Bài văn phân tích tác phẩm "Tiếng hát con tàu" số 5

Chế Lan Viên là nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Con đường sáng tác của nhà thơ trải qua nhiều thăng trầm với những bước ngoặc trong phong cách nghệ thuật và tư tưởng chủ đạo, không còn là thế giới kinh dị, huyền bí trong Điêu tàn, sau năm 1945, ông đã rẽ hướng tập trung khai thác đề tài con người và đất nước trong kháng chiến.


Thơ Chế Lan Viên mang đậm vẻ đẹp trí tuệ và giàu suy tư triết lý với những hình ảnh thơ đa dạng, phong phú, đầy sức sáng tạo. Tiếng hát con tàu được rút ra từ tập Ánh sáng và phù sa, bài thơ được lấy cảm hứng từ một sự kiện kinh tế - chính trị có ý nghĩa vô cùng lớn lao: Cuộc vận động đồng bào miền xuôi lên xây dựng kinh tế nơi miền núi Tây Bắc.


Bài thơ là sự kết tinh xuất sắc giữa tư tưởng và nghệ thuật của Chế Lan Viên trong sự nghiệp thi ca cách mạng của mình. Những câu thơ trong lời đề từ cất lên thổn thức, lay động lòng người đọc, nó đã thể hiện được tư tưởng chủ đạo xuyên suốt tác phẩm:


“Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc

Khi lòng ta đã hoá những con tàu

Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát

Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu”


Câu hỏi tu từ vang lên thật nhẹ nhàng “Tây Bắc ư?” chứa đựng nỗi trăn trở, băn khoăn của nhà thơ trước tình cảnh đất nước lâm nguy. Tiếng gọi của Tổ quốc cứ vang vọng bên tai và tâm hồn Chế Lan Viên giờ đây chỉ còn là Tây Bắc xa xôi kia, ông chẳng còn ngại khó khăn, cũng chẳng sợ hiểm nguy rình rập bởi vì trái tim đã hoà chung nhịp đập Tổ quốc, bởi lòng ông đã “hoá những con tàu”.


Hai khổ thơ mở đầu vang lên những lời thơ như thúc giục, như rộn rã hơn, ngôn từ thật tha thiết, những câu hỏi ngày càng dồn dập đang xoáy sâu trong lòng tác giả nói riêng và thế hệ văn nghệ sĩ nói chung:


“Con tàu này lên Tây Bắc, anh đi chăng?

Bạn bè đi xa, anh giữ trời Hà Nội

Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi

Ngoài cửa ô? Tàu đói những vành trăng

Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp

Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi?

Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép

Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia”


Hình ảnh ẩn dụ “con tàu” mang ý nghĩa biểu trưng cho khát vọng, hoài bão lớn lao đang tuôn chảy trong lòng hàng triệu nhân dân Việt Nam ta khi ấy. Tiếng con tàu vút cao lên như lời kêu gọi mạnh mẽ, nồng nhiệt của Chế Lan Viên. Biện pháp tu từ nhân hoá “Tàu đói những vành trăng” thật biểu cảm, sinh động, “vành trăng” hình ảnh thiên nhiên thơ mộng, trữ tình cũng là biểu tượng cho ánh sáng, niềm tin và hy vọng dạt dào về chiến thắng vang dội vào một tương lai không xa.


Động từ “đói” gợi cho người đọc bao suy ngẫm, đất nước thật sự đang rất cần sự đồng lòng, sự đoàn kết trong nhân dân, dấn thân sẵn sàng hy sinh để xây dựng Tổ quốc ngày càng vững mạnh. Tây Bắc - một địa danh cụ thể xa xôi, hiểm trở cũng là một hình ảnh biểu trưng cho đất nước, Tây Bắc là cội nguồn làm nên linh hồn của bài thơ, của sáng tạo nghệ thuật dạt dào.


“Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp”, nghệ thuật đối lập tương phản gợi sự trăn trở, day dứt trong lòng mỗi độc giả. Ta sống dưới sự che chở của thiên nhiên, sự bao bọc của Tổ quốc nhưng có khi nào ta giật mình nhìn lại mình đã làm được gì cho đất nước hay chỉ sống một cuộc đời vô nghĩa “lòng đóng khép” với thế sự ngoài kia.


Niềm hạnh phúc dâng trào, niềm vui sướng khi trở về với vòng tay quê hương được nhà thơ tái hiện thật chân thành, mộc mạc trong chín khổ thơ tiếp theo, qua đó gợi lại về những kỷ niệm tươi đẹp, gắn bó thuở kháng chiến:


“Trên Tây Bắc! Ôi mười năm Tây Bắc

Xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng

Nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất

Nay dạt dào đã chín trái đầu xuân…

Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch

Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng

Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch

Bữa xôi đầu còn toả nhớ mùi hương.”


Con người khung cảnh nay đã đổi thay, mười năm kháng chiến đi qua “như ngọn lửa” rạo rực, vẫn đang bùng cháy trong lòng tác giả. Có lẽ lúc này, tâm hồn cần sự nghỉ ngơi, cần sự an ủi bởi bàn tay gia đình cho nguôi đi nhớ thương chất chứa trong lòng bao năm, “Cho con về gặp lại mẹ yêu thương”. “Mẹ” ở đây ngoài là người mang nặng đẻ đau, thì cũng có thể là mẹ thiên nhiên, mẹ Tổ quốc thân thương.


Biết bao kỷ niệm vùng Tây Bắc vẫn in đậm trong tâm trí tác giả, hình ảnh “người anh du kích”, “thằng em liên lạc”, người mẹ tóc bạc, nhớ “bản sương giăng”, nhớ cả “đèo mây phủ”, những hình ảnh thật cụ thể, giàu liên tưởng sâu sắc. Tình yêu thương sâu nặng, sự che chở, đùm bọc của đồng bào nơi đây như tiếp thêm sức mạnh cho những người chiến sĩ trong công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc.


Chế Lan Viên bằng sự nhạy cảm của mình cũng đã khám phá ra quy luật rất đặc biệt trong suy nghĩ con người: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi đi đất bỗng hoá tâm hồn”. Thuở đầu đặt chân đến vùng đất mới, mọi thứ trong ta hoàn toàn xa lạ, đất chỉ đơn giản là nơi ta sinh sống, tồn tại.


Nhưng thời gian thấm thoát thoi đưa, lâu dần mảnh đất ấy trở nên thân thuộc, từng cái cây ngọn cỏ, từng dáng vẻ con người hằn sâu trong trái tim ta thật sâu sắc, khó phai nhoà, trở thành một phần trong mảnh ghép “tâm hồn” những con người xa quê. Sự chuyển hoá lạ kỳ ấy không phải tự nhiên mà có, nó xuất phát từ tình yêu thương, gắn bó, sự đồng cảm của tâm hồn, nó biến vùng đất lạ lẫm trở thành quê hương thứ hai của mọi người.


Tình yêu trong thơ Chế Lan Viên chẳng phải là tình cảm lứa đôi đơn lẻ mà nó còn hoà mình cùng tình yêu thương đất nước, quê hương. Anh nhớ em! Nỗi nhớ dạt dào, da diết “như đông về nhớ rét”, gắn bó keo sơn, đẹp đẽ, thơ mộng “như cánh kiến hoa vàng”. Tình anh và em nồng nàn, cháy bỏng trong sự chứng kiến của núi rừng Tây Bắc, chỉ cần nắm tay nhau đi qua biết bao mùa chiến dịch.


Tình yêu ta đã hoá miền đất xa lạ trở thành thân quen, gần gũi như quê hương máu thịt, tâm hồn. Bằng ngòi bút tài hoa đậm chất nghệ sĩ lãng mạn của mình, Chế Lan Viên không ngần ngại diễn tả tình yêu với sự hóm hỉnh sâu lắng, sự khăng khít, thuỷ chung với những hình ảnh rực rỡ sắc màu, mang đậm dư vị của núi rừng vùng cao Tây Bắc.


Tiếng gọi của Tổ quốc lại vang lên mạnh mẽ, người chiến sĩ lên đường ra chiến trường không một giây đắn đo suy nghĩ, anh đi mang theo gánh nặng trọng trách trên vai “Đất nước gọi hay lòng ta gọi?”, cả niềm tin yêu nơi hậu phương đang mong chờ “Tình em đang mong, tình mẹ đang chờ”. Tác giả mượn hình ảnh trong ca dao để miêu tả vẻ đẹp thanh cao, trong sáng trong tâm hồn, “vàng” vừa cao quý, vừa sắt son kiên cường trước ngọn lửa hung tàn, không hề nao núng, giữ nguyên ý chí thuở ban sơ của mình.


Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên là bài thơ đặc sắc để lại giá trị to lớn cho nền thơ ca Việt Nam. Bài thơ là tiếng lòng trăn trở, tha thiết của tác giả trong công cuộc xây dựng Tổ quốc, mong muốn được hoà nhập với nhân dân, với cuộc đời. Hình ảnh “con tàu” chở bao hy vọng, khát khao của Chế Lan Viên đến vùng đất Tây Bắc xa xôi, nơi đây cũng chính là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng chất thơ trong tâm hồn tác giả.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

Công Ty cổ Phần Toplist
Địa chỉ: Tầng 3-4, Tòa nhà Việt Tower, số 01 Phố Thái Hà, Phường Trung Liệt, Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0369132468 - Mã số thuế: 0108747679
Giấy phép mạng xã hội số 370/GP-BTTTT do Bộ Thông tin Truyền thông cấp ngày 09/09/2019
Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Nguyễn Duy Ngân
Chính sách bảo mật / Điều khoản sử dụng | Privacy Policy