Top 10 Đầm nước đẹp nhất Việt Nam

Phương Trinh 1015 1 Báo lỗi

Việt Nam là một đất nước đa dạng về địa hình với rất nhiều phong cảnh nên thơ mà hùng vĩ. Bên cạnh các loại địa hình như địa hình bờ biển, địa hình đá vôi, thì ... xem thêm...

  1. Top o

    Đầm Vân Long

    Đầm Vân Long thuộc tỉnh Ninh Bình, cách thủ đô Hà Nội chỉ khoảng hơn 80km là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ, với một hệ sinh thái phong phú và độc đáo. Hơn nữa, đây cũng là nơi cư trú của nhiều hệ động thực vật, rất phù hợp để đến chiêm ngưỡng và khám phá, thả mình vào thiên nhiên thơ mộng. Đầm Vân Long vẫn còn mang vẻ đẹp hoang sơ vì vẫn chưa có nhiều sự tác động của con người, chưa được khai thác du lịch nhiều. Bởi thế nên hệ sinh thái của động thực vật vô cùng đa dạng và phong phú, trong đó phải kể đến quần thể voọc mông trắng được lưu tên trong sách đỏ thế giới vẫn còn được lưu giữ khá nhiều tại đây.


    Ngồi trên thuyền, bạn sẽ thấy đầm ngập nước Vân Long giống như một bức tranh sơn dầu hoang sơ hút mắt người nhìn. Bởi lẽ tại nơi này, ngoài cảnh núi non trập trùng hùng vĩ, bạn còn được lênh đênh trên thuyền giữa bốn bề non xanh nước biếc, dưới làn nước trong rong rêu và tảo hiện ra đẹp như những rạn san hô đủ sắc đủ màu. Nước tại đây cũng một màu trong vắt, còn có thể thấy cả những sinh vật bên dưới, nhìn xuống mặt hồ in bóng mây trời, núi non uy nghi, thật là một khung cảnh nên thơ trữ tình. Xung quanh có những đám cỏ lác, cỏ năn đu đưa trong gió. Thấp thoáng xa xa là đàn cò trắng, đàn le le, nghếch, cò lửa… đang thong thả kiếm ăn hoặc chao liệng trên không trung.


    Du lịch đầm Vân Long còn hấp dẫn ở chỗ ngoài được thăm thú một bức tranh sơn thuỷ hữu tình, du khách còn được vào ngắm các hang động lung linh đẹp mắt với những khối đá nhũ rủ xuống muôn hình vạn trạng. Những dãy núi đá vôi, hang động bị bào mòn có hình thù hấp dẫn cũng là nơi trú ẩn của nhiều loài động vật vô cùng thú vị và đặc sắc. Một số hang động đẹp mà bạn có thể ghé qua như: Hang Cá, hang Bóng, hang Rùa, hang Chanh.

    Đầm Vân Long
    Đầm Vân Long
    Đầm Vân Long
    Đầm Vân Long

  2. Top o

    Đầm Lập An

    Đầm Lập An hay còn gọi là đầm An Cư, tọa lạc ở vị trí đẹp, ở ngay dưới chân đèo Phú Gia, được dải núi Bạch Mã hùng vĩ bao quanh, phía trước là vịnh Lăng Cô dịu êm với màu nước xanh ngọc bích. Tất cả tạo cho đầm Lập An một vẻ đẹp mơ màng khiến bao du khách phải ngẩn ngơ ngắm nhìn. Đầm Lập An có lẽ đẹp nhất vào buổi chiều tàn, khi những tia nắng cuối cùng trong ngày chiếu xuống nơi đây tạo nên vẻ đẹp lãng mạn và yên bình. Đến đây vào thời khắc hoàng hôn đó, bạn dường như sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi khung cảnh trước mắt mình, vừa có sự hùng vĩ vẫn xen lẫn cái chất đặc biệt “rất Huế”.


    Ngoài ra, nơi đây không chỉ sở hữu cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, đầm còn là nơi sinh sống của rất nhiều loài động, thực vật thủy sinh, và trong số đó thì nhiều nhất là hàu, thứ đặc sản của người dân quanh khu Lập An. Công việc của người dân địa phương chủ yếu là đánh bắt thủy hải sản, đặc biệt là hàu. Hàu ở đầm Lập An nổi tiếng ngon, béo bùi nên khi đến đây, du khách sẽ được thưởng thức những món ngon từ loại hải sản này như nướng trui, cháo, xào hành tây, gỏi… Hương vị của các món ăn sẽ khiến du khách không thể quên.

    Đầm Lập An
    Đầm Lập An
    Đầm Lập An
    Đầm Lập An
  3. Top o

    Đầm Ô Loan

    Nằm trên quốc lộ 1A cách thành phố Tuy Hoà khoảng 22km về phía bắc, đầm Ô Loan có diện tích 1570 km, nổi danh là một đầm nước lợ nằm sát cửa biển với vẻ đẹp bình dị, mộc mạc và yên bình. Toạ lạc sát chân đèo Quán Cau, từ trên đèo nhìn xuống, đầm có hình dáng như một con chim phượng hoàng đang dang đôi cánh phủ rợp cả vùng.


    Địa điểm này còn có những câu chuyện huyền bí gắn liền với tích “Cao Biền Dậy Non” và một cồn cát tự nhiên được dân gian xem như “mồ chôn Cao Biền”. Thế nhưng, truyền thuyết nổi tiếng nhất vẫn là chuyện về nàng tiên nữ tên Loan. Tương truyền ngày xưa có một nàng tiên nữ với sắc đẹp tuyệt trần, vì bản tính ham chơi, nghịch ngơm nên đã cưỡi Ô Thước bay xuống trần gian du ngoạn khắp mọi miền. Đến vùng đất Tuy An, chim mỏi cánh nên hạ xuống đây, khiến người và chim hoá thành một đầm nước. Từ đó nhân dân lấy tên nàng ghép với tên Ô Thước, gọi tắt là Ô Loan để đặt tên cho đầm này.


    Với vẻ yên bình vốn có của mình cùng hình ảnh những chiếc thuyền đánh cá của ngư dân, đầm nước này xứng đáng có tên trong danh sách những điểm săn ảnh về cảnh đẹp Phú Yên của hàng loạt nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Đừng lo lắng nếu bạn không phải là một thợ săn ảnh thực thụ, chỉ cần nắm bắt một vài mẹo chụp ảnh cùng khoảng thời gian thích hợp là bạn đã đem về cho mình một bộ ảnh siêu chất và không đụng hàng rồi đấy. Nên nhớ, thời gian tốt nhất để bắt được những khoảnh khắc đẹp nhất nơi đây chính là lúc bình minh và hoàng hôn khi ánh mặt trời nhuộm đỏ toàn khu vực đầm nước. Đó cũng là lúc ngư dân bắt đầu một ngày mới với công việc mưu sinh thường nhật và trở về nhà với một mẻ đầy ắp sản vật của biển.


    Đầm Ô Loan khoác lên mình cái vẻ đẹp dung dị và thanh bình với không gian thoáng đãng và trong lành. Vì là đầm nước lợ nên đầm có rất nhiều hải sản như hàu, đẹp, cua, sò huyết... Những cánh rừng phi lao nằm men theo bờ nước của rừng như những cô thiếu nữ đang nhảy múa những vũ điệu của riêng mình và đây cũng là nơi trú ẩn của các loài chim như vịt, cò, le le,... Đặc biệt, cảnh vật nơi đây như càng trở nên thơ mộng hơn khi dần về chiều. Có thể nói, hoàng hôn trên đầm Ô Loan đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên đẹp hoàn hảo. Quả thật, cái cảm giác nhẹ nhàng khi được ngắm trời chiều khi về nơi đây vô cùng tuyệt vời.

    Đầm Ô Loan
    Đầm Ô Loan
    Đầm Ô Loan
    Đầm Ô Loan
  4. Top o

    Ðầm Nha Phu

    Theo người xưa kể lại thì đầm trước có tên là đầm Nhá Phú - có nghĩa là vùng đầm có tôm cá trù phú, thể hiện sự giàu có của nơi đây. Đây là cách gọi của người Chăm cổ, là những người đầu tiên đặt chân lên vùng đất này. Tuy nhiên sau này khi người Kinh đến đây sinh sống thì dần dần chuyển qua tên đầm Nha Phu hay Vịnh Nha Phu mà nhiều người biết đến hiện nay.


    Đầm Nha Phu là một khu vực rộng lớn và nổi tiếng với những hòn đảo du lịch như hòn Thị, hòn Sầm, hòn Lao, hòn Đá Bạc, hòn Lao - đảo Khỉ, khu nghỉ mát Ninh Vân, suối Hoa Lan. Đầm Nha Phu rộng gần 1.500 ha, là nơi tiếp giáp giữa vịnh Nha Trang và vịnh Vân Phong, cách thành phố Nha Trang khoảng 15 km, thuộc tỉnh Khánh Hòa. Đến với nơi đây, bạn sẽ có cơ hội khám phá và tìm hiểu ba hòn đảo như hòn Thị, hòn Hèo và hòn Lao. Đầm Nha Phu là nơi hội tụ của rất nhiều địa hình như suối, đảo, biển, núi, và cả vịnh.


    Với cảnh quan hoang sơ, dân cư thưa thớt, cùng những bãi cát trắng phau trải dài hàng cây số, nơi đây đã thực sự trở thành chốn dừng chân lý tưởng cho rất nhiều khách du lịch cả trong và ngoài nước. Ngoài ra, Đầm Nha Phu còn là nơi phát triển nghề nuôi trồng thủy hải sản và đã nuôi sống biết bao người tại đây. Nhìn chung, mọi thứ ở đây như những ốc đảo nằm thơ mộng, yên bình giữa lòng đại dương mênh mông, xanh biếc.

    Đầm Nha Phu
    Đầm Nha Phu
    Ðầm Nha Phu
    Ðầm Nha Phu
  5. Top o

    Phá Tam Giang

    Phá Tam Giang có chiều dài 24 km, và có diện tích 52 km2, theo hướng tây tây bắc - đông đông nam, từ cửa sông Ô Lâu đến sông Hương, ra cửa biển Thuận An. Nơi đây được đánh giá là đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á, phá Tam Giang thực sự là một ngã ba sông, gồm sông Hương, sông Bồ và Ô Lâu hội tụ trước khi đổ ra cửa biển. Chính vì vậy, nơi đây là chốn dừng chân tuyệt vời của nhiều đàn cò, vạc, ngỗng trời, vịt trời...


    Tới phá Tam Giang, bạn không nên bỏ lỡ cơ hội ghé thăm làng chài Thái Dương Hạ. Đó là một ốc đảo nhỏ trên phá. Xung quanh làng là nước được bao phủ bốn bề, làng chài cổ xưa hàng trăm năm vẫn tồn tại và phát triển đến ngày nay. Đến đây, du khách sẽ có những điều thật thú vị để khám phá về văn hoá. Mang trong mình vẻ đẹp hài hòa giữa đình làng truyền thống của người Việt lại ẩn sâu trong mình nét văn hóa đặc trưng của đền miếu tỉnh Thừa Thiên.


    Điểm đến tiếp theo khi đến đây đó là rừng ngập mặn Rú Chá, một “đặc sản” bao quanh phá Tam Giang. Những rặng cây ngập mặn bao phủ tựa như bức tường cây. Đi thuyền vào khu vực này dường như bạn tách biệt với thế giới bên ngoài. Không chỉ hấp dẫn du khách bởi những rặng cây mà nơi này còn có nguồn tôm, cá dồi dào. Bên cạnh đó, rừng ngập mặn Rú Chá cũng là nơi cư trú của nhiều loài chim. Khi ánh chiều tà buông xuống, từng đàn chim bay về tổ là cảnh tượng khó quên nhất khi du lịch Rú Chá.


    Đến đây bạn sẽ bị mê hoặc bởi vẻ đẹp khó cưỡng nhất của phá Tam Giang vào thời điểm hoàng hôn. Khoảng 16h tới 17h30, ánh sáng vàng hồng nhuốm màu lên toàn bộ phá tạo nên bức tranh phong cảnh đẹp hữu tình. Lúc này, tiết trời chuyển dần sang gam tím, những con thuyền cập bến sau một ngày làm việc vất vả trên sông nước. Phá vào lúc màn đêm buông xuống quá đỗi hiền hòa, thơ mộng, trữ tình. Và dĩ nhiên, không thể thiếu việc check in những bức hình lung linh đủ màu sắc lưu lại làm kỷ niệm. Thỉnh thoảng, bạn lại nghe tiếng hò Huế văng vẳng đâu đó khiến người nghe man mác cõi lòng.

    Phá Tam Giang
    Phá Tam Giang
    Phá Tam Giang
    Phá Tam Giang
  6. Top o

    Đầm Thị Nại

    Đầm Thị Nại có diện tích tự nhiên khoảng 5.000 ha, chiều dài hơn 15 km, chiều ngang chỗ rộng nhất gần 5 km. Đầm từng mang tên gọi của một địa danh Chàm, nguyên gốc tiếng Phạn là Cri Vinaya đã được phiên âm qua tiếng Hán thành Thị-lị-bì-nại. Ngoài ra, đầm còn có các tên khác là Hải Hạc đầm hoặc đầm Biển Cạn. Đầm Thị Nại thênh thang như đại dương thu nhỏ giữa lòng Quy Nhơn. Đầm Thị Nại là hội tụ dòng chảy của các nhánh sông Kôn, sông Hà Thanh. 2 dòng sông này đã vun đầy dòng nước ở đầm Thị Nại, vẽ lên bức họa thủy mặc hữu tình hấp dẫn khách du lịch gần xa.


    Đến đầm Thị Nại, du khách có cơ hội lênh đênh trên chiếc thuyền nhỏ, dập dờn xuôi cùng sóng nước, nhìn ngắm khung cảnh bao la của đầm và khám phá cuộc sống ngư dân với nhiều trải nghiệm thú vị. Trong quần thể này có khu sinh thái Cồn Chim - "lá phổi xanh của Quy Nhơn". Cồn chim rộng gần 1.000 ha, là nơi tập trung hệ sinh thái rừng ngập mặn và thảm cỏ biển có tới 25 loài, hệ động vật có 64 loài phù du, 76 loài cá, có hàng trăm loài chim, trong đó 23 loài thuộc nhóm chim nước và chim di cư, 10 loài chim rừng.


    Trong đầm còn có một núi nhỏ, trên có ngôi miếu nhỏ do dân chài lập ra để thờ thủy thần, hình dáng núi tựa như một ngôi tháp cổ, gọi là tháp Thầy bói. Có người kể rằng nơi đây đã từng xuất hiện tháp do một ông thầy bói xây nên. Sau khi ông qua đời, không ai coi sóc nên tháp đã bị gió bão phá sập. Nhưng cũng có giả thuyết cho rằng nơi đây vốn không có tháp. Gọi là tháp chẳng qua vì khóm đá trông xa hình thuôn như cái tháp mà thôi, còn Thầy Bói là tên một giống chim ăn cá, ngoài Bắc gọi là chim Bói Cá.


    Nước đầm Thị Nại thông với biển bằng một cửa hẹp có tên cửa Giã, thông thường cửa này vẫn thường được gọi là cửa Thị Nại. Cửa được tạo bởi Mũi Rùa bên bờ phía Tây và Gành Hổ thuộc dãy núi Phương Mai bên bờ Đông, trong thế "thủy khẩu giao nha". Vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, đầm Thị Nại cũng đẹp, từ khi nắng mai hắt luồng sáng ấm áp xuống đầm, khi ánh hoàng hôn ma mị tím đỏ phủ lên đầm phá, khi trăng tròn thanh vắng, đầm trở nên huyền ảo hệt chốn thần tiên.

    Đầm Thị Nại
    Đầm Thị Nại
    Đầm Thị Nại
    Đầm Thị Nại
  7. Top o

    Đầm Thủy Triều

    Đầm Thủy Triều đẹp đến thơ mộng lạ kỳ trong những ngày đầu xuân năm mới... chắc chắn sẽ làm siêu lòng bất cứ du khách nào đến với vùng đất này bằng một quang cảnh nên thơ với một bên đầm một bên biển dễ thương. Đầm Thủy Triều cách thành phố Nha Trang khoảng 30km về phía Nam. Vùng đầm nước trải dài như tấm lụa mềm trên một phần ba diện tích bán đảo Cam Ranh. Nơi đây là một trong những điểm đến được du khách đặc biệt yêu thích trong hành trình du lịch Cam Ranh.


    Đầm Thuỷ Triều là một đầm nước mặn rộng lớn nằm phía sau lưng những đồi cát trắng phía sau lưng bán đảo Cam Ranh và dưới chân núi Cù Hin. Độ sâu dao động từ 3 đến 7 mét tuỳ vị trí. Diện tích đầm tự nhiên vào khoảng 12.000 ha. Đáy đầm có khoảng 1500 loại thủy sinh cư trú.


    Đầm lầy có thể xuất hiện ở ven biển hoặc ở cửa sông, khi mà những vùng sát biển, nơi thường có nước biển lên xuống theo thủy triều và các loài cây nước mặt phát triển mạnh tạo nên đầm lầy. Xét theo độ mặn của nước người ta có đầm lầy nước ngọt, lợ và đầm lầy nước mặn. Thủy Triều là đầm lầy nước mặn ven biển.


    Ở đầm nước mặn này có rất nhiều thuỷ hải sản tự nhiên phong phú. Trong đó có loại sò huyết nổi tiếng từ xa xưa, xếp ngang hàng với sò huyết đầm Ô Loan (Phú Yên) và sò huyết Tam Giang (Thừa Thiên Huế). Sò huyết Thủy Triều Cam Lâm, Khánh Hòa là một trong những món ngon nổi tiếng có giá trị dinh dưỡng cao, được mệnh danh là một loài hải sản vua trong các loài hải sản. Sò huyết có thể được làm theo một số món như sò nướng, hấp bia với sả ớt, sò xốt me, sò huyết nướng mỡ hành, nướng bơ tỏi. Để được những món sò ngon nhất, bạn có thể chọn những con không quá to mà cũng không quá nhỏ.

    Đầm Thủy Triều
    Đầm Thủy Triều
    Đầm Thủy Triều
    Đầm Thủy Triều
  8. Top o

    Đầm An Khê

    Đầm An Khê là đầm nước lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, nằm ở vùng ven biển Sa Huỳnh, giáp ranh giữa 2 xã Phổ Khánh và Phổ Thạnh (Đức Phổ), có diện tích mặt nước 347 ha, chiều dài nhất đo được 3,5 km, chiều rộng nhất chừng 1km. Đầm có nước quanh năm, mực nước nơi sâu nhất trong đầm là 4m.


    Đầm An Khê có một lối thoát nước ra biển qua một lạch nhỏ dài khoảng 3km, gọi là cửa Lỗ, thường bị bồi lấp quanh năm. Vào mùa mưa lũ, khi nước trong đầm tích đầy thì dãi cát ở cửa Lỗ bị đẩy xa ra biển. Có năm người dân địa phương phải khơi thông cửa này cho nước thoát ra biển để tránh gây ngập vùng xung quanh.


    Nước đầm An Khê là môi trường sống thích hợp của nhiều loài thủy sinh. Thủy sản sống trong đầm chủ yếu là các loài nước ngọt (cá diếc, cá thác lác, cá bống, cá chép, cá chình, cá trắm cỏ, cá mè, tôm, ốc, cá rô phi...). Đặc biệt ở đây có loài cá úc, song trong những năm gần đây đã dần trở nên khan hiếm. Nhóm cá biển với số lượng khá thấp sống trong đầm là các loài cá móm, cá đối, cá khế sáu sọc.


    Đầm nước này trong quá khứ là một bộ phận hữu cơ của hệ sinh thái Sa Huỳnh, mang lại những điều kiện cần thiết cho cuộc sống của cư dân bản địa, góp phần hình thành và phát triển nền văn hóa Sa Huỳnh- một trong 3 nền văn hóa cổ đã từng tồn tại trên đất nước Việt Nam, có quan hệ rộng với nhiều vùng trong khu vực Đông Nam châu Á.

    Đầm An Khê
    Đầm An Khê
    Đầm An Khê
    Đầm An Khê
  9. Top o

    Đầm Thị Tường

    Đầm Thị Tường (hay đầm Bà Tường) là đầm nước tự nhiên có diện tích lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam, được mệnh danh là "biển hồ giữa đồng bằng". Theo truyền thuyết dân gian, cái tên Thị Tường là tên của Bà Tường, một trong những người đầu tiên đi khai phá vùng đất Cà Mau. Theo người xưa kể, tuy là phận nữ nhi nhưng Bà Tường rất dũng cảm, bà đã xua đuổi bày chim trời do chúa Hổ phái đến để lấy đá lấp biển. Chúa Hổ làm như vậy là do ngài hận vua Thủy tề không gả con gái cho mình. Dấu tích nơi bà Tường xua đuổi đàn chim đến nay vẫn còn. Nhờ vậy mà đầm ngày một đông đúc các loài thủy sản, là nguồn lợi khai thác vô cùng lớn của những người dân nghèo địa phương. Nhớ công đức của bà, người dân nơi đây lấy tên bà đặt cho đầm.


    Đầm có hệ sinh thái đa dạng, phong phú mang đặc thù riêng của vùng đất ngập nước ở tỉnh Cà Mau. Do ảnh hưởng bởi chế độ bán nhật triều nên khu vực đầm là vùng tiếp giáp hai dòng chảy của biển phía tây và biển phía đông quanh bán đảo Cà Mau nên đầm Thị Tường có mùa nước mặn và mùa nước ngọt rõ rệt, chính vì vậy đầm có hệ sinh thái mặn, ngọt và cả nước lợ. Mùa nước mặn có nhiều tôm, cua, chù ụ, lịch củ, lịch huyết. Mùa nước ngọt thì có nhiều cá lóc, cá rô, cá trê, lươn,...Đầm là nơi sinh sống của các loại thủy sản khác như cá ngát, cá chẽm, cá vược, cá vồ chó, cá dứa,...đặc biệt nhiều nhất là cá vồ chó.


    Cư dân sinh sống quanh đầm chủ yếu bằng nguồn lợi thủy hải sản khai thác được từ đầm này, nhưng do đánh bắt với tần suất cao và vô tội vạ, nguồn lợi thủy sản trên đầm đã cạn kiệt. Người dân lại bao ví nuôi sò huyết số lượng lớn. Việc nuôi sò huyết trên quy mô lớn ở đầm được đánh giá là đe dọa hệ sinh thái tự nhiên vì nước cần mặn hóa thường xuyên để nuôi chúng nên đầm Thị Tường gần như mặn quanh năm.

    Đầm Thị Tường
    Đầm Thị Tường
    Đầm Thị Tường
    Đầm Thị Tường
  10. Top o

    Đầm Lâm Bình

    Đầm Lâm Bình có diện tích hơn 200 ha là nơi đánh bắt cá, tôm của hơn 50 hộ dân với nguồn thu mỗi năm khoảng 5 tỉ đồng. Đây còn là nơi chứa nước để bơm tưới cho hàng trăm héc ta ruộng lúa ven đầm. Vào mùa nắng, ven đầm là nơi trú ngụ của nhiều loài chim. Chúng đến đây kiếm ăn, kết bạn tình rồi làm tổ để duy trì nòi giống. Khi những cơn gió se lạnh cuối thu tràn về, lũ chim vội bay đi tìm nơi ấm áp trú tránh mùa đông lạnh giá.


    Đầm đổ nước vào dòng sông Trường rồi hợp với hạ lưu sông Lò Bó và cùng hòa nước với dòng sông Thoa trước khi đổ ra biển qua cửa Mỹ Á. Nước trong đầm độ mặn rất thấp cùng lượng thủy sản dồi dào, là nguồn cung cấp cá tôm cho người dân quanh vùng. Các loài cá đánh bắt nơi đây chế biến nhiều món ăn ngon, mang hương vị đặc trưng, đặc biệt là cá trôi. Cá trôi mang về đến nhà còn tươi rói dùng dao chặt vi, móc mang và mổ bụng rồi cắt khúc rửa sạch vớt ra rổ cho ráo nước. Đun nước sôi trên bếp cùng với ít muối hạt rồi cho cá vào nồi, thêm vài lát ớt cay để khử mùi tanh rồi nêm thêm gia vị. Có lẽ nhờ bơi lượn tìm mồi trong đầm và trên các dòng sông nên thịt cá trôi ở đây mang hương vị đặc trưng, hiếm nơi nào có được. Vị ngọt béo từ thịt cá quyện cùng gia vị và hương thơm của rau ngon khó diễn tả thành lời.

    Đầm Lâm Bình
    Đầm Lâm Bình
    Đầm Lâm Bình
    Đầm Lâm Bình



Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy