Top 10 Việc nên làm khi bạn thi trượt Đại học
Chỉ còn vài tháng nữa là kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia và cũng chính là kỳ thi Đại học cho các bạn học sinh THPT trên toàn quốc sẽ diễn ra, chắc hẳn bạn sẽ ... xem thêm...rất lo lắng và hồi hộp. Bạn sẽ cố gắng để học cho tốt, cố gắng để thi đỗ, cố gắng để không làm bố mẹ thất vọng, cố gắng để giành điểm cao cho kỳ thi. Nhưng nếu bạn thi không đỗ, bạn sẽ làm gì? Hãy tham khảo một số lời khuyên mà Toplist đưa ra dưới đây để giúp bạn có tâm lý tốt hơn nhé.
-
Buồn một chút không sao cả
Thi trượt Đại học ai cũng sẽ rất buồn, điều này là hết sức tự nhiên. Nếu cần thiết, bạn có thể khóc vì khóc giúp bạn cảm thấy nhẹ nhàng hơn, hoặc bạn có thể tìm cho mình một khoảng lặng hay bạn hãy đi chơi, tụ tập với những đứa bạn thân… Nhưng điều quan trọng là bạn phải đứng dậy sau vấp ngã ấy chứ không phải nằm lì ở nhà và buông xuôi số phận. Bạn hãy nhớ rằng thất bại là mẹ thành công nên đừng làm gì dại dột nhé.
-
Bạn mới là người quyết định cuộc đời bạn
Điều quan trọng ở đây là bạn sẽ vượt qua thất bại như thế nào chứ không nên để tâm quá lớn đến vấn đề thi trượt. Chỉ có bạn là người quyết định cuộc đời của bạn chứ không kì thi nào có thể quyết định cuộc đời bạn. Bạn hãy nhớ rằng không phải tất cả những người thi trượt đại học đều là người thất bại và người đỗ đại học đều thành công. Trượt đại học không phải là đặt dấu chấm hết cho cuộc đời mà là mở ra một con đường khác để đi, để khám phá, để trưởng thành. Bạn đang trượt đại học, đừng quá ủ ê, lo sợ. Hãy vươn mình đứng lên ! Ngoài kia thế giới rộng lớn vẫn luôn chào đón bạn. Có thất bại ắt sẽ có thành công.
-
Chấp nhận hiện thực
Cho dù có làm gì thì cũng không thể thay đổi được hiện thực là bạn đã trượt đại học. Vì thế, bạn hãy luôn là chính mình, bạn hãy đối mặt với sự thật mà đừng lảng tránh. Có sao đâu, bạn vẫn là bạn đúng như một ngày trước với đầy đủ tính cách tốt đẹp. Bạn có thể bị bố mẹ mắng một chút hoặc bạn bè nhìn một cách ái ngại. Không sao, đó cũng là điều bình thường. Hãy sống làm sao để bạn không trở nên cô lập và biết cách vượt qua mọi thất bại.
-
Xác định cho mình một phương hướng khác
Bạn cần nghĩ một cách phóng khoáng hơn rằng Đại học là một con đường ngắn để dẫn đến thành công, nhưng không có nghĩa là những con đường khác không dẫn bạn đến nơi đó. Hãy đưa ra những lựa chọn cho mình như:
- Học một trường cao đẳng hay trung cấp: Thời gian học tập của bạn sẽ nhanh hơn và sẽ chỉ tập trung vào thực hành nên bạn sẽ ra trường sớm hơn so với học Đại học và điều này có nghĩa là bạn sẽ có nhiều năm kinh nghiệm hơn. Điều đó chính là cơ hội của bạn đối với các nhà tuyển dụng.
- Học nghề: Nếu bạn cảm thấy chán ngấy những lý thuyết khô khan thì học nghề là lựa chọn tốt. Có thể bạn học tại một trường đào tạo nghề hoặc xin vào học việc tại các doanh nghiệp. Chỉ cần bạn giỏi thì nghề nào bạn cũng sẽ thành công.
-
Tìm người đi trước cùng cảnh ngộ
Bạn hãy tìm kiếm những lời khuyên từ những người đã từng trượt đại học mà đang thành công. Họ cũng đã từng thất bại nhưng họ đã vượt qua được nên họ sẽ giúp bạn với những lời khuyên thiết thực nhất. Bạn không nên học những người gục ngã sau khi thất bại. Bạn có thể lên mạng tìm kiếm một số câu chuyện giống như câu chuyện của bạn vì số người trượt đại học không ít hơn số người đỗ. Bạn sẽ nhận thấy đa phần mỗi người đều tìm được con đường của mình sau khi họ không thành công với kỳ thi.
-
Hãy nghỉ ngơi
Thay vì đắm chìm trong những nỗi buồn và sự thất vọng thì tại sao bạn không cho mình quyền được nghỉ ngơi thư giãn sau những ngày ôn thi vất vả. Hãy cứ vui chơi, làm những gì bạn muốn. Bạn đã là học sinh trong suốt 12 năm học, bạn đã rất mệt mỏi và căng thẳng. Sau kỳ thi này, dù thi không tốt bạn cũng nên dành ra 2 tuần để nghỉ ngơi tích cực để quên đi mọi mệt mỏi và những suy nghĩ tiêu cực.
Bạn hãy nên biết rằng suy nghĩ tích cực chỉ tới khi trí não minh mẫn và tinh thần sảng khoái. Nên thay vì dằn vặt bản thân hay ủ rũ vì không đậu đại học khiến bạn thêm mệt mỏi, thì hãy cứ vui vẻ thoải mái đừng để nỗi buồn kéo lùi bạn lại đằng sau.
-
Đưa ra những kế hoạch cần thực hiện
Nếu bạn muốn thi lại thì ngay bây giờ bạn cần có kế hoạch cho mình. Tuyệt đối không để mình rơi vào nhàn rỗi. Bạn cũng cần tĩnh tâm để xác định lại khả năng và tìm ra điểm mạnh nhất của mình để xác định hướng đi cho tương lai. Việc chọn ngành học bao giờ cũng quan trọng vì nó sẽ là cuộc đời bạn.
Bạn không thể chỉ vì để vào đại học mà chọn những ngành học mà không thực sự phù hợp. Bạn có thể tham khảo bố mẹ xem với tính cách của mình thì nên học ngành nào. Nếu bạn không thực sự xuất sắc, bạn nên quan tâm là ngành đó có nhu cầu trong xã hội hay đang quá đông người theo học không?
-
Làm những việc đam mê lành mạnh
Khi còn bận học và ôn thi có rất nhiều việc bạn đam mê hoặc mong muốn làm mà chưa có thời gian. Vậy còn chần chờ gì nữa, lúc này chính là thời gian mà bạn có thể đắm mình vào các đam mê đó để quên đi mọi chuyện buồn. Các đam mê lành mạnh sẽ giúp các bạn khỏi những tư duy tiêu cực.
Nếu bạn có đủ thời gian để tham gia các hoạt động giữa học và các hoạt động xã hội thì đây là quãng thời gian quý báu để phát triển kỹ năng. Đồng thời có thể phát huy được những hiểu biết xã hội và con người. Ở các hoạt động tập thể này, giúp người tham gia có thể phát hiện ra niềm đam mê của mình.
-
Đi du lịch
Sau khi đã tự thành thật với bản thân, hãy cho mình cơ hội được tự do thanh thản sau những chuỗi ngày căng thẳng.
Đi du lịch cũng là một cách để bạn bình tâm trở lại. Niềm vui bạn có thể giấu kín nhưng đối với nỗi buồn bạn không thể chôn sâu một cách tiêu cực mà phải được sẻ chia.
Đi du lịch cùng với những người bạn, chia sẻ tâm tư của mình và biết đâu trong chuyến đi đó bạn sẽ tìm thấy được những thứ ý nghĩa hơn hai từ “Đại học” mà bạn đang theo đuổi?
-
Ôn thi vào một trường khác
Đại học không phải là con đường duy nhất trước ngưỡng cửa vào đời. Nếu bạn thấy mình không đủ sức nữa, hãy dừng lại và nhìn về những ngả rẽ khác. Cao đẳng hay trung cấp vẫn là sự lựa chọn không tồi nếu bạn cố gắng.
Nhà tuyển dụng không quan tâm bạn là ai, sinh viên trường nào, thành tích ở trường ra sao, cái duy nhất mà người ta quan tâm chính là kết quả bạn đạt được trong công việc và đại học chưa chắc đã “dạy” ta tốt hơn những gì ta tự bươn chải trong cuộc sống với tấm bằng thấp hơn thế.