Cầu Chương Dương
Cầu Chương Dương là cây cầu huyết mạch nơi cửa ngõ phía Đông của Hà Nội, kết nối đôi bờ sông Hồng. Trong suốt hơn 3 thập kỷ qua, cây cầu là một chứng nhân lịch sử trong quá trình đổi mới đi lên của đất nước, là một phần lịch sử của Thủ đô Hà Nội.
Cầu Chương Dương có chiều dài 1.230 m, gồm 21 nhịp, trong đó 11 nhịp thép, 10 nhịp bê tông. Cầu chia làm 4 làn xe chạy, ở giữa có phần cánh gà mỗi bên rộng 5m, phía ngoài cùng có làn đường dành cho xe máy rộng 1,5m. Ban đầu, cầu Chương Dương được xây dựng trên ý tưởng thiết kế là cầu treo với 3 nhịp chính vượt sông. Để làm được cầu này, điều quan trọng nhất là phải đóng được cọc của các trụ nhịp chính xuống sông Hồng ở độ sâu khoảng 60m. Lý thuyết là vậy, nhưng lúc đó chúng ta không có búa lớn có đủ năng lực xung kích để đóng cọc xuống cao độ yêu cầu. Yếu tố quan trọng nữa khi xây dựng cầu treo là cáp chủ để thi công từ bờ Nam sang bờ Bắc, lại không có. Trước tình hình đó, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đã triệu tập một cuộc họp và ông quyết định chuyển phương án làm cầu Chương Dương từ cầu treo thành cầu cứng.
Đây là cây cầu lớn lần đầu tiên được thiết kế và thi công tại Việt Nam không cần có sự trợ giúp kĩ thuật của các kỹ sư nước ngoài nối trung tâm quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên. Cây cầu này được xây dựng một cách nhanh chóng bằng các vật liệu “đầu thừa đuôi thẹo” trong sự dở dang của cầu Thăng Long. Nằm ở vị trí đắc địa kết nối trung tâm quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên và các vùng lân cận, từ năm 1985 đến nay, cầu Chương Dương đóng vai trò quan trọng đối với giao thông, phát triển kinh tế Thủ đô. Cầu đã góp phần giải quyết cơ bản việc giao lưu kinh tế, xã hội giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố phía Bắc sông Hồng, khiến vùng đất phía Đông của Hà Nội “thay da đổi thịt”. Làng mạc và những cánh đồng ngày nào giờ đây đã mọc lên những khu công nghiệp, nhà máy, phố xá đông vui. Chính vì vậy cây cầu mang rất nhiều ý nghĩa lịch sử và văn hóa. Nhưng cầu Chương Dương đã đi vào lịch sử Hà Nội với tất cả tình yêu của mỗi người dân Thủ đô khi trở thành “cứu cánh” cho cầu Long Biên đang ngày “yếu” đi.