Pháo đài đồi Rajasthan
Đồi pháo đài Rajasthan là một loạt các pháo đài nằm trên mỏm đá của dãy núi Aravallis ở bang Rajasthan, Ấn Độ. Được xây dựng từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 20 và mỗi pháo đài đều có đặc trưng riêng về các tòa nhà và phong cách kiến trúc, minh họa sự phát triển kế tiếp của nó và lịch sử quân sự giữa thế kỷ 13 và 19. Các công trình này đại diện cho một loại hình học của đồi kiến trúc quân sự Rajput, một phong cách đặc trưng thiết lập trên đỉnh núi, sử dụng các thuộc tính phòng thủ nhờ vào địa hình. Muốn đi vào được bên trong thì chỉ có cách thông qua các bức tường lớn và cao của pháo đài.
Các khu vực trung tâm bao gồm cung điện, đền, đài tưởng niệm và các hồ chứa nước đều ở bên trong phạm vi của các bức tường, được trang trí chạm khắc công phu, tỉ mỉ. Đồi pháo đài ở Rajasthan đại diện cho thành lũy quân sự Rajput trên một phạm vi rộng lớn và đại diện cho nền văn hóa Ấn Độ. Khu vực đồi Rajasthan có rất nhiều pháo đài, trong đó nổi bật nhất là pháo đài Chittorgarh, pháo đài Kumbhalgarh, pháo đài Ranthambore, pháo đài Gagron, pháo đài Amber và pháo đài Jaisalmer. Mỗi pháo đài đều đa dạng về cấu trúc xây dựng và những vẻ đẹp riêng tạo nên một địa điểm nghệ thuật đầy thú vị.
Năm 2013, đồi pháo đài Rajasthan được UNESCO công nhận di sản thế giới và trở thành điểm du lịch hấp dẫn thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch ghé thăm mỗi ngày bởi lối kiến trúc độc đáo, giá trị văn hóa - lịch sử vô cùng lớn nơi đây.