Chùa Thiên Mụ
Chùa Thiên Mụ là một trong những kiến trúc cổ nhất và đẹp nhất ở Huế. Với niên đại hàng trăm năm và kiến trúc tuyệt đẹp, Chùa Thiên Mụ, Huế chưa từng đánh mất sức hút với du khách quốc tế và nội địa.
Chùa gắn với truyền thuyết, khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa, ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này. Người dân địa phương cho biết, nơi đây ban đêm thường có một bà lão xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh". Chính vì thế, nơi đây còn gọi là Thiên Mụ Sơn. Tư tưởng lớn của Chúa Nguyễn Hoàng dường như được dân chúng ủng hộ. Nguyễn Hoàng cả mừng, vào năm 1961 đã cho dựng một ngôi chùa trên đồi.
Năm 1665, chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu chùa. Năm 1710, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc quả Đại Hồng Chung (cao 2,5m, đường kính 1,4m, nặng 2.052kg). Năm 1715, Chúa lại cho xây dựng thêm một tấm bia đá thanh cao 2,6m, rộng 1,25m đặt trên lưng một con rùa làm bằng đá cẩm thạch dài 2,2m, rộng 1,6m.
Hai công trình kiến trúc chính của chùa là Tháp Phước Duyên và Điện Đại Hùng:
- Tháp Phước Duyên được vua Thiệu Trị xây dựng vào năm 1844. Tháp hình bát giác, cao 7 tầng (21m)
- Điện Đại Hùng là ngôi điện chính trong chùa, có kiến trúc nguy nga đồ sộ; ngoài bức tượng Phật bằng đồng trong điện còn có vô số tượng và một khánh đồng đúc năm 1677; một bức hoành phi bằng gỗ được sơn son thếp vàng do tự tay chúa Nguyễn Phúc Chu đề tặng năm 1714.
Di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia (Kiến trúc nghệ thuật) theo Quyết định số 1964-QĐVH/TT ngày 27/8/1996 của Bộ Văn hóa và Thông tin.
Vị trí: Đường Nguyễn Phúc Nguyên, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.