Bánh chưng
Mỗi khi tết đến xuân về, người Việt, dù có đi đâu, ở đâu cũng không bao giờ thiếu chiếc bánh chưng xanh trong mâm cỗ Tết cổ truyền, nhà nào cũng có dăm ba cặp bánh để cúng gia tiên. Có thể nói, bánh chưng trong tâm thức người Việt là truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, là món ăn đặc trưng dân tộc, là cảm giác háo hức thời thơ bé ngồi canh nồi bánh chưng ấm cúng, hay đơn giản chỉ là bữa cơm gia đình sum họp ấm áp trong những ngày đầu năm mới. Bánh chưng là món đã có lịch sử lâu đời trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Do đó trong mâm cỗ ngày Tết sẽ không thể thiếu món ăn này. Bánh chưng tượng trưng cho mặt đất, được dùng để thể hiện lòng biết ơn của hoàng tử Lang Liêu với Vua Hùng đời thứ 16.
Cùng với truyền thuyết xa xưa ấy, chiếc bánh chưng gói ghém trong đó là cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, và là sản phẩm của trồng trọt và chăn nuôi. Bên ngoài là chiếc lá dong gói bánh có sẵn từ thiên nhiên, bên trong được chế biến từ nguồn nguyên liệu nấu ăn cội rễ của dân tộc gạo nếp, đỗ xanh, hành, thịt lợn…
Sự kết hợp hài hòa giữa gạo nếp dẻo, đậu ngọt bùi, tiêu cay nhẹ và thịt mỡ béo ngậy, đã tạo nên một hương vị ngày Tết không thể lẫn vào đâu. Một thứ bánh ngon tròn vị. Cái khung cảnh ngồi đợi nồi bánh chưng chín đã đi vào tiềm thức của người dân Việt. Nồi bánh chưng nóng hổi khiến mọi người càng thêm ấm cúng. Nó thể hiện lòng biết ơn của con cháu với tổ tiên gia đình. Không chỉ được bày trong các mâm cỗ cổ truyền, món ăn này còn được dùng để làm quà tặng cho người thân hay bạn bè.