thanh
    Làng bích hoạ Tam Thanh
    Làng bích hoạ Tam Thanh
    Làng bích hoạ Tam Thanh
  9. Hồ Phú Ninh là một địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của tỉnh Quảng Nam. Tại Hồ Phú Ninh có rất nhiều trò chơi và các hoạt động ngoài trời dành cho du khách trong kì nghỉ dưỡng đặc biệt vào những ngày hè nóng bức đến với Hồ Phú Ninh là một địa điểm đem đến cảm giác mát mẻ và rất sôi động.


    Khu di tích danh thắng quốc gia Hồ Phú Ninh cách thành phố Tam Kỳ 7 km về phía Tây. Hồ Phú Ninh là công trình thuỷ lợi có sức chứa gần nửa tỷ mét khối nước, với diện tích mặt hồ rộng 3.433 ha cùng 23.000 ha rừng phòng hộ và 30 đảo, bán đảo nhỏ xinh đẹp. Công trình được khởi công vào năm 1977 và hoàn thành sau gần 10 năm xây dựng


    Khi tham quan Hồ Phú Ninh, từ trên cao nhìn xuống, lòng hồ như một chảo nước khổng lồ với nhiều ốc đảo, được bao bọc bởi những dãy núi, những bờ đê và những cánh rừng xanh biếc. Bằng chiếc thuyền con, du khách có thể dạo chơi quanh các ốc đảo, chiêm ngưỡng vẻ đẹp nên thơ nhưng cũng thật hùng vĩ giữa màu xanh bạt ngàn của núi rừng.


    Hồ Phú Ninh gắn liền với thiên nhiên, phong cảnh ở đây rất đẹp, bạn có thể dễ dàng chụp những bức hình đẹp trong suốt qua trình tham quan để lưu giữ những khoảnh khắc đó.

    Khu di tích danh thắng quốc gia Hồ Phú Ninh
    Khu di tích danh thắng quốc gia Hồ Phú Ninh
    Khu di tích danh thắng quốc gia Hồ Phú Ninh
    Khu di tích danh thắng quốc gia Hồ Phú Ninh
  10. Suối Tiên là địa điểm tiếp theo nằm trong những điểm thu hút đông đảo du khách tại Quảng Nam bởi không khí trong lành bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Suối Tiên có hệ thống hơn 14 thác, mỗi thác có một vẻ đẹp riêng chảy vào tạo nên một ao nước lớn rất mát lạnh.


    Suối Tiên như một chốn bồng lai tiên cảnh hiếm có tách biệt khỏi đô thị ồn ào giúp bạn quên đi biết bao mệt mỏi. Đến với du lịch sinh thái suối Tiên, đặc biệt vào những ngày hè oi bức, bạn sẽ ngay lập tức cảm nhận được sự mát lạnh từ dòng nước suối đem đến một cảm giác rất thoải mái và thư giãn.


    Ngoài việc thưởng lãm phong cảnh thiên nhiên hữu tình, trầm mình trong làn nước trong xanh mát lạnh để xua tan cảm giác mệt nhọc sau những ngày lao động vất vả, du khách còn được tham quan khu di tích tiểu đoàn nữ thanh niên xung phong Bà Thao nổi tiếng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ nằm kề bên thác nước.

    Suối Tiên
    Suối Tiên
    Suối Tiên
    Suối Tiên
  11. Quảng Nam không chỉ có những địa điểm du lịch thiên nhiên và văn hoá mà còn có những di tích lịch sử hấp dẫn. Và Tượng đài mẹ Thứ là địa điểm bạn không nên bỏ qua khi đến với vùng đất Quảng Nam. Đây là tượng đài được làm bằng đá hoa cương, và là tượng đài có quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Tượng đại mẹ Thứ gây ấn tượng cho những ai ghé thăm bởi hình dáng người mẹ như đang mở rộng vòng tay ôm trọn che chở những đứa con của đất nước.

    Tượng đài được làm rỗng, bên trong khối tượng là Nhà tưởng niệm Mẹ Việt Nam anh hùng có diện tích 400 m2. Quần thể kiến trúc tượng đài còn gồm 8 trụ huyền thoại ngay trước cổng vào, mỗi trụ cao 11,2 m; đường kính hơn 1,2 m. Trên 8 trụ khắc họa hình ảnh của những bà mẹ Bắc Bộ, mẹ Tây Nguyên, mẹ Nam Bộ, mẹ Trung Bộ với những nét bình dị, mộc mạc, vẻ đẹp nhân hậu và tình thương bao la mẹ dành cho các con.

    Bao xung quanh tượng đài là hồ nước rộng lớn hơn 1000m2. Du khách nếu từ ngoài nhìn vào sẽ những dòng nước chảy ra từ bên trong vách tượng tràn lên mặt hồ. Hình ảnh người mẹ Thứ ôm trọn các con vào lòng mang một ý nghĩa nhân văn biểu trưng cho tình cảm dâng trào, yêu thương sâu sắc, nghĩa tình của người Mẹ đối với các con, với những người chiến sĩ anh dũng và hết lòng với Tổ Quốc trong những năm tháng đấu tranh oanh liệt


    Dọc theo lối vào chính lên tượng đài, du khách sẽ nhìn thấy hai bên là 30 ngọn đèn đá, tượng trưng cho 30 năm vất vả, sự chờ đợi mòn mỏi của người mẹ Việt Nam anh hùng chờ đợi các con đánh trận trở về. Chỉ nhìn thấy những hình ảnh này thôi đã làm rung động trái tim của du khách khi đến thăm quan tượng đài mẹ Thứ hùng vĩ giữa bầu trời xanh bao la.

    Tượng đài mẹ Thứ
    Tượng đài mẹ Thứ
    Tượng đài mẹ Thứ
    Tượng đài mẹ Thứ
  12. Làng gốm Thanh Hà là một trong những địa điểm bạn nên đến để trải nghiệm về nghề gốm. Và đây cũng là một trong những làng nghề lâu đời tại Việt Nam. Khi đến với làng gốm Thanh Hà bạn sẽ ấn tượng với những sản phẩm gốm mỹ nghệ tinh xảo, nhưng lại đem đến một cảm giác rất mộc.


    Bước đến làng gốm Thanh Hà – Hội An, bạn sẽ nhìn thấy được của hình ảnh một ngôi làng cổ xưa với những hình ảnh cây đa, bến nước cũng những con người cẩn mẩn, tảo tần. Ngôi làng càng trở nên đẹp hơn khi có những người dân vô cũng dễ thương và thân thiện.


    Ngoài ra, khi đến với làng gốm Thanh Hà bạn có thể trải nghiệm làm gốm và có thể đem những sản phẩm mình làm ra tặng cho những người mà mình yêu mến. Chỉ với 35.000 đồng là bạn có thể trải nghiệm làm gốm với sự hướng dẫn tận tình từ những nghệ nhân trong làng.

    Làng gốm Thanh Hà
    Làng gốm Thanh Hà
    Làng gốm Thanh Hà
    Làng gốm Thanh Hà



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy