Nấm ô tán trắng phiến xanh
Nấm ô tán trắng phiến xanh thường mọc đơn chiếc hoặc từng cụm thường mọc ở chuồng trâu, chuồng bò, trên bãi cỏ những nơi đất tơi xốp, độ mùn và ẩm cao. Lúc còn non loại nấm này thường có màu vàng nhạt, các đốm vảy nhỏ màu nâu, nấm ô tán trắng phiến xanh phát triển tốt đường kính lên tới 15cm chân cuống dài tới 30cm khi trưởng thành không có đài bao bọc, bề mặt mũ nấm xuất hiện các vảy mỏng màu nâu bẩn. Loại nấm độc này gây rối loạn hệ tiêu hóa gây nên tình trạng nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy cấp mất nước và các chất điện giải. Ở Việt Nam đã có nhiều ca ngộ độc nấm ô tán trắng phiến xanh, điển hình như ngày 13 tháng 6 năm 2014 có 7 người dân ở Điện Biên đã suýt mất mạng vì ăn loại nấm này.
Mũ nấm lúc còn non hình bán cầu dài, màu vàng nhạt, có các vảy nhỏ màu nâu nhạt hoặc xám nhạt. Khi trưởng thành mũ nấm hình ô hoặc trải phẳng, màu trắng, đường kính mũ từ 5 - 15 cm. Trên bề mặt mũ nấm có các vẩy mỏng màu nâu bẩn, vảy dày dần về đỉnh mũ. Phiến nấm (mặt dưới mũ nấm) lúc non có màu trắng, lúc già có ánh màu xanh nhạt hoặc xanh xám, nấm càng già màu xanh càng rõ. Cuống nấm có màu từ trắng đến nâu hoặc xám, có vòng ở đoạn trên gần sát với mũ, chân cuống không phình dạng củ và không có bao gốc. Dài 10 - 30 cm. Thịt nấm màu trắng, độc tính thấp, chủ yếu gây rối loạn tiêu hóa.