Top 11 Bộ kinh điển quan trọng và phổ biến nhất của Phật giáo
Kinh điển Phật giáo có số lượng cực kỳ lớn, thậm chí xưa lấy 84000 để ước chừng tượng trưng về số lượng pháp uẩn.Kinh văn Phật giáo truyền miệng hoặc được viết ... xem thêm...ở trên giấy mực. Phật tử theo các tông phái khác nhau đặt các bộ kinh, luận này ở những vị trí khác nhau. Mỗi tập kinh Phật thuyết ra đều có ý nghĩa giáo huấn tùy với căn cơ của chúng sinh. Do đó, muốn biết công đức của mỗi loại kinh tụng, người tu học cần phải hiểu đại khái tóm lược ý nghĩa của mỗi cuốn kinh. Toplist.vn xin giới thiệu những bộ kinh quan trọng và kinh điển nhất của Phật giáo để mọi người cùng hiểu hơn về loại hình này.
-
Kinh điển Pali
Giáo pháp của Đức Phật đã được truyền thụ chủ yếu bằng lời từ thế hệ này qua thế hệ khác trong khoảng ba đến bốn trăm năm trước khi được viết lại một cách toàn diện vào đầu thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch hơn 2.000 năm trước, tại Matale, Sri Lanka.
Lý do khiến giáo pháp này giữ được hầu như toàn vẹn về nội dung là do giáo pháp ấy đã được soạn thảo dưới một hình thức thích hợp cho việc truyền bá bằng lời, nghĩa là hầu hết đều ở dạng tóm tắt. Ngày nay, những ghi chép đầy đủ về giáo pháp của Đức Phật, tức là Kinh tạng Pali, được gìn giữ trong 37 quyển của bộ Tipitaka.
Các bài giảng của Đức Phật, vốn được Ngài nói ra bằng ngôn ngữ Magadhi, đã được cô đọng lại và viết ra; hình thức viết này được gọi là Pali, nhưng vì Pali không có hệ thống chữ viết riêng, nên giáo pháp ấy đã được ghi lại theo hệ thống chữ viết Sinhala. Trong khoảng đầu thiên niên kỷ thứ nhất, các bản dịch Tipitaka sang tiếng Hán và sau đó là tiếng Tạng cũng đã được thực hiện. Như vậy, các thủ bản gốc bằng tiếng Pali có thể được kỳ vọng là chứa đựng hầu hết những bải giảng gốc đã được chính Đức Phật nói ra.
Thế kỷ XX, toàn bộ kinh điển Tipitaka còn được viết trên một loại lá cọ đã được chuẩn bị kỹ (lá bối). Những lá bối dùng chép kinh đó sẽ bị hư hoại trong khoảng trên dưới 100 năm và như vậy, trung bình trong khoảng 100 năm, người ta phải chép lại toàn bộ hệ thống kinh điển này một lần để lưu giữ.Cuối cùng, ngay trước khi những bản chú giải bằng ngôn ngữ Sinhala bị thiêu huỷ, ngài Buddhaghosa đã dịch và biên tập những bản chú giải ấy ngược trở lại ngôn ngữ Pali trong tập Visuddhimagga (Thanh tịnh đạo) của mình và nhiều tập sách khác.
-
Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh
Bát-nhã-ba-la-mật-đa là tên của một bộ kinh quan trọng, xuất hiện khoảng thế kỉ thứ nhất trước CN, với nội dung xoay quanh chính Bát-nhã-ba-la-mật-đa này, và cũng là tên của một vị Bồ Tát. Trong hệ thống này, Bát-nhã được xem là khả năng hiểu được "sự thật như nó vẫn là", không chứa bất cứ một luận cứ triết học nào cả, chỉ nhằm thẳng bản chất của sự có, đặc biệt chỉ bằng cách dùng phương pháp nói ngược.
Cơ sở quan trọng ở đây là sự vật không có hai mặt, mà trên nó, tất cả những phương pháp nhị nguyên để nhìn vào sự vật đều bị bác bỏ: Các pháp - các hiện tượng - không tồn tại mà cũng không không tồn tại, nhưng lại mang dấu ấn của tính Không, với sự vắng mặt lâu dài của một "bản chất không biết". Như vậy thì theo kinh văn Bát-nhã trên, Bát-nhã-ba-la-mật-đa, "Sự toàn hảo của trí huệ" chính là nhận thức các pháp đều trống không, chỉ là những tên gọi, không có tự ngã và nhìn theo chân lý tuyệt đối thì không một vật nào tồn tại.
Nhiều bộ kinh Bát-nhã được biết với tên là độ dài hoặc số dòng kệ tụng chúng chứa đựng. Edward Conze, người đã dịch tất cả những bộ kinh Bát-nhã còn được lưu lại bằng Phạn ngữ sang tiếng Anh, đã nhận ra bốn thời kì phát triển của hệ kinh này:
- 100 TCN-100: Bảo đức tích tụ bát-nhã và Bát thiên tụng bát-nhã.
- 100-300: Thời kì phát triển với Bát nhã 18.000, 25.000, và 100.000 dòng được biên tập. Kim cương bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh có thể được viết trong thời gian này.
- 300-500: Thời kì lắng đọng lại Bát-nhã tâm kinh và Nhất tự bát-nhã được biên tập.
- 500-1000: Văn bản thời này bắt đầu mang dấu tích của Mật giáo, chịu ảnh hưởng của Đát-đặc-la.
Kinh điển hệ Bát-nhã đã ảnh hưởng lớn đến tất cả các trường phái Phật giáo Đại thừa.
-
Diệu Pháp Liên Hoa Kinh
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa thường gọi tắt là kinh Pháp Hoa là một trong những bộ kinh Đại thừa quan trọng nhất, được lưu truyền rộng rại ở các nước Á Đông như Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc... Tương truyền, kinh Pháp Hoa được Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng trên đỉnh núi Linh Thứu trước khi ngài nhập Bát Niết-bàn, tức vào chặng đường cuối của sự nghiệp hoằng hóa chúng sinh (ngũ thời giáo): Hoa Nghiêm, A-hàm, Phương Quảng, Bát Nhã và Pháp Hoa - Niết Bàn (theo quan niệm của Thiên Thai Tông).
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa có tên đầy đủ là Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Giáo Bồ-tát Pháp Phật Hộ Niệm. Trong đó, Diệu Pháp mang ý nghĩa là Tri kiến Phật có sẵn trong mỗi chúng sinh (Phật tính) còn Liên hoa (tức hoa sen) là một loài hoa mang ý nghĩa biểu tượng cho Diệu Pháp. Tri kiến Phật là Diệu Pháp vì đây là pháp vượt qua mọi pháp thế gian, không có pháp nào có thể sánh được Tri kiến Phật. Tri kiến Phật là pháp sẵn có, bất sinh - bất diệt có trong mọi chúng sinh tức mọi chúng sinh đều có Tri kiến Phật và có thể giác ngộ thành Phật. Tri kiến Phật là tư tưởng cốt lõi của kinh: nội dung kinh chủ yếu trình bày và diễn giải tư tưởng này.
Kinh này trình bày nhiều quan điểm chủ yếu của Phật giáo Bắc Tông và có ảnh hưởng lớn đến nhiều tông phái khác nhau của Đại thừa như Thiên Thai tông (lấy kinh này làm kinh căn bản), Thiền tông, Phật giáo Nichiren (với chủ trương niệm danh tự kinh: Nam-mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh)... Kinh được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau: tiếng Trung, tiếng Việt, tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Pháp... Thông thường các dịch bản dựa trên bộ kinh dịch từ tiếng Phạn của ngài Cưu-ma-la-thập (Kumarajiva) đã biến đổi chút nhiều (có thêm các phần kệ, vài phẩm...), bản tiếng Việt lưu hành phổ biến nhất có lẽ là bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Tịnh.
-
Vô Lượng Thọ Kinh
Quán Vô Lượng Thọ kinh là một trong ba bộ kinh quan trọng nhất của Tịnh độ tông. Kinh miêu tả thế giới phương Tây của Phật A-di-đà và dạy cách hành trì: sống thanh tịnh, giữ giới luật và niệm danh hiệu Phật A-di-đà, hành giả thoát khỏi các nghiệp bất thiện và được tái sinh nơi Tịnh độ của A-di-đà.
Kinh này chỉ rõ quá trình phát sinh giáo pháp của Tịnh độ tông và thật ra đã được đức Phật lịch sử Thích-ca trình bày. Tương truyền rằng, hoàng hậu Vi-đề-hi, mẹ của vua A-xà-thế, bị con mình bắt hạ ngục cùng với chồng là vua Tần-bà-sa-la. Bà nhất tâm cầu nguyện Phật và khi Phật hiện đến, bà xin tái sinh nơi một cõi yên lành hạnh phúc. Phật dùng thần lực cho bà thấy mọi thế giới tịnh độ, cuối cùng bà chọn cõi Cực lạc của A-di-đà. Phật dạy cho bà phép thiền định để được tái sinh nơi cõi đó. Phép thiền định này gồm 16 phép quán tưởng, và tuỳ theo nghiệp lực của chúng sinh, các phép này có thể giúp tái sinh vào một trong chín cấp bậc của Tịnh độ.
Mười sáu phép quán tưởng đó là: quán mặt trời lặn; quán nước; quán đáy sông; quán cây cối; quán nước cam lộ; quán thế giới thực vật; quán nước và đáy nước; quán toà sen; quán ba báo thân của ba vị thánh A-di-đà, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí; quán ba ứng thân của Phật A-di-đà; của Quán Thế Âm; của Đại Thế Chí; quán A-di-đà trong Tịnh độ; quán ba vị thánh trong Tịnh độ; quán cấp thượng căn trong Tịnh độ; quán cấp trung căn và hạ căn trong Tịnh độ. Các phép quán này giúp hành giả có thể thấy được A-di-đà và hai vị Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí ngay trong đời này và đó là dấu hiệu chắc chắn hành giả sẽ được tái sinh về Tịnh độ.
-
Duy - ma - cật kinh
Duy-ma-cật sở thuyết kinh là một tác phẩm quan trọng của Phật giáo Đại thừa, có ảnh hưởng rất lớn đến nền Phật giáo tại Trung Quốc, Việt Nam và Nhật Bản. Kinh xuất hiện khoảng thế kỉ thứ 2 sau Công nguyên, mang tên của Duy-ma-cật, một cư sĩ giàu có, sống cuộc đời thế tục nhưng vẫn đi trên con đường Bồ Tát. Nhờ kinh này mà người ta có thể xem cư sĩ và tăng sĩ có một mục đích như nhau trên đường tiến đến giác ngộ.
Điều may mắn hiếm có là tiếng Phạn bản của kinh này - được cho là thất truyền từ bao nhiêu thế kỉ - đã được Giáo sư Takahashi Hisao (Cao Kiều Thượng Phu) phát hiện ngày 30 tháng 6 năm 1999, trong khi ông cùng nhóm nghiên cứu đang sưu tầm thư tịch trong thư viện của cung điện Potala, kinh đô Lhasa, Tây Tạng. Sau hơn bốn năm nghiên cứu và ký âm la-tinh, bản này được nhóm Nghiên cứu Văn học Phật giáo Sanskrit, Viện Đại học Taisho, Tokyo phát hành tháng 3 năm 2004. Chất lượng văn bản khá tốt mặc dù còn nhiều lỗi ghi chép, cần được chỉnh lại trước khi dịch. Tuy nhiên, việc cho ra một bản khảo cứu vẫn còn là một điều đáp ứng được, đòi hỏi một công trình nghiên cứu, đối chiếu phục hồi văn bản hẳn hoi.
Quan niệm trọng yếu của kinh này là tính không của tất cả các pháp. Trong tính không này thì cả Hữu lẫn Vô đều được hợp nhất. Bất nhị là nền tảng của giáo lý trong kinh này thế nhưng, bất nhị rất khó diễn bày. Ba mươi hai vị Bồ Tát (chương 8) đều không trình bày nổi. Ngay cả Bồ Tát Văn Thù - hiện thân của trí huệ siêu việt - cũng không giải thích nổi bởi vì ngôn ngữ không thể diễn bày Pháp môn bất nhị này. Chỉ có Duy-ma-cật giãi bày bằng sự im lặng, một sự im lặng sấm sét . Im lặng ở đây không phải là không hiểu, không diễn bày mà chính là ngôn ngữ tuyệt đỉnh, ngôn ngữ duy nhất có thể trình bày cái Bất khả tư nghị.
Ngoài ra, kinh này còn minh họa rất sinh động cách sống của người Phật tử để nhắm đến giải thoát và cách áp dụng tri kiến về tính không trong cuộc sống hàng ngày, được Phật tử tại Đông Á, Đông Nam Á rất ưa chuộng và tụng đọc.
-
Kinh Đại Niết Bàn
Đại thừa Đại bát Niết bàn Kinh là một trong những bộ kinh Đại thừa quan trọng nhất thuộc hệ Như Lai Tạng. Tương truyền, kinh này được Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng ngay trước khi ngài nhập Vô dư Niết bàn (Bát Niết bàn). Cần phân biệt rõ hai kinh: kinh Đại bát Niết bàn (hay thường viết tắt là Niết bàn kinh) theo truyền thống Phật giáo Đại thừa và kinh Đại bát Niết bàn theo truyền thống Thượng tọa bộ vì kinh Tiểu thừa Đại bát Niết bàn thuộc Trường bộ kinh trong kinh Đại thừa Đại bát Niết bàn không thuộc Trường A hàm, tương đương với Trường bộ kinh trong Bộ kinh Nikaya), văn phong kinh Đại thừa thường trừu tượng và rộng nghĩa hơn so với văn phong kinh Tiểu thừa và sự khác biệt về nội dung của hai bộ kinh này là rất lớn (có thể xem như là khác hẳn dù vẫn có một số điểm chung như cả hai đều có chi tiết sự cúng dàng của thợ rèn Thuần đà (Cunda)...).
Hiện nay, người ta chưa xác định được chính xác thời gian ra đời của kinh Niết-bàn nhưng có thể có trước tác vào khoảng thế kỷ 2 sau Công nguyên. Truyền bản của ngài Đàm-vô-sấm vẫn được lưu truyền phổ biến hơn ở các nước Đông Á (Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc...) và có ảnh hưởng sâu sắc đến hệ thống giáo pháp ở các nước này.
Niết bàn kinh là một bộ kinh Đại thừa thuộc hệ Như Lai tạng vì nó khẳng định rằng mọi chúng sinh đều có Phật tínhhay trong kinh này là Như Lai tạng. Phật tính bất sinh, bất diệt, thường hằng và thường trụ nơi chúng sinh do đó mọi loài hữu tình đều có đầy đủ tố chất, năng lực để tự giác ngộ thành Phật.
Đó là tư tưởng đã được khẳng định nhiều lần trong nhiều bộ kinh, đặc biệt là kinh Pháp Hoa và là một trong những tư tưởng chỉ có trong giáo pháp của Phật giáo Đại thừa mà không có trong giáo lý của nhiều tôn giáo khác. Phần lớn nội dung kinh là khẳng định quan điểm "Phật tính" và cũng kèm theo đó lý luận, phân tích các luận điểm để làm sáng tỏ chủ đề ấy một cách mạch lạc, rõ ràng. Ngoài ra, một nội dung cũng tương tự Phật tính đó chính là sự thường hằng của Như Lai hay nói rõ ràng hơn là sự thường hằng của Pháp thân trong Tam thân Phật. Pháp thân Phật là thường hằng bất biến bởi Pháp thân chính là không tính, chân như là thể tính của mọi sự.
-
Hoa Nghiêm Kinh
Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, thường được gọi tắt là kinh Hoa Nghiêm là một kinh điển Đại thừa. Kinh Hoa Nghiêm được đánh giá là kinh điển đồ sồ nhất và dài nhất trong số các kinh của Phật giáo, theo nhận xét của dịch giả Thomas Cleary thì kinh này là "hoành tráng nhất, toàn thiện nhất và cấu tứ thẩm mỹ nhất trong số tất cả kinh điển Phật giáo."
Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm thuộc dòng Phương Quảng trong mười hai bộ kinh. Tương truyền kinh này gồm ba bản do mỗi thân Phật trong Tam thân Phật thuyết và được cất giữ ở Long Cung (cung loài Naga). Sau này, chỉ có bản kinh của Ứng thân (Phật Thích-ca Mâu-ni) được truyền lên nhân gian. Kinh này gồm 40 phẩm trải đều 81 quyển (Hán bản) trong đó quan trọng nhất là phẩm Nhập Pháp giới (phẩm 39) và phẩm Nhập Bất Tư Nghì Giải Thoát Cảnh Giới Phổ Hiền Hạnh Nguyện (phẩm 40, là một trong năm kinh điển căn bản của Tịnh Độ tông). Kinh Hoa Nghiêm được xem là kinh điển quan trọng nhất của Hoa Nghiêm tông.
Kinh là một trong số những kinh Phật dài nhất, là sự tổng hợp các bản văn khác nhau về các chủ đề khác nhau như con đường Bồ tát , sự tương thông của các hiện tượng (các pháp ), sự toàn giác của Phật tính, thần thông của chư Phật và chư Bồ tát, năng lực thị giác của thiền định, và sự bình đẳng của mọi thứ trong tính không.
Kinh nhấn mạnh đến tính "vô ngại" của mọi hiện tượng và chủ trương rằng tâm con người chính là vũ trụ và đồng thể với tâm Phật. Quan điểm này của Đại thừa hay được Thiền tông nhấn mạnh và vì thế, kinh này cũng thường được tông này nhắc đến.
Giáo pháp trong kinh này không phải do Phật Thích-ca trực tiếp truyền dạy – trong hội này Phật nói rất ít – mà là phát biểu của các dạng xuất hiện của Pháp thân (Tam thân). Sự im lặng của Phật Thích-ca biểu hiện tính Không và sự truyền dạy giáo pháp được hiểu là một dạng của Chân như, xuất hiện cho con người hiểu được. Tương truyền kinh này rất khó hiểu, chỉ các Đại Bồ Tát mới lĩnh hội được.
-
Lăng Nghiêm Kinh
Thủ Lăng nghiêm tam muội Kinh là một bộ kinh Đại thừa. Tên đầy đủ của kinh này là Phật nói Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội Kinh. Bộ kinh này thuộc Phật giáo Đại thừa thời kì đầu, nội dung rất tương quan với kinh Duy-ma-cật sở thuyết. Tam-muội có nghĩa là thiền định, là trạng thái của tâm tập trung chuyên nhất vào một điểm. Trạng thái định được đề cập trong kinh này là Thủ lăng nghiêm.
Gọi là Kiện hành vì bất kì ai đã có được đại định này thì dù ở trong bất kì hoàn cảnh nào cũng có phong cách của vị kiện tướng, sẽ không gặp bất kì trở lực nào. Kinh này chắc thật có nguồn gốc từ Ấn Độ, nhưng nay chúng ta chỉ còn có vài bản tiếng Phạn không hoàn chỉnh: hai phần trích dẫn trong Tập Bồ Tát học luận của Tịch Thiên và một số trang bản thảo được khám phá ở miền Tây xứ Turkestan. Bản kinh hoàn chỉnh được lưu hành hiện nay nhờ hai bản dịch: một do Cưu-ma-la-thập dịch sang tiếng Hán có lẽ vào khoảng từ năm 402–409, và một bản dịch tiếng Tây Tạng vào khoảng đầu thế kỉ thứ 9 được xem là do sự hợp tác của học giả Ấn Độ Thích-ca Quang và các nhà chú giải Trung Hoa khác. Những bản dịch này nay đã thất lạc, chúng ta chỉ còn được biết đến tên kinh.
Kinh cũng khai triển sự phân biệt giữa ý thức phân biệt và chân tâm phổ cập (chứng ngộ trọn vẹn như trong tựa) hiện diện không phân biệt trong tất cả các pháp. Kinh có những chỉ dẫn cụ thể liên quan đến thiền định, miêu tả 57 giai đoạn đến cảnh giới Bồ Tát, giải thích rõ ràng về nghiệp và tái sinh, cũng như sự trình bày 50 "tâm giới" ma quỷ mà người tu tập có thể gặp phải trên con đường tâm linh. Theo Thiền sư Hám Sơn Đức Thanh (triều đại nhà Minh), Kinh Lăng Nghiêm chỉ có thể được thông hiểu gián tiếp qua tri giác trung thực nhờ tu tập "Du già hiện sự", bằng cách loại trừ mọi dấu vết của sự phân biệt có ý thức.
-
Kinh Dược Sư
Kinh Dược Sư được nhà sư Phật giáo Trung Quốc Huyền Trang đã đến thăm một tu viện ở Bamiyan, Afghanistan vào thế kỷ thứ 7 CN. Các mảnh bản thảo của một số bộ kinh Dược sư đã được phát hiện tại địa điểm này.
Kinh này, đức Phật chỉ dạy cho ta mỗi khi đau ốm phải tìm thầy, chạy thuốc chữa bệnh. Thêm vào đó một phương pháp chữa bệnh linh nghiệm không kém, đó là sức tin tưởng. Tụng danh hiệu đức Ðông Phương Giáo Chủ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật tức là cầu tìm đúng thuốc chữa đúng căn bệnh của mình, không tin những tà ma yêu nghiệt, những bọn thầy pháp chuyên đem chuyện mê tín dị đoan chữa bệnh khiến phải sa đọa vào vòng hoạnh tử. Lại nữa, trong kinh Dược Sư khuyên ta không được nghe sằng, tin nhảm làm bùa làm phép lung tung, giết hại sinh vật cúng cấp thần linh, ma quái. Nếu làm những chuyện như thế chỉ khiến gia tăng tội lệ mà bệnh không những không khỏi, đôi khi còn bị chết oan là khác.
Vậy phương pháp tụng kinh Dược Sư là tăng trưởng lòng tin chân chính của mình mà chữa bệnh cho chính mình, đồng thời phải lo thuốc thang chạy chữa và tránh những kẻ yêu ma lòe bịp cúng thần tróc quỷ, mới mong bệnh hoạn mau lành.
Ðiều cốt yếu là khi tụng kinh này tưởng nên theo phương pháp “tự tha hổ trợ” nghĩa là dùng sức mình tin tưởng và sức người giúp đỡ, sức người tức là sự minh y của ông thầy thuốc hiệp với sức kỳ nguyện của những người tụng kinh thì nhất định mau khỏi bệnh vậy.
-
Kinh lương hoàng sám
Phàm là người sanh trong cõi Dục này, trừ các bực đã hoàn toàn giác ngộ, thì không một ai tránh khỏi lỗi lầm, bởi ba nghiệp gây nên. Các tội lỗi dã từ ba nghiệp phát sanh, nên người muốn dứt trừ hết tội lỗi, tất nhiên phải đem ba nghiệp ấy để sám hối, thì tội lỗi mới được thanh tịnh.
Toàn bộ kinh này là những lời sám nguyện giải trừ mọi điều tội lỗi. Còn gọi là kinh Ðại Sám. Nội dung kinh này khá dài, nguyên nhân trước thuật kinh này là vì vua Lương Vũ Ðế xưa không tin Phật pháp, chỉ tin ngoại đạo. Thuở còn hàn vi, có vợ là Hy-thị, nhân sự ghen tuông mà tự trầm mình dưới giếng. Ðến khi Lương Vũ Ðế lên ngôi vua thì Hy-thị hóa làm con rắng mãng xà quấy rối cung vi.
Thỉnh khắp các hàng Thuật sĩ đến chú nguyện mà không công hiệu. Sau có Tề Công Trưởng Lão dạy làm đàn tràng sám nguyện cầu rửa tội khiên ác độc nên nhờ đó Hy-thị hiện thân tạ ơn là đã thác sinh. Từ đấy Lương Vũ Ðế mới tin theo Phật pháp, ví vậy mà tập Kinh Sám Nguyện này đặt tên là Lương Hoàng.
Cũng vì tụng kinh này rũ sạch được mọi tội lỗi nên nay thường tụng trong việc báo hiếu cha mẹ hoặc ngày giỗ chạp gia tiên.
-
Kinh Địa Tạng Bồ Tát
Địa Tạng hay Địa Tạng Bồ Tát là một vị Phật trong Phật giáo. Theo Kinh điển Phật giáo lưu lại, Địa Tạng Bồ Tát là một Tì kheo đã phát lời nguyện cứu độ tất cả chúng sinh trong lục đạo luân hồi vào thời gian sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Niết bàn cho đến khi Bồ tát Di Lặc hạ sinh, và nguyện không chứng đăc Phật quả nếu không làm cho địa ngục trống không. Ngài Địa Tạng Bồ Tát chính là vị Phật của tất cả chúng sinh nơi địa ngục hay được gọi là Giáo chủ cõi U Minh, phổ độ chúng sinh ở cõi U Minh tối tăm.
Kinh này được cho là đã được Đức Phật nói vào cuối cuộc đời của Ngài với các chúng sinh của cung trời Đao Lợi như một sự tri ân và tưởng nhớ đối với người mẹ yêu dấu của Ngài, Maya.
Kinh này thuật lại lời Phật chỉ dạy cho các đệ tử biết nguyện lực của một vị Bồ Tát vô cùng cao rộng:” địa ngục vị không, thệ bất thành Phật”nghĩa là địa ngục mà còn người, ngài thề chưa thành Phật, vị đó là ngài Ðịa Tạng Bồ Tát.
Cũng do nguyện lực đó mà ngài Ðịa Tạng thường cứu độ chúng sanh trong cõi ngục tù tăm tối. Cho nên kinh này có công năng siêu độ cho thất tổ, cửu huyền và tất cả chúng sanh khổ ách.
Yếu lý của kinh này là nhân nguyện lớn của Bồ Tát, mình cũng phải phát tâm Bồ đề, tâm lặng tức là thoát khỏi địa ngục, tụng kinh cầu nguyện là lấy sức thần giao cách cảm của mình linh ứng với những linh giác chưa được siêu thoát, nhờ uy lực và thần lực sẽ được siêu thăng. Cho nên tụng kinh Ðịa Tạng có thể đưa người ở chốn tam đồ lục đạo đến nơi bát đức vậy.