Đền Dầm
Đền Dầm là một ngôi đền thiêng có từ thời nhà Trần. Đền đã được các đời Trần, Lê, Nguyễn sắc phong đến 28 lần (Trần triều 7 đạo, Lê triều 13 đạo, Nguyễn triều 8 đạo). Đây là một kỷ lục về sắc phong, ngang với Phủ Tiên Hương – Nơi thờ của Mẫu Liễu Hạnh tại Phủ Dày (Nam Định). Đền Dầm tọa lạc tại thôn Sâm Dương, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội.
Đền Dầm là nơi thờ Mẫu Thoải (cai quản miền sông, nước), một trong Tam Tòa Thánh Mẫu theo tâm thức của người Việt, bên cạnh Mẫu Thượng Thiên (cai quản miền trời) và Mẫu Thượng Ngàn (cai quản miền rừng, núi).
Đền Dầm gắn liền truyền thuyết " Công chúa Hoàng Long đầu thai đày xuống thủy cung làm con vua Thủy Tề vì làm vỡ chén ngọc được chàng Liễu Nghị giải oan. Để trả ơn, nàng đã hiện về báo mộng giúp Trần Hưng Đạo đánh thắng giặc ngoại xâm và được vua Trần Nhân Tông phong thần, có chiếu chỉ cho nhân dân đời đời thờ phụng "
Đền Dầm có kiến trúc cổ, không gian thoáng đãng, vẫn giữ được phong cách xưa. Trong đền có hồ nước và nhiều cây cổ thụ. Ngôi đền được chia thành các khu vực khác nhau, ngoài gian chính là đền thờ Mẫu Đệ Tam còn có cung Trần triều thờ Hưng Đạo vương, động Sơn Trang, Lầu Cô, Lầu Cậu. Điểm nổi bật là Lầu Cô nằm bên hồ, một lầu cổ có hai tầng với mái hình lục giác và nghinh môn với 6 trụ uy nghiêm.
Địa chỉ: Xâm Dương, Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội
Lễ hội: Mùa xuân từ ngày 1 đến 10 tháng 2 Âm lịch hàng năm