Top 10 Sản vật nổi tiếng nhất tỉnh Hưng Yên
Hưng Yên không chỉ nổi tiếng với những di tích lịch sử lâu đời, những làng nghề truyền thống mà còn nổi tiếng bởi những đặc sản từ dân dã đến sản vật tiến vua. ... xem thêm...Mời bạn hãy cùng Toplist khám phá những sản vật nổi tiếng nhất nơi đây mà bạn khó có thể bỏ qua nhé.
-
Bánh cuốn Phú Thị
Từ Hà Nội men theo con đê sông Hồng khoảng 45 phút, bạn sẽ đặt chân đến mảnh đất Mễ Sở (Văn Giang, Hưng Yên). Nơi đây với nhiều các di tích lịch sử có giá trị như chùa Mễ Sở, chùa Phú Thị và sẽ được thưởng thức rất nhiều các món ăn đặc sản trong đó đặc biệt nhất là bánh cuốn làng Phú Thị.
Bánh cuốn Phú Thị có những nét khác biệt không thể nhầm lẫn với bánh cuốn ở bất cứ đâu. Đều làm từ bột gạo tẻ nhưng trong khi bánh cuốn Thanh Trì được tráng mỏng như tờ giấy thì bánh cuốn Phú Thị lại có lớp vỏ bánh rất dày dặn (trông gần giống lớp vỏ dùng trong món phở cuốn).
Hơn thế nữa, đây đúng là món bánh cuốn thật bởi ta chỉ thấy duy nhất ở các hàng bánh cuốn Phú Thị. Khi có khách đến ăn, chủ quán mới xúc từng thìa nhân xào chín cho vào lớp lá bánh tráng sẵn và cuộn lại một cách cẩn thận như khi gói nem.
Chiếc bánh trắng mịn, cuộn lấy lớp nhân thịt xào hành khô bên trong trông thật đẹp mắt. Ngoài ra, bánh cuốn ở đây không điểm xuyết màu nâu đen của mộc nhĩ xào thịt hay màu vàng cánh gián của hành khô phi tới (hai thứ phụ liệu vẫn thấy như một cặp không thể thiếu trong món ăn này) nhưng vẫn đầy thơm ngon và hấp dẫn. Đó cũng là một nét rất riêng của bánh cuốn Phú Thị. Không nhiều màu sắc, không cầu kỳ hương vị thế nhưng món bánh cuốn Phú Thị vẫn hấp dẫn được những thực khách khó tính nhất bởi chính sự giản đơn mà rất khác biệt của nó.
Hãy thử một lần về thăm nơi đây để thưởng thức món bánh cuốn đặc biệt này. Ăn một lần sẽ nhớ mãi miếng bánh mềm mịn cùng với vị bùi thơm của nhân thịt xào hành khô hòa quện trong vị nước chấm chua ngọt rất vừa miệng.
-
Nhãn Lồng
Nói đến Hưng Yên là người ta nghĩ ngay đến nhãn lồng, một loại trái cây quý tiến vua ngày xưa. Được mệnh danh là kinh đô của các loại nhãn, nhãn lồng không chỉ là một sản vật quý mà nó đã trở thành niềm kiêu hãnh của người dân mảnh đất Hưng Yên.
Mỗi năm nhãn ra hoa sau Tết âm lịch và cứ đến khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 dương lịch là thời gian nhãn lồng Hưng Yên chín rộ, trùm nào trùm nấy xum xuê, quả sai trĩu cành. Về Hưng Yên vào mùa này, du khách sẽ bị choáng ngợp bởi nhìn đâu cũng thấy nhãn, từ trong nhà đến ra ngoài chợ đều là nhãn. Nhãn lồng Hưng Yên quả to tròn, vỏ có màu vàng sậm, hầu như nhẵn, cùi dày, hạt nhỏ đen nháy, mùi thơm khó quên, hương vị ngọt tự nhiên, đáy có hai dẻ cùi lồng xếp khít vào nhau.
Là một đặc sản nổi tiếng ở Hưng Yên, nhãn lồng có giá trị cực kỳ cao, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt dinh dưỡng. Ngày nay, nhãn lồng không chỉ có mặt ở khắp cả nước mà còn đang vươn mình mạnh mẽ ra thị trường nước quốc tế.
-
Ếch om Phượng Tường
"Đi thì nhớ vợ cùng con - Về nhà lại nhớ ếch om Phượng Tường. Làng Phượng Tường, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên có câu ca dao về món ếch om lưu truyền từ lâu đời chứng tỏ nó là món ăn tuy dân dã nhưng đã được nâng lên tới mức nghệ thuật trong ẩm thực. Việc làm thịt ếch rất công phu. Phải dùng lá tre, nước vôi, muối xát kỹ và rửa bằng nước dấm cho sạch hết nhớt bên ngoài.
Ếch được chế biến thành hai món. Nếu làm món ếch mọc thì phải lột sạch da cho thật khéo, từ miệng xuống chân, nguyên vẹn, không để cho da bị thủng rách. Thịt ếch đem băm nhỏ lẫn với vỏ quít khô, mộc nhĩ, nấm hương, thịt ba chỉ, trứng gà thêm gia vị tiêu, ớt, bột ngọt rồi cho vào cối giã mịn như giã giò. Sau đó nhồi lại vào da thành hình con ếch, cần nhớ nhồi vừa phải nom như ếch đói để khi chín nở ra là vừa. Đặt ếch lên đĩa để ngồi như ếch còn sống, rồi cho vào nồi hấp. Lúc sắp bắc ra lấy trứng gà hoặc trứng vịt đánh nhuyễn dội lên mình ếch cho chảy xuống thành hình hoa mướp. Khi ăn dùng dao cắt ra từng miếng chấm với nước mắm hạt tiêu. Ai đã một lần thưởng thức thì không thể quên hương vị của món đặc sản này.
Còn món ếch om thì sau khi làm sạch, mổ bụng bỏ hết ruột gan, chỉ bóc lấy lại mỡ áo tơi, đặt ếch lên thớt dùng gọng dao dần kỹ cho nhuyễn xương, nhưng khi cầm lên vẫn phải nguyên là con ếch. Để làm được như vậy gọng dao phải tròn, dần thật khéo, sau đó đem ướp gia vị gồm mẻ, vỏ quýt khô, mộc nhĩ, hạt tiêu, mắm tép, nước mỡ khoảng nửa giờ cho ngấm. Sau khi ướp, lấy lạt bó lại cho vào nồi nấu với măng, thịt ba chỉ. Cần đun nhỏ lửa cho sôi kỹ rồi bắc xuống om cạnh bếp, sao cho khi chín ếch và nước chỉ vừa một bát. Khi múc ra ếch phải nhừ, nước om phải có màu vàng đậm, sóng sánh như mật ong, toả mùi thơm quyến rũ.
-
Bánh dày làng Gàu
Từ xa xưa, bánh dày làng Gàu (xã Cửu Cao, huyện Văn Giang - tỉnh Hưng Yên) đã được xếp ngang với rượu Trương Xá, tương Bần, góp phần tô đậm thêm bản sắc văn hoá ẩm thực của vùng đất Hưng Yên. Không biết nghề truyền thống làm bánh dày của bà con làng Gàu có từ khi nào, chỉ biết rằng đã từ rất lâu, cứ mỗi dịp giỗ Tổ người làng lại tưng bừng, rộn rã trong việc giã xôi để nặn bánh dày. Từ cây lúa hạt gạo, người làng Gàu đã sáng tạo ra loại bành dày có nhân ngon nổi tiếng dựa trên cơ sở là chiếc bánh dày thời Lang Liêu đời Hùng Vương.
Gạo nếp làm bánh dày làng Gàu phải được gieo trồng trên đồng ruộng làng Gàu, ngâm nước giếng làng Gàu và được chính tay khéo léo của các cô gái làng Gàu nặn mới thành tấm bánh xinh xắn, thơm ngon. Công đoạn làm nhân bánh cũng khá cầu kì, nhân bánh được làm từ đỗ xanh. Trải qua công đoạn chọn lọc kĩ càng, đỗ phải được ngâm với nước ấm, đãi sạch vỏ và hấp phải nhừ tơi để khi giã đỗ nhuyễn sánh mới đạt yêu cầu.
Sắc thái văn hoá địa phương nơi đây không hề trộn lẫn. Nhìn những chồng bánh dày trắng trẻo xếp đầy trong thúng, dưới nền lá chuối xanh, người ta liên tưởng đến sự hoá thân màu nhiệm của hạt gạo hiến dâng cho đời một món ăn của hương đồng gió nội.
-
Bánh răng bừa Phụng Công
Bánh răng bừa còn được gọi là bánh lá hay bánh tẻ, được làm từ bột gạo dẻo. Bánh răng bừa là tên thường gọi ở thôn Bến, xã Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Loại bánh này có từ xa xưa. Cái tên xuất xứ là do hình dáng giống cái răng bừa vẫn dùng để bừa ruộng. Để có chiếc bánh ngon phải kén gạo ngon từ lúa trồng trên đất làng Phụng Công, giống gạo thơm nức, dẻo, ngọt.
Vỏ bánh được làm từ gạo tám xoan, hay tám lim, sau khi ngâm 3-4 tiếng và vo sạch thì được đem ra say nhuyễn thành bột. Nhân bánh gồm thịt lợn thái nhỏ hạt lựu, hành củ, nước mắm, cà cuống, mì chính, cho vào chảo đảo đều, chín tới bắc ra, mộc nhĩ, hạt tiêu, dọc hành thái nhỏ đổ vào trộn lẫn. Trong từng công đoạn làm bánh, người Phụng Công khá cầu kỳ và tỉ mỉ.
Bánh răng bừa Phụng Công khi bóc ra rất ráo, không dính tay, khi ăn có thể chấm với tương ớt, nước mắm ngon hay tương... tùy theo sở thích và khẩu vị từng người. Cắn miếng bánh thấy giòn nhưng lại dai, cái đặc biệt mà các loại bánh tẻ khác không có được. Mùi gạo tẻ đưa lên thơm mùi cơm mới, cái thơm của hành, ngọt của thịt, giòn của mộc nhĩ lan rất nhanh. Nếu ai được một lần nếm thử hẳn sẽ nhớ mãi không quên hương vị thơm ngon của loại bánh dân dã này.
-
Giò bì Phố Xuôi
Nhắc đến đặc sản Hưng Yên, người ta sẽ nghĩ ngay đến món giò nổi tiếng - giò bì phố Xuôi (xã Thuỵ Lôi, Tiên Lữ). Đây là món ăn trong thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người Hưng Yên. Món đặc sản này còn có tên rất lạ và độc đáo là “giò sậm sật” bởi khi ăn có thể thấy được ngon giòn, đặc biệt nó ngon hơn khi làm đồ nhắm trong bàn nhậu. Nguyên liệu gồm bì heo, thịt nạc, nước mắm nhĩ loại ngon. Phần bì sau khi làm sạch sẽ được luộc chín, xắt mỏng như sợi chỉ, thịt nạc bỏ vào cối quết nguyễn bằng tay, sau đó trộn chung với các loại gia vị cho thấm.
Những chiếc giò bì sau khi luộc, để nguội sẽ trở nên săn chắc trong tấm lá chuối xanh cùng mùi thơm thoang thoảng. Giò bì có độ giòn và dai đặc trưng nên rất thích hợp để nhâm nhi trên bàn tiệc. Ngày nay về phố Xuôi chắc hẳn du khách sẽ không được thưởng thức chiếc giò bì quết tay như xưa nhưng có lẽ hương vị này vẫn đọng lại qua cách nêm nếm gia vị, những bí quyết gia truyền qua nhiều đời làm du khách bao giờ ăn cũng thấy ngon, đậm đà và không lẫn vào đâu được.
-
Chả gà Tiểu Quan
Thôn Tiểu Quan (xã Nhuế Dương, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) là nơi nổi tiếng với món chả gà. Để có món chả gà ngon người dân nơi đây làm rất công phu. Khi thịt con gà, phải chọn chỗ thịt nạc, bỏ hết gân, xương rồi chặt nhỏ cho vào cối giã. Khi giã gần được thì trộn với lòng đỏ trứng gà, nước mắm ngon, hạt tiêu, gừng, mỡ lợn thái hạt lựu rồi giã tiếp.
Thịt gà phải giã bằng tay mới ngon, phải giã thật khéo để thịt gà không được quá to hay quá nát. Giã xong lấy miếng mo cau phết thịt lên phên để nướng. Việc phết thịt lên phên cũng không phải dễ dàng, nếu phết quá mỏng thịt sẽ chảy sệ và rơi xuống hoả lò, nếu dày quá thịt sẽ không chín đều. Nướng chả phải nướng bằng tha hoa, than củi, nếu là than nhãn thì tốt. Nếu kiếm được quả thông khô cho vào than thì càng thơm.
Ăn chả gà đúng hơn là thưởng thức một món ăn lạ độc đáo. Khi ăn ta nhấm nháp từ từ để các giác quan cảm nhận được vị ngọt béo, thơm cay của chả. Ăn chả gà thích nhất là vào dịp tết, trời se lạnh, có điều kiện ngồi lai rai bên chén rượu Trương Xá thì thật là tuyệt.
-
Tương Bần
Từ xa xưa, tương Bần Hưng Yên đã là thứ sản vật ngon dùng để tiến vua. Ngày nay, tương Bần vẫn nổi tiếng khắp nơi và trở thành một loại nước chấm đặc sản khiến nhiều người “mê mẩn”. Tương Bần được làm từ những nguyên liệu rất tự nhiên, chỉ cần gạo nếp cái hoa vàng, đỗ tương và muối là đã có thể làm tương. Đây hầu hết là những nguyên liệu giản dị và có sẵn ở nông thôn Bắc Bộ.
Cách nấu tương khá đơn giản nhưng yêu cầu sự tỉ mỉ. Tương Bần được chế biến qua ba công đoạn chính là lên mốc xôi nếp, ngả đỗ và phơi tương (ủ tương). Tương Bần Hưng Yên có hương vị khó diễn tả, cái vị ấy ẩn dưới độ sánh rất đậm đà, chìm trong vị ngọt ngon đặc trưng.
Tương Bần vừa có thể làm nước chấm, vừa làm gia vị nêm nếm món ăn. Ngày nay, xã hội đã phát triển vượt bậc cùng với những món ăn mới ra đời ngày càng nhiều, thế nhưng tương Bần vẫn luôn là một món nước chấm yêu thích của nhiều hộ gia đình thôn quê Bắc Bộ, đặc biệt là người dân Hưng Yên.
-
Chè sen long nhãn
Chè sen long nhãn phố Hiến (Hưng Yên) thường được vua chúa xưa dùng để tráng miệng. Nguyên liệu chính của món chè tiến vua này là hạt sen tươi và những quả nhãn lồng phố Hiến, loại nhãn có hương vị thơm quý phái, cùi dày, ăn giòn, ngọt hơn bất cứ các loại nhãn nào khác. Cách nấu chè hạt sen không quá khó nhưng đòi hỏi sự khéo léo, từ việc lựa chọn nguyên liệu đến cách tách long nhãn. Những người làm từ xưa tỉ mẩn, khéo léo dùng một con dao sắc và nhọn như dao bổ cau để tách cùi nhãn để tránh làm rách, nát cùi. Bằng cách này, nó có thể bao bọc hoàn toàn hạt sen, giúp hạt sen nép vào cùi nhãn và hòa quyện hương thơm vào nhau.
Ở một số nơi cũng có chè long nhãn hạt sen, mỗi nơi mỗi vị, nhưng chè long nhãn hạt sen bén duyên và nổi tiếng nhất trên đất Hưng Yên bởi hương vị đặc trưng của nó. Phụ nữ Hưng Yên nổi tiếng là nấu món chè này thơm ngon. Nếu bạn ghé thăm chùa Hiến vào dịp mùa thu nhất định sẽ được thưởng thức món đặc sản này của người dân nơi đây.
-
Gà Đông Tảo
Gà Đông Tảo (gà Đông Cảo) là một giống gà đặc hữu và quý hiếm của Việt Nam. Đây là loài gà nuôi cổ truyền của xã Đông Tảo thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
Gà Đông Tảo có đôi chân to sần sùi như chân voi, thân hình chắc nịch. Đây đặc điểm dễ nhận biết nhất ở loại gà này là cặp chân khác rất nhiều so với những giống gà khác. Giống gà này rất khó nuôi, đòi hỏi phải kỳ công chăm sóc và gà càng già càng quý, thịt ăn thường có mùi vị thơm ngon đặc trưng không lẫn với bất kỳ loại gà nào.
Ngoài hình dáng khác biệt, gà Đông Tảo còn mang lại giá trị kinh tế cao bởi giống gà này rất ngon và bổ dưỡng. Một con gà Đông Tảo có thể chế biến được rất nhiều món ăn ngon khác nhau như da gà bóp thính, gà hấp nấm, chân gà hầm thuốc bắc... nhiều địa phương đang có phong trào nuôi gà Đông Tảo vì mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, hiện nay gà Đông Tảo lai tạp khá nhiều cho nên bạn hãy lưu ý khi chọn mua để chọn lựa được con gà Đông Tảo thuần chủng nhất nhé!