Bài văn phân tích tác phẩm "Những đứa con trong gia đình" số 8

Nguyễn Thi là nhà văn gắn bó sâu sắc với cuộc sống và chiến đấu anh dũng của quân và dân miền Nam. Các sáng tác văn học của Nguyễn Thi tập trung phản ánh hiện thực đấu tranh dữ dội, quyết liệt của người nông dân Nam Bộ chống để quốc Mĩ xâm lược và tay sai, giành độc lập tự do và thống nhất đất nước.


Những đứa con trong gia đình được Nguyễn Thi viết trong những ngày chiến đấu ác liệt vào tháng hai năm 1966. Truyện ra đời trong bối cảnh lịch sử đó nên tác phẩm của Nguyễn Thi là một bức tranh sử thi đồ sộ, hoành tráng về con người Nam Bộ trong chiến đấu nói riêng và cả cộng đồng dân tộc Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ nói chung.


Tính chất sử thi không phải là các khái niệm thể loại hay chỉ quy mô của tác phẩm, mà là một tác phẩm phản ánh cuộc sống của con người thời đại đã được phủ lên một màu sắc sử thi. Tính chất sử thi là một đặc điểm của dóng văn học sáng tác trên nền tảng của ý thức cộng đồng toàn dân xuất hiện vào thời kì đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta với thực dân Pháp và đế quốc Mĩ.


Tính chất sử thi thể hiện ở xung đột trong tác phẩm văn học là xung đột giữa toàn dân với kẻ thù xâm lược. Chủ đề cơ bản có tính sử thi là tình cảm yêu thương, trân trọng, ngợi ca dân tộc nhân dân, tổ quốc truyền thống anh hùng trong quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do. Lập trường sử thi là nhà văn vì lợi ích của dân tộc, cộng đồng. Nhân vật có tính sử thi là nhân vật anh hùng đại diện cho phẩm chất ý chí và sức mạnh của dân tộc, đặc biệt là các hình tượng hãnh tụ, hình tượng chiến binh, hình tượng người mẹ.


Giọng điệu có tính sử thi cơ bản là giọng ngợi ca, tụng ca; giọng khẳng định và cổ vũ nhân dân chiến đấu. Tình cảm có tính sử thi chủ yếu là tình yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu bộ đội… Do các đặc điểm này mà các khía cạnh đời sống khác như đời sống cá nhân, sinh hoạt đời thường, các hiện tượng tiêu cực… đều được nhìn nhận theo xu hướng sử thi. Tác phẩm không phản ánh những vấn đề số phận cá nhân mà phản ánh số phận, phẩm chất của cả cộng đồng trong đời sống hiện tại.


Sử thi ở đây không phải là vấn đề thể loại mà là khuynh hướng sử thi Những đứa con trong gia đình mang khuynh hướng sử thi. Vấn đề phản ánh trong tác phẩm tập trung vào một gia đình có truyền thống cách mạng tiêu biểu cho nhân dân Nam Bộ và cả nước trong kháng chiến chống Mĩ. Tác phẩm có ý nghĩa rộng lớn đó, trước hết là do các thành viên trong gia đình mà nhà văn phản ánh có ý nghĩa điển hình xã hội và nghệ thuật sinh động.


Ý nghĩa khái quát, bao trùm, sức khái quát hóa nghệ thuật lớn lao bao giờ cũng vượt lên khỏi phạm vi đề tài ở những tác phẩm có sức sống lâu bền trong lòng độc giả. Gia đình của Chiến và Việt là một gia đình điển hình của người dân Nam Bộ trong kháng chiến chống Mĩ. Câu nói của chủ Năm “chuyện của gia đình ta nó cũng dài như sông, để rồi chú sẽ chia cho mỗi người một khúc mà ghi vào đó” đã khái quát một trong những phương diện cơ bản nhất của chủ đề truyện ngắn Những đứa con trong gia đình.


Qua thiên truyện ngắn này, Nguyễn Thi đã khám phá, phân tích và lí giải sức mạnh, chiến công của thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì chống Mĩ cứu nước, giữa truyền thống gia đình với truyền thống dân tộc đã tạo nên sức mạnh to lớn của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.


Những đứa con trong gia đình có chung huyết thống và truyền thống nên có những nét giống nhau từ hình dáng, khuôn mặt, tính cách và tâm hồn. Chị Chiến giống má ở hình dáng đến tính cách gan góc, đảm đang tháo vát. Ngay cả việc sắp xếp nhà cửa, ruộng vườn của Chiến đêm trước ngày đi tòng quân cũng không khác gì má nếu má còn sống, khiến Việt thấy “in như má vậy”.


Chiến và Việt đều có “hai bộ mặt bầu bầu cùng một khuôn có hai cái chót mũi hơi hớt lên”. Họ đều là những con người trong một gia đình nông dân Nam Bộ có truyền thống yêu nước căm thù giặc sâu sắc, thủy chung son sắt với cách mạng, quyết tâm đánh giặc tới cùng, dẫu “còn cái lai quần cũng đánh”. Đó là các “chất Út Tịch” trong họ.


Họ yêu thương đùm bọc nhau, ai cũng tự hào về truyền thống của gia đình và viết tiếp truyền thống đó. Trong truyện ngắn liên tục chảy từ thế hệ cha anh đến thế hệ của những người chiến sĩ trẻ anh dũng thời kì chống Mĩ cứu nước. trong quan niện của Nguyễn Thi, mỗi người con, mỗi đời người trong một gia đình phải là khúc sông trong một dòng sông truyền thống. Tuy nhiên vì “mỗi người một khúc” nên ai cũng có nét tính cách riêng, không ai giống ai.


Mỗi nhân vật đều có ý nghĩa điển hình cho phẩm chất anh hùng và ý chí chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ gia đình, quê hương, đất nước của nhân dân miền Nam. Đầu tiên phải kể đến nhân vật chú Năm. Trong dòng sông truyền thống của gia đình chú Năm là khúc thượng nguồn. Đây là một hình tượng đẹp. có ý nghĩa tượng trưng về truyền thống gia đình. Chú là một người đàn ông Nam Bộ ham sống, ham bến, sống thực thà bộc trực và vui tính, tính cách cũng rất mạnh mẽ, phóng khoáng quyết đoán.


Chú rất vui mừng khi cả hai đứa cháu đều muốn đi bộ đội. Chú bước lên xin ghi tên cho cả hai chị em Chiến và Việt và nói: “Tôi xin một câu với đồng chí huyện đội. Hai đứa cháu tôi nó một lòng theo Đảng như vậy, tôi cũng mừng. Vậy xin trên cứ ghi tên cho cả hai. Việc lớn ta tính theo việc lớn, còn việc thỏn mỏn trong nhà tôi thu xếp khắc xong?”.


Không hề tính toán đến cá nhân, chú luôn dạy dỗ, động viên, nhắc nhở các cháu: phải giết giặc để dành độc lập. Chú hiểu rằng vận mệnh của đất nước của dân tộc không thể tách rời hạnh phúc cảu mỗi cá nhân, mỗi gia đình. Chú lập cuốn sổ gia đình, chờ cho hai cháu khôn lớn, trao cuốn sổ thiêng liêng này ở thời điểm hai đứa cháu. Chú hứa: “Gọi vậy chớ tao vẫn giữ, tao sẽ ghi cho hai đứa bây từng ngày”.


Cuốn sổ gia đình và người chú như một khích lệ thi đua lập công giết giặc của những đứa cháu. Chú bảo: “Con nít chúng bây kì đánh giặc này khôn hơn chú hồi trước” rồi “chú cười, đưa mấy ngón tay cứng còng chùi nước mắt”,. Chú biết các cháu ra trận là ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh. Gia đình của chú đã mất đi những người yêu thương nhất và có thể chú cũng mất đi những đứa cháu mà chú coi như là con đẻ của mình.


Là người lao động chân chất nhưng tâm hồn chú bay bổng, dạt dào. Chú hay cất giọng hò để gửi gấm tâm tình, ước mơ để nhắn nhủ các cháu. Chú năm là biểu tượng cho truyền thống gia đình, là lời nhắn nhủ của cha chú cho các cháu về cuộc đấu tranh giành độc lập và hạnh phúc của gia đình.


Tiếp đến là Chiến – chị gái của Việt – cô cháu gái gan gộc của chú Năm. Chiến là cô gái có những nét ngoại hình và tính cách giống hệt mẹ. Người mẹ có thể ngã xuống vì bom đạn kẻ thù nhưng má sẽ tái sinh trong máu thịt và sống lại trong cuộc đời của những đứa con. Nguyễn Thi có ý thức tô đậm nét thừa kế người mẹ ở nhân vật Chiến.


Chiến cũng có một vóc dáng chắc nịch đủ sức để vượt qua gian khổ như má. Ba má đều mất sớm, hơn em trai có một tuổi nhưng Chiến đã tỏ sự già dặn, khôn ngoan, biết lo toan quán xuyến cho gia đình thật hợp lý, chu đáo. Nhà chỉ còn ba chị em phải trông nom, bảo ban nhau. Chiến tỏ rõ vai trò của một người chị cả đảm đang.


Ngày Chiến và Việt ghi tên tòng quân, chỉ còn thằng Út em mới mười tuổi vì thế nhà cửa, ruộng vườn phải thu xếp cho hợp lý. Những xếp đặt của Chiến cho thấy cô thực sự là một người lớn. chín chắn, biết suy nghĩ. Cái giờ phút thiêng liêng giữa đi và ở, giữa cuộc sống ở nhà và nơi quân ngũ, giữa quen và lạ khiến Chiến thao thức không ngủ được.


Suy nghĩ và hành động của Chiến bộ lộ nét đẹp cảu con người vì cộng đồng. Chiến bàn với Việt để nhà cho “xã mở trường dạy học”, “giường quán cũng cho xã mượn làm bàn ghế học”. Ruộng đất do cách mạng cấp trao lại chi bộ cho bà con cô bác khác làm. Chuyện công và chuyện tư đều được Chiến tính toán thấu đáo. Các dụng cụ gia đình như chén, cuốc, vá, đèn, soi, nơm, gửi chú Năm để chị Hai muốn gì thì lấy, hai công mía nhờ chú Năm đốn để dành làm giỗ má.


Hai chị em quyết định khiêng bàn thờ gửi chú Năm để yên tâm đi chiến đấu. Cuộc sống thiếu mẹ đã tôi luyện Chiến già dặn, chắc chắn, khôn trước tuổi. Biết cậu em trai của mình còn vô tâm, vô tư lắm, nhưng Chiến vẫn bàn bạc với em một cách kĩ lưỡng, nghiêm trang. Má anh hùng đẻ ra con anh hùng. Là nữ nhi nhưng khí phách của Chiến không khác trang nam nhi thời loạn. Chiến biết tội ác của kẻ thù không hề phân biệt nam nữ, già trẻ… Vì thế đã làm người Việt Nam phải góp công, góp sức cho kháng chiến.


Chiến không chịu nhường em đi bộ đội, không chịu thua em về khí phách. Những câu nói của Chiến trong đêm trước ngày đi xa là lời thề như dao chém đá: “Chú Năm nói mày với tao đi kì này là ra chân trời, mặt biển, xa nhà ráng học chúng học bạn, thù cha mẹ chưa trả mà bỏ về thì chú chặt đầu”; “Tao đã thưa với chú Năm rồi. Đã làm thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: Nếu giặc còn thì tao mất, vậy à!”.


Nhân vật Chiến là mẫu nhân vật tiêu biểu cho thời kì kháng chiến chống Mĩ. Đó là những Võ Thị Sáu, nguyễn Thị Minh Khai,… những nữ anh hùng con cháu của Trưng Trắc, Trưng Nhị. Tính lịch sử của mẫu hình nhân vật toát lên vẻ đẹp tinh thần cũng như những hi sinh cao cả.


Con sóng vươn xa nhất, ca nhất trong dòng sông truyền thống gia đình là Việt. Việt mới mười tám tuổi, bắn chim, câu cá, bắt ếch… Việt rất thích. Bao giờ Việt cũng giành phần hơn chị. Gia đình mà truyền thống yêu nước và cách mạng như một sợi dây xâu chuỗi thế hệ nọ với thế hệ kia đã sinh thành nuôi dưỡng Việt. Những hình ảnh về người thân bị kẻ thù giết hại hằn sâu trong tâm trí Việt hun đúc nên lòng căm thù ngùn ngụt. tinh thần quả cảm đã hình thành trong Việt từ rất sớm.


Trong trận đánh đầu đời, mặc dù bị thương rất nặng, nhưng sự chịu đựng ở cậu chiến sĩ trẻ này rất khâm phục. Khắp người Việt không có chỗ nào không thương tích. Việt “cảm thấy tê dại tay chân. Khắp người, nước hay máu không biết, chỗ ướt sũng, chỗ dẻo quẹo, chỗ khô cứng […].


Trời tối kì lạ, Việt cho mũi lê đi trước, rối tới hai cái tay, hai cái chân nhức nhối cho nó đi sau cùng. Sau đó Việt bò gấp qua những cái gì nữa không cần biết. Cậu cũng “quên khắp cả người đang rỉ máu”. Trong mơ và thực tình cảm về người thân, về đồng đội là nguồn lực sức mạnh tinh thần to lớn cho Việt.


Trong hoàn cảnh đó người chiến sĩ giải phóng quân vẫn bình tĩnh, chủ động không hề run sợ. Hiện tại và cảnh ngộ riêng, thật khủng khiếp dễ đẩy con người vào trạng thái hoảng hốt, lo âu. Nhưng tâm trí vẫn đưa Việt trở về với những kỉ niệm đẹp của những ngày đã qua. Biết căm thù dữ dội và Việt cũng yêu thương tha thiết những người thân, những người đồng đội đồng chí.


Tình yêu quê hương đất nước không phải cái gì lớn lao mà nó bắt nguồn từ tình thương với những người xung quanh ta. Mẫu số chung của những con người trong gia đình Việt là truyền thống gia đình, là lòng căm thù quân xâm lược. Yêu thương và căm thù đó là hai nguồn sức mạnh tạo nên tính cách đặc biệt ngoan cường ở nhân vật Nguyễn Thi.


Ngòi bút của nhà văn đậm chất dữ dội, thực tế khốc liệt và bão táp cách mạng đã tạo cho họ, những nhân vật sử thi của thời đại ngày nay. Họ không phải là những anh hùng do thời đại sản sinh mà đó là những anh hùng, từ sự tiếp nối và phát huy truyền thống, nếp nhà, một di sản thiêng liêng mà bao thế hệ trước đã bàn giao lại cho lớp con cháu.


Cảm hứng về con người trong tác phẩm của Nguyễn Thi là cảm hứng sử thi, cảm hứng ngợi ca những con người Nam Bộ anh hùng. Đây là một đặc trưng thi pháp truyện ngắn Việt Nam 1945 – 1975 nói chung và truyện ngắn của Nguyễn Thi nói riêng.


Những đứa con trong gia đình không chỉ phản ánh chân thực đời sống mà còn khắc họa được những tấm gương oanh liệt mãi mãi sáng ngời mà nó mang đậm khuynh hướng sử thi. Ý kiến nhận xét trên là hoàn toàn xác đáng. Nó cũng là nhận xét chính xác khái quát chung cho toàn bộ sáng tác của Nguyễn Thi và văn học Việt Nam thời chống Mĩ.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy