Tháp Chàm Pô Nagar
Tháp Bà Ponagar là một di tích lịch sử văn hóa, một công trình tiêu biểu và độc đáo của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc Chămpa, tọa lạc trên đồi Cù Lao, mặt hướng ra biển Đông. Xưa kia, nơi đây là một trong những trung tâm tín ngưỡng của vương quốc Chăm, thờ Nữ thần Po Nagar - Mẹ xứ sở của người Chăm, cũng là Thiên Y A Na Thánh Mẫu - một trong ba vị nữ thần cai quản ba miền của Việt Nam: Miền Bắc với sự nổi trội của mẫu Liễu Hạnh, miền Trung với Thiên Y A Na Thánh Mẫu và miền Nam là Linh sơn Thánh Mẫu (Bà Đen).
Theo truyền thuyết, Nữ vương Po Nagar, hay còn gọi là Yang Po Nagar, được tạo nên mây trời và bọt biển. Bà là người tạo dựng ra Trái Đất, sản sinh gỗ quý, cây cối, lúa gạo và là người có công dạy người dân trồng lúa, chăn nuôi, dệt vải và đưa người Chămpa đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Quần thể kiến trúc Tháp bà Po Nagar được chia thành 3 khu vực: Khu tháp cổng, Khu tiền đình và Khu đền tháp.
- Khu tháp cổng: Đây là chiếc cổng chào hoành tráng với hình dáng và kiến trúc hòa hợp với tổng thể khu đền. Qua sự bào mòn của thời gian, thì phần tháp cổng đã không còn nữa, mà chỉ còn những bậc thang bằng đá dẫn lên tầng giữa.
- Khu vực tiền đình: Có bốn hàng cột lớn xây bằng gạch nung, bao gồm 10 cột lớn phía trong và 12 cột nhỏ hình bát giác ở phía ngoài. Đặc điểm thu hút sự quan tâm của nhiều người đó là gạch xây tháp Chăm là gạch loại lớn và được xây dựng hầu như không có chất kết dính.
- Khu đền tháp: Có 2 dãy tháp, dãy tháp phía trước có 3 ngôi tháp, trong đó, ngôi tháp cao nhất chính là tháp bà Ponagar. Còn dãy tháp phía sau vốn có dấu vết của 3 ngôi tháp khác nằm song song với nhau, nhưng nay chỉ còn 1.
Địa chỉ: 61 đường Hai Tháng Tư, phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa
Lễ hội: Từ 20 đến 23 tháng 3 Âm lịch hàng năm