Top 5 Trường PTTH có chất lượng tốt cụm Hà Đông - Hoài Đức

Lan Huong Nguyen 6688 0 Báo lỗi

Cụm các trường PTTH Hà Đông - Hoài Đức, trực thuộc sở giáo dục đào tạo Hà Nội, bao gồm 10 trường THPT gồm: THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT Lê Quý Đôn, THPT Quang ... xem thêm...

  1. Top 1

    Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ

    Gọi điện

    Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ được thành lập vào tháng 3 năm 1947 tiền thân là trường trung học Kháng chiến mang tên Người anh hùng áo vải dân tộc Nguyễn Huệ tại làng Sêu, xã Trinh Tiết huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông (nay là tỉnh Hà Tây.


    Thầy giáo Nguyễn Đình Quang được Sở giáo dục Liên khu III cử làm Hiệu trưởng đầu tiên. Sau đó, từ 1947-1954 là các thầy Hoàng Đình Ân, Nguyễn Khắc Cương, Lê Hoàng Oánh lần lượt đảm nhận chức vụ này; cùng với các thầy giáo Chu Xuân Nguyên, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn văn Minh, Tô Thảo.. một thế hệ thầy giáo đầu tiên của nhà trường. Những học sinh khoá đầu của trường, con em đồng bào ,cán bộ từ Hà Nội tản cư đi kháng chiến và con em nhân dân tỉnh Hà Đông (vùng tự do và vùng tạm chiếm) với gần 200 học sinh, được tập hợp thành 4 lớp học . Các lớp đệ nhất ,đệ nhị,đệ tam được học trong ngôi trường tiểu học đơn sơ ở làng Sêu, lớp đệ tứ học trong đình làng.


    Ngày 30 tháng 3 năm 1948, Huyện uỷ Mỹ Đức ra quyết định thành lập chi bộ đầu tiên của nhà trường gồm các đồng chí: Khuất Duy Đạt( Bí thư ),Trần Văn Diễn Đặng Xuân Kỳ, Phạm Thanh.


    Ngày 17 tháng 11 năm 1949, Trường tiến hành đại hội Hiệu Đoàn đầu tiên do đồng chí Tưởng Toàn Chính là Hiệu Đoàn trưởng


    Năm 1949-1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển dần sang giai đoạn tổng phản công. Theo tiếng gọi của tổ quốc, trong số gần 200 học sinh khoá đầu đã có 150 người tham gia quân đội và lực lượng vũ trang. Nhiều anh chị đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc như các liệt sĩ Đặng Đình Liêm, Trần Quang Oánh, Lê Đình Diễm,Bùi Trường Bao,Tưởng Toàn Ninh, Nguyễn Thạch Toàn…Tên tuổi các anh đã trở thành bất diệt. Nhiều người đã trưởng thành là những sĩ quan, tướng lĩnh, anh hùng lực lượng vũ trang, tiêu biểu như Anh hùng trung tướng Phan Thu, Trung tướng Chu Duy Kính, Thiếu tướng Lưu Sỹ Hiệp, Phí Văn Hà…


    Những người không có điều kiện tham gia quân đội đều tích cực hoạt động trên các lĩnh vực văn hoá, xã hội,ngoại giao, khoa học- kỹ thuật,…nhiều người trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, nhà khoa học tài năng, nhà văn, nhà thơ, thầy giáo, thầy thuốc, tiêu biểu là : Giáo sư tiến sĩ Phạm minh Hạc, Đặng Xuân Kỳ, Đặng Ngọc Thanh ,Vũ Mạnh Kha, Hoàng Mạnh Tú, Đặng Nghiêm Hoàng, Đào Xuân Lâm, Ngô Vi Tuấn, nghệ sỹ ưu tú Lưu Xuân Thư,… Họ luôn là niềm kiêu hãnh của nhà trường


    Năm 1950, sau những trận giặc Pháp ném bom Vân Đình, để tránh bị càn quét, Trường phải sơ tán vào Thanh Hoá và đổi tên thành Trường Nguyễn Trãi ( để không trùng tên với Trường quân chính Nguyễn Huệ); cùng với các Trường Nguyễn Thượng Hiền, Hoa Lư, Cù Chính Lan…tập hợp lại thành “Thủ đô văn hoá” vùng tự do kháng chiến liên khu III.


    Năm 1954, cuộc kháng chiến chống thực dân pháp toàn thắng, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng. Trong những ngày hoà bình đầu tiên, thầy và trò đã dời Thanh Hoá trở về tham gia tiếp quản thị xã Hà Đông và lấy lại tên Trường Nguyễn Huệ


    Có thể nói, Thầy và trò Nguyễn Huệ thời kháng chiến chống thực dân Pháp đã vượt bao khó khăn,gian khổ để vừa giảng dạy - học tập, vừa tham gia chiến đấu. Thế hệ học sinh khoá đầu tiên đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp của nhà trường, Một thế hệ đã đặt nền móng, cho truyền thống vẻ vang của nhà trường. Thế hệ đầu tiên ấy trải qua hai cuộc chiến tranh đã phát huy tinh thần yêu nước, không ngại hy sinh gian khổ, hăng say lao động, cống hiến nhiều cho đất nước.Từ mái tường Nguyễn Huệ có 6 vị tướng, 20 đại tá, 20 giáo sư tiến sĩ ,1 anh hùng quân đội, 20 người lần lượt tham gia Ban chấp hành Trung ương Đảng và Quốc hội…


    Năm 1959, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí của nhân dân trong tỉnh, thực hiện cải cách giáo dục chuyển đổi hệ thống trường lớp, nhà trường bắt đầu có những lớp cấp III Từ năm 1961,Trường Nguyễn Huệ trở thành trường cấp III đầu tiên của tỉnh Hà Đông Tháng 10 năm 1965, Sở giáo dục Hà Sơn Bình ( nay là sở giáo dục Hà Tây) giao cho Trường nhiệm vụ đào tạo học sinh năng khiếu toán .


    Hệ chuyên Toán được thành lập từ đó và cũng là hệ chuyên toán sớm nhất của miền Bắc làm đà cho các hệ chuyên của nhà Trường Nguyễn Huệ sau này. Giai đoạn 1954 - 1975, các thầy Nguyễn Viết Bảo ( 1954 - 1960), Phan Quang Di (1960 - 1967), Nguyễn Như Cang (1967 - 1972), Nguyễn Sàng (1972 - 1975) lần lượt làm Hiệu trưởng và phó hiệu trưởng là các thầy Vũ Tích, An Tuấn Dũng, Cô Lưu Cẩm Hà.


    Thế hệ học sinh thời đánh Mỹ đã tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp nhà trường, đóng góp nhiều thành tích trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước và xây dựng CNXH. Nhiều người đã trưởng thành, là những cán bộ,sĩ quan cao cấp của lực lượng vũ trang, là các cán bộ khoa học - kỹ thuật có học vị bằng cấp, GS, PGS, Tiến sĩ, phó tiến sĩ và thạc sĩ tiêu biểu là các anh Trình Văn Đật, Đặng Ứng Vận, Phạm Viết Vượng, Nguyễn Văn Ngoạn, Vũ Dương Thuỵ, Nguyễn Văn Qùy, Đỗ Văn Lập, Nguyễn Văn Hiền, Lê Công Quý, Nguyễn Văn Chuyên, Ngô Dương Sinh, Nguyễn Quốc Ân... Nhiều anh chị là kỹ sư, Bác sĩ, thầy cô giáo, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, các nhà doanh nghiệp, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú …Đặc biệt hàng ngàn học sinh sau khi ra trường tiếp tục học lên rồi trở về địa phương tham gia cán bộ chủ chốt ở các cấp tỉnh, huyện , xã, tham gia các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của địa phương, đã đem nhiệt tình đóng góp vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, thay đổi bộ mặt của quê hương tiêu biểu như anh Đỗ Văn Thân ( nguyên Bí thư thị uỷ Hà Đông),anh Thái Quang Chiểu ( nguyên Bí thư huyện uỷ Thanh Oai)......


    Năm 1975, miền Nam đuợc hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất, nhân dân cả nước tập trung công sức khôi phục và xây dựng đất nước theo định hướng XHCN. Trường Nguyễn Huệ, do thầy Vũ Tích làm hiệu trưởng (1975-1994), Phó hiệu trưởng lần lượt là các thầy cô giáo: An Tuấn Dũng, Lưu Thuý Hiến, Hoàng Kim Cầu, Lý Quốc Hào, Bùi Thị Tý, Đào văn Long, Thái Văn Bình, Đặng Khánh Hội, Trường Nguyễn Huệ chuyển về cơ sở mới khu Ao Cá (địa điểm nhà trường hiện nay), cở sở vật được xây dựng kiên cố 3 tầng với 30 lớp học, được Hội Pháp - Việt giúp đỡ nhiều trang thiết bị thí nghiệm hiện đại, càng có nhiều thuận lợi để khẳng định vị thế của mình trong phong trào giáo dục tỉnh nhà. Nhà trường luôn giữ vững truyền thống “dạy tốt- học tốt”, liên tục là trường tiên tiến, tiên tiến xuất sắc, có nhiều tổ lao động xã hội chủ nghĩa nhiều năm như tổ Vật lý - ký thuật , tổ Xã hội, tổ chuyên Toán. Nhiều tập thể học sinh đạt danh hiệu tập thể xã hội chủ nghĩa, nhiều thầy cô giáo đã phấn đấu không mệt mỏi, trở thành giáo viên giỏi các cấp, một số trở thành nòng cốt về chuyên môn của ngành , đã đóng góp nhiều sáng kiến kinh nghiệm trong các hội nghị khoa học ở tỉnh và quốc gia như các thầy cô: Nguyễn Tuấn Anh, Đỗ Đình Khoa, Hoàng Dân Hiên, Vương Ngọc Quang, Nguyễn Lan Anh, Vũ Trọng Kim, Lê Quang Chúc, Nguyễn Dũng. Đặng Xuân Bình... mà tiêu biểu nhất là cô giáo Bùi Thị Tý nhà giáo ưu tú ,đại biểu quốc hội 4 khoá liền, giải thưởng toán học quốc tế Xô- phi a - Cô - va lép - xkai - a, nhiều thầy cô đã trưởng thành từ mái trường này giữ chức vụ quản lý của bộ, ngành của nhà trường như Thầy An Tuấn Dũng (nguyên Phó tổng biên tập báo an toàn giao thông), Cô Nguyễn Lan Anh( nguyên Vụ phó vụ tổ chức cán Bộ giáo dục của Bộ giáo dục), Thầy Lý Quốc Hào ( nguyên Giám đốc sở Giáo dục đào tạo Hà Tây)…


    Năm 1984 nhà trường có thêm hệ chuyên Hoá và năm 1988 hệ chuyên Pháp được thành lập Năm 1995, Thầy Vũ Tích nghỉ hưu, thầy Thái Văn Bình lên làm Hiệu trưỏng, Phó hiệu trưởng là thầy Lê Huy, Nguyễn trọng Tấn, Đặng Khánh Hội, sau là Thầy Nguyễn Thanh Sơn, Trần Ngọc Năm, Đặng Xuân Bình Ghi nhận những đóng góp của thầy và trò nhà trường qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và xây dựng CNXH, nhà trường được Hội đồng nhà nước tặng thưởng huân chương Lao động Hạng ba năm 1987, huân chương Lao động hạng nhì năm 1990, huân chương lao động hạng nhất năm 1997


    Năm 1997, là điểm mốc quan trọng của lịch sử nhà trường.Sau hơn 10 năm đổi mới, theo tinh thần nghị quyết TW 2 thực hiện mục tiêu giáo dục “ Nâng cao dân trí - Đào tạo nhân lực - Bồi dưỡng nhân tài ” , UBND tỉnh , Sở GD - ĐT Hà Tây giao cho nhà trường một nhiệm vụ mới đào học sinh năng khiếu cho tỉnh. Ngày 8 tháng 7 năm 1997 UBND tỉnh ra quyết định số 689/ QĐ - UB chuyển trường PTTH Nguyễn Huệ thành trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, nhà trường từ chỗ chỉ có 3 Hệ chuyên Toán, Pháp, Hoá nay Trường có đầy đủ 11 hệ chuyên Toán, Lý, Hoá, Sinh, Tin, Văn, Sử , Địa, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga.


    Nhà trường hiện có đội ngũ giáo viên giỏi trong đó nhiều thầy cô là tiến sĩ và thạc sĩ. Tiếp bước truyền thống của các thế hệ nhà giáo đi trước, thế hệ nhà giáo Nguyễn Huệ ngày nay đang miệt mài phấn đấu vươn lên trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tích cực tham gia phong trào thi đua “hai tốt”: 11 đồng chí được tặng bằng khen của Bộ Giáo Dục, 3 đồng chí được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 1 đồng chí đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; 1 đồng chí được tặng thưởng huân chương Lao động hạng ba, 6 nhà giáo ưu tú


    Học sinh Nguyễn Huệ hôm nay, luôn kế thừa truyền thống tốt đẹp của các thế hệ cha anh đi trước, đã và đang tô thắm thêm cho mái trường thân yêu bằng kết quả học tập rèn luyện, lao động sáng tạo của mình. Trên nền tảng giáo dục toàn diện, tính từ năm 2000 đến nay có 602 giải quốc gia, 14 giải quốc tế và khu vực về các bộ môn văn hoá,TDTT, môi trường. Hàng năm, trường có 100% số học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt, khá .Trong 5 năm trở lại đây số học sinh khá giỏi của nhà trường đạt 98% ; 100% số học sinh khối 12 tốt nghiệp đặc biệt (có trên 50 % xếp loại giỏi) tỷ lệ đỗ đại học : khối chuyên 80 - 90% , nhiều lớp chuyên đỗ 100%, khối phổ thông đỗ từ 50 - 60 % và nhiều học sinh đỗ thủ khoa của các trường đại học, nhiều học sinh được theo học lớp cử nhân tài năng. Với những thành tích xuất sắc trên. Năm 2000 nhà trường được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh Hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, và năm 2003 được tặng thưởng huân chương Độc lập Hạng ba, năm 2008 được tặng thưởng huân chương Độc lập Hạng nhì.


    Năm 2015 trường đã được chuyển đến địa chỉ mới với số tiền đầu tư lên đến 250 tỷ đồng ở Hà Nội. Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ vừa mới được khánh thành và chính thức trở thành một trong những ngôi trường hiện đại bậc nhất đất Hà thành.


    Trường THPT chuyên nguyễn Huệ là một địa chỉ tin cậy, thu hút được rất nhiều những học sinh ưu tú của thành phố Hà Nội. Trường đã tạo đạo được rất nhiều học sinh giỏi cấp quốc gia và quốc tế, luôn đứng ở top đầu các trường PTTH có uy tín của Việt nam. Năm 2018 trường THPT chuyên Nguyễn Huệ được xếp hạng đứng ở vị trí thứ 6 trong top 100 trường PTTH tốt nhất cả nước.



    THÔNG TIN LIÊN HỆ:

    Địa chỉ:
    560B Quang Trung, La Khê, Hà Đông, Hà Nội

    Điện thoại: 024 3382 9018

    Gọi điện
    Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ
    Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ
    Kí túc Xá trường THPT chuyên Nguyễn Huệ
    Kí túc Xá trường THPT chuyên Nguyễn Huệ

  2. Top 2

    Trường THPT Lê Quý Đôn Hà Đông

    Gọi điện

    Trường THPT Lê Quí Đôn- Hà Đông được thành lập ngày 14/12/1970 mang tên “Trường cấp 3 vừa học vừa làm thị xã Hà Đông” do sáng kiến của Thị ủy - Ủy ban hành chính thị xã Hà Đông cho mô hình vừa học văn hóa vừa học nghề. Buổi đầu thành lập có 3 lớp với 130 học sinh và 4 thầy cô giáo. Buổi chiều dạy và học văn hóa nhờ 3 phòng của trường cấp 3 Nguyễn Huệ, buổi sáng học nghề phổ thông ở các cơ sở, xí nghiệp, hợp tác xã.


    Năm 1971 - 1972:

    Do chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, trường phải sơ tán về nông thôn, chia thành hai địa điểm (xã Liên Phương - huyện Hoài Đức và xã Cự Khê - huyện Thanh Oai) để đảm bảo duy trì học tập và lao động xây dựng cơ sở vật chất. Trong giai đoạn này, nhiều học sinh đã tham gia nhập ngũ để bảo vệ Tổ quốc và có nhiều người trở thành anh hùng liệt sĩ.


    Tại địa điểm Cự Khê - Thanh Oai, thầy và trò đã dũng cảm cùng dân quân địa phương bắt được 1 giặc lái máy bay Mỹ, nhà trường đã được Ủy ban hành chính tỉnh Hà Tây tặng Bằng khen thứ I.


    Tháng 1 năm 1973:

    Nhà trường được Ủy ban hành chính tỉnh Hà Tây và Ủy ban hành chính thị xã Hà Đông cấp cho trường một khu đất rộng 1 ha làm xưởng học nghề và lớp học ở đối diện trạm xá thị xã Hà Đông. Nhà trường chỉ có 4 phòng học lợp ngói nhà cấp 4 làm xưởng may và thêu, 2 nhà lợp giấy dầu làm xưởng mộc và cơ khí, 3 nhà lợp giấy dầu làm lớp học 2 ca sáng và chiều (nay là khu tập thể Lê Hồng Phong, phường Nguyễn Trãi, Quận Hà Đông).


    Do nguyện vọng của học sinh và nhân dân thị xã Hà Đông, trường được đổi tên thành “Trường phổ thông cấp 3 Công nghiệp”: mô hình thực hiện mục tiêu đào tạo con người mới xã hội chủ nghĩa, học đi đôi với hành. Trường nhỏ, thầy cô giáo dạy nhiệt tình, tận tụy, quản lý học sinh tốt, nội bộ đoàn kết nhất trí, uy tín của nhà trường dần dần được xây dựng và tỏa sáng.


    Khóa đầu của trường đạt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao, xếp thứ 3 trong 17 trường cấp 3 của tỉnh Hà Tây. Các đội tuyển học sinh giỏi Văn 10, Vật lý 10 thi tỉnh bắt đầu đạt giải đồng đội và cá nhân, đã có giải Nhì, giải Ba thi toàn quốc. Thầy và trò nhà trường tham gia các hoạt động lao động xã hội như: “Phủ xanh đồi trọc” ở Ba Vì; “Vì dòng điện ngày mai” ở Sông Đà-Hoà Bình; “Chiến dịch ánh sáng văn hóa” ở nông thôn; “Làm thủy lợi” ở Đồng Mô - Ngải Sơn; …


    Năm 1976 - 1993:

    Khi sáp nhập tỉnh Hà Tây và Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình, trường mang tên “Trường phổ thông cấp 3 Công nghiệp A”. Trong những năm này, nhà trường rất chú trọng đến xây dựng đội ngũ giáo viên dạy văn hóa, giáo viên hướng nghiệp và các xưởng trường: xưởng may, thêu, mộc, làm đinh. Tổ giáo viên nghề có 24 thầy cô giáo. Nhiệm vụ chính của trường đặt ra là giáo dục toàn diện, đặc biệt chú trọng giáo dục đạo đức và văn hóa. Trường ngày một trưởng thành, phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, tạo tiền đề để Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Sơn Bình đặt một số hệ chuyên tại trường:

    - Hệ chuyên Văn: năm 1981

    - Hệ chuyên Vật lý: năm 1982

    - Hệ chuyên Tin: năm 1989

    - Hệ chuyên Song ngữ: năm 1992

    - Hệ chuyên Văn Ngữ: năm 1993

    Các hệ chuyên đặt tại trường đến hết năm 1999.


    Năm 1994 - 1995: Trường đổi tên thành “Trường PTTH Lê Quý Đôn


    Năm 1996: trường đổi tên thành “Trường PTTH Chuyên ban Lê Quý Đôn”, đến năm 2000 trường đổi tên thành “Trường THPT Lê Quý Đôn”.

    Trong giai đoạn này, do nhu cầu của học sinh và nhân dân thị xã Hà Đông và tỉnh Hà Tây, từ năm 1997 - 2008 UBND tỉnh Hà Tây thành lập thêm một trường THPT Bán công Lê Quý Đôn tồn tại song song, chung một địa điểm, một bộ máy lãnh đạo với trường THPT Lê Quý Đôn. Số lớp của cả hai trường lên tới 87 lớp với hơn 4600 học sinh.


    Thành tích của hai trường THPT Lê Quý Đôn và THPT Bán công Lê Quý Đôn hàng năm đã góp phần đào tạo nguồn nhân lực, nhân tài cho đất nước.

    Tháng 8 năm 2008 đến nay:


    Do mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội, tỉnh Hà Tây hợp nhất với Thành phố Hà Nội, trường được UBND Thành phố Hà Nội đổi tên thành “Trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông”. Nhà trường duy trì chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc trong khối THPT của Thành phố, trên cơ sở thực hiện tốt các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành giáo dục Thủ đô phát động, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước, nhân dân địa phương và Thành phố Hà Nội.


    THÔNG TIN LIÊN HỆ:
    Địa chỉ: số 4, Nhuệ Giang, P. Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội
    Điện thoại:
    024 3352 5618

    Gọi điện
    Các thầy cô giáo trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông
    Các thầy cô giáo trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông
    Lễ nhận bằng công nhận trường chuẩn quốc gia
    Lễ nhận bằng công nhận trường chuẩn quốc gia
  3. Top 3

    Trường THPT Hoài Đức A

    Gọi điện

    Trường THPT Hoài Đức A, tiền thân là trường cấp III Hoài Đức được thành lập từ năm 1966. Ban đầu trường nằm trên địa bàn xã Sơn Đồng- huyện Hoài Đức, từ năm 1969 trường chuyển về địa bàn xã Kim Chung – huyện Hoài Đức – Thành phố Hà Nội. Đến nay, sau gần nửa thế kỉ xây dựng và phát triển, Trường THPT Hoài Đức A đã và đang xứng đáng là “cái nôi văn hóa” của địa phương.


    Thành lập ngay trong những tháng ngày chiến tranh chống Mỹ ác liệt, mái trường đơn sơ, chỉ có một dãy nhà cấp 4 với ba phòng học, nơi ở của giáo viên đều phải dựa vào nhà dân nhưng thầy và trò trường THPT Hoài Đức A vẫn cố gắng khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục.Hơn 50 năm xây dựng và phát triển, dưới dự lãnh đạo, quan tâm sát sao của Đảng và nhà nước, trường THPT Hoài Đức A không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về quy mô, chất lượng giáo dục.


    Mái trường đơn sơ, thiếu thốn, thường xuyên dột nát nay đã khang trang, sạch sẽ.với 3 dãy nhà: Nhà A- Khu nhà hiệu bộ, nhà B, nhà C gồm 35 phòng học dành cho học sinh. Đội ngũ cán bộ, giáo viên (gồm khoảng 115 CBGV) có chất lượng, luôn mang trong mình nhiệt huyết, lòng yêu nghề, sãn sàng thực hiện nhiệm vụ của người giáo viên nhân dân.Riêng về chất lượng giáo dục toàn diện, nhà trường chú trọng ba hoạt động chủ yếu là giáo dục đạo đức chính trị, giáo dục văn hóa và giáo dục hướng nghiệp.


    Nhờ sự phối hợp chỉ đạo của Chi bộ Đảng, BGH nhà trường, Công đoàn trường, Đoàn trường…công tác giáo dục toàn diện đã đem lại hiệu quả thiết thực, nhà trường đã trở thành nơi hun đúc, rèn luyện, trau dồi cho thế hệ trẻ Hoài Đức trở thành những thanh niên có kiến thức văn hóa, có hiểu biết khoa học kỹ thuật, có sức khỏe và lòng nhiệt tình cách mạng, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của đất nước.


    Tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên trường THPT Hoài Đức A luôn tâm niệm sẽ không ngừng phấn đấu, trau dồi chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, tinh thần đoàn kết… để Hoài Đức A ngày càng lớn mạnh, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, nhà nước và nhân dân địa phương.


    Theo bảng đánh giá xếp hạng các trường THPT tại Hà Nội căn cứ vào điểm thi đại học trung bình năm 2014 trường THPT Hoài Đức A đứng ở vị trí số 41 trên tổng số 186 trường THPT ở Hà Nội.


    THÔNG TIN LIÊN HỆ:

    Địa chỉ: Kim Chung Di Trạch, Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội

    Điện thoại: 024 3399 5974


    Gọi điện
    Khi tôi 18 trường THPT Hoài Đức A
    Học sinh trường THPT Hoài Đức A
    Học sinh trường THPT Hoài Đức A
  4. Top 4

    Trường THPT Hoài Đức B

    Gọi điện

    Trường THPT Hoài Đức B được thành lập theo Quyết định số 602/QĐ-UB ngày 25 tháng 11 năm 1978 của UBND tỉnh Hà Sơn Bình sau này được tách và nhập về Hà Nội. Nằm trên địa bàn kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, dân số luôn biến động do tốc độ thị hóa nhanh, nên đã ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh nhà trường.


    Đứng trước thực tế ấy, BGH trường THPT Hoài Đức B đã xác định muốn nâng cao chất lượng giáo dục cần xây dựng một đội ngũ giáo viên vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, giàu lòng nhân ái sư phạm để “truyền lửa” cho học trò say mê học tập, tìm tòi khám phá chân trời tri thức. Theo thầy giáo Hiệu trưởng Nguyễn Danh Thông: Mặc dù nằm trên địa bàn dân cư còn có nhiều khó khăn như vậy, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, nhà trường đã có một tập thể sư phạm đoàn kết, yêu nghề, luôn khát khao vươn lên, khát khao được cống hiến, đó chính là điều kiện thuận lợi để nhà trường thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ của người thầy.


    Để có được đội ngũ giáo viên chất lượng, chuẩn nghề nghiệp, nhà trường duy trì thường xuyên, có hiệu quả các đợt hội giảng, sinh hoạt chuyên đề gắn lý luận với thực tiễn. Tạo điều kiện và khuyến khích giáo viên tích cực tự bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ thông qua việc đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá, tham gia các lớp sau đại học, ngoại ngữ, tin học đáp ứng được yêu cầu của đổi mới giáo dục. Các phong trào thi GVDG, ứng dụng CNTT vào dạy học, soạn giảng bằng giáo án điện tử, viết SKKN được phát động trong toàn trường đã thu hút đông đảo giáo viên tham gia. Trong 3 năm gần đây, nhà trường có trên 50 sáng kiến kinh nghiệm được xếp loại cấp Ngành trong đó có nhiều sáng kiến được áp dụng hiệu quả vào thực tế.


    Những phong trào và cách làm nói trên đã thực sự mang lại hiệu quả tích cực trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ. Tính đến nay, nhà trường có 100% giáo viên đạt chuẩn, trong đó có 24 giáo viên có trình độ Thạc sĩ và 3 giáo viên đang theo học thạc sĩ. Hàng năm 100% giáo viên đạt chuẩn loại khá trở lên theo quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học. Trong tổng số giáo viên của nhà trường đã có trên 30% giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở.


    Với trình độ chuyên môn vững vàng, ban giám hiệu và tập thể cán bộ nhân viên, giáo viên đã quan tâm xây dựng và áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ, linh hoạt phù hợp với học sinh và đặc thù của nhà trường để từ đó có kế hoạch bồi dưỡng học sinh năng khiếu, phụ đạo học sinh yếu kém. Nhờ vậy kết quả dạy và học của nhà trường không ngừng được nâng lên. Số lượng học sinh giỏi tăng theo từng năm, số lượng học sinh yếu kém giảm dần. Chất lượng đại trà được duy trì và phát triển. Hàng năm, có trên 90% học sinh xếp loại học lực khá, giỏi và trên 99% học sinh xếp loại hạnh kiểm khá, tốt. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của học sinh đạt từ 99,3% đến 100%; tỷ lệ học sinh đạt điểm sàn đại học từ 80% trở lên. Chất lượng mũi nhọn được quan tâm đầu tư, tỷ lệ học sinh đạt giải trong các kỳ thi HSG cấp Thành phố năm sau cao hơn năm trước.


    Không chỉ quan tâm đến công tác trí dục, nhà trường đặc biệt chú trọng đến công tác giáo dục đạo đức cho học sinh. Để hoạt động này đạt hiệu quả cao, nhà trường đã duy trì thường xuyên, kịp thời, chặt chẽ mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội bằng nhiều hình thức như: qua website của nhà trường, thảo luận, trao đổi trực tiếp hoặc qua thư điện tử, sổ liên lạc điện tử, qua các hội nghị, hội thảo, các cuộc họp, giao ban... Cách làm đó đã góp phần tạo cho trường THPT Hoài Đức B một môi trường giáo dục lành mạnh, phòng ngừa, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội xâm nhập vào nhà trường.


    Cùng với đó, nhà trường rất chú trọng đến công tác giáo dục truyền thống, giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh, rèn kỹ năng sống cho học sinh và tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, các hoạt động VHVN-TDTT; các hội thi khéo tay, thi làm và sử dụng đồ dùng dạy học cũng được tổ chức thường xuyên hàng năm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.


    Đặc biệt, nhà trường đã tổ chức tốt công tác tư vấn hướng nghiệp cho các em nhất là học sinh khối 12 trong việc chọn ngành, chọn nghề phù hợp với năng lực bản thân và nhu cầu xã hội.


    Kiên trì phấn đấu bám sát các tiêu chuẩn xây dựng trường Chuẩn quốc gia, năm 2017, trường THPT Hoài Đức B đã được UBND TP. Hà Nội công nhận đạt Chuẩn. Vinh dự này khẳng định, sự đoàn kết, quyết tâm của tập thể sư phạm chính là chìa khóa mở ra thành công cho nhà trường.


    Mặc dù nằm trong địa bàn nông thôn, chất lượng đầu vào không cao nhưng với sự cố gắng và nỗ lực tập thể giáo viên và học sinh, sau 3 năm học tập va rèn luyện tại trường học sinh trường PTTH Hoài Đức B luôn có được kết quả học tập tốt. Điểm trung bình thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học của học sinh HOài Đức B nhiều khi còn tốt hơn một số trường PTTH trong địa bàn Hà nội có điểm tuyển sinh đầu vào cao hơn.


    Trải qua 40 năm, nhà trường đã giáo dục và đào tạo được hàng nghìn học sinh ra trường và hiện nay học sinh của nhà trường đang tham gia vào các vị trí công tác từ cấp Trung ương đến các địa phương, các ngành, các lĩnh vực. Nhiều người trở thành các cán bộ cấp cao làm việc trong các cơ quan của Bộ, các Vụ, Viện nghiên cứu; là sĩ quan quân đội, giảng viên ở các trường Đại học, Cao đẳng, giáo viên các trường từ cấp mầm non đến trung học phổ thông, kỹ sư, bác sĩ và những công nhân lành nghề... đang đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng quê hương đất nước.


    Trong những ngày này thầy và trò trường THPT Hoài Đức B đang vui mừng phấn khởi thi đua lập thành tích kỉ niệm 40 năm ngày thành lập trường sẽ được tổ chức vào ngày 17-11-2018 tới đây. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển trường THPT Hoài Đức B luôn là một địa chỉ được các phụ huynh không chỉ ở địa bàn Hoài đức mà cả các địa bàn lân cận như Tây Mô, Đại Mỗ (Từ liêm Hà Nội), hay Dương Nội (Hà Đông), và một số xã ở Quốc Oai tin tưởng và gửi gắm con em mình.


    THÔNG TIN LIÊN HỆ:
    Địa chỉ:
    An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội
    Điện thoại: 024 3384 5239

    Gọi điện
    Trường THPT Hoài Đức B
    Trường THPT Hoài Đức B
    Giáo viên trường THPT Hoài Đức B luôn cố gắng để đầu tư chuyên môn và phương pháp giảng dạy.
    Giáo viên trường THPT Hoài Đức B luôn cố gắng để đầu tư chuyên môn và phương pháp giảng dạy.
  5. Top 5

    Trường THPT Quang Trung - Hà Đông

    Trường THPT Quang Trung - Hà Đông được thành lập ngày 22/8/1985, trải qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, trường THPT Quang Trung Hà Đông đã có nhiều đóng góp lớn trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho Thủ đô và đất nước. Đến nay trường đã đào tạo hơn 2 vạn lượt học sinh có chất lượng, nhiều học sinh của trường đã đạt thành tích xuất sắc trong học tập và đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố. Những năm gần đây, với đội ngũ giáo viên không ngừng được đào tạo bồi dưỡng nâng cao về trình độ chuyên môn và năng lực sư phạm, nhà trường đã trở thành một địa chỉ tin cậy, có uy tín của học sinh và nhân dân trong quận, từng bước khẳng định được vị thế của mình trong ngành GD Thủ đô. Hàng năm học sinh đạt hạnh kiểm khá và tốt đạt 99,5%.


    Trong năm học 2017-2018, thầy và trò trường THPT Quang Trung đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào: học sinh khá, giỏi đạt 99,3%, tăng 14,5% so với năm học trước; thi học sinh giỏi khối 12 cấp Thành phố đạt 9 giải, thi nghiên cứu khoa học cấp Thành phố đạt 7 giải cùng nhiều giải cao tại các cuộc thi về văn hóa văn nghệ, TDTT như Hội thi vũ điệu trẻ, Giai điệu tuổi hồng, tuyên truyền ca khúc cách mạng…

    Nhà trường 9 năm liền đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc; 97,7% cán bộ giáo viên nhà trường đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua các cấp. Đảng bộ trường THPT Quang Trung được Quận ủy Hà Đông tặng giấy khen là Đảng bộ đạt thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; 2 cô giáo được Trung ương Đoàn trao tặng Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ”, Đoàn trường được nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn.


    Năm học mới 2018 - 2019, trường THPT Quang Trung Hà Đông có tổng số 88 thầy cô giáo và 1.600 học sinh, trong đó có 400 học sinh lớp 10. Những năm gần đây, trường THPT Quang Trung Hà Đông đã có nhiều tiến bộ trong giảng dạy, chất lượng học sinh đầu cấp năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt 100% và cao đẳng, đại học đạt trên 90%.


    Năm học 2018-2019, nhà trường tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động, đặc biệt tiếp tục tích cực hưởng ứng việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhằm gắn việc học tập với việc rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, nâng cao tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm trong công tác giáo dục và học tập của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh. Phấn đấu xây dựng nhà trường thành một tập thể luôn đoàn kết, thân ái, vượt khó, thi đua “Dạy tốt - học tốt”, góp phần giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.


    THÔNG TIN LIÊN HỆ:

    Địa chỉ: Ngõ 2, Quang Trung, Phường Quang Trung, Quận Hà Đông, Hà Nội
    Điện thoại:
    04.33827732 04.33827732

    Học sinh trường PTTH Quang Trung trong ngày khai giảng năm học mới
    Học sinh trường PTTH Quang Trung trong ngày khai giảng năm học mới
    Trương THPT Quang Trung - Hà Đông
    Trương THPT Quang Trung - Hà Đông




Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy