Top 10 Tỉnh, thành phố thu ngân sách nhiều nhất Việt Nam hiện nay
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế 6 tháng thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 941.300 tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2021. Ngân ... xem thêm...sách tăng thu nhờ thu từ dầu thô và từ các sắc thuế như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp. Tổng cục Thuế mới đây cũng cho biết cả nước có 60/63 địa phương có số thu NSNN đạt trên 50% dự toán. Trong đó, đáng chú ý một số địa phương thu 6 tháng so với dự toán năm đạt cao như: Hưng Yên, Bắc Giang, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Bà Rịa-Vũng Tàu và Kon Tum. Dưới đây là 10 tỉnh, thành phố đứng đầu về thu ngân sách Nhà Nước.
-
Thành phố Hồ Chí Minh
Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh vừa công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022. Số liệu cho thấy, lũy kế 6 tháng năm 2022, số thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố ước hơn 238.648 tỷ đồng, đạt 61,74% dự toán năm và tăng 17,49% so cùng kỳ năm 2021. Theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, thu nội địa (không kể dầu thô) ước thực hiện 156.838 tỷ đồng, đạt 60,42% dự toán, chiếm 65,7% tổng thu cân đối và tăng 17,62% so với cùng kỳ.
Thu từ doanh nghiệp Nhà nước ước thực hiện 15.225 tỷ đồng, đạt 58% dự toán và tăng 5,3%; thu từ khu vực ngoài Nhà nước ước đạt 43.613 tỷ đồng, đạt 64,8% dự toán và tăng 11,7%; thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước 36.642 tỷ đồng, đạt 64,8% dự toán và tăng 9,2%. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 68.700 tỷ đồng, đạt 59% dự toán, chiếm 28,8% tổng thu cân đối và tăng 9,6%.
Theo nhận định đại diện Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, kinh tế Việt Nam đã duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp giá cả hàng hóa, nhiên liệu liên tục tăng và sự gián đoạn chuỗi cung cứng. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi mạnh mẽ, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng ổn định, hoạt động du lịch nhộn nhịp trở lại, hoạt động xuất khẩu tăng tốc, tín dụng tăng trưởng ổn định đã hỗ trợ vốn tích cực cho nền kinh tế.
TP. Hồ Chí Minh thu được 238.648 tỷ đồng, đạt 61,64% dự toán.
-
Hà Nội
Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, tổng thu ngân sách trên địa bàn TP. Hà Nội do cơ quan thuế quản lý thực hiện 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 164.875 tỷ đồng, bằng 58,5% dự toán pháp lệnh, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Phân tích về kết quả thu ngân sách trên địa bàn đạt khá, Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội Mai Sơn cho biết, do dịch bệnh COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, các doanh nghiệp trên địa bàn dần phục hồi trở lại và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Do đó, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn đã nộp ngân sách 6 tháng đầu năm 2022 tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, Cục Thuế TP. Hà Nội cũng đã kịp thời phối hợp với các cơ quan báo chí, thông tin truyền thông của Trung ương và Hà Nội để tuyên truyền các chính sách pháp luật thuế, đặc biệt là chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022 theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ.
Một yếu tố khác cộng hưởng giúp tăng thu ngân sách là Cục Thuế TP. Hà Nội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế. Thông qua việc đa dạng hoá các hình thức triển khai trực tiếp và trực tuyến trên các nền tảng số như: thư điện tử, Website, Facebook, Youtube… dưới hình thức tin, bài viết, xây dựng video tuyên truyền một cách linh hoạt, sáng tạo. Điều này đã giúp cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế nhanh chóng tiếp nhận được chính sách thuế mới, nhất là chính sách gia hạn về thuế.
Hà Nội thu được 164.876 tỷ đồng, đạt 58,5% dự toán.
-
Hải Phòng
Theo ông Hà Văn Trường, Cục trưởng Cục Thuế TP. Hải Phòng, 6 tháng đầu năm 2022, Cục Thuế Thành phố đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đề ra, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm 2022 đạt đạt 53.969,7 tỷ đồng, đạt 51,1% dự toán HĐND Thành phố giao và bằng 118,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, thu nội địa đạt 20.853 tỷ đồng, đạt 65,7 dự toán pháp lệnh (50,9% dự toán HĐND Thành phố giao, tăng 31,9% so cùng kỳ); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 31.900 tỷ đồng (53,2% dự toán HĐND Thành phố giao và bằng 111% so với cùng kỳ năm trước). Cụ thể, có 8/17 khoản thu đạt từ 50% dự toán pháp lệnh trở lên; so với dự toán HĐND Thành phố có 7/17 khoản thu đạt từ 50% trở lên và 9/17 khoản thu có tăng trưởng so với cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đạt 11.353,2 tỷ đồng, đạt 31,3% dự toán HĐND Thành phố giao và bằng 107,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng chi đầu tư phát triển đạt 5.465,7 tỷ đồng, đạt 30,1% và bằng 107%; chi thường xuyên đạt 5.393 tỷ đồng, đạt 39,1% và bằng 106,8%. Để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2022, trong 2 tháng cuối năm, Cục Thuế Thành phố sẽ tập trung rà soát các nguồn thu trên địa bàn, giao nhiệm vụ thu hàng tháng, hàng quý cho từng đơn vị. Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, từng khu vực thu, từng sắc thuế, xây dựng phương án chỉ đạo, điều hành thu kịp thời, sát với thực tế phát sinh.
Hải Phòng thu được 53.969 tỷ đồng, đạt 51,09% dự toán.
-
Bà Rịa Vũng Tàu
Việc điều chỉnh biện pháp phòng dịch đã tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh từng bước phục hồi, tình hình kinh tế- xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, đặc biệt tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm của Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 74,6% dự toán cả năm, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm 2022 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, việc điều chỉnh biện pháp phòng dịch đã tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh từng bước phục hồi, hầu hết các cơ sở kinh doanh du lịch đã hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới. Tình hình kinh tế- xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực.
Tính đến ngày 30/6, UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP từ ngân sách địa phương hỗ trợ 885.867 lao động có hợp đồng, lao động tự do, hộ kinh doanh, đối tượng đặc thù, hướng dẫn viên du lịch, đạo diễn, F1, F0 với tổng số tiền 1.879 tỷ đồng; hỗ trợ 418 hộ gia đình có người tử vong do dịch COVID-19 với số tiền 4,18 tỷ đồng; hỗ trợ tiền ăn cho 17.239 người điều trị tại các cơ sở thu dung điều trị COVID với số tiền 6,347 tỷ đồng. UBND tỉnh cũng đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho 3.278 lao động tại 42 doanh với kinh phí hỗ trợ là 1,65 tỷ đồng theo đề xuất của UBND các huyện, thị xã, thành phố và sở Lao động- Thương binh và Xã hội.
Bà Rịa Vũng Tàu thu được 53.364,3 tỷ đồng, đạt 74,6% dự toán.
-
Bình Dương
Trong 6 tháng đầu năm 2022, UBND tỉnh Bình Dương đã tập trung chỉ đạo triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên các ngành, lĩnh vực; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, thủ tục đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức nhiều sự kiện quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, tạo lòng tin, phấn khởi cho doanh nghiệp và người dân, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi, phát triển kinh tế.
Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục khởi sắc và đạt nhiều kết quả tích cực như: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,84% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ tăng 5,91%); Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm ước tăng 8,35%; Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 19 tỷ 181 triệu đô la Mỹ, tăng 10%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 12 tỷ 792 triệu đô la Mỹ, giảm 5,8%; duy trì thặng dư thương mại gần 6,4 tỷ đô la Mỹ. Đặc biệt, Tỉnh đã tổ chức động thổ khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III và đang triển khai đề án điều chỉnh đối với khu công nghiệp: Bàu Bàng và Cây Trường.
Cùng với đó, đầu tư phát triển, đầu tư công và thu hút đầu tư đạt nhiều kết quả đáng kể như: Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 60.723 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ; tổng giá trị giải ngân vốn đầu tư công là 1.828 tỷ đồng, đạt 20,5% kế hoạch năm 2022 HĐND tỉnh giao và đạt 20,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; Đầu tư nước ngoài thu hút 2 tỷ 522 triệu đô la Mỹ (đạt 140% kế hoạch, tăng 91% so với cùng kỳ); Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn cùng kỳ 2 năm gần đây (cùng kỳ năm 2021 đạt 13,7%, năm 2020 đạt 14,7% kế hoạch); ước thu ngân sách Nhà nước đạt 34.800 tỷ đồng, đạt 58% dự toán HĐND tỉnh và Thủ tướng Chính phủ giao.
Bình Dương thu được 34.800 tỷ đồng, đạt 58% dự toán.
-
Quảng Ninh
Theo tổng hợp, 6 tháng đầu năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ước đạt trên 28.600 tỷ đồng, bằng 55% dự toán và tăng 24% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 6.450 tỷ đồng, bằng 61% dự toán; thu nội địa ước thực hiện trên 22.200 tỷ đồng. Có 6/13 địa phương vượt tốc độ thu bình quân và 7/13 địa phương thu ngân sách chậm so với tiến độ giao. Riêng ngành than đã có những đóng góp tích cực vào ngân sách của tỉnh Quảng Ninh. Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh và nộp ngân sách đều đạt và vượt so với kế hoạch được giao.
Chủ tịch UBND các địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để thất thu các khoản thuế, phí đặc biệt là các khoản thu được điều tiết cho các địa phương để chi thường xuyên, triệt để thực hiện nguyên tắc “có thu thì mới có chi”. Để có được kết quả thu tích cực này là do các sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã quyết liệt trong triển khai thực hiện, tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để giúp các doanh nghiệp đưa các dự án mới đi vào hoạt động. Tăng sản lượng, năng lực sản xuất, đặc biệt là các ngành: than, điện, các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp.
Quảng Ninh thu được 28.600 tỷ đồng, đạt 55% dự toán.
-
Thanh Hóa
Theo báo cáo tại kỳ họp, vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID -19, 6 tháng đầu năm 2022 tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa vẫn giữ được ổn định và tiếp tục phát triển. Dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, tỷ lệ số ca mắc COVID-19 và tử vong do COVID-19 thuộc nhóm thấp nhất cả nước. Kinh tế tăng trưởng cao, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 13,41%, đứng thứ 3 cả nước. Các lĩnh vực kinh tế tiếp tục có bước phát triển; nhiều chỉ tiêu quan trọng tăng khá cao so với cùng kỳ và kế hoạch cả năm, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 18,3%, dịch vụ tăng 7,8%, thuế sản phẩm tăng 36,06%.
Thống kê cho thấy, có 10/13 khoản thu nội địa tiến độ đạt khá (trên 50% dự toán). Đáng chú ý, một số khoản thu có tỷ trọng lớn, số thu cao so với dự toán như: thu tiền sử dụng đất đạt 7.778 tỷ đồng, bằng 141% dự toán, tăng 101% so với cùng kỳ. Thu từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài lũy kế 6 tháng đạt 3.244 tỷ đồng, bằng 98% dự toán, tăng 67% so với cùng kỳ. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 9.656 tỷ đồng, bằng 88% dự toán, tăng 69% so với cùng kỳ. Số thu này chủ yếu là tiền thuế GTGT mặt hàng dầu thô nhập khẩu của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Thanh Hóa thu được 26.334 tỷ đồng, đạt 93,6% dự toán. -
Hưng Yên
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên, 6 tháng năm 2022, tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 26.271 tỷ đồng, đạt 134,6% dự toán HĐND tỉnh giao cả năm, tăng 166% so với cùng kỳ năm trước (năm 2022 HĐND tỉnh giao chỉ tiêu thu ngân sách là 19.525 tỷ đồng). Đặc biệt, đây là lần đầu tiên, kết quả thu NSNN của tỉnh trong 6 tháng đầu năm đã vượt dự toán giao cả năm. Trong khi số thu ngân sách năm 2021 là 17.300 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, ngành Thuế thu ngân sách nội địa ước đạt 23.920 tỷ đồng, đạt 150,2% dự toán HĐND giao cả năm, tăng trên 200% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu tiền sử dụng đất có sự tăng trưởng mạnh mẽ, mang tính đột phá: Thu tiền sử dụng đất ước đạt trên 18.408 tỷ đồng, đạt 255,7% dự toán giao cả năm. Kết quả thu tiền sử dụng đất đạt cao chủ yếu là do một số dự án đầu tư khu đô thị trên địa bàn có số nộp ngân sách khá như: Dự án Dream City nộp 8.403 tỷ đồng, dự án Khu đô thị Đại An nộp 6.374 tỷ đồng... Đối với các khoản thu ngân sách nội địa, trừ tiền sử dụng đất ước đạt trên 5.511 tỷ đồng, đạt 63,2% dự toán HĐND tỉnh giao cả năm, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Thu thuế từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt trên 2.351 tỷ đồng. Điều đáng nói, từ một tỉnh thuần nông, trong một vài năm lại đây, Hưng Yên vươn lên thành 1/16 tỉnh, thành phố trong cả nước có đóng góp vào ngân sách Trung ương cao.
Hưng Yên thu được 26.271 tỷ đồng, đạt 134,6% dự toán.
-
Đồng Nai
Tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục khởi sắc là một trong nhiều nguyên nhân giúp công tác thu ngân sách nhà nước trong nửa đầu năm 2022 của Cục Thuế Đồng Nai đạt kết quả tích cực, với tổng số thu thực hiện được 23.171 tỷ đồng, đạt 60% dự toán pháp lệnh. Trong đó, thu ngân sách từ khối các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trung ương được 820 tỷ đồng, DNNN địa phương được 1.019 tỷ đồng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được 7.399 tỷ đồng, khối kinh tế tư nhân được 3.206 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất (SDĐ) được 3.197 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân được 3.895 tỷ đồng…
Tỉnh Đồng Nai tích cực rà soát, khai thác các nguồn thu từ số phát sinh; rà soát, đôn đốc các doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên sau quyết toán thuế theo quy định; rà soát, đôn đốc các doanh nghiệp thuộc trường hợp gia hạn theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP vẫn còn nợ thuế; chủ động phối hợp các nguồn thông tin từ các sở, ban, ngành kịp thời khai thác tăng thu 1.530 tỷ đồng các khoản thuế phát sinh từ hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn. Căn cứ nhiệm vụ được giao trong năm 2022, tình hình thu 6 tháng đầu năm 2022 và tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương, Cục Thuế Đồng Nai dự tính số thu NSNN 6 tháng cuối năm khoảng 19.430 tỷ đồng, lũy kế cả năm 2022 đạt 42.600 tỷ đồng, hoàn thành 110% dự toán pháp lệnh.
Đồng Nai thu được 23.171 tỷ đồng, đạt 60% dự toán.
-
Vĩnh Phúc
Trong 6 tháng đầu năm 2022, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các cấp, các ngành tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, tạo nguồn thu ngân sách. Cụ thể, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 20.650 tỉ đồng, đạt 65% dự toán, tăng 8,0% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa đạt 17.700 tỉ đồng, đạt 65% dự toán, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm 2021. Quản lý chi ngân sách được tăng cường, kiểm soát chi chặt chẽ, quản lý chi theo dự toán, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tỉnh đã bổ sung kinh phí và ban hành các hướng dẫn chi trả cho công tác phòng chống dịch COVID-19. Ước tổng chi ngân sách địa phương 6 tháng đạt 7.024 tỉ đồng, đạt 39% dự toán và bằng 93% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 ước tăng 10,1% so cùng kỳ năm trước và nằm trong TOP 10 tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 15,58%; Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tổng giá trị tăng thêm ước tăng 1,81%. Hầu hết, sản lượng sản xuất các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh đều tăng so với cùng kỳ năm 2021, trong đó doanh thu linh kiện điện tử tăng cao với mức tăng 25,64% so với cùng kỳ; sản lượng sản xuất ô tô các loại tăng 4,06%; sản lượng sản xuất xe máy tăng 5,25% so với cùng kỳ năm 2021…
Vĩnh Phúc thu được 20.650 tỉ đồng, đạt 65% dự toán.