Bài soạn "Lợn cưới áo mới" số 3
A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
Tóm tắt:
Có một anh chàng hay khoe của vừa may được chiếc áo mới, đứng suốt từ sáng đến chiều chưa khoe được thì gặp một anh chàng khác cũng đang tìm cơ hội khoe con lợn cưới. Anh chàng nhanh nhảu hỏi to:
- Bác có thấy con lợn cưới của tôi chạy qua không?Nhân cơ hội có người để khoe, anh mặc áo mới vội nói:
- Từ lúc tôi mặc cái áo mới này, tôi chẳng thấy con lợn nào chạy qua đây cả!
Ý nghĩa: Truyện Lợn cưới áo mới chế giễu, phê phán những người có tính hay khoe của, một tính xấu khá phổ biến trong xã hội. Tính khoe của biến con người thành những kẻ lố bịch, hợm hĩnh, trở thành đối tượng cho mọi người cười chê.
B. BÀI TẬP VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI
Câu 1: (Trang 127 - SGK Ngữ văn 6 tập 1) Em hiểu như thế nào về tính khoe của? Anh đi tìm lợn khoe của trong tình huống như thế nào? Lẽ ra, anh phải hỏi người ta ra sao?
Bài làm:
Tính khoe khoang là phô trương cho người ta thấy hay người ta nghe những gì mình có để chứng minh cho mọi người biết mình có của. Đây là một tính xấu không nên học theo.
Sự khoe của của anh đi tìm lợn.
Đáng lẽ người khoe của trước phải là anh áo mới, nhưng anh ta chưa kịp phản ứng khi có người đi qua thì đã bị anh lợn cưới giành mất.
Anh đi tìm lợn đáng lẽ chỉ cần hỏi người ta: “Anh có thấy con lợn nào chạy qua đây không?”. Thế nhưng anh lại dùng từ “lợn cưới” là từ không thích hợp để chỉ con lợn bị sổng chuồng.
Việc dùng từ thừa thông tin trong câu nhằm dụng ý khoe về đám cưới hơn là tìm con lợn bị mất, ý muốn khoe mình sắp cưới vợ, khoe về cỗ linh đình.
Câu 2: (Trang 127 - SGK Ngữ văn 6 tập 1) Anh áo mới thích khoe đến mức nào? Điệu bộ của anh ta khi trả lời có phù hợp không? Hãy phân tích yếu tố thừa trong câu trả lời của anh.
Bài làm:
Anh muốn khoe áo đứng hóng ở cửa, đợi được người ta khen. Đứng mãi từ sáng đến chiều mà vẫn chẳng ăn thua, đang đầy thất vọng thì có người chạy qua, thế là không bỏ lỡ dịp may – cũng chẳng cần biết người đó hỏi gì – liền vội khoe ngay: "Từ lúc tôi mặc chiếc áo mới này...".
Điệu bộ anh ta trả lời chỉ vào cái áo mới, bắt người khác phải chú ý. Cách trả lời dềnh dàng để “khoe”.
"Chiếc áo mới" ở đây là một thông tin thừa. Thừa trong cả lời nói và thừa trong cả hành động -» Sự dư thừa ấy có chủ đích tìm cách khoe chiếc áo mới của mình mà anh đã chờ từ sáng đến chiều mới có người để khoe.
Câu 3: (Trang 127 - SGK Ngữ văn 6 tập 1) Đọc “Lợn cưới, áo mới” vì sao em lại cười?
Bài làm:
Đọc “Lợn cưới, áo mới” chúng ta cười vì tính thích khoe của một cách quá đáng của hai nhân vật.
Anh đi tìm lợn: Mục đích của anh là hỏi để người ta giúp anh tìm con lợn. Thay vì cung cấp những thông tin cần thiết về con lợn, anh lại nhằm vào một mục đích khác: khoe nhà giàu, cỗ cưới to
Anh có áo mới: Lẽ ra chỉ cần thông báo điều mà người hỏi muốn biết (không nhìn thấy con lợn), anh lại cũng tranh thủ khoe luôn chiếc áo mới của mình.
Cách khoe của của hai anh chàng lộ liều, cô' ý, lố bịch, đây có thể coi là cuộc đụng đầu thú vị giữa hai cao thủ “khoe khoang” trong một hoàn cảnh đặc biệt.
Câu 4: (Trang 127 - SGK Ngữ văn 6 tập 1) Hãy nêu ý nghĩa của truyện “Lợn cưới, áo mới”.
Bài làm:
Qua câu chuyện về hai anh chàng khoe của gặp nhau và đối thoại với nhau câu chuyện nhằm phê phán những người có tính khoe khoang, luôn tỏ ra hơn người khác,là một tính xấu mà mỗi người không nên có. Tính khoe của biến con người thành những kẻ lố bịch, hợm hĩnh, trở thành đối tượng cho mọi người cười chê.
Phần tham khảo mở rộng
Câu 1: Phát biểu cảm nghĩ của em sau khi học xong truyện Lợn cưới, áo mới
Bài làm:
Truyện cười dân gian Lợn cưới, áo mới kể về hai anh chàng có tính khoe khoang gặp nhau. Anh có áo mới thích khoe đến nỗi phải mặc rồi đứng ra cửa, chờ có người để khoe. “Già được bát canh, trẻ được manh áo mới”, tính khoe của anh khiến ta liên tưởng đến niềm vui của trẻ nhỏ được mặc chiếc áo mới. Với trẻ nhỏ đó là sự ngây thơ, hồn nhiên còn với anh chàng này mục đích chính là khoe của nên thật lố bịch và hài hước. Nhưng đen đủi cho anh ta là cả ngày chẳng gặp ai để khoe nên tức tối lắm. Đúng lúc đó, có anh chàng tìm lợn chạy qua và hỏi:"Anh có thấy con lợn cưới..."; anh mặc áo được dịp mừng như bắt được vàng và giơ vạt áo ra khoe: “Từ lúc tôi mặc cái áo mới này…”. Xét về câu hỏi và câu trả lời của hai anh chàng, chúng ta đều thấy thừa thông tin không cần thiết: người đi tìm lợn sổng mà cứ nhấn mạnh là lợn cưới, kẻ trả lời là không thấy lợn thì lại cố đưa thêm cái áo mới của mình vào. Cái trái tự nhiên, không hợp với lẽ thường xuất hiện khiến cho tiếng cười chế giễu vang lên. Tính khoe khoang, thích trưng ra để người khác biết mình giàu có là tính xấu của những người thích học đòi, mới giàu có. Họ khoe khoang qua lời nói, hành động, vẻ bề ngoài một cách lố lăng, kệch cỡm. Câu chuyện là tiếng cười dí dỏm của dân gian nhưng cũng là bài học sâu sắc, phê phán và chế giễu những người có tính khoe của, một tính xấu khá phổ biến trong xã hội hiện nay.