Hóa chất N – Ngọn lửa đến từ "địa ngục"
Truyền thuyết kể rằng: Phát xít Đức từng sản xuất một chất hóa học cực kỳ kinh khủng có mật danh N trong Thế chiến II. Chất N có đặc tính sôi lên khi tiếp xúc không khí, phát nổ khi chạm nước, gây chết người nếu hít phải, phân hủy tạo ra acid độc hại. Đặc biệt, khi nạp vào súng phun lửa và khai hoả, N có thể tạo ra ngọn lửa với nhiệt độ tới hơn 2.400 độ C.
Quân Phát xít muốn dùng chất N để biến các boong-ke quân Đồng Minh thành "cháo" theo đúng nghĩa đen. Tuy nhiên, sau thời gian nghiên cứu, chính các binh lính Đức cũng không dám sử dụng vì độ nguy hiểm quá cao của chất N. Do vậy, cuối cùng nghiên cứu bị chấm dứt. Truyền thuyết kể lại thì là như vậy. Tuy nhiên trên thực tế, đây là một câu chuyện có thật, và chất N là chlorine trifluoride (ClF3), tác nhân florua hóa mạnh nhất mà con người từng biết tới.
Do có tính oxy hóa vượt trội so với oxy nên ClF3 có thể đốt cháy những vật liệu mà bình thường không thể cháy như gạch, a-mi-ăng... Và cũng chính nhờ khả năng cháy siêu bá đạo, chlorine trifluoride từng được các nhà khoa học Mỹ dự định dùng để tạo lực đẩy tên lửa, tuy nhiên họ đã sớm nhận ra sự may mắn của mình sau một sự cố vào năm 1950.
Thời điểm đó, các nhà khoa học Mỹ cố gắng vận chuyển chlorine trifluoride với số lượng lớn đã vô tình làm vỡ một bồn chứa bằng thép. Lập tức, hàng tấn ClF3 bùng cháy dữ dội. Ngọn lửa cực nóng không chỉ ăn sâu xuống lớp bê-tông dày 30cm của sàn mà còn tiếp tục xuyên qua 1m đất sỏi bên dưới. Không một cách nào có thể dập tắt đám cháy ngoại trừ việc để nó… tự cháy hết. Nguy hiểm là vậy, nhưng hiện nay hóa chất này vẫn được sản xuất và sử dụng trong các công ty bán dẫn nhằm làm sạch một số thiết bị mà không cần phải tháo dỡ chúng ra.