Top 12 Món ăn truyền thống ngày Tết tại miền Bắc

Nguyễn Xuân Quỳnh 5293 0 Báo lỗi

Ở mỗi vùng miền khác nhau sẽ có những món ăn truyền thống vào ngày Tết khác nhau. Nó đều sẽ mang đặc trưng và ý nghĩa nhất định mà mỗi gia đình muốn gửi gắm về ... xem thêm...

  1. Top 1

    Bánh chưng

    Bánh chưng có lịch sử lâu đời và chiếm vị trí đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Bánh chưng không đơn thuần là một món ăn, mà là nguồn cội, là văn hóa, là sự tổng hòa của trời, đất với những tinh túy mà thiên nhiên ban tặng cho người Việt. Có lẽ vì thế mà người ta nhớ bánh chưng như nhớ Tết và nhớ Tết là nhớ về món bánh của tổ tiên. Song hành cùng lịch sử dân tộc, bánh chưng đã trở thành linh hồn của ngày Tết ở Bắc Bộ, cũng như món bánh tét ở miền Nam. Nhìn chung, hai loại bánh này là như nhau, chỉ khác nhau về hình thức bên ngoài và một chút nguyên liệu tùy theo khẩu vị vùng miền. Trong cả ngàn năm đồng hóa, người Việt vẫn giữ trọn nếp nhà. Bánh chưng vẫn đi qua những mùa Tết để gắn bó tình cảm gia đình, làng xóm bền chặt hơn.


    Bánh chưng tượng trưng cho quan niệm của người Việt xưa về vũ trụ và hội tụ những tinh hoa của đất Việt trong một món ăn giản dị, thân thuộc. Bánh được làm từ các nguyên liệu đơn giản như gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong... Gạo nếp chọn loại gạo ngon, to tròn, trắng phau, vo sạch để ráo nước, từng hạt chắc mẩy thơm ngát. Thịt lợn đầy đủ nạc, mỡ, bì cùng với đỗ xanh bỏ vỏ. Tất cả đều là những sản phẩm có được từ công việc trồng trọt và chăn nuôi truyền thống của dân tộc ta từ ngàn xưa. Đơn giản như thế, nhưng chiếc bánh thể hiện tính tư duy sâu sắc của người xưa, từ trong ra ngoài thể hiện triết lý âm dương, tam tài và ngũ hành.

    Bánh chưng ngày Tết
    Bánh chưng ngày Tết
    Bánh chưng xanh
    Bánh chưng xanh

  2. Top 2

    Dưa hành

    Dưa hành thường được nhắc đến như một món ăn kèm cùng bánh chưng xanh cũng như với một số món ăn đặc trưng khác tại miền Bắc gồm có thịt đông, thịt kho tàu, thịt luộc... Món ăn có vị chua, cay dịu nhẹ sẽ giúp chúng ta tận hưởng được vị ngon của những món ăn khác cũng như giúp cơ thể dễ tiêu hóa thức ăn. Điều đặc biệt là khi nén hành để làm dưa, chúng ta cho thêm các đoạn mía đã được tiện vỏ sạch sẽ rồi để lót ở bên dưới hũ dùng để nén hành, như thế hành sẽ rất thơm và ngon hơn.


    Cách muối dưa hành miền Bắc vốn chẳng cầu kỳ, phức tạp như nhiều người vẫn nghĩ. Một món ăn dân giã được tạo nên từ chính những nguyên liệu quen thuộc, gần gũi. Cũng vì vậy mà đã từ lâu đời, đây được xem là món ăn truyền thống của người dân đất Bắc. Và cũng là một món ăn không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, xuân về. Ngày nay, món dưa hành không chỉ có trong dịp Tết mà người ta còn muối quanh năm nhưng chỉ có dưa hành muối vào dịp Tết mới ngon chuẩn vị nhất.

    Muối dưa hành
    Muối dưa hành
    Dưa hành ngày Tết
    Dưa hành ngày Tết
  3. Top 3

    Giò

    Từ xưa đến nay giò luôn là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của người Việt. Giò lụa là một món ăn khá phổ biến trong đời sống ẩm thực của người Việt Nam. Một món ăn vừa dân dã nhưng cũng không kém phần sang trọng. Món giò lụa này có nguồn gốc ngoài Bắc, khi được phổ biến ở miền Nam thì được gọi với cái tên khác là chả lụa. Qua thời gian, cách làm giò lụa ở mỗi miền mỗi khác, tuy vẫn được làm từ hai nguyên liệu cơ bản là thịt lợn (thịt heo) giã nhuyễn cùng các loại gia vị. Vì cách làm khác nhau nên hương vị cùng phẩm chất giò lụa cũng khác nhau. Nhưng dù thế nào, cách làm giò lụa miền Bắc vẫn được coi là cách làm giò lụa truyền thống và có hương vị đặc trưng riêng.


    Bên cạnh giò lụa thì giò xào cũng là món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người miền Bắc. Ngày xưa ông bà ta gói giò xào bằng lá chuối, lá dong... ngày nay với sự cải tiến cũng như nhu cầu thì đã có sẵn khuôn để gói giò xào. Món giò xào ăn vào dai sần sật cuả mộc nhĩ, bì lợn, thơm ngon vị tiêu xanh, lại không lo bị ngán. Các món giò cũng vô cùng phong phú phải không nào? Ngoài ra còn có giò bò, giò trâu,... Các món giò khi bày cỗ giò thường được thái theo khoanh, chia thành miếng gọn gàng trông đẹp mắt và dễ gắp. Giò đã trở thành biểu trưng cho Tết miền Bắc từ những điều vô cùng giản dị như vậy đó.

    Giò lụa
    Giò lụa
    Giò xào
    Giò xào
  4. Top 4

    Thịt đông

    Thịt đông là món ăn quen thuộc và không thể thiếu của người dân miền Bắc mỗi khi trời trở lạnh và đặc biệt là dịp Tết đến, xuân về. Một bữa cơm với thịt đông thơm ngon, trong veo đẹp mắt cùng đĩa dưa hành, dưa cải muối chua giòn tuy bình dị mà ngon miệng chẳng kém món ăn cao sang nào, lại tạo nên không khí quây quần, ấm áp của gia đình.


    Giữa tiết trời se lạnh, thịt đông là món ăn vô cùng hấp dẫn. Món ăn này có thể được làm từ thịt lợn, thịt gà hoặc đôi khi là cả chân giò lợn. Thịt sẽ đem rửa sạch, thái lát nhỏ và đem tẩm ướp với gia vị như hạt tiêu, muối, hạt nêm rồi để thịt vào ngăn mát tủ lạnh cho ngấm gia vị. Khi đã ướp đủ thời gian, bạn cho thịt lên chảo để xào, thêm mộc nhĩ, nấm hương, cà rốt rồi nêm nếm lại cho vừa ăn. Trong quá trình ninh thịt, bạn nên chú ý vớt bớt bọt để sau khi để thịt đông sẽ trong hơn. KHi đã cảm thấy thịt nhừ đủ, bạn hãy cho thịt ra tô. Vào thời tiết se lạnh ngày Tết miền Bắc thì chỉ cần để nhiệt độ này là sau hai tiếng đồ, thịt sẽ đông lại. Bạn có thể tiếp tục bảo quản thịt trong tủ lạnh để ăn dần. Món thịt đông này ăn kèm với một củ dưa hành là đúng vị nhất.

    Thịt đông
    Thịt đông
    Món thịt đông
    Món thịt đông
  5. Top 5

    Thịt bò kho

    Thịt bò kho là món ăn thường được chuẩn bị từ những ngày 29 - 30 Tết. Công đoạn nấu thịt bò khô thông thường là cho dầu vào chảo, phi thơm hành tỏi. Cho cà rốt, khoai tây và thịt vào xào cho thịt săn lại và rút hết nước thì vớt cà rốt và khoai ra đĩa rồi cho nước sôi vào ngập thịt. Thêm hoa hồi, sả đập dập vào. Ninh nồi bò kho khoảng 35 phút, khi thịt hơi mềm thì cho cà rốt, khoai tây vào lại nấu cùng cho tới mềm nhừ. Công đoạn ninh thịt có thể nhanh hơn khi bạn dùng nồi áp suất.

    Thêm dầu điều vào nồi thịt bò kho tạo màu đẹp mắt và nêm nếm lại cho vừa miệng, thêm hạt tiêu, ớt hoặc sa tế nếu thích ăn cay. Thịt bò được đun kỹ cho đến khi mềm nhừ và có hương vị bung tỏa trong miệng ngay khi nếm thử. Bạn múc bò kho ra tô, thêm hành lá thái nhỏ lên trên. Món bò kho thích hợp khi ăn nóng cùng cơm, bún, bánh mỳ. Thịt bò kho là món ăn đặc trưng cho Tết miền Bắc và phù hợp với mọi người từ già đến trẻ đều có thể ăn được nhé.

    Thịt bò kho
    Thịt bò kho
    Món thịt bò kho
    Món thịt bò kho
  6. Top 6

    Nem rán (chả đa nem)

    Theo nhiều tài liệu, nguồn gốc món nem rán là nền ẩm thực Trung Hoa, thuộc nhóm các món dim sum nổi tiếng. Khi du nhập vào nước ta, món nem rán đã được biến tấu thành phần nguyên liệu và gia vị cho phù hợp với khẩu vị của người Việt. Cho đến nay, nem rán trở thành món ăn quen thuộc, không thể thiếu trên cỗ ngày Tết của nhiều gia đình. Cách làm đơn giản với các loại nguyên liệu dễ tìm tạo nên miếng nem rán đẹp mắt, ngon miệng làm xiêu lòng người ăn.


    Cùng với lớp bánh đa nem mỏng bên ngoài, nhân nem rán gồm các nguyên liệu như thịt lợn nạc, nấm hương, mộc nhĩ, hành tây, cà rốt, giá sống, trứng, hạt tiêu, muối, gia vị. Sau đó, được cuốn bằng lá bánh tráng, lá ram bằng đôi bàn tay điêu luyện của con người. Cho vào chảo rán, nem trở nên giòn rụm và lan tỏa hương thơm nồng nàn. Món nem rán có ngon hay không còn phụ thuộc ở nước chấm nem. Đó là sự kết hợp tinh tế của vị mặn trong nước mắm ngon, vị ngọt của mì chính, đường, vị chua của dấm hoặc chanh, vị cay của tỏi, ớt… thêm chút rau sống ăn kèm cho đỡ ngán.

    Nem rán
    Nem rán
    Món nem rán
    Món nem rán
  7. Top 7

    Canh măng hầm chân giò

    Măng khô nấu với chân giò là món canh rất được ưa chuộng trong ngày Tết cổ truyền ở miền Bắc. Nguyên liệu để làm món ăn này rất quan trọng nhưng cũng không khó kiếm. Phần chân giò thì nên lựa những nơi bán thịt tươi ngon, có trong ngày chứ không phải thịt đông lạnh. Khi về bạn sẽ đem xào sơ qua với hành tím để săn lại.


    Măng khô thì bạn nên ngâm chúng qua đêm để măng nở, rửa thật sạch với nước với đem luộc 2-3 lần đến khi nào nước trong. Như vậy, khi ăn măng sẽ không bị đắng mà độ mềm vừa tới, không dai. Bạn sẽ bắc nồi và ninh trong nhiều giờ để phần chân giò thật mềm, khi ăn có cảm giác béo ngậy. Bạn có thể thêm cùng mộc nhĩ, nấm hương, cuối cùng là chút hành lá và hạt tiêu.


    Ngày Tết mà không nhắc đến canh măng thì quả thật là điều vô cùng sai sót. Vị ngậy của thịt chân giò hòa quyện với vị ngọt bùi của măng tạo nên sức cuốn hút lạ kỳ. Nhiều gia đình còn dùng phần nước măng này để nấu miến ăn cũng rất hấp dẫn đó nhé!

    Canh măng hầm chân giò
    Canh măng hầm chân giò
    Canh măng chân giò
    Canh măng chân giò
  8. Top 8

    Canh bóng thập cẩm

    Canh bóng thập cẩm là một món ăn đặc trưng trong mâm cỗ ngày Tết của người miền Bắc. Thời tiết lạnh này, có một bát canh nóng vô cùng dinh dưỡng này thì còn gì tuyệt vời hơn nữa. Canh bóng thập cẩm là sự kết hợp của bóng, su hào, cà rốt, đậu Hà Lan, giò lụa, trứng thái chỉ, tôm nõn, thịt thăn… và xếp trên cùng là mấy cọng rau mùi. Món canh này đòi hỏi sự kỳ công, khéo léo và tất nhiên hương vị vô cùng đặc sắc.


    Món canh bóng thập cẩm cũng có thể được tạo nên từ các nguyên liệu như thịt, giò sống, cải xanh, nấm… đặc biệt nhất là bóng bì. Đây cũng là phần phải chế biến kỹ nhất. Bóng bì chính là da heo được ngâm mềm và ướp với rượu trắng, gừng, có màu ngả vàng. Sau đó, là đến phân nhân bóng bì. Bạn cần chuẩn bị giò sống trộn thêm gia vị hạt nêm, hạt tiêu. Trứng sẽ đem tráng mỏng trên chảo. Tiếp đến, bạn trải phần bì, phết đều giò sống, cuối cùng đặt lát trứng lên trên rồi cuộn thật đều tay và cố định lại bằng cọng hành lá. Cho nồi hấp chín rồi đem cắt miếng vừa ăn.Phần nước dùng được ninh với xương để đạt được vị ngọt tự nhiên, cùng các loại rau củ quả đi kèm. Món canh thơm ngon, hấp dẫn này ăn với cơm trắng thôi cũng đã khiến người ăn không khỏi thích thú và nhớ mãi.

    Canh bóng thập cẩm
    Canh bóng thập cẩm
    Canh bóng thập cẩm
    Canh bóng thập cẩm
  9. Top 9

    Chạo (tái)

    Trong mâm cỗ ngày Tết cũng không thể thiếu món chạo chân giò hoặc thịt vai, có nơi còn gọi là tái. Sự kết hợp hoàn hảo giữa thịt được áp chảo với các loại lá thơm (lá sả, lá bòng, lá ổi…). Khi thịt chuyển màu vàng thì lấy ra thái mỏng từng miếng bé trộn với một ít riềng say, lá chanh, củ sả, khế chua hoặc xoài xanh thái nhỏ, gia vị trộn đều lên khi ăn gói với lá sung và các loại rau thơm chấm với nước mắm pha thêm chanh, tỏi, ớt, đường.


    Cách làm món chạo chắc chắn đã là công thức nằm trong danh sách món ngon của rất nhiều các bà nội trợ. Một món ăn dân dã, bình dị nhưng là sự tổng hòa của rất nhiều nguyên liệu tự nhiên, làm hương vị tuyệt vời của nó có thể khiến bất cứ ai xa quê cũng phải nhớ về, đặc biệt là vào mỗi dịp Tết. Trong đó, món chạo chân giò là món ăn được yêu thích của nhiều người nhất. Chạo chân giò không chỉ là món ăn cho bữa cơm gia đình mà nó cũng có thể trở thành món nhậu cho cánh mày râu vô cùng phù hợp. Mùi thơm của chân giò hòa quyện với hương thơm tự nhiên của sả, của lá chanh, của riềng thực sự khiến bất cứ ai cũng không thể chối từ.

    Chạo (tái )
    Chạo (tái )
    Món chạo chân giò
    Món chạo chân giò
  10. Top 10

    Thịt gà luộc

    Tết Nguyên Đán là khởi đầu của một năm mới, là bắt đầu mới cho tất cả mọi công việc. Ngoài ra, tết còn là dịp đoàn tụ gia đình, tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Vì thế, gia đình dù có khó khăn, người ta vẫn không thể qua loa việc chuẩn bị mâm cỗ cúng tổ tiên, mong tổ tiên phù hộ cho năm mới đầy đủ, ấm no và hạnh phúc. Trong đó, gà luộc là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết.


    Món gà luộc để cúng trong đêm giao thừa và ngày đầu năm mới. Người ta tin rằng món ăn này dâng lên đất trời ngày đầu xuân sẽ mang đến một khởi đầu thuận lợi, vạn phúc đong đầy. Gà sẽ được mổ sao cho vẫn giữ nguyên hình dạng, phết thêm lớp dầu ăn để da gà thêm bóng hơn.Mỗi gia đình sẽ bày gà trên bàn thờ tổ tiên qua đêm giao thừa cùng với các món ăn khác. Khi ăn những miếng thịt gà có màu vàng tươi, rắc thêm lá chanh thái nhỏ chấm với muối tiêu chanh ớt tạo nên một hương vị đặc trưng. Đó là một trong những món ăn truyền thống không thể thiếu trong ẩm thực tết của miền bắc.

    Thịt gà luộc
    Thịt gà luộc
    Món gà luộc ngày Tết
    Món gà luộc ngày Tết
  11. Top 11

    Xôi

    Tết đến xuân về là dịp để chúng ta gặp mặt người thân trong gia đình và những người bạn lâu ngày gặp lại, mọi người cùng nhau thưởng thức các món ngon ngày Tết miền Bắc vừa ngon, vừa bổ dưỡng. Xôi là một món ăn rất phổ biến trong đời sống của nền văn hóa lúa nước với nguyên liệu chính là gạo, đỗ, lạc… được mang đi đồ hoặc hấp chín. Món xôi thường được ăn nóng, gạo chín dẻo thơm không bị nát là đạt tiêu chuẩn. Và trong dịp lễ Tết của người Việt, món xôi được ưa chuộng nhất là xôi gấc. Khi đồ xôi cùng gấc chín sẽ cho ra một màu đỏ tự nhiên rất đẹp mắt.


    Theo quan niệm Á Đông màu đỏ từ xôi gấc sẽ mang lại nhiều may mắn trong năm mới. Xôi gấc rất bổ dưỡng, tốt cho người có thị lực kém. Xôi gấc cũng cung cấp các chất bổ khác cho cơ thể và rất được người miền Bắc ưa chuộng. Màu đỏ tươi của gấc tượng trưng cho sự may mắn mà đất trời mang lại cho mỗi con người trong năm mới. Do vậy món xôi gấc thường được người miền Bắc dùng thiết đãi bạn bè và người thân trong mâm cỗ ngày Tết.

    Xôi gấc
    Xôi gấc
    Món xôi gấc
    Món xôi gấc
  12. Top 12

    Chè kho

    Một món ăn được dùng để đãi khách trong ngày Tết miền Bắc nữa đó chính là chè kho. Cách nấu chè rất đơn giản mà lại ngon. Chè có một hương vị đặc biệt thơm thơm mùi của đỗ xanh, chút thoang thoảng của nước hoa bưởi ăn vừa mát vừa mềm mịn. Đây là món ăn ngày Tết ở miền Bắc quen thuộc nhất với người dân Hà Nội. Chè kho rất giản dị trong việc kết hợp nguyên liệu, chỉ cần đậu xanh, vừng trắng và đường cát là có thể nấu thành nồi chè. Khi ăn sẽ cảm nhận được suwjw thanh mát và mềm mịn tan ngay trong miệng.


    Với món ăn này, người dân miền Bắc xưa thường dùng để cúng Phật và gia tiên. Đây cũng là thức quà ngon để mời khách quý trong dịp Tết. Hình ảnh quen thuộc với mỗi người là chè kho được cắt thành hình hoa thị cùng ấm trà sen. Mỗi gia đình nấu chè kho với hương vị theo khẩu vị của mình. Có nhà chè thơm mùi vani, nhà thì chè thoảng mùi thơm của thảo quả, nhà thì lại nấu chè thơm mùi hoa bưởi…Trong những ngày Tết, thưởng thức miếng chè kho mềm, mượt, mát đầu lưỡi, thoảng mùi thơm của đỗ xanh quyện với mùi thơm của thảo quả bất cứ ai xa quê thấy nhớ thật nhiều.

    Chè kho
    Chè kho
    Món chè kho
    Món chè kho



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy