Chi tiết cúng trình ma
- Vợ chồng A Phủ là kết quả chuyến đi thực tế của Tô Hoài cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc năm 1952. Hiện thực cuộc sống cực nhục, tối tăm của người dân Tây Bắc được tái hiện chân thực, rõ nét trong phần đầu tác phẩm.
- Cuộc sống của hai nhân vật chính là Mị và A Phủ ở nhà thống lí Pá Tra thực sự là cuộc sống như trâu như ngựa. Ngoài việc chịu áp lực thể xác, làm việc suốt ngày đêm, họ còn chịu sự áp bức về tinh thần với sự ám ảnh của con ma nhà thống lí.
- Vì tội đánh A Sử, A Phủ bị bắt về xử kiện. Đó là vụ kiện lạ lùng, đám xử kiện nằm dài bên khay đèn, mấy chục người hút từ sáng đến trưa, đến hết cả đêm. Bọn trai làng bắt A Phủ quỳ giữa nhà và đánh. Người thì đánh, người thì quỳ lạy, kể lể, chửi lại hút...Càng hút, càng tỉnh, càng đánh, càng chửi, càng hút. Đến sáng hôm sau thì đám kiện đã xong.
- Thống lí Pá Tra mở tráp, lấy một trăm đồng bạc hoa xòe bày lên mặt tráp, rồi kể các khoản tiền A Phủ phải nộp: Nộp vạ cho người phải mày đánh là hai mươi đồng, mỗi xéo phải hai đồng, mỗi người đi gọi các quan về hầu kiện năm hào. Mày phải mất tiền mời các quan hút thuốc từ hôm qua tới nay. Lại mất con lợn hai mươi cân, chốc nữa mổ để các quan ăn vạ mày.
- Sau đó, thống lí cho A Phủ cúi sờ lên đồng bạc trên tráp còn mình đốt hương lầm rầm khấn gọi ma về nhận mặt người vay nợ. Pá Tra khấn xong, A Phủ cũng nhặt xong bạc, nhưng nhặp xong lại để ngay cả xuống mặt tráp. Rồi Pá Tra lại trút cả bạc vào trong tráp.
- Từ đây, A Phủ đã bị trói vào con ma nhà thống lí. A Phủ không phản kháng, không bỏ trốn. A Phủ chính là nạn nhân của sự áp bức tàn bạo của chế độ cường quyền và thần quyền. Không chỉ riêng A Phủ, con ma nhà thống lí là nỗi ám ảnh đối với Mị. Ngay sau khi cướp Mị về, A Sử đem về cúng trình ma trong nhà. Kể từ đây, Mị sống kiếp trâu ngựa. Cuộc sống câm lặng lùi lũi như cơn rùa nuôi trong xó cửa, chấp nhận đêm bị trói đứng, khắp người là dây trói thịt chặt, đau nhức.
- Đối với người H Mông trước đây, ma là thế lực thần quyền đáng sợ. Nó làm cho con người trở nên mê muội, tê liệt về ý thức và quyền sống. Bọn Thống lí đã lợi dụng thần quyền làm phương tiện áp bức của cường quyền.
- Phản ánh nỗi thống khổ của người dân miền núi Tây Bắc dưới ách áp bức của bọn thực dân chúa đất, Tô Hoài đã lựa chọn được một chi tiết đặc sắc. Con ma nhà thống lí không chỉ là nỗi ám ảnh trong người đọc mà còn là ám ảnh nghệ thuật. Tục cúng trình ma chính là một trong những sợi dây tóc phát sáng trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ".