Top 8 Nhân vật nổi tiếng trong kinh Thánh biến đổi từ xấu thành tốt

  1. Top 1 Vua David
  2. Top 2 Samson
  3. Top 3 Thánh Peter
  4. Top 4 Thánh Paul
  5. Top 5 Zacchaeus
  6. Top 6 Gideon
  7. Top 7 Hezekiah
  8. Top 8 Nicodemus

Top 8 Nhân vật nổi tiếng trong kinh Thánh biến đổi từ xấu thành tốt

Jane TrucVy 101 0 Báo lỗi

Việc một nhân vật chuyển đổi từ xấu xa thành tốt đẹp mang đến câu chuyện truyền cảm hứng rất tuyệt vời. Dù họ có từng mắc những sai lầm trong cuộc đời thì Đấng ... xem thêm...

  1. Kinh Thánh mô tả vua David là người “làm vừa lòng Chúa”, và là chuẩn mực hình ảnh một vị vua tốt. Vì vậy, ông cũng chính là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất, với các câu chuyện như trận chiến đánh bại gả khổng lồ Goliath - thường được dùng làm ví dụ về sức mạnh của đức tin cùng sự tin cậy của ông vào Đấng Toàn Năng. Tuy nhiên, David không phải là người hoàn toàn vâng phục những ý muốn của Thiên Chúa trong đời sống. Đích thân ông cũng từng thừa nhận tội lỗi của mình khi nói rằng: “tội ác đã vượt quá đầu tôi, chúng đè lên tôi như một gánh nặng, nhiều hơn tóc trên đầu tôi, đến nỗi tôi không thể thấy được”.


    Trong số các tội lỗi được ghi lại, tội được cho nặng nhất của vua David chính là việc ông ngoại tình với Bathsheba, rồi sắp xếp để chồng cô ta là người lính trung thành Uriah qua đời trên chiến trường. Hơn thế nữa, ông còn phạm vào tội đa thê - điều này là trái với luật Moses, vốn đặc biệt truyền dặn vua Israel. Từ kinh Thánh, người ta biết được vua David có tổng cộng 8 người vợ cùng các thê thiếp khác.


    Tuy nhiên, khi nghe lời quở trách của Đức Chúa Trời qua tiên tri Nathan, ông lập tức đã có hành động ăn năn với điều ác mà mình gây ra bằng cách chân thành thú nhận tội lỗi. Nỗi đau buồn, tiếc nuối của David vì mất đi ân huệ từ Đấng Tối Cao là điều khiến ông được xem là người xứng đáng vừa lòng Chúa. Vì vậy, vua David đã trở nên nổi bật hơn so với hầu hết các nhân vật khác trong Kinh thánh. Mặc dù nhận được sự tha thứ, cũng như được phục hồi mối thông công với Đức Chúa Trời; nhưng cuối cùng ông và người người phụ nữ Bathsheba kia vẫn phải chịu án phạt cho hành động của mình.

    Vua David
    Vua David
    Vua David
    Vua David

  2. Top 2

    Samson

    Samson được nói đến trong kinh Thánh là vị thẩm phán cuối cùng của dân Israel cổ đại, trước khi thiết lập chế độ quân chủ. Ông từng là một người theo đạo Nazirite (những người theo đạo này phải tự nguyện thực hiện lời thề gồm kiêng rượu, giấm, nho và không được cắt tóc, cũng như không để bản thân bị ô uế khi tiếp xúc với mồ mả, dù là của thành viên trong gia đình).


    Khi Samson được Đức Chúa Trời kêu gọi làm người bảo vệ dân Israel vì họ bị người Philistine cai trị, Ngài đã ban cho ông siêu sức mạnh để chống lại kẻ thù và thực hiện những chiến công siêu phàm. Nhưng Samon lại quên một điều rằng quyền năng của mình đến từ Thiên Chúa, mà trở nên kiêu ngạo, luôn tự nhận quá nhiều công lao về bản thân. Nếu mái tóc dài của ông một khi bị cắt đi thì lời thề Nazirite sẽ xem như vi phạm, cũng như sức mạnh sẽ biến mất. Bởi vì nó không phải là thứ thật sự mang lại cho Samson quyền lực, nhưng là biểu tượng cho lời hứa phục vụ Thiên Chúa. Samsom luôn tin chắc rằng không ai có thể đánh bại mình. Thậm chí còn cho họ biết rằng ông sẽ trở nên bất lực nếu cắt tóc. Nhưng sự say mê một cô gái điếm tên Delilah, đồng thời là sự chủ quan, khiến cho nguy hiểm đã đến với ông. Samson bị người tình của mình phản bội, cô ta là người được các quan chức Philistine cử đến để dụ dỗ ông. Và thế là ông bị cắt tóc khi đang ngủ và bị giao nộp cho kẻ thù.


    Sau một thời gian sinh sống, lao động cật lực tại nơi giam cầm, tóc của Samson bắt đầu mọc lại. Thiên Chúa đã tỏ ân điển khi ông thừa nhận với Ngài rằng bản thân mình không thể tự làm mọi việc. Khi bị đưa vào đền thờ Dagon, Samson đã yêu cầu được tựa vào một cây cột đỡ. Ông cầu nguyện với Chúa và hồi phục sức mạnh một cách kỳ diệu. Samsom đánh gãy các cột trụ, làm sập ngôi đền, tiêu diệt toàn bộ người Philistine.


    Một số nhà thần học cho rằng sự yếu đuối của Samson không nằm ở việc ông bị cắt tóc, mà nằm ở tình yêu mù quáng dành cho Delilah. Cô ta đã lợi dụng sự chân thành của Samson để giúp dân tộc mình giành chiến thắng trước Israel. Nhưng cuối cùng, ông cũng đã chứng tỏ mình là người biết nhận ra lỗi lầm; lập công nhờ vào sự ăn năn cầu xin Đức Chúa Trời giúp sức. Mặc dù điều đó phải trả giá bằng mạng sống của chính bản thân.

    Người tình Deliah phản bội Samson khi ông đang ngủ say
    Người tình Deliah phản bội Samson khi ông đang ngủ say
    Samsom đánh gãy các cột trụ, làm sập ngôi đền, tiêu diệt toàn bộ người Philistine
    Samsom đánh gãy các cột trụ, làm sập ngôi đền, tiêu diệt toàn bộ người Philistine
  3. Thánh Peter là một trong mười hai vị tông đồ của Chúa Jesus, và là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên của giáo hội Thiên Chúa giáo sơ khai. Ông xuất hiện nhiều lần cũng như nổi bật trong cả bốn sách kinh Thánh. Truyền thống Công giáo và Chính Thống công nhận Peter là giám mục đầu tiên của Rome. Ông được mô tả là một người hướng ngoại, hòa đồng, minh bạch và nhiệt tình. Trong lần gặp gỡ đầu tiên với Chúa, Peter đã vâng theo lời Ngài, mặc dù lúc ấy Ngài là một người xa lạ đối với ông. Từ đó trở đi, Peter đi theo Chúa Jesus, đồng hành cùng Ngài, tiếp thu mọi lời dạy. Ông trở thành người lãnh đạo giữa các tông đồ, là trụ cột trong công tác truyền giáo.


    Tuy nhiên, Peter cũng đã từng phạm lỗi lầm trong cuộc đời của mình; lần ông chối bỏ Chúa Jesus được cho là sự kiện tồi tệ nhất. Ở thời điểm mà Ngài bị binh lính bắt đi, có một cô hầu gái đến gặp Peter tại sân trong. Cô ta nhận ra ông là bạn của Chúa, nhưng Peter đã sợ liên lụy mà phủ nhận. Sau đó, một cô gái khác nhìn thấy và nói: “Người đàn ông này đã ở cùng Chúa Jesus người Nazareth”, thì một lần nữa Peter lại chối bỏ điều đó. Lần thứ ba, một nhóm người ngoài cuộc đã nhận ra ông qua bài phát biểu của mình, Peter tiếp tục nói dối không quen biết Chúa Jesus. Trong khi trước đó, ông đã hứa với Ngài rằng đức tin của ông sẽ không bao giờ bị lung lay, nhưng tất cả lời nói của ông đã đi ngược lại. Peter cũng biết điều ấy là sai trái, nên đã đi ra khỏi nơi đó và khóc thảm thiết.


    Sau khi Chúa Jesus chịu đóng đinh trên thập giá rồi trở lại với sự phục sinh, Ngài đã mời các môn đệ dùng bữa sáng. Đó cũng là nơi Chúa hỏi Peter 3 lần rằng ông có yêu mến mình không. Peter đều đáp lại rằng ông yêu mến Chúa Jesus; và khi phạm lỗi lầm, ông cảm nghiệm được tình yêu, sự tha thứ, sự chữa lành cùng lòng thương xót của Ngài.


    Các nhà thờ cổ đại đều tôn kính tông đồ Peter như một vị Thánh lớn, vì ông là người sáng lập giáo hội Antioch cùng giáo hội của Rome. Mặc dù đã phạm lỗi lầm, nhưng Peter rõ ràng là một người tốt khi biết nhìn nhận để sửa đổi. Theo giáo huấn Công giáo, Chúa Jesus đã hứa cho Peter một vị trí đặc biệt trong giáo hội. Dựa trên dữ liệu lịch sử đương thời, triều đại Giáo Hoàng của Thánh Peter được ước tính kéo dài từ năm 30 sau công nguyên cho đến khi ông tử đạo tại Rome. Điều này khiến ông trở thành vị Giáo Hoàng trị vì lâu nhất.

    Thánh Peter
    Thánh Peter
    Thánh Peter được thiên thần giải cứu khi bị giam cầm
    Thánh Peter được thiên thần giải cứu khi bị giam cầm
  4. Thánh Paul còn có tên khác là Saul xứ Tarsus, ông là một tông đồ - người truyền bá giáo lý của Chúa Jesus ở thế kỷ thứ nhất. Vì những đóng góp của Paul cho Tân Ước, ông thường được xem là một trong những nhân vật quan trọng nhất của Thời Đại Tông Đồ. Paul cũng thành lập một số cộng đồng Kito giáo tại Tiểu Á và Châu Âu từ giữa những năm 40 đến giữa những năm 50 sau công nguyên.


    Theo kinh Thánh, ông xuất thân từ một gia đình Do Thái sùng đạo. Chính Paul cũng tự nhận mình là người thuộc dòng dõi Israel. Nhưng trước khi cải đạo ông đã từng sống như một người Pharisee (biệt phái), tham gia vào cuộc đàn áp các môn đồ đầu tiên của Chúa Jesus tại khu vực Jerusalem. Trong một lần, khi đang đi trên đường đến Damascus để tìm kiếm, bắt bớ các Cơ Đốc nhân thì bỗng xuất hiện một luồng ánh sáng vây quanh Paul khiến ông và những người đi cùng đều ngã xuống đất. Sau đó Paul nhận sự trừng phạt là bị mù đôi mắt. Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau thị lực của ông đã phục hồi bởi Ananias (người được Thiên Chúa phái đến để giúp đỡ Paul). Trải qua sự kiện ấy, ông bắt đầu cải đạo, được rửa tội, trở thành con người mới với đức tin kiên định của mình. Ông đã thực hiện ba chuyến hành trình để truyền bá Kito giáo đến các cộng đồng ở Tiểu Á, Hy Lạp, Judea và Syria.


    Mười bốn trong số hai mươi bảy quyển sách Tân Ước theo truyền thống được cho là của Thánh Paul. Ngày nay, các thư tín của ông tiếp tục là nguồn gốc quan trọng của thần học, thờ phượng và đời sống mục vụ trong các truyền thống Tin Lành của phương Tây, cũng như các truyền thống Công giáo cùng Chính Thống Đông Phương của phương Đông. Ảnh hưởng của Thánh Paul đối với tư tưởng Cơ Đốc giáo, được xem là sâu sắc đến mức lan rộng hơn so với nhiều sứ đồ và nhà truyền giáo khác có liên quan đến việc truyền bá đức tin. Trong cuộc đàn áp bởi vua Nero, ông bị bắt giam cùng với Thánh Peter. Sự tử đạo của Paul được cho là xảy ra sau trận đại hỏa hoạn tại Rome vào tháng 7 năm 64 sau công nguyên.

    Thánh Paul
    Thánh Paul
    Thánh Paul
    Thánh Paul
  5. Zacchaeus là một trong những nhân vật kinh Thánh bị ghét nhất trước khi cải đạo, ông thuộc nhóm thu thuế khét tiếng tại Jericho. Được biết đến chủ yếu với hình ảnh leo lên cây sung để nhìn thấy Chúa Jesus đi qua đó, và lòng quảng đại khi cho đi một nửa tất cả những gì ông có.


    Là hậu duệ của tổ phụ Abraham, Zacchaeus là tấm gương về sứ mệnh cá nhân trên trần thế. Những người thu thuế lúc bấy giờ thường bị xem là kẻ phản bội, vì làm việc cho đế chế La Mã mà không phải cho cộng đồng Do Thái của họ. Bởi việc sản xuất và xuất khẩu nhựa thơm sinh lợi tập trung ở Jericho, nên địa vị của Zacchaeus đã mang lại sự giàu có. Trong câu chuyện, ông đến trước đám đông - những người chuẩn bị sẽ gặp Chúa Jesus, vì Ngài đang đi ngang qua đó trên đường đến Jerusalem. Với vóc người khá thấp, Zacchaeus không thể nhìn thấy Ngài; vì thế, ông đã trèo lên một cây sung. Chúa Jesus nhìn lên gọi đích danh và bảo Zacchaeus hãy xuống, đồng thời Ngài ngỏ lời muốn đến thăm nhà ông. Đám đông đã bị sốc khi nghe điều đó; họ không hiểu vì sao Thiên Chúa lại muốn làm khách của một người họ cho là tội nhân. Lời giảng dạy của Chúa Jesus được Zacchaeus lắng nghe và đã chạm đến tấm lòng của ông. Không những Zacchaeus đồng ý trả lại đúng số tiền ông từng thu thuế người dân, mà còn là gấp bốn lần.


    Đức tin cùng sự cải đạo ấy đã thể hiện rằng lời Chúa có đủ sức mạnh để biến đổi con người khỏi tội lỗi, chỉ cần họ không cứng lòng. Trong giáo hội Chính Thống Đông Phương và Công giáo Hy Lạp, phúc âm tường thuật về Zacchaeus thường được đọc vào Chúa nhật áp chót của Mùa Tiền Chay trước khi bắt đầu Mùa Chay lớn. Vì lý do này, Chúa nhật đó được gọi là "Chúa nhật Zacchaeus". Đây là lễ kỷ niệm đầu tiên của một chu kỳ Vượt Qua mới. Còn trong Cơ Đốc giáo phương Tây, đoạn phúc âm liên quan đến Zacchaeus là bài đọc về lễ cung hiến nhà thờ hoặc ngày kỷ niệm của nhà thờ.

    Zacchaeus leo lên cây sung để được nhìn thấy Chúa Jesus đi qua
    Zacchaeus leo lên cây sung để được nhìn thấy Chúa Jesus đi qua
    Chúa Jesus gọi Zacchaeus hãy đi xuống và ngỏ ý muốn đến thăm nhà ông
    Chúa Jesus gọi Zacchaeus hãy đi xuống và ngỏ ý muốn đến thăm nhà ông
  6. Top 6

    Gideon

    Gideon là một nhà lãnh đạo quân sự, thẩm phán và là nhà tiên tri. Ông được biết đến rộng rãi khi chỉ cầm 300 quân nhưng vẫn chiến thắng trước người Midian - kẻ thù của Israel. Lịch sử kinh Thánh xếp Gideon đứng đầu trong số các thẩm phán của Israel. Đức Chúa Trời đã nhìn thấy sự thành tín của ông khi ông tiêu diệt các thần tượng Baal mà cha và cả dân tộc ông thờ phượng - hành động này khiến Gideon được ưu ái trước mặt Chúa.


    Vì Ngài đã chọn Gideon - một người đến từ bộ tộc Manasseh, để giải phóng dân Ngài đồng thời lên án việc thờ thần tượng của họ. Nên thiên thần của Chúa đã đến trong hình ảnh người lữ khách, ngồi dưới bóng râm nghỉ ngơi để bắt chuyện với Gideon. Tuy nhiên nỗi sợ hãi khiến ông nghi ngờ Ngài và yêu cầu phải có một số dấu hiệu hữu hình thì mới có được can đảm để tiếp tục. Sau khi chứng kiến 3 phép lạ xảy ra, Gideon mới bắt đầu nghe theo Chúa. Ông phá hủy bàn thờ Baal của thị trấn cùng biểu tượng nữ thần Asherah bên cạnh. Tiếp theo, ông lập kế hoạch rồi tập hợp 300 người đàn ông dũng cảm nhất còn lại trong số 22.000 người ban đầu, chỉ huy tấn công và truy đuổi quân Midian. Sau chiến công vang dội, người Israel mời Gideon trở thành vua của họ, nhưng ông thẳng thắn từ chối rằng chỉ có Thiên Chúa mới thật sự là người cai trị họ.


    Cuộc đời của Gideon là mẫu mực cho người chọn phụng sự Thiên Chúa bất chấp, với niềm tin vững vàng. Gideon còn nhắc nhở mọi người hãy hướng mọi sự tôn vinh về một mình Thiên Chúa mà thôi. Ông thể hiện sự khiêm nhường nổi bật khi thừa nhận Ngài là Đấng chiến thắng thực sự. Hành động này hoàn toàn trái ngược với các nhân vật khác trong kinh Thánh như Samson hay vua Solomon; vì họ đã chiếm đoạt công lao về mình.

    Gideon lãnh đạo 300 quân trong trận chiến trước người Midian
    Gideon lãnh đạo 300 quân trong trận chiến trước người Midian
    Gideon cùng 300 quân của mình
    Gideon cùng 300 quân của mình
  7. Hezekiah là vị vua thứ 13 của Judah theo kinh Thánh, và là con trai của vị vua độc ác sùng bái thần tượng tên là Ahaz. Ngược lại với những người tiền nhiệm, ông là người được ơn kêu gọi tuân theo lời Chúa thông qua tiên tri Isaiah. Hezekiah đã ban hành những cải cách tôn giáo sâu rộng, bao gồm quy định nghiêm ngặt về việc thờ phượng duy nhất Đức Chúa Trời, đồng thời cấm việc tôn kính các vị thần khác. Ông thanh tẩy nhà Chúa bằng việc khôi phục lại đền thờ tại Jerusalem, xóa bỏ mọi dấu vết của tà giáo cùng việc thờ tượng thần, cải tổ chức tư tế. Chính vì thế, Hezekiah được xem là một vị vua chính trực, và cũng là một trong những vị vua nổi bật nhất của Judas được nhắc đến trong kinh Thánh. Theo tường thuật, ông lên ngôi ở tuổi 25, trị vì trong 29 năm.


    Trong nỗ lực xóa bỏ việc thờ thần tượng khỏi vương quốc, Hezekiah đã phá hủy một số nơi. Khi phải đối mặt với cuộc xâm lược bên phía vua Sennacherib của Assyria; Hezekiah đã không dựa vào sự hỗ trợ từ Ai Cập mà ông chỉ dựa vào Thiên Chúa và cầu nguyện xin Ngài cứu giúp. Ông cống nạp cho Sennacherib ba trăm ta lâng bạc cùng ba mươi vàng; nhưng ngay cả sau khi thanh toán xong, Sennacherib vẫn tiếp tục cho quân lính tấn công thành phố. Tuy nhiên, vì đoán biết trước rằng Jerusalem sẽ bị bao vây, nên Hezekiah đã chuẩn bị từ lâu việc củng cố các bức tường, xây dựng các tháp cùng một đường hầm dẫn nước ngọt vào thành phố từ một con suối bên ngoài. Việc cố thủ thành công, và người Assirya không thể xâm nhập được. Trong một đêm, Chúa đã phái thiên thần tiêu diệt 185.000 quân lính, đuổi Sennacherib trở về cùng nỗi hổ thẹn với quê hương mình; khó có thể ngờ rằng họ lại thất bại như vậy.


    Về sau, Hezekiah lâm bệnh nặng, ông cầu nguyện xin Đức Chúa Trời kéo dài mạng sống cho mình. Ngài đã chữa lành cho vị vua trung thành này. Nhiều đại sứ khác nhau bèn tìm đến chúc mừng sự hồi phục của ông, trong số đó có cả Merodach Baladan - con trai vua Babylon. Thật không may, Hezekiah đã sớm quên đi sự chữa lành kỳ diệu từ Thiên Chúa. Thay vào đó, ông kiêu hãnh và ngạo mạn, chọn cách phô trương tài sản trước các quan chức nước ngoài. Hành động này đã khiến ông trở nên không hề đẹp lòng Chúa. Hezekiah sống thêm được 15 năm sau lời cầu nguyện xin khỏi bệnh khi xưa. Con trai Manasseh là người kế vị của ông, lên ngôi khi mới 12 tuổi.


    Trong phần lớn cuộc đời, Hezekiah là tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời, là người có công trong việc kết nối dân Israel với Đấng Tối Cao. Đồng thời, câu chuyện của ông cũng nhắc nhở các Cơ Đốc nhân rằng “không có sự việc nào không thể giải quyết được bằng lời cầu nguyện”. Vì vậy, lời cầu nguyện của Hezekiah vẫn được sử dụng rộng rãi trong các bài giảng như một ví dụ về việc con người nên nghiêm túc thực hành đức tin như thế nào.

    Hezekiah và tiên tri Isaiah
    Hezekiah và tiên tri Isaiah
    Hezekiah đối mặt với cuộc xâm lược bởi vua Sennacherib của Assyria
    Hezekiah đối mặt với cuộc xâm lược bởi vua Sennacherib của Assyria
  8. Nicodemus là một người Pharisee (biệt phái) và là thành viên của hội đồng cai trị Do Thái. Tuy nhiên, bản thân ông lại khao khát lẽ thật, với mong muốn được đến với Chúa Jesus để tìm hiểu thêm về Ngài. Mặc dù ban đầu có đôi chút sự hoài nghi, nhưng cuối cùng Nicodemus đã đặt niềm tin vào Chúa, trở thành một trong những môn đồ nhiệt thành nhất của Ngài.


    Ông được nhắc tới trong kinh Thánh lần đầu tiên khi đến gặp Chúa Jesus vào một đêm nọ, để nghe những lời dạy từ Ngài. Tiếp theo trong chương 7, Nicodemus đã khuyên các đồng nghiệp của mình là những thầy tế lễ cùng những người biệt phái trong Toà Công Luận rằng: “hãy lắng nghe và điều tra trước khi đưa ra phán quyết liên quan đến Chúa Jesus, bởi vì luật Do Thái yêu cầu một người phải được xét xử trước khi họ có thể bị kết án”. Thế nhưng, họ lại phản ứng một cách chế giễu, tỏ ra không tin có nhà tiên tri nào đến từ Galile. Cuối cùng, Nicodemus xuất hiện sau khi Chúa bị đóng đinh, để mang những thứ cần thiết gồm hỗn hợp mộc dược và lô hội cho việc xức dầu người qua đời, đồng thời hỗ trợ Thánh Joseph chuẩn bị chôn cất. Trong một quyển sách có tựa đề “Jesus của Nazareth” từng đề cập đến số lượng dầu thơm mà Nicodemus mang đến khá đặc biệt, cũng như vượt quá tỉ lệ thông thường, trông giống của một lễ chôn cất hoàng gia. Điều đó cho thấy rằng lòng sùng kính của ông dành cho Chúa Jesus rất to lớn.


    Nicodemus đã trở thành đối tượng của nhiều truyền thuyết sùng đạo khác nhau trong thời Trung cổ. Ông được tôn kính như một vị Thánh Công giáo và giáo hội Chính Thống Đông Phương. Người ta cho rằng thánh tích của Nicodemus được tìm thấy vào ngày 2 tháng 8, cùng với thánh tích của Thánh Stephen.

    Nicodemus đến gặp Chúa Jesus vào một đêm nọ và lắng nghe lời dạy của Ngài
    Nicodemus đến gặp Chúa Jesus vào một đêm nọ và lắng nghe lời dạy của Ngài
    Nicodemus đến gặp Chúa Jesus vào một đêm nọ và lắng nghe lời dạy của Ngài
    Nicodemus đến gặp Chúa Jesus vào một đêm nọ và lắng nghe lời dạy của Ngài



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy