Top 9 Thương hiệu bánh đa được ưa chuộng nhất ở nước ta

Mai Tuyet Nguyen 3099 0 Báo lỗi

Bánh đa hay bánh tráng là món ăn dân dã mà quen thuộc với mỗi chúng ta. Nhờ có hương vị đặc trưng mà bánh đa đã trở thành một nét văn hóa trong ẩm thực người ... xem thêm...

  1. Bánh đa cua Hải Phòng từ lâu đã trở thành món ăn dân dã và quen thuộc với người dân đất Cảng. Nhờ có hương vị đặc biệt riêng của mình mà Bánh Đa Cua Hải Phòng đã trở thành thành nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của thành phố biển. Bát bánh đa cua Hải Phòng có sự khác biệt hơn hẳn bởi sợi bánh to, dai dai, mềm mềm và có màu óng đỏ do người dân thôn Kinh Giao, xã Tân Tiến, huyện An Dương sản xuất.

    • Để có những sợi bánh đặc biệt này, người dân làng nghề Kinh Giao đã sử dụng loại gạo có độ nở tốt, hạt trắng và có mùi thơm tự nhiên. Gạo sẽ được ngâm cho mềm và trắng tinh rồi mới cho vào cối xay cùng với nước đổ vào từ từ để tạo thành bột sánh mịn. Bánh đa Kinh Dao được tạo màu đỏ bằng đường mía cô đặc nên sợi bánh mói được óng mượt, tạo mùi thơm tự nhiên và giữ được màu khi nấu.
    • Du khách đến với Kinh Giao không còn thấy những nồi tráng bằng tay mà thay vào đó là máy tráng dài chừng hai phiên khép lại. Tuy vậy, người thợ vẫn đóng vai trò quan trọng trong khâu chỉnh lửa và điều tiết lượng bột trong suốt quá trình tráng để đảm bảo bánh mềm mà vẫn dai. Bạn sẽ thấy đôi bàn tay thoăn thoắt đưa phiên vào đón bánh, phối hợp nhịp nhàng với người rút phiên đem bánh đi phơi.
    • Dưới mái ngói bện đen khói bếp, hơi nóng của bánh, của nước bốc lên nghi ngút, bảng lảng xiên qua những tia sáng rọi chéo từ ô cửa thoáng, tạo nên màn sương bạc mờ mờ, ảo ảo. Thỉnh thoảng, màn sương ấy ánh hồng lên rực rỡ khi tia lửa đỏ hắt ra từ cửa bếp lò mở để thay than. Quanh khu bếp hẹp chừng 10 m2 nhưng lúc nào cũng tràn ngập không khí lao động khẩn trương và không ngớt tiếng cười nói rộn ràng với những câu chuyện kể.
    • Theo nhịp quay vòng của băng vải, từng phiên bánh tráng nóng hổi xếp chồng lên xe đẩy, cao quá đầu người, được những chàng trai khỏe mạnh đem phơi từ trong sân ra ngoài ngõ. Chỉ trong thoáng chốc, những phên bột còn bốc hơi đã phủ kín đầu thôn, cuối xóm. Đâu đâu cũng thấy những dải trắng, đỏ, tỏa hương thơm quen thuộc của gạo lúa đồng làng.Tưởng chừng như đơn giản nhưng chỉ cần quá nắng là bánh có thể khô và gãy. Bởi thế người thợ phải canh giờ, canh nắng để thu phên. Bánh khô đủ độ được trải ra trước sân nhà, cứ hai người một lột bánh khỏi phên. Mỏng manh là thế nhưng dai, màu đều nên bánh tráng phơi xong chẳng khác nào dải lụa.“Tấm lụa mỏng” được chia đôi rồi chạy qua máy cắt thành từng sợi dài, đều tăm tắp, làm gợi nhớ đến hình ảnh người thợ đang quay tơ nhả sợi. Bánh cắt xong được gọi là bánh ướt, bánh tươi, bán ngay cho Hải Phòng và các vùng lân cận. Với các tỉnh thành xa, bánh phơi thêm nắng nữa để khô và giữ được lâu hơn.Cứ như vậy, những sợi bánh đa đỏ của vùng quê Tân Tiến hàng bao năm qua đã góp vị cho những bát bánh đa cua Hải Phòng và nhiều nơi trong cả nước.

    Là một, trong hai làng nghề của huyện An Dương được cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu làng nghề vào năm 2016. Hiện làng nghề có gần 40 cơ sở với 93 hộ tham gia sản xuất.

    Từ khi được cấp nhãn hiệu tập thể, uy tín sản phẩm bánh đa Kinh Giao đã được nâng cao trên thị trường, trở thành sản phẩm được người tiêu dùng vô cùng ưa chuộng và đặt mua. Do đó sản lượng bánh đa bán ra mỗi ngày tăng lên từ 15 – 20 tạ mỗi ngày so với trước đây. Nhờ vậy mà đời sống người dân địa phương nơi đây cũng được cải thiện rõ rệt, người lao động có thêm việc làm với mức tiền công từ 200 – 300 nghìn đồng mỗi ngày, không khí sản xuất tại làng nghề tất bật. Trên những ngả đường vào làng, khu đất trống...rợp một màu trắng, màu nâu của những phên bánh đa được phơi đón nắng.

    Bánh đa Kinh Dao
    Bánh đa Kinh Dao

  2. Có dịp về thành phố Hải Dương, ghé thăm làng nghề Lộ Cương, dù bất cứ mùa nào trong năm, chỉ trừ những ngày mưa, còn lại nếu vào các buổi sáng chúng ta sẽ bắt gặp khung cảnh vô cùng đặc biệt của những phên bánh đa vừa ra lò còn nóng hổi. Cả một vùng rộng lớn ở đây được bao phủ bởi những mảng màu trắng, cùng nhiều màu sắc khác đan xen, tạo nên một bức tranh bình yên, no ấm và giàu truyền thống văn hoá. Khi những tia nắng của một ngày mới còn le lói phía chân trời xa thì những phên bánh đa vừa được tráng xong, đưa ra khỏi lò vẫn còn nghi ngút khói, được mọi người vác, bưng, bê và chở bằng xe ra phơi trắng cả những con đường, ngõ xóm.

    • Nghề làm bánh đa xuất hiện ở làng Lộ Cương, phường Tứ Minh (TP Hải Dương) từ những năm 60. Nhưng đến năm 1990 mới thực sự phát triển mạnh, thu hút đông đảo người dân tham gia sản xuất.
    • Tháng 3-2006, Lộ Cương chính thức được công nhận là làng nghề. Hiện nay, làng có khoảng 400 hộ làm nghề chiếm 90% số hộ trong làng, mỗi ngày sản xuất khoảng 35 tấn bánh đa các loại.Trước kia, người dân chủ yếu làm bánh đa bằng tay, bột được xay bằng cối thủ công, tráng thủ công trên nồi đồng đun củi nhưng những năm gần đây đã được thay thế bằng máy tráng, máy cắt… nên cũng phần nào giúp cho người làm bánh đa đỡ vất vả hơn trước và năng suất lao động cũng được tăng theo. Sáng sớm những phên bánh đa được mang ra phơi trên mọi nẻo đường, ngõ xóm trong làng. Công đoạn phơi bánh là khó khăn và vất vả nhất vì phải phụ thuộc thời tiết như nhiệt độ, nắng, độ ẩm không khí, nếu không cẩn thận, bánh sẽ bị nứt, phải bỏ đi. Nếu trời nắng nhẹ, bánh được phơi khoảng từ 2-3 tiếng. Nếu trời nắng to thì chỉ phơi nắng chừng 2 tiếng là được. Vì thế, khi phơi bánh, cần có kinh nghiệm về nhiệt độ, độ ẩm và phải tập trung cao, nếu không mẻ bánh sẽ bỏ đi, không bán được. Bánh đa phơi xong được đem đi cắt, và sau đó sẽ tiếp tục mang phơi từ 2-3 tiếng để bánh khô hẳn và cuối cùng là thành phẩm. Mỗi ngày, mỗi hộ làm bánh đa trong làng sản xuất được từ 1 -1,5 tạ bánh đa thành phẩm các loại. Muốn bánh ngon phải đảm bảo được các yếu tố cơ bản như: gạo phải chuẩn, bột mịn tơ (mịn hơn cả bột làm bánh trôi), nhiệt độ cao. Người làm bánh đòi hỏi phải có một thái độ làm việc cẩn thận, tỷ mỷ.
    • Mỗi ngày, làng nghề bánh đa Lộ Cương cho ra lò khoảng 60 tấn bánh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của dân thành phố và ngoài huyện, ngoài tỉnh. Bánh đa Lộ Cương có mặt ở khắp các cửa hàng, cửa hiệu, các quán phở trên TP. Hải Dương, sang Hưng Yên, lên Hà Nội rồi xuất cả vào miền Nam. Bánh đa Lộ Cương được nhiều người tin tưởng, bởi là thứ bánh không dùng hóa chất, không hàn the, phẩm màu. Làng nghề bánh đa đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân nơi đây. Mỗi hộ gia đình làm nghề có thu nhập trung bình từ 7 - 10 triệu đồng/tháng.

    Điều mà người dân Lộ Cương mong muốn là xây dựng thương hiệu bánh đa quê hương mình vươn xa hơn nữa và mang đậm bản sắc làng quê Việt.

    Bánh đa Lộ Cương
    Bánh đa Lộ Cương
  3. Bánh đa Kế là một món ăn bình dị, dân dã, chứa đựng trong đó bao hương vị, đậm đà quê Bắc Giang. Những chiếc bánh đa với hình yên ngựa vàng bóng, vị thơm, béo của vừng đen, vị bùi bùi của lạc, vị thơm nhè nhẹ của gạo hòa lẫn với khoai lang, vị đậm đà của muối tinh... đã trở thành món quà không thể thiếu đối với du khách.

    • Nhìn thoáng qua quy trình làm bánh thì thấy thật đơn giản nhưng không phải vậy. Để làm được những chiếc bánh ngon và đẹp mắt người dân trong làng Kế phải thức dậy lúc 3 giờ sáng, chuẩn bị gạo, tráng, nướng và phơi bánh. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mẩn. Đầu tiên là khâu chuẩn bị nguyên liệu, nguyên liệu chính để làm bánh đa Kế là loại gạo ngon, để lâu ngày, khi ấy nhựa gạo chuyển hoá thành một dạng thức khác, cô đọng và hoà tan vào những hạt gạo trắng trong. Người ta vo gạo rất nhẹ nhàng, làm sao cho vừa sạch lại vừa bảo đảm những bụi cám vẫn còn dính trên hạt gạo ấy. Sau đó đem gạo ngâm với nước, vớt ra để cho ráo nước rồi cho vào máy xay, tạo ra thứ bột mịn và trắng muốt. Sau khi chuẩn bị xong nguyên liệu, bột được đem tráng để thành hình hài chiếc bánh. Tuy tráng bánh đa có nhiều điểm tương đồng với tráng bánh cuốn nhưng đòi hỏi kỹ thuật cao hơn của người thợ lành nghề. Là loại bánh dùng để nướng nên khi tráng phải dày hơn. Bánh được tráng hai lần, sau khi lớp một chín nhưng vẫn còn ướt, lớp hai được trải đều ngay trên lớp một, tuy nhẹ tay nhưng đều và phẳng.
      Trước khi đem phơi bánh đa, người ta rắc một lượt vừng đen cùng lạc sống giã giập lên trên. Kỹ thuật rắc vừng, lạc cũng đòi hỏi sự chuyên nghiệp, khi rắc người làm lấy tay nhúm lấy những hạt vừng rồi rắc đều lên trên mặt bánh đa, tập trung dày đặc nhất ở tâm bánh. Bên cạnh đó, có gia đình cho lạc giã giập hòa cùng bột nước đem tráng lên khuôn. Khi phơi bánh đa, người làng Kế đặt lên trên những tấm phên đan bằng nứa, phên phải phẳng phiu, kích thước không được nhỏ hơn bánh đa khi mang từ khuôn ra. Khi bánh se mặt và vẫn còn dẻo, phải kịp thời gỡ bánh cho khỏi dính vào phên, tránh bị vỡ, hoặc thủng, rồi mới lật bánh sang mặt bên kia và phơi tiếp cho đến khô. Khi khô bánh được bảo quản rất cẩn thận.Khâu khó nhất của chiếc bánh đa Kế chính là khâu quạt bánh.“Than để nướng bao giờ cũng phải là thứ than củi. Kỹ thuật nướng cũng đòi hỏi sự khéo léo. Không được quạt mạnh quá, than bốc lửa, bánh dễ cháy mà không chín. Đặc biệt, phải quạt đều tay, than đượm - “chín âm”. Những chiếc bánh sống qua đôi bàn tay khéo léo của người con gái làng Kế thoáng chốc phồng lên, giãn nở đều, chín rộp dần dần và cong lên khum khum như hình yên ngựa, từ từ chuyển sang màu vàng ruộm, vừng chín thơm lừng.
    • Bánh đa Kế là món dễ ăn, vị nhạt, có thể dùng với rất nhiều loại gia vị tùy theo sở thích như tương ớt, xì dầu, muối chanh ớt, ăn cùng với thịt chim câu băm nhỏ rang răm. Cắn một miếng bánh đa và nhâm nhi chén nước trà xanh, chắc chắn bạn sẽ được trở về không gian miền quê với hình ảnh những phiên chợ quê vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ.
    • Gọi là bánh đa Kế bởi món bánh này được làm ở làng Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang. Xưa kia, bánh đa Kế chỉ là món ăn dân dã ở vùng thôn quê. Ngày nay, bánh đa Kế xuất hiện cả trên những bàn tiệc sang trọng, những nhà hàng cao cấp.

    Bánh đa Kế là một trong những sản phẩm làng nghề tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang đã được chọn mang đi giới thiệu, triển lãm ở nhiều địa phương trong cả nước. Dưới bàn tay của người nghệ nhân Dĩnh Kế, món bánh đa tưởng chừng khô khốc ấy lại trở nên giòn tan, ngon khó lẫn vào đâu được. Ai đã từng được thưởng thức loại bánh đặc sản này, dù chỉ một lần là nhớ mãi bởi nó có một sức cuốn hút kỳ lạ.

    Bánh đa Kế
    Bánh đa Kế
    Cắn một miếng bánh đa và nhâm nhi chén nước trà xanh, chắc chắn bạn sẽ được trở về không gian miền quê với hình ảnh những phiên chợ quê vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ.
    Cắn một miếng bánh đa và nhâm nhi chén nước trà xanh, chắc chắn bạn sẽ được trở về không gian miền quê với hình ảnh những phiên chợ quê vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ.
  4. Hải Dương có nhiều nơi làm bánh đa, nhưng chỉ có Kẻ Sặt mới có thể làm ra những chiếc bánh đa gấc trứ danh, trở thành đặc sản độc đáo giống như món bánh đậu xanh của vùng đất này.

    • Những chiếc bánh đa có màu đỏ của gấc, vị bùi của lạc, vừng, dừa và mùi thơm của gừng tươi và hương gạo mới. Khác với những loại bánh đa khác, bánh đa gấc Kẻ Sặt được cuộn tròn thành từng cuộn, nổi tiếng thơm ngon của xã Tráng Liệt, huyện Bình Giang, Hải Dương.
    • Nguyên liệu làm bánh gồm có gạo, đường, có thêm vừng, lạc và dừa thái mỏng và thêm hương vị của gừng tươi. Ngày nay người ta còn có thêm cả gấc để tạo màu đỏ hấp dẫn và lạ mắt cho chiếc bánh. Để làm nên chiếc bánh đa đặc sản Hải Dương này, người dân nơi đây phải vô cùng khéo léo từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu chế biến. Gạo làm cần đạt yêu cầu ngọt, tới và nhiều bột. Vừng cũng phải chọn loại vừng tốt, loại vừng tấm thơm bùi là tốt nhất. Lạc được chọn phải là loại lạc già, nhân to, mẩy để dễ thái mỏng. Dừa phải chọn loại dừa già, cùi dày thì bánh mới thơm và bùi. Công đoạn làm bánh cũng khá phức tạp. Ngâm gạo trong nước sạch khoảng từ 1 đến 2 tiếng. Sau đó, vớt lên để ráo và cho vào cối xay. Những gia đình làm bánh lâu năm đều có cối xay bột bằng đá và xay thủ công - một trong những yếu tố chính làm nên món bánh đa đặc sản nơi đây đấy. Trong quá trình xay gạo, vừa xay vừa đổ nước vào để bột có nồng độ vừa phải, không loãng cũng không quá đặc để vắt lọc bằng vải. Đường được đun chảy và hòa với bột theo tỷ lệ nhất định để vị bánh ngọt vừa ăn.Gừng cũng vậy, giã nhỏ để vị gừng ngấm vào nước rồi hòa vào cùng bột để khi ăn, không cắn phải miếng gừng cay mà vẫn luôn cảm thấy vị cay tê tê của gừng ở đầu lưỡi. Vừng đem ngâm, xát bỏ vỏ; lạc sống được thái thật mỏng, sau đó say bỏ vỏ. Dừa thái mỏng thành từng sợi. Lạc và dừa cắt lát càng mỏng càng ngon. Khi đã có đầy đủ nguyên liệu được chế biển tỉ mì như trên, việc tráng bánh được tiến hành. Cho vào nồi khoảng 2/3 nước so với dung tích nồi, đun đều lửa và giữ ổn định trong suốt quá trình tráng bánh. Khi nước sôi để khuôn lên miệng nồi múc một muôi bột đổ lên khuôn, dùng muôi dàn đều trên mặt khuôn (công đoạn này cũng giống như tráng bánh cuốn). Bánh đa Kẻ Sặt, đặc biệt hơn bởi được tráng 2 lần. Lần thứ nhất rắc đều vừng, lạc, dừa lên mặt bánh. Sau đó tiếp tục múc một muỗng bột nữa đổ lên trên láng đều kín hết nhân, đậy vung lại khoảng 1-2 phút mở vung ra, lúc này bánh đã chín, dùng ống nứa dài 40-50cm có đường kính 7-8cm đặt vào mép bánh đa, để bánh dính vào ống nứa sau đó từ từ năn tròn vào ống nứa, đưa ống nứa đặt vào phên, lăn ống nứa ngược chiều khi cuộn bánh, chiếc bánh đa trải đều trên phên. Phên nứa dùng để phơi bánh được đặt ra ngoài nắng; khi ướt bánh dính vào phên, lúc khô bong ra. Khi bánh khô thu bánh quay vào cót để theo từng chồng.
    • Để tiện cho khách mua, người làm bánh hơ qua lửa để bánh chín. Khi tráng và phơi xong, bánh có hình tròn. Tuy nhiên, khi quạt chín, bánh còn mềm và dẻo, người làm đã cắt bánh làm đôi theo hình bán nguyệt và cuộn tròn lại theo hình ống để tránh bánh bị vỡ vụn khi vận chuyển.
    • Trước kia, món bánh đa gia truyền này có màu vàng óng, nhưng ngày nay, hầu hết những hộ làm bánh hiện tại (chỉ còn rất ít hộ làm) cho thêm màu đỏ của gấc để bánh có màu hấp dẫn hơn chính vì vậy cái tên bánh đa Kẻ Sặt có cái tên mới là bánh đa gấc Kẻ Sặt. Khi ăn, chính vị bùi và béo của lạc vừng lẫn dừa, cùng vị cay đặc trưng của gừng khiến chiếc bánh đa gấc Kẻ Sặt đặc biệt hơn những loại bánh đa thông thường luôn gây cảm giác khô.
    bánh đa Kẻ Sặt
    bánh đa Kẻ Sặt
  5. Ngoài cá kho làng Vũ Đại, chuối ngự Đại Hoàng.... thì Hà Nam còn có món Bánh đa Phúc- nét đẹp văn hóa của vùng quê núi Đọi Sông Châu. Đây là món bánh ngon nổi tiếng có từ cách đây hơn 100 năm.

    • Làng Phúc Hạ (xã Hợp Lý- Huyện Lý Nhân- Tỉnh Hà Nam) nằm bên con sông Châu Giang- một nhánh nhỏ của sông Hồng với những ruộng lúa ngô bốn mùa xanh tốt. Đường vào làng không lớn nhưng được lát bê tông sạch đẹp, nhà cửa hai bên khanh trang. Làng nổi tiếng với nghề làm bánh đa cổ truyền có từ cách đây hơn 100 năm.
    • Để có được một cân bánh đa thành phẩm, người thợ làm bánh phải vất vả từ sáng sớm cho tới tận nửa khuya, có khi không kịp ăn cơm vì phải vội làm để phơi cho kịp nắng. Gạo làm bánh phải là loại gạo khang dân phơi sao cho thật vừa nắng, không bị sạn, bị đớn. Người ta cho gạo vào ngâm, sau đó đem ra say thành một thứ bột có độ quánh vừa phải. Bánh có ngon, dai và mềm không phụ thuộc rất nhiều vào công đoạn làm bột. Thường thì trước khi say bột người ta thường thêm vào một lượng vừa phải cơm nguội để cho bột nhuyễn và quánh . Ngoài ra, tỉ kệ nước và bột sao cho thật vừa vặn cũng là bí quyết riêng của người làm bánh. Nước để pha bột cũng phả là nước mưa được chứa trong những bể lớn hoặc là nước lấy từ ao đất trong làng. Nếu nước làm bánh không sạch thì sợi bánh sẽ bị đục hoặc vàng, mất đi hương vị thơm ngon đặc biệt.Sau công đoạn làm bột là đến công đoạn tráng bánh, phơi bánh, cán, cắt rồi lại phơi bánh thêm lần nữa. Công đoạn nào cũng đòi hỏi ở người thợ sự cẩn thận, chỉn chu, sạch sẽ. Riêng việc phơi bánh thôi cũng thật cầu kì. Sau khi phơi nắng vừa đủ khô, người ta đem bánh đa đó ủ vào trong chiếu cói cho sợi bánh vừa khô nhưng không bị giòn, dễ gãy, sau đó mới đem ra bó thành từng bó. Rồi chỉ sáng ngày mai thôi, bánh đa ấy đã có mặt trong phiên chợ Phúc, rồi theo những chuyến xe đi khắp nơi, là món quà dân dã và đáng quý của những người quê đem sang vùng khác.
    • Bây giờ, người ta đã sáng chế ra được máy làm bánh vừa nhanh cho sản phẩm, vừa bớt mệt nhọc nhưng cái thứ máy móc ấy chẳng thể thay thế được tay người. Sợi bánh có mùi dầu khét lẹt, lại bị cứng do bánh không được tráng bằng nồi hấp. Thế nên dân làng Phúc Hạ vẫn giữ nguyên lối làm bánh cổ truyền và chính điều này đã làm nên đặc trưng khó tả của bánh đa Phúc Hạ.
    bánh đa Phúc Hạ.
    bánh đa Phúc Hạ.
  6. Bánh đa - món ăn dân dã có ở khắp Việt Nam. Nếu như bánh đa miền Bắc có kích thước khá lớn, thơm bùi vị lạc, vừng thì bánh đa miền Trung chỉ bé vừa chiếc đĩa, nhưng khi ăn có đủ tứ vị chua, cay, mặn, ngọt nhờ gia vị được thêm vào với bột xay từ loại gạo mới trong quá trình làm bánh. Nhắc đến bánh đa miền Trung là nhớ ngay đến bánh đa Đô Lương của Xứ Nghệ. Suốt cả vùng Nghệ Tĩnh, người dân đã có thói quen sử dụng và rất ưa chuộng món ăn bình dân này.

    • Chiếc bánh nhỏ nhắn, có đường kính khoảng 20 cm, bên trên rắc nhiều vừng đen nên khi ăn rất bùi và thơm. Người làm bánh đã khéo léo đem tỏi, ớt, hạt tiêu... giã nhuyễn, trộn đều với bột gạo (loại gạo hảo hạng của địa phương), tạo nên vị cay nồng, đậm đà, vô cùng hấp dẫn.
    • Ở Đô Lương, người dân thường nướng bánh đa bằng than hoa hoặc chiên với dầu ăn, mỡ để tạo nên chiếc bánh mỏng, nhẹ, giòn. Bánh đa chiên có vị ngậy, béo và mặc dù có sẵn vị cay nồng nhưng người ăn vẫn thường thêm tương ớt, nước mắm ớt... để tăng thêm phần thú vị khi thưởng thức.
    • Để làm ra chiếc bánh đa đặc sắc đúng hương vị quê hương phải dụng công rất nhiều. Đầu tiên, gạo phải ngâm một đêm, sau đó nghiền nhỏ thành bột. Bột gạo pha với nước vừa đủ, tạo nên độ sền sệt đủ để tráng một lớp lên chiếc vỉ làm từ vải, bên dưới đặt một nồi nước sôi. Vừng đen rửa sạch, ráo nước, rắc đều lên cả hai mặt bánh. Tỏi, ớt, tiêu, bột ngọt được thêm vào ở giai đoạn nào, rắc ra sao để vẫn giữ được mùi thơm tươi ngon ban đầu của gia vị là bí quyết riêng của từng lò bánh.
    • Bánh đa Đô Lương là món quà dễ ăn, tiện lợi. Đi khắp các con phố, từ bàn tiệc sang trọng cho đến quán bia hơi vỉa hè, đâu đâu cũng thấy để sẵn một chục bánh đa. Việc này khiến tôi liên tưởng đến bát dưa góp lúc nào cũng có sẵn trên bàn ở miền Bắc.
    Bánh đa Đô Lương nhỏ nhắn, có thể ăn chơi, ăn riêng, chấm với các loại nước xốt, ăn kèm với lươn cay, bánh mướt, bánh bèo, ốc niêu... và chắc hẳn khoái nhất là “cánh mày râu” trên bàn nhậu. Ăn một miếng bánh giòn tan, uống một ngụm bia mát lạnh đã thấy cả buổi chiều thật sảng khoái.


    Bánh đa Đô Lươn
    Bánh đa Đô Lươn
  7. Tây Ninh là vùng đất phía tây nằm ngay biên giới Việt Nam-Campuchia. Nơi ấy không những nổi tiếng với núi Bà Đen tâm linh, siêu thị miễn thuế siêu rẻ mà còn nổi tiếng với món đặc sản bình dị, nghe đến tên thực khách đã kịp chép miệng xuýt xoa - Bánh tráng Tây Ninh.

    • Bánh tráng Tây Ninh đã trở thành thương hiệu có tiếng trên cả nước, đặc biệt là đối với các bạn sinh viên - tín đồ của món bánh tráng trộn, bánh tráng me...Bánh tráng Tây Ninh cũng thật phong phú với nhiều chủng loại và công dụng khác nhau, vừa có thể là món ăn chơi, cũng có thể là món ăn no xuất hiện thường xuyên trong mâm cơm và đời sống của người dân Việt.
    • Lúc đầu khi bánh tráng được mang tới đây từ miền Trung, tuy nhiên người Tây Ninh đã biết biến tấu làm cho chiếc bánh tráng ngon hơn, mềm hơn. Sau dần, chính người Tây Ninh cũng đã tự làm ra chiếc bánh tráng phơi sương mang hương vị của riêng vùng đất này và giờ thì thương hiệu bánh tráng Tây Ninh đã nổi tiếng khắp nơi.
    • Bánh tráng Tây Ninh được làm ra từ gạo xay hoặc bột mì xay. Ngay từ bước đầu tiên chọn nguyên liệu cũng được chú ý, cẩn thận để chọn ra loại tốt nhất mới có thể làm ra chiếc bánh ngon. Sau đó bột đã xay được đem đi tráng mỏng thành bánh, phơi khô. Bánh tráng sau khi đã phơi khô sẽ lại được phơi sương sớm thêm một lần nữa cho tới khi mềm ra thì mới thành bánh tráng phơi sương hoàn chỉnh. Chiếc bánh tráng nhỏ nhìn tưởng đơn giản nhưng để làm ra thì cần biết bao công sức, thời gian và tâm huyết của người làm.

    Hàng chục loại bánh tráng được trộn theo các kiểu khác nhau đã khiến bánh tráng trộn Tây Ninh trở thành thương hiệu ẩm thực của vùng đất này.

    Bánh tráng Tây Ninh
    Bánh tráng Tây Ninh
  8. Bánh tráng Đại Lộc đã có "thương hiệu" và chỗ đứng trên thị trường. Người Đại Lộc thường dùng bánh tráng để làm quà. Trước khi đưa bánh đi xa, phải dùng vật nặng ép bánh xẹp xuống, tiện mang vác. Cồng kềnh là thế, nhưng khi về quê, nhiều Việt kiều vẫn thường mua bánh tráng mang đi.

    • Điều đặc biệt của bánh tráng cuốn Đại Lộc là nếu biết cách nhúng nước thì các miếng bánh không dính vào nhau, nhưng khi ăn lại dẻo "dính răng". Về hình thức, chiếc bánh tròn vành vạnh, trắng mịn màng, đều ri rí. Sau khi xay bột, người thợ tráng bánh dùng một cái rây có lỗ nhỏ li ti, lượt qua một bận, loại bỏ vỏ trấu lấm tấm, để bột bánh trắng mịn. Khi tráng phải nhanh tay quây cho đều, chậm một tí sẽ chỗ dày chỗ mỏng. Chiếc bánh mỏng mảnh nên khi phơi phải nhẹ nhàng, kẻo bánh rách bươm.
    • Trước đây, ở Đại Lộc, hầu như nhà nào cũng có dụng cụ tráng bánh và có thể tự tráng được theo kiểu "tay ngang". Chỉ cần có chiếc cối xay, vài tấm liếp tre, một cái nồi to có bịt khung vải, những lúc nông nhàn có thể tráng bánh để ăn lai rai quanh năm. Bây giờ đồ nghề vẫn còn đấy, nhưng ít ai tự tráng bánh mà chỉ còn những thợ chuyên nghiệp. Tất nhiên trước khi trở thành thợ, những người này đã phải "hy sinh" mấy chục cân gạo để tập cho tay nhuần nhuyễn. Cối xay tay bây giờ được thay thế bằng máy. Thay vào những tấm liếp tre là cả mấy chục chiếc vỉ bằng lưới nhựa căng cứng.Giáp Tết là thời gian làm bánh tráng cao điểm, đây cũng là dịp bánh tráng được tiêu thụ nhiều nhất. Tuy nhiên, trong những tháng này thời tiết lại không thuận lợi cho việc phơi bánh. Không lẽ cứ đứng nhìn trời mưa mà đành chịu một cái Tết vô vị vì thiếu bánh tráng? Bánh tráng phải phơi được nắng mới dẻo, gặp trời tù mù là bánh sượng sượng, dở không chi bằng. Vậy là người thợ nghĩ ngay đến chuyện làm lò sấy bánh. Bánh tráng sấy bằng than, bán đắt hơn bánh tráng phơi nắng một chút, nhưng khách hàng vẫn chuộng.
    • Bánh tráng Đại Lộc nổi tiếng và người Đại Lộc ăn bánh tráng cuốn cũng... có tiếng. Trước đây, bánh tráng cuốn thường chỉ có mặt vào những ngày giỗ chạp, lễ Tết. Bây giờ thì quanh năm suốt tháng, nhà nào cũng có bánh tráng để sẵn trong nhà. Ăn điểm tâm, ăn nửa buổi, ăn bữa chính. Ăn mọi lúc, mọi nơi. Khách đến, chiêu đãi bánh tráng cuốn; xa quê lâu ngày, khi về làm ngay bữa bánh tráng cho đỡ nhớ, đỡ thèm. Bánh tráng cuốn với cá hấp, chấm mắm cái thì có vạt rau muống trồng sẵn trong vườn nhà; cuốn với thịt heo lại có buồng chuối chát, luống xà lách, mấy cây rau thơm. Thậm chí nếu không có thịt cá thì bánh tráng cuốn chấm nước mắm vẫn ngon như thường!
    Bánh tráng Đại Lộc
    Bánh tráng Đại Lộc
  9. Đã là dân Bình Định, đã là người xứ Nẫu, không thể nào không biết đến đặc sản quê hương, không thể nào không nhớ đến bánh tráng nước dừa – nét riêng của vùng đất Tam Quan – Hoài Nhơn – Bình Định. Bánh tráng dừa Tam Quan luôn có mặt trong hầu hết những bữa ăn và tiệc tùng của người Bình Định bản xứ hay người Bình Định xa quê. Xứ nẫu luôn tự hào có món bánh tráng dừa nướng góp phần làm phong phú nền ẩm thực Việt Nam ta.

    • Tam Quan là một thị trấn nhỏ ven biển thuộc huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Đây là nơi nổi tiếng với nhiều món ngon, trong đó đặc biệt là các sản phẩm từ dừa mà bất kì du khách nào tới tham quan hay có dịp làm việc, công tác ở cái xứ này đều nhất định phải mang bánh tráng nước dừa về làm quà cho chuyến đi ấy. Trên dải đất hình chữ S thơ mộng này, ngoài Bến Tre, Tam Quan nổi tiếng là nơi có nhiều dừa ở Việt Nam. Liệu bạn đã từng nghe câu ca dao: Công đâu công uổng công thừa - Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan. Dừa được người dân trồng ở khắp nơi, chủ yếu là giống dừa ta trái to và cơm dày, đây là loại dừa thích hợp để làm bánh tráng nước dừa.
    • Nguyên liệu chính để làm nên sự thơm ngon của loại bánh này là ở nguyên liệu, gồm: bột sắn, mè, nước cốt dừa và gia vị, muối …. Các loại nguyên liệu này hòa quyện vào nhau làm nên những mẻ bánh thơm ngon ngay từ khi chưa chín. Để làm được điều đó, nguyên liệu làm bánh cũng phải thật chất, bột mì không chua, nước cốt dừa phải chín tới. cơm dừa không quá già cũng không quá non, bên cạnh đó, gia vị nêm vào bánh cũng phải rất tỉ mỉ.
    • Sau khi đã có hỗn hợp nguyên liệu đầy đủ, công đoạn tráng bánh tráng dừa không khác so với việc làm ra những loại bánh tráng khác. Tuy nhiên, theo lời kể của những người trong nghề, bánh tráng dừa phải dày mới ngon, điều này phụ thuộc vào kỹ năng của người tráng bánh, tạo ra bánh không có chỗ dày chỗ mỏng, trộn nguyên liệu sao cho trong lúc tráng có mùi thơm phảng phất kích thích thị giác..Bánh sau khi tráng xong người ta đem phơi bánh tráng dưới nắng. Vì bánh khá dày, lại thêm có hỗn hợp mè, xơ dừa, hạt tiêu nên cần phải phơi dưới nắng to thì bánh mới cứng lại được. Nếu không có nắng thì phải phơi 2-3 ngày bánh mới khô.
    • Vì bánh dày nên không thể nhúng nước ăn được mà chỉ có thể nướng. Khi nướng phải lật đều, nướng kỹ và nướng bằng lửa than thì bánh mới ngon, dòn đều. Bánh gặp lửa sẽ phồng lên và vàng ươm mùi hành phu quện với mùi béo của mè và nước dừa sẽ kích thích thính giác và thị giác của bạn đến tận cùng. Bạn có thể ăn kèm với nước chấm như xì dầu, nước mắm gừng hay ăn không cũng có thể cảm nhận được vị ngon của bánh.Khách phương xa đến thăm quê hương Bình Định , không thể bỏ qua món đặc sản nức lòng người này được. . Hương vị của bánh tráng nước dừa Tam Quan thơm ngon nhất định sẽ làm bạn xao xuyến và nhớ mãi.
    bánh tráng nước dừa Tam Quan
    bánh tráng nước dừa Tam Quan




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy