Top 7 bệnh thường gặp về mắt và phương pháp điều trị hiệu quả
Đôi mắt là một trong những bộ phận nhạy cảm nhất của con người. Đôi khi dưới tác động của môi trường, phong cách sống khiến đôi mắt bị tổn thương mà chúng ta ... xem thêm...không hề biết. Chỉ đến khi tầm nhìn bị ảnh hưởng rõ rệt mới đi khám thì bệnh đã quá nặng. Vì thế việc để ý những dấu hiệu, triệu chứng khác thường ở mắt là điều rất cần thiết. Nhức mắt, nhìn mờ, mỏi mắt, thấy chấm đen… là các triệu chứng đôi mắt bạn đang suy yếu do làm việc quá sức. Đôi mắt là một trong những thứ quý giá nhất của mỗi người. Vì vậy chúng ta cần bảo vệ đôi mắt của mình một cách tốt nhất. Sau đây là một số căn bệnh về mắt và cách điều trị.
-
Cận thị
Cận thị là căn bệnh phổ biến nhất mà gần như ai cũng biết đến. Cận thị làm cho người mắc không nhìn rõ các vật ở xa. Nguyên nhân chủ yếu gây ra cận thị chính là tiếp xúc với các thiết bị điện tử ở khoảng cách gần trong thời gian dài, làm việc trong môi trường thiếu ánh sáng, hoặc cũng có thể khi sinh ra đã bị cận do ảnh hưởng từ bố hoặc mẹ.
Một số dấu hiệu của cận thị nhẹ bao gồm mỏi mắt, nhức đầu hoặc nheo mắt để nhìn và khó nhìn thấy đối tượng ở xa như là biển báo đường bộ hoặc khi nhìn lên bảng lúc ngồi học. Các mức độ cận thị cũng có thể phân loại qua dấu hiệu của cận thị nhẹ. Các triệu chứng cận thị nói chung có thể biểu hiện rõ ở trẻ em trong độ tuổi từ 8 đến 12 tuổi. Trong những năm thiếu niên, khi cơ thể phát triển nhanh chóng, cận thị có thể tăng độ nhiều hơn. Trong độ tuổi từ 20 đến 40, thường có rất ít thay đổi.
Phương pháp điều trị cận thị là đeo kính, hoặc cũng có thể chữa khỏi vĩnh viễn bằng phẫu thuật lasik (tuy nhiên chỉ cho kết quả đối với những trường hợp cụ thể. Ngoài ra một số bài tập tự nhiên cũng giúp giảm độ cận). Dù bị cận thị nặng hay độ cận thị đang ở một trong các mức độ cận thị báo động, bạn cũng cần có cuộc khám mắt tổng quát để xác định rõ nguyên nhân, giúp việc điều trị hiệu quả hơn bạn nhé!
-
Bệnh về võng mạc
Bệnh võng mạc là tên gọi chung của một số các chứng bệnh về mắt do rối loạn trong võng mạc (hay còn gọi là đáy mắt). Bệnh võng mạc đứng thứ hai, sau đục thủy tinh thể trong các loại bệnh gây mù lòa. Trong đó thường gặp nhất là bệnh bong võng mạc và bệnh võng mạc tiểu đường.
Có 2 vấn đề về võng mạc đặc biệt nghiêm trọng là tách võng mạc và màng lưới do tiểu đường. Khi võng mạc bị tách ra khỏi các lớp bên ngoài của mắt, thị lực sẽ yếu dần hoặc mất hoàn toàn. Nguyên nhân của chứng tách võng mạc là do dịch lỏng tràn vào các hố hoặc nước mắt trong võng mạc, chia tách nó khỏi lớp phía dưới. Các đốm đen sưng phồng và các đốm sáng lóe là triệu chứng của bệnh. Bệnh màng lưới do tiểu đường là hậu quả do bệnh tiểu đường hủy hoại các mạch máu li ti bên trong võng mạc dẫn đến mù lòa.
Giải pháp điều trị: phẫu thuật, dùng đá lạnh chữa bệnh hoặc laser photocoagulation được dùng để điều trị bệnh tách võng mạc. Laser photocoagulation và phẫu thuật vitrectomy thường dùng trong điều trị màng lưới do tiểu đường.
-
Chứng khô mắt
Bệnh khô mắt là biểu hiện phổ biến của nhiều người hiện nay, đặc biệt là dân văn phòng thường xuyên phải ngồi trước màn hình máy tính. Khô mắt tuy không quá nguy hiểm nhưng sẽ gây nên triệu chứng mắt mệt mỏi, đỏ, rátm giảm hiệu suất làm việc. Khô mắt là một chứng bệnh thường gặp, xảy ra khi tuyến nước mắt không thể tạo đủ nước để làm ẩm nhãn cầu hay nước mắt bốc hơi quá nhanh. Hiện nay khô mắt không chỉ gặp ở người lớn tuổi mà còn xuất hiện ở cả những người trẻ tuổi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khô mắt như ô nhiễm môi trường, tiếp xúc thường xuyên với màn hình ti vi, điện thoại hoặc làm việc trong môi trường khô nóng. Khô mắt gây cảm giác khó chịu, ngứa, rát hốc mắt.
Phương pháp điều trị: nhỏ nước mắt nhân tạo, dùng thuốc chống viêm hoặc phải phẫu thuật trong trường hợp bệnh nặng. Ngoài ra bạn hãy tập cho mình thói quen chớp mắt chậm và đều (khoảng 12-18 lần/phút) giúp nước mắt dàn đều, làm ẩm giác mạc. Hạn chế để mắt tiếp xúc trực tiếp với khói bụi và ánh sáng. Nên đeo kính khi ra ngoài để bảo vệ mắt khỏi tác nhân gây hại từ môi trường. Tránh để gió như máy sấy, quạt, máy lạnh thổi trực tiếp vào mắt. Thường xuyên nhỏ nước mắt nhân tạo để tránh khô mắt. Không thức khuya, ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày giúp mắt có thời gian nghỉ ngơi tốt nhất. Không hút thuốc hoặc hoặc không để khói thuốc dính trực tiếp vào mắt. Có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, thường xuyên bổ sung thức ăn chứa Omega-3 (có nhiều trong cá) và Beta-Carotene (trong các loại rau củ màu vàng, đỏ), tăng cường chất chống oxy hóa giúp tăng sức khỏe đôi mắt.
-
Loạn thị
Loạn thị là một tật khúc xạ mắt rất thường gặp, xảy ra khi hình ảnh quan sát sau khi đi vào mắt không thể hội tụ ở võng mạc, khiến mắt bị mờ. Giác mạc là bộ phận trong suốt có hình chỏm cầu nằm phía trước nhãn cầu, cho phép ánh sáng đi vào trong mắt. Giác mạc khi không còn giữ được độ cong hoàn hảo mà bị biến dạng không đều, khiến các tia sáng đi vào mắt hội tụ ở nhiều điểm khác nhau (có thể ở phía trước hoặc phía sau võng mạc), gây ra loạn thị.
Người bị loạn thị thường nhìn thấy mờ, đôi khi còn kèm theo biến dạng hình ảnh ở mọi khoảng cách. Có 2 loại chính của loạn thị là loạn thị giác mạc và loạn thị dạng thấu kính. Trên thực tế loạn thị không được xác định rõ nguyên nhân, nhưng theo các chuyên gia, di truyền là một yếu tố lớn. Loạn thì thường có các triệu chứng: nhìn mờ ở mọi khoảng cách, khó nhìn vào ban đêm, mỏi mắt, nheo mắt, kích ứng mắt, đau đầu.
Phương pháp điều trị loạn thị: bác sĩ sẽ tiến hành điều chỉnh kính hoặc phải phẫu thuật. Ngoài ra bác sĩ còn có thể dùng phương pháp Ortho - K (Orthokeratology) customize: Đây là phương pháp điều trị sử dụng kính áp tròng cứng, được thiết kế đặc biệt đeo vào ban đêm nhằm làm thay đổi tạm thời hình dáng của giác mạc trong khi ngủ, giúp mắt có thể nhìn rõ vào sáng hôm sau và duy trì tình trạng này suốt cả ngày. Cứ như vậy, lặp lại quy trình gắn Ortho-K customize vào ban đêm để có thị lực tốt vào ngày hôm sau.
-
Viễn thị
Viễn thị là sự sai lệch về khúc xạ, có nghĩa là đường đi của tia sáng ở mắt viễn khác so với mắt chính thị. Một số nguyên nhân phổ biến của viễn thị như: do bẩm sinh cầu mắt ngắn, do di truyền, do không giữ đúng khoảng cách nhìn,... Các triệu chứng của viễn thị cũng rất dễ nhận biết, thường là căng thẳng, mệt mỏi, nhìn mờ ở khoảng cách gần, nheo mắt để nhìn rõ hơn, đau hoặc có cảm giác xung quanh mắt,... Viễn thị tuy ít gặp hơn cận thị nhưng lại dễ gây ra những rối loạn chức năng thị giác nặng nề hơn như lác mắt và nhược thị.
Nguyên nhân của viễn thị đó chính là Viễn thị xảy ra khi các tia sáng đi vào mắt hội tụ sau võng mạc. Người viễn thị có trục nhãn cầu ngắn hơn bình thường. Một số trẻ em sinh ra đã bị mắc tật viễn thị, và một số trẻ có khả năng hết viễn thị khi lớn. Đôi khi ta nhầm lẫn viễn thị với lão thị, vì cả hai đều gây ra khó khăn cho tầm nhìn gần, tuy nhiên nguyên nhân mắc hai tật này là khác nhau.
Phương pháp điều trị: Viễn thị có thể được chữa trị bằng cách đẹo kính có gọng hoặc kính áp tròng giúp thay đổi điểm hội tụ của tia sáng khi đi vào mắt. Nếu toa kính gọng hoặc kính áp tròng bắt đầu với số có dấu cộng, ví dụ như +2.50, là bạn đang viễn thị. Bệnh nhân có thể lựa chọn mang kính có gọng hoặc kính áp tròng liên tục hoặc chỉ khi đọc sách, làm việc với máy tính hoặc làm những việc khác ở khoảng cách gần.
-
Đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc
Thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại dịch bệnh bùng phát. Trong số đó, bệnh đau mắt đỏ là bệnh lành tính, nhưng nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm, loét giác mạc và có thể dẫn đến mù lòa. Đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc, có thể làm xuất hiện những dấu hiệu như mẩn đỏ, ngứa, rát, chảy nước mắt,... do vi khuẩn và virus. Bệnh thường khởi phát theo mùa, lây qua đường hô hấp tạo thành dịch, bệnh thường tiến triển một mắt rồi lây sang mắt còn lại.
Phương pháp điều trị: Đau mắt đỏ không quá nguy hiểm, nó có thể được kiểm soát rất tốt với thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh và chống viêm corticoid. Những người bệnh không nên tự ý mua thuốc điều trị mà nên dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài ra khi xuất hiện những triệu chứng đau mắt đỏ không có nghĩa là bị đau mắt đỏ mà có thể là dấu hiệu của các bệnh lý khác. Vì thế khi phát hiện bệnh, bạn cần đến các trung tâm y tế gần nhất để các bác sĩ khám và đưa ra chỉ định điều trị.
-
Bệnh của mí mắt
Mí mắt có chức năng bảo vệ mắt, làm nước mắt lan trên bề mặt nhãn cầu và giới hạn lượng ánh sáng có thể đi sâu vào trong mắt. Đau, ngứa, hay chảy nước mắt, nhạy cảm với ánh sáng là các triệu chứng phổ biến của những vấn đề về mí mắt bao gồm viêm bờ mí, mí mắt rủ và co giật mí mắt,...
Phương pháp điều trị: Bệnh của mí mắt thường được điều trị bằng cách vệ sinh sạch sẽ và sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật. Ngoài ra khi mí mắt bị sưng đỏ và đau, bệnh nhân nên tiến hành massage vùng mắt mỗi ngày. Nên vệ sinh tay và mắt sạch sẽ để tránh gây ra các tổn thương không đáng có. Nên thực hiện massage khoảng 3 - 5 lần mỗi ngày để mắt được thư giãn và làm việc hiệu quả.